Đối thoại cấp cao về quan hệ Kinh tế ASEAN - ITALIA

17:00 06/10/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Chiều ngày 06/10/2021, tại Hội trường 3D, trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra buổi Đối thoại cấp cao về quan hệ kinh tế ASEAN - ITALIA.

Đối thoại diễn ra trên nền tảng Webinar với sự tham dự của TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ngài Valerio De Molli (Đối tác điều hành, Giám đốc điều hành Ngôi nhà Châu Âu (European Housse/Ambrosetti); Ngài Romano Prodi (chủ tịch Hiệp hội Italia - ASEAN, cựu Thủ tướng Ý, nguyên Chủ tịch Ủy ban Châu Âu); Ngài Satvinder, Phó Tổng thư ký Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Ngài Lim Ban Hong, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế - Malaysia; Bà Gabriella Biondi, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Chính phụ trách các quốc gai Châu Á và Châu Đại Dương, Tổng cục các vấn đề toàn cầu, Bộ Ngoại giao Ý; Ngài Lorenzo Tavazzi (Đối tác và chịu trách nhiệm về phát triển quốc tế, ngôi nhà Châu Âu (European Housse/Ambrosetti)…

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại buổi Đối thoại

Thông qua Đối thoại, các bên đã cùng nhau trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến phản ứng, triển vọng phát triển và các ưu tiên chiến lược nhằm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 (Đại dịch).

Đại dịch đã và đang tiếp tục cướp đi sinh mạng và sinh kế của nhiều người, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, xóa đi thành quả của hàng thập kỷ phát triển của nhiều quốc gia trong đó có có Italia và các nước trong khu vực ASEAN, gây ra khủng hoảng lớn về kinh tế trên diện rộng ở khắp các châu lục. Các đại biểu cho rằng đây chính là thời điểm để các quốc gia có những phản ứng mang tính tập thể, phát huy và nêu cao vai trò của hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với đại dịch, tìm ra những giải pháp hữu hiệu để phục hồi nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, ASEAN là khu vực ngoài Trung Quốc đã phát hiện ra những ca bệnh sớm nhất vào tháng 1/2020. Tính đến quý IV/2021 tình hình dịch bệnh trong khu vực vẫn diễn ra hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội. Để đối phó với tác động bất lợi của Đại dịch, ngoài các biện pháp hạn chế lây lan như thực hiện giãn cách xã hội, triển khai tiêm Vaccine toàn dân… nhiều quốc gia trong khu vực đã triển khai thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ, nhiều gói kích thích kinh tế, cứu trợ được thực hiện ước tính đã lên tới 730 tỷ USD, tương đương với 7,8% tổng GDP toàn khu vực.

Đáng chú ý nhất là việc các quốc gia ASEAN đã thống nhất đưa ra khung phục hồi kinh tế tổng thể ASEAN (ACRF). Tính đến tháng 6/2021 các quốc gia ASEAN đã thực thi 28 sáng kiến ứng phó Covid-19, đang triển khai 68 sáng khiến và xem xét thực hiện 73 sáng kiến khác. Mặt khác, ASEAN cũng đưa ra Tuyên bố về việc tiến tới thành lập Hành lang đi lại ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại trong hiệp hội, đảm bảo tuân thủ các quy định y tế của  khu vực và từng nước thành viên. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng thành lập Trung tâm ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và bệnh dịch mới nổi nhằm nâng cao năng lực và khả năng sẵn sàng ứng phó. Những sự kiện này đã chứng tỏ tiềm năng mà ASEAN và các đối tác quốc tế đã và đang tiếp tục thực hiện, làm cơ sở cho khả năng tăng cường các quan hệ hợp tác quốc tế trong thời gian tới…

Đại biểu tham dự Đối thoại trên nền tàng Webinar

Nhận định về triển vọng quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Italia, TS. Đặng Xuân Thanh đã nhấn mạnh đến 3 vấn đề: Thứ nhất, phản ứng và kế hoạch chiến lược phục hồi kinh tế của khu vực và các cơ hội cho hợp tác quốc tế; Thứ hai, triển vọng vĩ mô của nền kinh tế ASEAN và cuối cùng là việc lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên để phục hồi kinh tế ASEAN sau Đại dịch. Tiến sĩ nhấn mạnh: Trong ngắn hạn, những tác động của Đại dịch sẽ còn tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia Đông Nam Á nhất là về thương mại, đầu tư và du lịch, sự sụt giảm mạnh nhu cầu nội địa do giãn cách xã hội và phong tỏa y tế có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế ASEAN; vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng tạo ra những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế. Tiến sĩ đánh giá cao các biện pháp mở rộng tài khóa của ASEAN; các chiến lược phục hồi xanh, sự phát triển của nền kinh tế số trong bối cảnh Đại dịch, sự ưu tiên dành cho khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Đặc biệt là các nỗ lực hợp tác quốc tế đa phương giữa ASEAN và Italia trong việc tạo động lực cho sự phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng, hợp tác hơn nữa trong việc nâng cao khả năng ứng phó của hệ thống y tế, sự phát triển của ngành sản xuất Vaccine, dược phẩm và thiết bị y tế giữa Italia và ASEAN, đẩy mạnh việc nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ…

Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác