Bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Văn học: “Thơ Mới (1932 -1945) từ góc nhìn phê bình sinh thái”

17:00 09/09/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 09 tháng 9 năm 2020, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, NCS. Bùi Thị Thu Thủy đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Văn học; Chuyên ngành: Lý luận văn học; Mã số: 9 22 01 20; Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lưu Khánh Thơ và TS. Phạm Phương Chi.

Phát biểu tại buổi Lễ, NCS. Bùi Thị Thu Thủy cho biết: Luận án được thực hiện nhằm xem xét phê bình sinh thái (một hướng tiếp cận văn học xuất phát từ phương Tây) để tìm hiểu những điểm giống và khác biệt trong sự tương quan với văn học Việt Nam, đặc biệt là với Thơ mới. Qua đó khẳng định được sự gắn kết của trường phái thơ này với các vấn đề môi sinh, môi trường và tự nhiên. Từ đó, nhấn mạnh được giá trị trường tồn và sự đa diện của Thơ mới ngay cả khi được khám phá dưới những cách tiếp cận xuất hiện sau sự ra đời và phát triển của nó rất nhiều.

NCS. Bùi Thị Thu Thủy chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng nghiệm thu tại buổi Lễ

Đánh giá những đóng góp mới của Luận án, Hội đồng cho rằng luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống về Thơ mới từ lý thuyết phê bình sinh thái; Trên cơ sở tổng thuật, phân tích, đánh giá chi tiết, cụ thể các công trình nghiên cứu phê bình sinh thái trên thế giới và Việt Nam, Luận án đã chỉ ra vị trí và xu hướng phát triển của phê bình sinh thái nước nhà trong thời gian hiện nay; Đồng thời, chỉ ra những giá trị đa diện, ý nghĩa của Thơ mới dưới sự soi chiếu của lý thuyết phê bình sinh thái.

Nhận định đây là công trình đầu tiên khám phá trên những bình diện cơ bản về mối quan hệ con người và tự nhiên trong Thơ mới: Tự nhiên với tư cách như một khách thể và như là chủ thể;  Đồng thời, luận án còn khám phá hệ thống ngôn ngữ sinh thái cùng các biểu tượng cơ bản trong Thơ mới: Biểu tượng vườn, biểu tượng rừng...

Về mặt lý luận Luận án tập trung trả lời câu hỏi Thơ mới có thể đóng góp gì cho phê bình sinh thái, tức là khi được xét trong trường hợp cụ thể là thơ ca về thiên nhiên của Thơ mới thì phê bình sinh thái có thể cần phải bổ sung điều gì; từ trường hợp của Thơ mới, có thể quay lại để bình luận, bàn luận thêm về phê bình sinh thái. Qua đó làm rõ một lí thuyết lý luận văn học của thế giới, được sinh ra trong một bối cảnh lịch sử xã hội khác Việt Nam, khi đem quy chiếu đến thơ ca Việt Nam - vốn cũng được ra đời trong một bối cảnh lịch sử xã hội đặc trưng - chắc chắn sẽ có nhiều điểm khập khiễng, không phù hợp. Vì vậy, nghiên cứu Thơ mới từ góc nhìn phê bình sinh thái sẽ cho thấy sự chưa phù hợp này sẽ là một đóng góp về lí luận của đề tài và Thơ mới vì thế cũng có thêm giá trị lí luận. Luận án khẳng định rằng phê bình sinh thái cũng chỉ là một hướng tiếp cận mới đối với Thơ mới, giống như các cách tiếp cận khác đã từng được dùng để tiếp cận bộ phận thơ ca này. Do vậy, lí thuyết phê bình sinh thái sẽ góp phần soi tỏ những khía cạnh khác nhau của khuynh hướng văn chương sinh thái trong Thơ mới. Theo đó, Thơ mới  được hình dung như một trường hợp để chứng minh sự hữu dụng của phê bình sinh thái trong việc nghiên thực tiễn văn học Việt Nam.

Về mặt thực tiễn, Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho những người quan tâm và nghiên cứu về phê bình sinh thái cũng như muốn khám phá thêm những giá trị của Thơ mới (1932 -1945).

Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua./.

Phạm Vĩnh Hà

(Nguồn Học viện KHXH)

In trang Chia sẻ

Tin khác