![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/nga1.jpg) |
Toàn cảnh Hội thảo |
Hội thảo vinh dự được đón tiếp Ngài Bezdetko Gennady - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam; Ông Stapanov Victor, giám đốc Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga tại Việt Nam; Bà Golikova Vera, Cán bộ Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga tại Hà Nội; Ông Fokin Stanislav, Tham tán Đại sứ quán Nga tại Việt Nam; Ông Nilov Roman, Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam; Bà Fesenko Valeria Bí thư thứ 3 Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam; Ông Phạm Thế Vĩnh, Ông Doãn Hoàng Minh (Phó Vụ trưởng Vụ Châu Âu), đại diện lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương; ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Thanh Minh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam; PGS.TS. Đỗ Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo - Đại học Kinh tế Quốc dân; GS.TS. Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Bà Nguyễn Thị Thu Đạt, Giám đốc Phân viện Puskin; TS. Nguyễn Tuấn Việt, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, Học viện Ngoại giao; Ông Lê Ngọc Định, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Ông Nguyễn Đăng Phát, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt - Nga, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương… Hội thảo Do PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu và TS. Vũ Thụy Trang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu SNG đồng chủ trì.
Nhận định về vị thế của Nga tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Putin, GS.TS, Phạm Quang Minh cho biết: sau khi Liên Xô sụp đổ, trong suốt giai đoạn đầu từ 1991-2000, chính quyền của Tổng thống Yeltsin chủ trương ngả hẳn về phương Tây, nhưng từ năm 2000 khi Tổng thống Putin lên cầm quyền. Trong thông điệp liên bang năm 2002, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh “Đối với một nước lớn như Nga, không thể định hướng sang phương Đông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc vì điều đó đi ngược lại với lợi ích của dân tộc Nga. Nước Nga có chính sách đa phương và chính sách này sẽ được duy trì.
Theo một nghiên cứu khác thì sự hợp tác năng lượng giữa Nga và Châu Á - Thái Bình Dương không khác gì “cá gặp nước” giữa một bên là nước xuất khẩu dầu và khí đốt lớn nhất thế giới và một bên là khu vực có các nền kinh tế phát triển nhanh nhưng thiếu năng lượng. Trong đó hợp tác Trung - Nga về năng lượng vẫn là gam màu chủ đạo, đặc biệt là thỏa thuận dầu năm 2013 giữa Rosneft và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC); Thỏa thuận khí đốt Power of Siberia năm 2014 giữa Gazprom và CNPC và một lượng lớn doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư và các dự án Khí tự nhiên hóa lỏng của Novatek trên bán đảo Yamal và Gydan ở Bắc cực…
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/nga2.jpg) |
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Đánh giá về quan hệ đối tác đối thoại Nga - ASEAN, TS. Vũ Thụy Trang nhận định: Năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng trong về hành trình 30 năm thiết lập quan hệ và 25 năm quan hệ đối tác đối thoại Nga - ASEAN. Trải qua năm tháng lịch sử, hai bên đã cùng nhau nỗ lực để cải thiện tất cả các mối quan hệ, xích lại gần nhau hơn nhằm đưa sự hợp tác lên tầm cao mới. Sự quay trở lại của Nga ở Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng trong giai đoạn gần đây và những năm sắp tới phụ thuộc rất lớn vào kết quả cải cách mở cửa kinh tế cũng như chiến lược hướng Đông và năng lực kinh tế của Nga. Khát vọng trở thành hạt nhân trong tiến trình hội nhập ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là động lực để Nga ngày càng chú trọng hơn đến khu vực này và coi ASEAN là khu vực có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang kéo dài và ngày càng trở nên phức tạp như hiện tại, PGS.TS. Đỗ Hương Lan luôn tin tưởng vào những tín hiệu tích cực phát ra từ nền kinh tế Nga, Bà cho biết, kết thúc năm 2020, GDP của Nga giảm 3%, tuy nhiên đến nửa đầu năm 2021 số liệu thu được từ Tổng cục Thống kê Liên bang Nga đã cho thấy nền kinh tế đã tăng trưởng 4,8%, điều này đã cho thấy sự phục hồi của Nga đạt ở mức vượt mức trước khủng hoảng của đại dịch Covid-19 và đang đi vào quỹ đạo tăng trưởng. Điểm sáng trong nền kinh tế Nga dưới tác động của đại dịch là thặng dư thương mại nước ngoài của Nga năm 2020 vượt xa kỳ vọng tiêu cực trong đợt Covid-19 đầu tiên; Các cơ hội kinh doanh mới cũng xuất hiện trong thời kỳ đại dịch. Đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng như kinh doanh các thiết bị phục vụ nhu cầu làm việc từ xa trong đó có nhu cầu về máy in thu nhỏ, nhu cầu về các thiết bị âm thanh cũng tăng lên đáng kể… Mặc dù vậy, thời gian tới, trong ngắn hạn, Nga cũng cần phải kiểm soát được đại dịch, gia tăng tỷ lệ tiêm chủng vì hiện nay tỷ lệ tiêm chủng của Nga ở mức thấp so với các nước có thu nhập trung bình và thu nhập cao trên thế giới. Nếu không, hoạt động kinh tế của Nga có thể sẽ tiếp tục bị gián đoạn. Ngoài ra ngước Nga cũng cần phải cải thiện mức độ bền vững của chỉ số tự do thương mại, tự do đầu tư nếu Liên bang Nga muốn thu lợi ích từ toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh những vấn đề nổi bật, Hội thảo cũng dành nhiều thời gian tham luận về quan hệ trao đổi văn hóa giữa Nga và Việt Nam; những vấn đề liên quan đến giảng dạy tiếng Nga ở các trường phổ thông và đại học ở Việt Nam. Đề xuất giải pháp thu hút người học tiếng Nga, khắc phục khó khăn trong việc dạy - học tiếng Nga tại Việt Nam Bà Nguyễn Thị Thu Đạt, giám đốc Phân viện Puskin cho rằng: cần có chính sách thiết thực hơn nữa để khuyến khích người học, dạy tiếng Nga; Biên soạn bộ sách giáo khoa thế hệ mới có định hướng dân tộc dành cho học sinh Việt Nam bắt đầu từ lớp 3 đến hết lớp 12 trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga ngoại ngữ 1 (hệ 10 năm) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành tháng 7/2021; Biên soạn giáo trình dạy tiếng Nga như ngoại ngữ, giáo trình dạy tiếng Nga chuyên ngành cho người học là người Việt Nam; Cử chuyên gia Nga trực tiếp tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, bậc phổ thông và đại học tại Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá để giới trẻ hiểu thêm về nền văn hóa, đất nước con người và phong tục Nga, yêu ngôn ngữ Nga và có mong muốn hưởng nền giáo dục Nga…
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/nga3.jpg) |
PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng phát biểu ý kiến tại Hội thảo |
Có thể thấy trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam đang ngày càng được đẩy mạnh về mọi mặt, sự thâm nhập một cách sâu rộng về ngôn ngữ và văn hóa của mỗi nước với nhau là một sự cần thiết. Đây chính là cơ sở để các quốc gia hiểu hơn về đối tác của mình, là cơ sở để phát triển mối quan hệ quốc tế một cách toàn diện và sâu sắc hơn.
Tổng kết các ý kiến tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng đã đánh giá cao các ý kiến và cho rằng đây chính là cơ sở quan trọng để hai bên tạo lập các quan hệ chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Với quan hệ đồng chí, anh em đã được thiết lập trong lịch sử, sự hợp tác thông qua các Hiệp định mới giữa hai chính phủ cũng như sự quan tâm, chú trọng hơn về hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn sẽ góp phần thiết thực trong việc phát triển các mối quan hệ, phục vụ các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của cả hai quốc gia. Vì ý nghĩa đó, Hội thảo đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp, giúp đại biểu hai bên có cái nhìn tổng quan hơn về hợp tác Nga - Việt, đưa ra các khuyến nghị xác đáng để tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, làm tự hào thêm mối quan hệ giao bang hữu hảo mà hai bên đã vốn có từ trước.
Phạm Vĩnh Hà