Đề tài cấp quốc gia “Xây dựng cơ sở dữ liệu phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ” nghiệm thu đạt xuất sắc

17:00 16/06/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Theo Quyết định số 463/QĐ-KHXH ngày 20/4/2021 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) về việc thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc Chương trình Tây Nam Bộ, chiều ngày 14/6/2021, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã tổ chức Nghiệm thu cấp quốc gia cho đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ”, mã số KHCN-TNB.ĐT/14-19/X16, TS. Vũ Tuấn Anh làm chủ nhiệm đề tài, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Phát triển thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là tổ chức chủ trì thực hiện.

Chủ nhiệm đề tài – TS. Vũ Tuấn Anh trình bày kết quả nghiên cứu

Hội đồng do GS.TS. Đặng Nguyên Anh làm Chủ tịch Hội đồng, cùng các thành viên Hội đồng là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở Hà Nội và Cần Thơ.

Thay mặt nhóm thực hiện đề tài, TS. Vũ Tuấn Anh, chủ nhiệm đề tài đã nhấn mạnh đến mục tiêu tổng quát nhằm thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) phát triển bền vững (PTBV) của các tỉnh và toàn vùng Tây Nam Bộ dựa trên 17 mục tiêu PTBV toàn cầu đến năm 2030 của Liên hợp quốc (SDGs 2030) và bộ chỉ tiêu PTBV do Chính phủ Việt Nam quy định.

Để giải quyết, làm sáng tỏ mục tiêu nghiên cứu, nhóm đề tài đã sử dụng cách tiếp cận hệ thống và cách tiếp cận PTBV để phân tích, kiến giải vấn đề nghiên cứu. Bên cạnh đó, đề tài cũng tiến hành điều tra khảo sát, phỏng vấn hộ gia đình với quy mô hơn 12.000 hộ để bổ sung dữ liệu cho bộ chỉ tiêu PTBV vùng, tiến hành đánh giá sự phát triển vùng TNB trong giai đoạn 2010-2019, xây dựng hệ thống bản đồ về các khía cạnh PTBV cho 13 tỉnh thuộc vùng TNB theo các trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường.

Đề tài đã giới thiệu khái quát những vấn đề phương pháp luận, kinh nghiệm quốc tế về xây dựng CSDL PTBV vùng, rút ra những bài học cho Việt Nam, làm rõ đặc thù trong phát triển và quản trị sự phát triển ở vùng Tây Nam Bộ, đồng thời đã đi sâu đánh giá hệ thống thông tin, dữ liệu hiện có PTBV ở cấp Trung ương, cấp vùng và cấp tỉnh; đề xuất lựa chọn 121 chỉ tiêu (chia thành 11 nhóm) cho Bộ chỉ tiêu đánh giá PTBV vùng Tây Nam Bộ.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài, bao gồm các báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, báo cáo kiến nghị, dự thảo bản thảo sách và bộ CSDL PTBV vùng TNB được đưa lên trang web lưu trữ để các cơ quan nghiên cứu và quản lý có thể khai thác, sử dụng. Việc sử dụng trang web để lưu trữ dữ liệu, cập nhật dữ liệu, bổ sung dữ liệu, tải dữ liệu là một trong những kết quả có khả năng ứng dụng và chuyển giao cho cá nhân và tập thể có liên quan để theo dõi, quản lý và cập nhật số liệu cho các địa phương trong vùng Tây Nam Bộ.

Đề tài góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho các cơ quan hoạch định chính sách và thực thi chính sách về PTBV, các Viện nghiên cứu, các trường đại học. Hệ thống cơ sở lý luận khoa học gồm cơ sở lý luận về PTBV, PTBV vùng, các yêu cầu và nguyên tắc đối với PTBV vùng, các phương pháp xây dựng khung chỉ tiêu và chỉ số đo lường PTBV vùng, các phương pháp lựa chọn các tiêu chí và chỉ tiêu đo lường PTBV vùng, các phương pháp chuẩn hóa dữ liệu, các phương pháp các phương pháp xác định ngưỡng và gán trọng số, các phương pháp xây dựng chỉ số tổng hợp. Đề tài cũng đã xây dựng được 01 trang web (http://ptbv-tnb.vn/), người sử dụng có thể tra cứu số liệu của địa phương mình (khi được cấp quyền truy cập và quản lý).

Đề tài đã có đóng góp vào hướng nghiên cứu mang tính liên ngành về PTBV, PTBV vùng. Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu PTBV vùng Tây Nam bộ để từ đó giúp cho các cơ quan Trên cơ sở đó, trong các điều kiện cho phép các cơ quan quản lý. Đây là một việc có ý nghĩa về mặt thực tiễn và đóng góp trực tiếp vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng Tây Nam bộ đồng thời giúp cho các Bộ, ngành và các cơ quan quản lý các cấp có thể theo dõi và nắm cụ thể tình hình của địa phương.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Đề tài đã có 01 báo cáo được Ban Kinh tế Trung ương sử dụng phục vụ cho đánh giá thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị làm cơ sở cho xây dựng Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 20/8/2020 và đã có Giấy xác nhận tiếp nhận sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài.

Sau khi nghe ý kiến nhận xét của các Ủy viên phản biện, Ủy viên Hội đồng, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận, đánh giá cao những nỗ lực của nhóm nghiên cứu đã hoàn thành và nghiệm thu đề tài đúng thời hạn quy định, khẳng định những kết quả vượt trội của đề tài so với đăng ký, chỉ rõ những thành công và một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo của đề tài.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia gồm 9/9 thành viên đánh giá xếp loại xuất sắc. Kết quả nghiên cứu của đề tài sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện theo góp ý của Hội đồng sẽ được xuất bản dưới dạng sách chuyên khảo trong thời gian tới. Các sản phẩm chính của đề tài sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện sẽ được chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức ở Trung ương cũng như ở vùng Tây Nam Bộ như đăng ký trong thuyết minh đề tài./.

Nguyễn Thu Trang

 

In trang Chia sẻ

Tin khác