Trung tâm Phân tích và Dự báo

17:00 16/07/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Trung tâm Phân tích và Dự báo, tên giao dịch tiếng Anh là The Centre for Analysis and Forecasting (CAF), là cơ quan nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, được chính thức thành lập theo Nghị định số 26/2004/NĐ-CP ngày 15/01/2005 và Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26/02 /2012 của Chính phủ.

Với đội ngũ ban đầu gồm 12 cán bộ nghiên cứu từ Viện Kinh tế Việt Nam và một số viện nghiên cứu khác chuyển sang, đến nay, đội ngũ cán bộ của Trung tâm gồm 21 cán bộ với 5 tiến sĩ, 8 thạc sỹ và 8 cử nhân được đào tạo chủ yếu về chuyên ngành kinh tế ở trong và ngoài nước.

Về cơ cấu tổ chức, Trung tâm Phân tích và Dự báo gồm có: Phòng Tổ chức - Hành chính, Phòng Thông tin - Thư viện và 5 phòng nghiên cứu: Phòng Dự báo tổng hợp, Phòng Vi mô ứng dụng, Phòng Các vấn đề phát triển, Phòng Hội nhập quốc tế và Phòng Nghiên cứu thể chế.

Trung tâm Phân tích và Dự báo có chức năng nghiên cứu, phân tích tác động và dự báo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước; thực hiện đào tạo và tư vấn khoa học về những vấn đề kinh tế - xã hội theo yêu cầu của các tổ chức trong và ngoài nước.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm theo Quyết định của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quy định:

1. Trình Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển của Trung tâm Phân tích và Dự báo và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của Việt Nam từ góc độ kinh tế học; góp phần làm sáng rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

3. Kết hợp nghiên cứu với đào tạo đội ngũ chuyên gia về chuyên ngành kinh tế, tham gia đào tạo đại học và sau đại học, góp phần phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các tổ chức khác ở trong và ngoài nước.

4. Góp ý và phản biện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương theo sự phân công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

5. Tổ chức tư vấn khoa học và thực hiện cung cấp dịch vụ công về những vấn đề kinh tế - xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Phân tích và Dự báo.

6. Hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo theo quy định hiện hành.

7. Ký kết thực hiện các hợp đồng nghiên cứu và ứng dụng khoa học với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và các quy chế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

8. Trao đổi thông tin khoa học với các cơ quan trong nước và nước ngoài theo quy định; quản lý tư liệu, thư viện của Trung tâm Phân tích và Dự báo; xuất bản các ấn phẩm khoa học; phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học và truyền bá kiến thức khoa học.

9. Quản lý về tổ chức, bộ máy, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số người làm việc trong đơn vị; tài sản và kinh phí của Trung tâm Phân tích và Dự báo theo quy định của Nhà nước và theo sự phân cấp quản lý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

10. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Các hoạt động nghiên cứu của Trung tâm Phân tích và Dự báo được thực hiện thông qua các chương trình, đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ, hợp tác với các địa phương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các viện, các trường đại học trong và ngoài nước. Các đối tác chính của Trung tâm bao gồm: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Trung tâm Phát triển quốc tế Canada (IDRC), Khoa Phát triển quốc tế - Đại học Oxford, Ford Foundation, Viện Phát triển quốc tế, Anh (ODI), v.v…

II. NHỮNG ĐÓNG GÓP CHỦ YẾU

Là một cơ quan mới được thành lập không lâu, nhưng Trung tâm Phân tích và Dự báo đã có chỗ đứng trong danh sách các cơ quan nghiên cứu về những vấn đề kinh tế  - xã hội của Việt Nam. Không chỉ vậy, Trung tâm Phân tích và Dự báo đã có những đóng góp nhất định trên cả ba lĩnh vực: nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách.

1. Đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu

Các công trình nghiên cứu được thực hiện thông qua các đề tài cấp nhà nước và cấp bộ là những sản phẩm khoa học đầu tiên cần được kể đến. Trung tâm đã thực hiện và bảo vệ thành công nhiều đề tài cấp nhà nước và cấp bộ như Những giải pháp thúc đẩy tỉnh, thành phố và doanh nghiệp phát triển sau khi Việt Nam gia nhập WTO (đề tài cấp Nhà nước 2005-2008); Phân tích kinh tế Việt Nam 2006-2008 và dự báo phát triển cho 2009 - 2010 (đề tài cấp Bộ 2007 - 2008); Phân tích và đánh giá sự phát triển kinh tế của Việt Nam 2006 - 2010 và dự báo giai đoạn 2011 - 2020 (đề tài cấp Bộ 2008 - 2010); Phân tích và dự báo tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và các giải pháp ứng phó của Việt Nam năm 2009 (đề tài cấp Bộ năm 2009); Phân tích và dự báo tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và các giải pháp ứng phó của Việt Nam năm 2010 (đề tài cấp Bộ năm 2010), Một số giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2015 (đề tài cấp Bộ năm 2011). Bên cạnh đó, Trung tâm có nhiều công trình khoa học được thực hiện với sự hợp tác khoa học với các tổ chức trong và ngoài nước. Nhiều công trình khoa học của Trung tâm được  đăng  trên các tạp chí trong và ngoài nước, đăng thành sách tiếng Việt và tiếng Anh và được các độc giả đánh giá cao.

Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng được mô hình dự báo và cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác dự báo các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản ngắn hạn và trung hạn, được sử dụng làm đầu vào cho các báo cáo của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước. 

              2. Đóng góp trong lĩnh vực đào tạo

Là một cơ quan nghiên cứu khoa học, Trung tâm thường xuyên tổ chức các khóa học ngắn hạn trong khuôn khổ các dự án hợp tác khoa học với các tổ chức quốc tế. Các khóa học ngắn hạn này chủ yếu nhằm cung cấp các kỹ năng nghiên cứu hiện đại, kỹ năng viết báo cáo nghiên cứu và báo cáo chính sách cho các  nghiên cứu viên và các giảng viên trẻ làm việc tại các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường đại học trên cả nước và của 2 nước bạn Lào và Campuchia.

Đối với cán bộ nghiên cứu trẻ của Trung tâm, Trung tâm đã rất chú trọng đến việc nâng cao năng lực của họ bằng hình thức đào tạo vừa học vừa làm. Hình thức này được áp dụng một cách có hiệu quả ở Trung tâm, thông qua việc các cán bộ trẻ tham gia vào các đề tài/dự án trực tiếp nhận một mảng nghiên cứu và thực hiện dưới sự hướng dẫn của cán bộ nghiên cứu có kinh nghiệm của Trung tâm hoặc các chuyên gia nước ngoài. Nhiều cán bộ đã trưởng thành vượt bậc từ quá trình đào tạo này.

 Bên cạnh đó, Trung tâm đã tích cực tìm kiếm cơ hội đào tạo tiến sĩ cho cán bộ trẻ của mình thông qua việc thực hiện dự án hợp tác nghiên cứu với các tổ chức nghiên cứu nước ngoài. Đã có một số cán bộ trẻ của Trung tâm đã, đang và sẽ  được học chương trình đào tạo tiến sĩ ở Pháp theo mô hình đào tạo tiến sĩ được thực hiện theo hình thức phối hợp, với  một phần thời gian ở nước ngoài và một phần tại Việt Nam.

              3. Đóng góp trong lĩnh vực tư vấn chính sách

Trung tâm đã có đóng góp tích cực cho việc thực hiện tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt trong thời gian nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều biến động sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thường xuyên soạn thảo các báo cáo phục vụ các kỳ họp hàng tháng của Chính phủ và các Bản tin kinh tế theo yêu cầu của Ủy ban kinh tế của Quốc hội. Các phân tích đánh giá về kinh tế Việt Nam do Trung tâm thực hiện là đầu vào quan trọng của các báo cáo này.

III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

1. Duy trì hoạt động của một cơ quan nghiên cứu khoa học với 3 trụ cột

              a. Nghiên cứu:

- Thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Bộ;

- Thực hiện các dự án/chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức quốc tế, các trường, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước;

- Thực hiện các hợp đồng nghiên cứu với các đối tác trong và ngoài nước.

Trung tâm phấn đấu đạt chất lượng cao trong nghiên cứu, với các kết quả nghiên cứu được in thành sách, đăng tạp chí nghiên cứu trong nước và quốc tế, v.v…

              b. Tư vấn chính sách

Tiếp tục phát huy thành tích của Trung tâm trong những năm gần đây trong lĩnh vực tư vấn chính sách thông qua việc cung cấp các phân tích đánh giá và dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam làm đầu vào để Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam soạn thảo các báo cáo gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

              c. Đào tạo

- Chú trọng đào tạo cán bộ nghiên cứu trẻ của Trung tâm thông qua hình thức “vừa học vừa làm” trong thực hiện các Đề tài/dự án.

- Thực hiện việc đào tạo cán bộ nghiên cứu trẻ trong và ngoài cơ quan thông qua thực hiện nghiên cứu trong khuôn khổ các dự án hợp tác nghiên cứu với các tổ chức trong và ngoài nước.

2. Xây dựng một tập thể vững mạnh

Một môi trường làm việc dân chủ - thống nhất  - đoàn kết - chia sẻ đã dần được tạo dựng và tiếp tục được phát triển giúp cho Trung tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn và các nhiệm vụ khác.

3. Củng cố mối quan hệ chuyên môn với nhiều tổ chức trong và ngoài nước

Trung tâm đã phát triển được mạng lưới cộng tác viên rộng khắp ở bên ngoài. Trong điều kiện lực lượng cán bộ nghiên cứu của Trung tâm mỏng thì việc hợp tác có hiệu quả với các chuyên gia của các cơ quan bên ngoài là hết sức có ý nghĩa để Trung tâm có thể thực hiện được nhiều các đề tài/dự án/hợp đồng nghiên cứu khoa học. Củng cố mối quan hệ này là một trong những định hướng chiến lược của Trung tâm trong những năm tới. 

 

Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

In trang Chia sẻ

Tin khác