Tham dự tiếp đoàn cùng với Phó Chủ tịch LASES có TS. Khamphaeng Thipmountaly, Đảng ủy viên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội học, Phó trưởng đoàn; TS. Khammanh Siphanhxay, Đảng ủy viên, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử và Khảo cổ học; Ông Phanvongsa khampanya, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính trị học; Ông Phone Viphonhiane, Quyền Chánh Văn phòng LASES; TS. Keovichith khaukhamphithoune, Phó Chánh Văn phòng Quản lý khoa học; Ông Soudthaphone Chittanousone, Phó Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Văn phòng LASES, phiên dịch viên; Ông Phonesouk Khamvanthong, Chuyên viên Phòng Thư ký, Văn phòng LASES, Thư ký Phó Chủ tịch LASES; Ông Phoukhaothong phimbouathong, Chuyên viên Phòng Hợp tác quốc tế, Văn phòng LASES; Ông Silisith Xaysompheng, Chuyên viên Trung tâm Thông tin và Tập huấn, nhà báo.
|
Cùng tiếp đoàn với PGS.TS. Bùi Nhật Quang có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch VASS; ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế; TS. Nguyễn Đình Chúc, Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội; TS. Trần Tuấn Phong, Phó Viện trưởng Viện Triết học.
Thay mặt Lãnh đạo VASS, PGS.TS. Bùi Nhật Quang nhiệt liệt chào mừng đoàn đại biểu LASES đến thăm và làm việc tại Viện Hàn lâm. Chủ tịch trân trọng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với LASES trong thời gian qua. Thông qua buổi gặp mặt ngày hôm nay, Chủ tịch VASS mong muốn, hai bên sẽ kết nối lại các hoạt động hợp tác khoa học đã bị gián đoạn sau hai năm đối mặt với đại dịch Covid-19 bùng phát.
Đáp lời Chủ tịch Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch LASES Khanlasy Keobounphanh trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu từ phía VASS và mong muốn hai bên sẽ tiếp tục trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, tăng cường trao đổi học thuật và giao lưu học giả trong thời gian tới.
Thảo luận vấn đề hai bên cùng quan tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Bùi Nhật Quang và Phó Chủ tịch LASES nhấn mạnh những nội dung hợp tác trọng tâm:
Thứ nhất, hai bên cần tiếp tục duy trì trao đổi Đoàn các cấp theo MOU, khuyến khích các đơn vị trực thuộc chủ động tìm kiếm các nguồn lực để gặp gỡ giao lưu khoa học, giao lưu cán bộ trẻ định kỳ và giao lưu giữa các tổ chức đoàn thể xã hội.
Thứ hai, hai bên cùng xây dựng và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học theo các chủ đề cùng quan tâm hoặc do các cơ quan cấp trên giao (so sánh kinh nghiệm phát triển kinh tế- xã hội, so sánh biến đổi văn hóa hai nước trong quá trình phát triển và hội nhập, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, xóa đói giảm nghèo vùng biên giới, kết nối logistics và xây dựng chuỗi sản xuất khu vực GMS…)
Thứ ba, hai bên tiếp tục hợp tác duy trì các hội thảo khoa học quốc tế đa phương thường niên như hội thảo VASS- LASES- HCMA-NAPPA, VASS-LASES-RAC, VASS-LASES-RAC-KEI, hội thảo các nước Xã hội chủ nghĩa…; tổ chức các hội thảo song phương nhân các sự kiện chính trị quan trọng của hai nước. Bên cạnh đó VASS sẵn sàng cử các nhà khoa học sang LASES sinh hoạt chuyên đề theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp về các chủ đề theo LASES yêu cầu nhằm chia sẻ và trao đổi thông tin, tri thức.
Thứ tư, hai bên chia sẻ kinh nghiệm quản lý (xây dựng quy chế, quy trình, tổ chức quản lý văn phòng, quản lý khoa học, quản lý tài chính, tổ chức bộ máy và quản lý nhân sự, phát triển nguồn nhân lực và đội ngũ lãnh đạo kế cận, quản lý hoạt động đối ngoại cấp VASS và LASES…); chia sẻ kinh nghiệm tư vấn chính sách: cung cấp thông tin phục vụ hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương; chia sẻ kinh nghiệm tổ chức bộ máy, quản lý nhân sự, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý kế cận; chia sẻ kinh nghiệm hợp tác, khai thác nguồn lực của các tổ chức quốc tế, đối tác quốc tế, giới thiệu các đối tác quốc tế cho LASES; chia sẻ kinh nghiệm xuất bản, phát hành tạp chí, sách theo chuẩn quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong phục vụ thông tin- tư liệu- thư viện; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thư viện số, thư viện điện tử, tham gia mạng lưới thư viện quốc tế, xây dựng dự án chuyển đổi thư viện truyền thống sang thư viện trực tuyến, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học dùng chung, đưa các sản phẩm khoa học của LASES công bố trực tuyến.
Thứ năm, VASS giao Viện Thông tin Khoa học xã hội làm đầu mối thực hiện trao đổi tạp chí, sách và các ấn phẩm của VASS với LASES, định kỳ bổ sung tạp chí, sách tiếng Việt cho Thư viện LASES.
|
Tại buổi làm việc, VASS và LASES cũng trao đổi về kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ hợp tác giữa hai bên: (1) Thành lập Ban Chỉ đạo hợp tác VASS- LASES; (2) Ưu tiên phân bổ kinh phí cho hoạt động trao đổi đoàn, các dự án nghiên cứu chung, các hội thảo, tọa đàm chung giữa hai cơ quan; (3) Tăng cường khai thác tài trợ từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân phục vụ các hoạt động hợp tác của hai bên trên tất cả các lĩnh vực, từ nghiên cứu đến phục vụ nghiên cứu, đến chuyển đổi số, mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế…; (4) Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực khai thác hình thức trực tuyến trong bối cảnh bình thường mới; (5) Khuyến khích sự chủ động của các đơn vị trực thuộc; (6) Tăng cường hợp tác với các Bộ, ngành, tăng số lượng học bổng cho các cán bộ LASES tham gia nâng cao trình độ tiếng Việt, theo học các chương trình sau đại học và nghiên cứu sinh tại GASS và HCMA.
Buổi làm việc đã kết thúc tốt đẹp, hứa hẹn các hoạt động hợp tác cụ thể, thiết thực và hiệu quả nhằm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam- Lào, Lào- Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Nguyễn Thu Trang