![Phó Thủ tướng, GS.TS. Vương Đình Huệ<br> phát biểu chào mừng Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/pho%20thu%20tuong%20hue%20phat%20bieu%20tai%20hoi%20thao%20151117.jpg) |
![Đoàn Chủ tịch chủ trì Hội thảo</br></br></br>](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/doan%20chu%20tich%20hoi%20thao%20151117.jpg) |
Tham dự Hội thảo còn có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đến dự và đồng chủ trì Hội thảo; đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; GS.TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diễn lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương: Hội đồng lý luận Trung ương, Ban kinh tế Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng và các ủy ban của Quốc Hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; hơn 100 đại biểu, gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, các viện nghiên cứu trong cả nước và các tổ chức quốc tế: Ngân hàng Thế giới (WB) tại Vietnam; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam; UNDP tại Việt Nam; Đại diện Jica tại Việt Nam; Ngân hàng Đầu tư và phát triển châu Á (ADB); Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, … các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đến dự, viết bài và đưa tin về Hội thảo.
![GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn phát biểu khai mạc tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/gs%20thuan%20phat%20bieu%20khai%20mac%20hoi%20nghi%20151117.jpg)
|
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ của các đại biểu tham dự. Giáo sư, Chủ tịch phân tích: Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những cải thiện về lượng và chất, tạo đà cho tăng trưởng bền vững. Tăng trưởng kinh tế năm 2017 dự kiến đạt 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,21% năm 2016. Tỷ lệ lạm phát được duy trì ổn định dưới 5% đang dần tạo điều kiện để giảm lãi suất, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng phát triển ổn định. Nợ xấu, bội chi ngân sách cũng đang dần được giảm.
Mặc dù vậy trong bối cảnh phát triển mới: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Tăng trưởng kinh tế dựa trên các động lực cũ không còn phù hợp; mô hình tăng trưởng cũ đã thành công trong giai đoạn đầu của đổi mới nhưng dần trở nên không còn phù hợp, thậm chí có thể đem lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Theo GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, kinh tế Việt Nam đã đi hết gần nửa chặng đường của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020. Những mục tiêu quan trọng đặt ra trong Kế hoạch 5 năm 2016-2020 đòi hỏi cần phải đánh giá một cách nghiêm túc những rào cản cho tăng trưởng của giai đoạn vừa qua và tìm ra những động lực tăng trưởng mới trong dài hạn bên cạnh dư địa điều hành chính sách kinh tế vĩ mô trong ngắn và trung hạn. Các động lực mới cho tăng trưởng phải giúp nâng cao năng suất, cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm và tăng trưởng đi kèm với ổn định của nền kinh tế. Động lực cho tăng trưởng cần hướng tới số lượng gắn với chất lượng của tăng trưởng.
Chủ tịch nhấn mạnh, mục tiêu của Hội thảo này nhằm: (i)- Đánh giá thực trạng tăng trưởng giai đoạn vừa qua, cụ thể từ 2011 đến nay. (ii)- Xác định những nút thắt, điểm nghẽn, và động lực của tăng trưởng trong thời gian sắp tới.
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đề xuất với Hội thảo các câu hỏi thảo luận: Nếu động lực là từ vốn thì cần các giải pháp gì để tăng tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển đang bị ách tắc? Làm thế nào để thúc đẩy dòng vốn tư nhân với vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng? Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cần phải được tư duy và thiết kế lại như thế nào để thu hút được các dự án có chất lượng? Những giải pháp nào giúp tháo gỡ những ách tắc trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?; Nếu động lực là công nghệ thì cần các giải pháp gì để tháo bỏ nút thắt, rào cản để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và cải tiến công nghệ?; Nếu động lực là lao động thì các giải pháp chính sách là gì để thúc đẩy thị trường lao động hoạt động hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao?
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, GS.TS. Vương Đình Huệ, nhấn mạnh: Việc phát triển nhanh, bền vững là chủ trương rõ ràng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và là mệnh lệnh của cuộc sống để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới. Theo đó, tăng trưởng nhanh và bền vững dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập kinh tế quốc tế và ngược lại, tăng trưởng nhanh và bền vững sẽ tăng cường ổn định vĩ mô, hội nhập quốc tế. Muốn phát triển nhanh, bền vững, không còn cách nào khác là Việt Nam phải chuyển đổi mô hình và tái cơ cấu nền kinh tế.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Thứ nhất, về mặt xã hội, tăng trưởng nhanh, bền vững phải bảo đảm tăng trưởng bao trùm, toàn diện, cho con người, vì con người. Nếu tăng trưởng không vì con người, người dân không được tận hưởng thì không có ý nghĩa. Thứ hai, để phát triển nhanh và bền vững thì Việt Nam phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Phó Thủ tướng mong muốn Hội thảo làm rõ mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam với các nội hàm và cách thức thực hiện; Nhiệm vụ nào là trước mắt, nhiệm vụ nào là căn cơ của tái cơ cấu nền kinh tế? Giải quyết mối quan hệ nguồn lực nước ngoài là quan trọng và nội lực trong nước là quyết định như thế nào?.... Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng mong muốn được lắng nghe các chuyên gia cho ý kiến về hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, khi Việt Nam còn thiếu vắng nhiều chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng. Thứ ba, hội thảo cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn về cơ hội, thách thức của Việt Nam hiện nay, động lực tăng trưởng chủ đạo của Việt Nam là gì? tập trung cho mũi nhọn nào? cần làm gì để thúc đẩy năng lực quốc gia? Thứ tư, việc chọn lọc thu hút FDI như thế nào để kết nối khối này với khối doanh nghiệp trong nước và hỗ trợ được khu vực trong nước, để cả hai cùng mạnh lên, tránh rủi ro "hai nền kinh tế trong một quốc gia".
Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá bối cảnh hiện nay đối với sự phát triển của Việt Nam, trong điều kiện tự do hoá thương mại đang gặp nhiều trở ngại; Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ảnh hưởng như thế nào trước nguy cơ Việt Nam có thể tụt lại xa hơn; chính sách tài khoá, tiền tệ như thế nào để vừa phải giải quyết các khuyết tật của nền kinh tế đã tích tụ nhiều năm và vừa phải tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và chào mừng của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Hội thảo đã được nghe các tham luận của PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về “Động lực tăng trưởng: Thực trạng và áp lực đổi mới”; ông Sebastian Eckardt, Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - “Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Tầm nhìn Trung hạn”; TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - “Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển và hội nhập: Những nỗ lực của Chính phủ, Kết quả và Giải pháp tiếp theo”; Ông Nguyễn Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - “Ổn định tài chính: Nền tảng cho tăng trưởng bền vững”.
Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung thảo luận gợi mở của Phó Thủ tướng; đồng thời, phân tích, chỉ ra các vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế Việt Nam, các động lực và giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.
|
![TS. Vũ Viết Ngoạn phát biểu tổng kết Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/ts%20ngoan%20phat%20bieu%20tong%20ket%20151117.jpg) |
Hội thảo là diễn đàn trao đổi cho cách nhìn đa chiều về thực trạng các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam. Trong phần phát biểu Tổng kết Hội thảo, TS. Vũ Việt Ngoạn - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: Hội thảo khoa học “Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy” là một Hội thảo có ý nghĩa thực tiễn, một chủ đề rất cấp bách bao quát mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù kinh tế Việt Nam đang có những cải thiện tích cực nhưng bối cảnh phát triển mới đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Các nhà khoa học, các nhà quản lý cũng đã chỉ ra những kết quả và hạn chế của nền kinh tế thời gian qua (cụ thể là từ 2011 đến nay); xác định các điểm nghẽn trong phát triển nền kinh tế Việt Nam; trao đổi về các động lực tăng trưởng phát triển nền kinh tế Việt Nam; đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế giai đoạn hiện nay và tương lai.
![Toàn cảnh Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/toan%20canh%20hoi%20thao%20151117.jpg) |
Những ý kiến thảo luận nghiêm túc, có trách nhiệm của các đại biểu tại Hội thảo là kênh tham khảo hữu ích đối với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, là nguồn tham khảo quan trọng cho Chính phủ lựa chọn thiết kế hệ thống giải pháp hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững cho những năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2016-2010 và những năm tiếp theo.
Nguyễn Xuân Khoát