Nhằm ngày giữa xuân, thứ Bảy (18/3/2023), đoàn cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Chủ tịch TS. Phan Chí Hiếu dẫn đầu đã có chuyến công tác về thăm chiến khu Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang). Thật may, đoàn có thêm lão đồng chí PGS.TS. Trần Đức Cường, đương kim Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cùng tham dự… Nói là chuyến công tác cho sang chứ thực là công việc “ba trong một”. Thứ nhất, đoàn về thăm khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào, nơi Bác Hồ từng làm việc và cùng Quốc dân Đại hội quyết định lệnh tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945, lại cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng Cộng sản, Chính phủ làm việc trong thời kỳ chống Pháp (1946-1954)… Thứ hai, đoàn về thăm khu Lưu niệm Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học (Ban Sử Địa Văn/Văn Sử Địa), tiền thân Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay, nhân chuẩn bị ngày lễ trọng Kỷ niệm 70 năm thành lập Viện (1953-2023)… Thứ ba, qua mấy năm dịch Covid-19, nay mới có dịp hội quân, các ban ngành đoàn thể (Công đoàn, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Thanh niên…) bớt chút ngày cuối tuần kết hợp chuyến du xuân, ngoạn cảnh, giao lưu, thêm đoàn kết, thêm vui. Công việc “ba trong một”, quy kinh phí, tính ra tiền thì thật quá rẻ.
|
|
Về với chiến khu Tân Trào, trước hết đoàn đến thăm Khu Tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng ở Tân Trào mới thấy các đoàn đến đông quá, khắp trong Nam ngoài Bắc, miền xuôi miền ngược, nơi xa nơi gần. Nhiều nhất là các đoàn cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên. Lại có từng đoàn học sinh trung học, tiểu học, cả mẫu giáo nữa, mặc đồng phục, xếp hàng dài. Theo quy định, đoàn đăng ký thứ tự với Ban Tổ chức Khu tưởng niệm rồi xếp hàng, dâng hoa, thắp hương tưởng niệm. Chủ tịch Phan Chí Hiếu dẫn đoàn đến từng điểm di tích đều phát biểu và đặc biệt nhấn mạnh thế hệ các nhà khoa học hôm nay sẽ tiếp nối xứng đáng truyền thống cha ông.
Thăm Khu tưởng niệm, mọi người thành kính chiêm ngưỡng tượng các vị tiền bối cách mạng. Lại ngẫm nghĩ, vào khoảng giữa năm 1945 ấy, ngoài các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Chu Văn Tấn, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt… đang hoạt động ở Tân Trào và ngoài Bắc, còn nhiều đồng chí ở phương Nam xa xôi như Nguyễn Chí Thanh, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt… vẫn kịp về dự Quốc dân Đại hội. Đường sá xa xôi, thông tin khó khăn, lại còn phải trốn tránh sự dò xét, theo dõi của quân Nhật, Pháp và mọi thế lực khác. Kính phục các vị tiền bối cách mạng về mọi điều.
Đoàn qua thăm cây đa biểu tượng Khu cách mạng Tân Trào, thăm lán Nà Nưa nơi Bác ở, thăm lán Hội nghị cán bộ toàn quốc, lán Cảnh vệ, lán Đồng minh, lán Điện đài rồi qua thăm Nhà bia lưu niệm Ban Văn Sử Địa, thành lập tháng 12-1953 (ngay bên cạnh có điểm di tích Nhà xuất bản Sự thật). Đọc sách truyền thống về Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì biết rằng những cán bộ đầu tiên tham gia Ban Văn Sử Địa ngày ấy có các nhà khoa học: Trần Huy Liệu (Trưởng ban), Minh Tranh, Tôn Quang Phiệt, Hoài Thanh (Ủy viên) và Trần Đức Thảo, Vũ Ngọc Phan… Lại nhớ hồi ức của Giáo sư Văn Tạo (1926-2017), nguyên Viện trưởng Viện Sử học, năm ấy là cán bộ trẻ vừa 27 tuổi mới được điều tăng cường cho Ban: “Tuy với danh nghĩa là một Ban trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng nhưng vì vừa mới thành lập chưa được một tháng, nên chưa có trụ sở. Chúng tôi còn phải ở nhờ trụ sở của Ban Biên tập Nhà xuất bản Sự thật do đồng chí Minh Tranh, một trong năm ủy viên Ban Sử Địa Văn phụ trách. Sang đầu năm 1954, chúng tôi phải lên rừng lấy tranh, tre, nứa, lá để dựng lên một căn nhà khoảng 16 thước vuông chia làm 4 phần (nơi mà nay dựng bia lưu niệm). Một phần cho đồng chí Trần Huy Liệu là Trưởng ban, một phần cho Giáo sư Trần Đức Thảo mới ở Pháp về, là ủy viên Ban, một phần cho hai thanh niên chúng tôi và một phần làm Văn phòng Ban. Tổ đảng được sinh hoạt ghép với chi bộ Ban Biên tập Nhà xuất bản Sự thật (trực thuộc Đảng bộ Ban Tuyên huấn Trung ương) do đồng chí Minh Tranh làm Bí thư chi bộ” (Đồng chí Trường Chinh với sự ra đời của Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học - Tiền thân của Ủy ban khoa học xã hội, 1993)… Bây giờ, khu bia Lưu niệm khá rộng rãi, sạch đẹp, có sân, có bia và nhà bia khang trang. Xung quanh yên tĩnh. Bên này là đồng lúa. Phía bên kia có mấy cây cổ thụ, gần cánh rừng.
Lại nhớ nhân dịp Kỷ niệm 55 năm thành lập Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1953-2008), Viện Văn học có tổ chức Hội thảo “Thành tựu nghiên cứu ngữ văn từ Văn Sử Địa đến nay”. Còn nhớ các tham luận và ý kiến bàn trực diện về quá trình hình thành, phát triển của tập san Nghiên cứu Văn Sử Địa cũng như chính nội dung, ý nghĩa của các công trình khoa học đã đăng tải trên tập san qua 48 số, từ năm 1954 đến đầu năm 1959. Là bậc cao niên, nhà nghiên cứu lão thành, Giáo sư Văn Tạo với tham luận Ngành Văn trong Ban Văn Sử Địa đã ghi lại những chi tiết chuẩn xác, sống động về những ngày đầu thành lập Ban, từ các sáng lập viên đến quá trình thay đổi nhân sự, từ dự định tôn chỉ, mục đích ban đầu đến việc điều chỉnh phạm vi, định hướng nghiên cứu, từ cơ cấu liên ngành đến việc nhấn mạnh vai trò các chuyên ngành và đội ngũ người viết, số lượng và chất lượng các mục bài. Giáo sư Văn Tạo không chỉ góp phần vào việc hiểu lại, hiểu đúng và đưa đến bài học kinh nghiệm về lịch sử giai đoạn khởi nguồn của Viện Khoa học xã hội Việt Nam tính đến thời điểm năm 2008 mà còn là “người trong cuộc” với tất cả những chứng cứ lịch sử đầy đủ, chính xác, đồng thời đã khơi gợi lại không khí hoạt động khoa học sôi nổi thuở ban sơ của nền Dân chủ Cộng hòa. Với tình cảm chân thành, Giáo sư Văn Tạo đã nhắc đến tên tuổi các bậc đàn anh như Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Minh Tranh, Trần Đức Thảo, Vũ Ngọc Phan và biết bao các nhà nghiên cứu cộng tác viên khác, khiến thế hệ hậu sinh cùng ngậm ngùi xúc động và ghi nhớ công lao của lớp người đi trước, khai phá, mở đường.
Lúc quay trở ra, có cô gái nhà sát bên nhà bia Lưu niệm đon đả ra chào, trước là chào ông, chào bác rồi chào anh. Cô kể chuyện, đại khái: “Em tên Trịnh Thị Hải là con bố Trịnh Văn Bình. Ông em là Trịnh Đình Điểm, gốc quê Nam Định. Thời năm 1953-1954, ông em có làm liên lạc, cơm nước, giúp việc cho các ông cán bộ Ban Văn Sử Địa. Nhà em vẫn trông nom nhà Lưu niệm đây”…
Về thăm chiến khu cách mạng Tân Trào, đúng là:
Về nguồn thắm đỏ tím vàng,
Gốc đa lại trổ mấy hàng đa xanh.
Tưởng bao tiền bối lưu danh,
Đường xưa lối nhỏ vòng quanh cuối chiều...
Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2023
Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học)