Đến dự về phía VASS có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch VASS; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch VASS; cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện kinh tế và chính trị thế giới, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Viện Nghiên Châu Phi & Trung Đông, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; các ban Ban Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế của VASS và một số cơ quan, tổ chức có liên quan.
Về phía Ấn Độ có Đại sứ Nalin Surie, Tổng Giám đốc ICWA; Ông Suri Avrind Gupta, Nguyên Phó cố vấn an ninh quốc gia; Ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; cùng đoàn đại biểu ICWA và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam.
![GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn phát biểu khai mạc Đối thoại](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/chủ%20tịch_khai%20mạc_icwa-vass_101117.jpg) |
|
![Ngài Nalin Surie trình bày báo cáo đề dẫn tại Đối thoại](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/đại%20sứ%20nalin%20surie_báo%20cáo%20đề%20dẫn_icwa-vass_101117.jpg) |
Phát biểu Khai mạc, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đã tham dự buổi đối thoại quan trọng này. Chủ tịch nhấn mạnh đây là bước khởi đầu quan trọng nhằm hiện thực hóa bản Ghi nhớ đã ký giữa VASS và ICWA nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi năm 2016 và Việt Nam - Ấn Độ vừa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2017. Đây là động lực để hai nước tiếp tục tăng cường triển khai các cơ chế hợp tác song phương, phấn đấu đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn Độ ngày càng sâu rộng, bền chặt và hiệu quả. Giáo sư Chủ tịch mong muốn tại buổi đối thoại này, các chuyên gia và nhà khoa học của mỗi nước sẽ chia sẻ hiểu biết, đánh giá của mình về những vấn đề trong biến chuyển quan trọng của bối cảnh quốc tế và khu vực; cơ hội và thách thức trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ; thảo luận những đối sách, phương cách thích ứng để cùng nhau phát triển.
Trong báo cáo đề dẫn, Đại sứ Nalin Surie khẳng định Việt Nam luôn là đối tác quan trọng của Ấn Độ; quan hệ hợp tác Ấn Độ - Việt Nam là quan hệ hợp tác toàn diện. Ngài Đại sứ nhấn mạnh, Ấn Độ và Việt Nam đang trong thời kỳ tăng trưởng nhanh, đã mở ra cơ hội giao thương, du lịch phát triển. Ông cho biết, mục đích của chuyến công tác lần này của đoàn ICWA là tìm hiểu những lĩnh vực Ấn Độ có thể đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, trong khuôn khổ buổi đối thoại này, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý của VASS và ICWA sẽ cùng thảo luận về những nội dung liên quan đến thương mại, quốc phòng, những phương thức hợp tác thích hợp để cùng phát triển. Ông tin tưởng rằng trong tương lai, hai bên sẽ cùng thu được lợi ích, kết quả cụ thể từ việc ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác.
Buổi đối thoại do Chủ tịch VASS - GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn và Tổng Giám đốc ICWA - Ngài Đại sứ Nalin Surie, chủ trì, được tiến hành gồm 3 phiên thảo luận:
Phiên thứ nhất: Những vấn đề toàn cầu.
Các diễn giả gồm: Đại sứ Nalin Surie, Giám đốc ICWA; Ông Shri Arvind Gupta, Nguyên Phó Cố vấn An ninh quốc gia; PGS.TS. Chu Đức Dũng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới; PGS.TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, trình bày những chủ đề về: Vai trò của các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc; Cạnh tranh Trung - Mỹ; chiến lược ngoại giao của Mỹ dưới thời Tổng thống D. Trump; Những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; Vấn đề chống chủ nghĩa khủng bố, an ninh mạng, sự gia tăng trong bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu…
Phiên thứ hai: Những vấn đề khu vực.
Các diễn giả gồm: GS. G. Jayachandra Reddy, Giám đốc Trung tâm UGC nghiên cứu về Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học Sri Venkateswara, Tirupati; PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, trình bày những chủ đề: Sự thay đổi cấu trúc an ninh khu vực; Vấn đề an ninh hàng hải ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, ASEAN, sự nổi lên của Trung Quốc; Vai trò của Ấn Độ và Trung Quốc trong thế kỷ Châu Á - Thái Bình Dương; Vai trò của hợp tác đa phương, hợp tác ba bên Ấn Độ - Nhật Bản - Việt Nam…
Phiên thứ ba: Sự hợp tác và thích ứng của Việt Nam và Ấn Độ.
Các diễn gồm: TS. Sonu Trivedi, Trợ lý Giáo sư, Trường Zakir Hussain Evening, Đại học Delhi; TS. Dhrubajyoti Bhattacharjee, Chuyên gia nghiên cứu, Hội đồng các vấn đề Thế giới của Ấn Độ, trình bày những chủ đề: Hợp tác song phương trên các lĩnh vực chiến lược (chính trị/ an ninh/ quốc phòng/ HADR/ chống chủ nghĩa khủng bố); kinh tế (thương mại/ kết nối/ RCEP); Văn hóa/ ngoại giao nhân dân (vấn đề đường bay thẳng/ phát triển du lịch); Những tiến triển mới trong các lĩnh vực hợp tác trên; Việc thực hiện các cam kết giữa hai bên trên các lĩnh vực trong thời gian qua; Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi; Điều chỉnh chính sách Hành động Phía Đông; Thành tựu, hạn chế, những rào cản hay trở ngại trong hợp tác Việt Nam - Ấn Độ; Chiến lược nâng tầm vị thế quốc tế của Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa.
Bên cạnh đó, Hội nghị được nghe rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, đặc biệt quan tâm tới sự thay đổi của nước Mỹ trong vai trò, chính sách đối với ASEAN cũng như toàn cầu; đe dọa an ninh phi truyền thống nổi lên; đồng thời khẳng định vai trò, tiếng nói của Ấn Độ trong bối cảnh hiện nay trước thách thức và cơ hội của việc duy trì an ninh, ổn định khu vực.
Buổi Đối thoại đã diễn ra thẳng thắn và cởi mở, đây là diễn đàn khoa học hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học chia sẻ những thông tin, tư liệu, những quan điểm, góc nhìn đa chiều về hợp tác, quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh hội nhập.
Hồng Nhung