Hội thảo khoa học: “Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên trong hội nhập quốc tế”

17:00 29/10/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 12/10/2017, tại hội trường Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, số 1A đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân An, TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Phân tích và Dự báo phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, đồng tổ chức hội thảo khoa học: “Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên trong hội nhập quốc tế”.

Tham dự và chủ trì hội thảo có TS. Nguyễn Duy Thụy - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên và TS. Trần Thị Lan Hương Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông - Phó Chủ nhiệm đề tài TN16/X01. Hội thảo còn vinh dự đón tiếp đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Lãnh đạo Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Đắk Lắk, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Sở Tài Chính tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột; cùng các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Tây Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Trung tâm Phân tích và Dự báo và Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên.

TS. Nguyễn Duy Thụy phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Hội thảo khoa học “Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên trong hội nhập quốc tế” là hoạt động khoa học nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp Nhà nước thuộc Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020: “Xác định lĩnh vực lợi thế đặc thù của Tây Nguyên trong bối cảnh Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, mã số: TN16/X01 do PGS.TS. Bùi Nhật Quang làm chủ nhiệm, Trung tâm Phân tích và Dự báo là đơn vị chủ trì.

Hội thảo mong muốn tạo ra diễn đàn để các nhà nghiên cứu chia sẻ và thảo luận những kiến thức và kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên trong hội nhập quốc tế. Tại Hội thảo, có 6 diễn giả đã trình bày tham luận, được chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung vào các nội dung chính:

Phiên thứ nhất: Chuỗi giá trị và khả năng tham gia chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực ở Tây Nguyên

Các tham luận: TS. Trần Thị Lan Hương, Phó Tổng biên tập Tạp chí NC Châu Phi và Trung Đông - Phó Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Nhà nước, mã số: TN16/X01 - Phát triển chuỗi giá trị các nông sản chủ lực của Tây Nguyên trong hội nhập quốc tế; TS. Trần Ngọc Thanh - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk - Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của Đăk Lăk hiện nay và một số hàm ý cho phát triển bền vững; TS. Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên - Cà phê Tây Nguyên trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Phiên thứ hai: Thực trạng tham gia chuỗi giá trị  của một số lĩnh vực đặc thù ở Tây Nguyên

Các tham luận: TS. Vương Hữu Nhi, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk - Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của Đăk Lăk hiện nay và một số hàm ý cho phát triển bền vững; TS. Lê Đức Niêm, Trường Đại học Tây Nguyên - Cải thiện chất lượng du lịch tại Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) qua mô hình HOLSAT; Ông Phạm Quang Trung, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên - Tiềm năng, thực trạng và một số giải pháp phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia Yok Don.

Toàn cảnh Hội thảo

Các sản phẩm chủ lực hiện nay ở Tây Nguyên được xác định là cà phê, cao su, hồ tiêu, chè, hạt điều, cao su tự nhiên, hoa quả và một số cây công nghiệp dài ngày khác và sản phẩm du lịch. Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về diện tích (sau Brazil, Indonesia, Colombia), đứng thứ 2 thế giới về sản lượng cà phê và là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế gới, chiếm gần 15% sản lượng cả phê của toàn thế giới. Cà phê không chỉ là sản phẩn chủ lực của quốc gia với giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm, mà còn là ngành sản xuất thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn, phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh những thuận lợi, cũng giống như một số mặt hàng nông sản khác, cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Tây Nguyên nói riêng đã và đang đương đầu với nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm. Qua 30 năm đổi mới, Tây Nguyên đã trở thành vùng nông sản xuất khẩu có vị trí quan trọng đối với cả nước, góp phần giúp vùng đất đỏ bazan này hội nhập quốc tế ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, những con số thực tế cho thấy, càng hội nhập quốc tế, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên càng tăng nhanh, nhưng hàng hoá xuất khẩu của Tây Nguyên vẫn nằm trong khâu giá trị thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Các báo cáo tham luận tại Hội thảo đều xuất phát từ nhiều góc tiếp cận khác nhau, các ý kiến phát biểu, thảo luận đều thống nhất: Sau ba thập kỷ đổi mới và  hội nhập, kinh tế Tây Nguyên đã có thay đổi mọi mặt. Đặc biệt là các sản phẩm chủ lực cây nông nghiệp - công nghiệp và sản phẩm du lịch đã có bước phát triển vượt bậc. Các tham luận cũng đã chỉ ra những thuận lợi, tồn tại khó khăn và đề xuất một số giải pháp thiết thực nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực (nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch vùng Tây Nguyên) vùng Tây Nguyên trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu trong giai đoạn hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Kết quả hội thảo cung cấp các luận điểm, luận cứ khoa học góp phần hỗ trợ Ban Chủ nhiệm đề tài hoàn thành nhiệm vụ xác định và phát huy các lợi thế vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa./.

Nguyễn Xuân Khoát

In trang Chia sẻ

Tin khác