Hội thảo quốc tế “60 năm quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam: nhìn lại và hướng tới”

17:00 24/11/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam, sáng ngày 24/11/2022, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội diễn ra buổi Hội thảo quốc tế “60 năm quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam: nhìn lại và hướng tới”. Hội thảo do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm -VASS) và Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào (LASES) phối hợp tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại hai điểm cầu VASS và LASES. Hội thảo là cơ hội để cả hai nước cùng nhìn nhận, đánh giá lại những thành tựu cũng như hạn chế đối với quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành Viện Hàn lâm,

Chủ trì Hội thảo tại điểm cầu VASS phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo, tại điểm cầu VASS có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành Viện Hàn lâm, chủ trì Hội thảo cùng đại diện một số lãnh đạo và các nhà khoa học của các đơn vị thuộc, trực thuộc Viện Hàn lâm; tại điểm cầu LASES có TS. Amphayvanh Khamsengsivilay, Phó Chủ tịch LASES, đồng chủ trì Hội thảo và các lãnh đạo, chuyên gia của các đơn vị thuộc LASES.

Quan hệ giữa Việt Nam và Lào là mối quan hệ láng giềng truyền thống vốn có từ xa xưa trong lịch sử. Mối quan hệ này trở nên gắn bó keo sơn kể từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời vào năm 1930 và trở thành mối quan hệ đặc biệt từ khi hai nước cùng tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân, đế quốc và bắt tay vào xây dựng đất nước từ năm 1975 đến nay. Đây là mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Xuphanuvong đặt nền móng xây dựng và được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước ra sức dày công vun đắp. Trải qua 60 năm gắn bó chính thức bởi quan hệ ngoại giao (1962-2022), mối quan hệ này đã vượt qua muôn vàn thử thách, không ngừng được củng cố, tăng cường và phát triển, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cuộc cách mạng hai nước, đồng thời mang lại hòa bình, thống nhất, độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ và hạnh phúc cho cả hai dân tộc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành VASS, chủ trì Hội thảo tại điểm cầu VASS vui mừng chào đón sự tham dự của các đại biểu, nhà khoa học của VASS và LASES. TS. Đặng Xuân Thanh cho biết, quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam là mối quan hệ quốc tế mẫu mực, trong sáng, thủy chung hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế đương đại. Đây là mối quan hệ song phương đã trải qua vô vàn gian khó của chiến tranh và luôn bị thực dân, đế quốc và các thế lực thù địch tìm mọi cách phá hoại, chia rẽ nhưng nó vẫn luôn vững chãi như bức thành đồng, như dải Trường Sơn hùng vĩ gắn kết hai đất nước. Các thế hệ người Việt Nam và người Lào từ gần một thế kỷ nay luôn ý thức được rằng, quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam là tiền đề và điều kiện tiên quyết cho mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của mỗi nước. Mối quan hệ đặc biệt này đã thấm sâu vào con tim, khối óc của từng thế hệ người Việt Nam và Lào. Nó là di sản, tài sản vô giá của cả hai Đảng và hai dân tộc trên dặm dài lịch sử, trong quá khứ cũng như trong hiện nay.

TS. Đặng Xuân Thanh khẳng định, mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt này được gìn giữ và phát huy như ngày hôm nay là kết quả của sự hy sinh vun đắp của hai dân tộc anh em, giữa hai Đảng, hai nhà nước Việt Nam – Lào và đặc biệt là của các thế hệ cha anh đi trước. Tại Hội thảo này, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành VASS mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học của VASS, LASES cùng nhận diện những thách thức, chỉ rõ những vấn đề đặt ra và phương hướng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới nhằm thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, tiếp tục phát triển rực rỡ trong tương lai. Hơn nữa, đây cũng là dịp để mở rộng tăng cường quan hệ hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu trong VASS với các đơn vị nghiên cứu của LASES.

TS. Amphayvanh Khamsengsivilay, Phó Chủ tịch LASES,

đồng chủ trì Hội thảo tại điểm cầu LASES phát biểu tại Hội thảo

Tiếp lời TS. Đặng Xuân Thanh, TS. Amphayvanh Khamsengsivilay, Phó Chủ tịch LASES, Chủ trì Hội thảo tại điểm cầu LASES bày tỏ sự vui mừng về sự hợp tác giữa 2 đơn vị nghiên cứu LASES và VASS trong suốt thời gian qua, và hôm nay cùng phối hợp tổ chức Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt này trong bầu không khí hữu nghị tình đoàn kết, kỉ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào. Hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông không chỉ chung sống trong hòa bình mà còn cùng nhau chống giặc ngoại xâm, sự thống trị của đế quốc và chế độ phong kiến… Mối quan hệ này trở thành khối đoàn kết liên minh chiến đấu.

Ôn lại lịch sử về mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân, từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập năm 1930 do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, TS. Amphayvanh Khamsengsivilay cho rằng, trong suốt hơn 70 năm qua, hai dân tộc đã luôn kề vai sát cánh trong cuộc chiến đấu ác liệt và hy sinh gian khổ. Mối tình gắn bó giữa hai dân tộc được phát huy cao độ bởi sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương, tiếp đó là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, bởi sự vun trồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong. Với tinh thần quốc tế cao cả, giúp đỡ nước bạn là giúp đỡ chính mình, nhân dân Việt Nam anh em đã gửi con em sang giúp cách mạng Lào. Các cán bộ và quân tình nguyện Việt Nam đã vượt qua dãy Trường Sơn sang Lào, nâng cao tinh thần quốc tế hy sinh vì cách mạng, độc lập của nhân dân Lào và vì Cách mạng, nền độc lập của đất nước Việt Nam là tấm gương trong sáng thủy chung hiếm có, như lời của Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt lâu dài, toàn diện như vậy… Đó là một thực tế khách quan, một quy luật phát triển của cách mạng hai nước chúng ta”. Bước vào giai đoạn mới, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động song mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào vẫn mãi sắt son, không ngừng phát triển. Hai dân tộc luôn dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ chí nghĩa, chí tình trên tinh thần đồng chí anh em.

TS. Amphayvanh Khamsengsivilay mong muốn, Hội thảo là cơ hội để cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ được học tập, nghiên cứu, nắm vững và tiếp tục phát huy truyền thống mối quan hệ hữu nghị vĩ đại và rất đặc biệt giữa Lào – Việt Nam ngày càng thắt chặt và sâu sắc hơn.  Đồng thời chủ động đánh lùi âm mưu phá hoại và chia rẽ khối đoàn kết Lào – Việt Nam của các thế lực thù địch nhằm vào bảo vệ thành quả cuộc cách mạng của chúng ta, từ đó đưa đất nước đến phồn vinh. Qua đó, góp phần hoàn thiện đường lối đổi mới của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào – Việt Nam.

TS. Phammanh Siphanhxay Quyền Viện trưởng,

Viện Nghiên cứu Lịch sử và Khảo cổ học, LASES chủ trì Phiên 1

Hội thảo chia thành 02 phiên với 09 bài tham luận được trình bày. Phiên thứ nhất  với chủ đề “Quan hệ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng: Thành tựu và triển vọng” do TS. Phammanh Siphanhxay Quyền Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Lịch sử và Khảo cổ học, LASES làm chủ trì. Tại phiên này, các đại biểu được nghe 04 báo cáo của các diễn giả: PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và TS. Nghiêm Tuấn Hùng, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (VASS); ThS. Xaysana Lavilay, Viện Nghiên cứu Chính trị học và ThS. Sonexay Yasouli, Viện Nghiên cứu Lịch sử và Khảo cổ học, (LASES).

PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, VASS chủ trì Phiên thứ 2

Phiên thứ hai với chủ đề “Quan hệ kinh tế, văn hóa – xã hội: Thành tựu và Triển vọng” do PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, VASS chủ trì.  Trong đó, có 05 báo cáo được trình bày bởi các diễn giả: TS. Trương Duy Hòa và TS. Lê Thị Hòa Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (VASS); ThS. Phetsay Piathep, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển doanh nghiệp, ThS. Bounxayxong Nengsayu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa và ThS. Bountheng Sanphommachan, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu xã hội học (LASES).

Các diễn giả báo cáo tại Hội thảo

Sau phần trình bày của các diễn giả, các đại biểu tham dự Hội thảo từ hai điểm cầu đã tập trung thảo luận sôi nổi về một số vấn đề: (i) Cách thức giáo dục cho thế hệ trẻ của hai nước nhằm phát huy truyền thống quý báu về mối quan hệ Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào trong bối cảnh mới từ đó nêu cao tinh thần cách mạng và các mối quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi bền vững trong tương lai; (ii) Định hướng hợp tác trong đào tạo tiếng Lào cho người Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh giáp biên giới tạo nền tảng hợp tác sâu hơn và rộng hơn về thương mại, đầu tư và giao thông…;(iii)  Định hướng phát triển mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào cả về chiều sâu và chiều rộng  trong bối cảnh khu vực và quốc tế có những biến đổi khó lường, đặc biệt là tình hình xung đột giữa Nga – Ukraina…

Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu VASS

Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu LASES

Với bầu không khí hữu nghị, thắm tình đoàn kết, Hội thảo đã thành công tốt đẹp, các đại biểu và diễn giả tham dự đều có tinh thần và trách nhiệm cao, tập trung trí tuệ và góp phần làm cho Hội thảo có nội dung khoa học phong phú. Qua lắng nghe các ý kiến và sự chỉ đạo của Lãnh đạo hai cơ quan, các đại biểu thấy rõ hơn mối quan hệ vĩ đại và tình đoàn kết đặc biệt hợp tác toàn diện, nhân tố quyết định thắng lợi cuộc cách mạng cũng như sự tồn tại và phát triển của hai nước, hai Đảng và nhân dân hai nước. Việc tổ chức Hội thảo này, có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội và hợp tác quốc tế góp phần hoàn thiện đường lối đổi mới của hai Đảng và nhân dân hai nước Lào – Việt Nam, góp phần vun đắp mối quan hệ tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước ngày càng bền chặt. Hy vọng hai nước tiếp tục tăng cường phát huy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đặc biệt là hợp tác toàn diện truyền thống, là nhân tố quyết định thắng lợi, nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào mãi mãi bền vững./.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại điểm cầu VASS

Nguyễn Minh Hồng

 

In trang Chia sẻ

Tin khác