![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/xt.jpg) |
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại Hội thảo |
Với mục tiêu tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách…cùng nhau chia sẻ và trao đổi thông tin, phân tích, đánh giá tình hình quan hệ hợp tác giữa các quốc gia Châu Phi - Trung Đông với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, đối ngoại, an ninh, văn hoá, xã hội, … trong giai đoạn 2011-2020; chia sẻ kinh nghiệm, dự báo và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu Phi và Trung Đông trong giai đoạn 10 năm tới. Ngày 21/10/2020 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Tình hình Châu Phi và Trung Đông 2011-2020 và triển vọng”. Sự kiện này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, đăng kí tham gia của gần một trăm đại biểu đến từ các đại sứ quán các nước khu vực Châu Phi và Trung Đông tại Việt Nam; các đại biểu đến từ các cơ quan thuộc các Bộ, ngành, các doanh nghiệp, trường đại học trên địa bàn thủ đô Hà Nội và được kì vọng sẽ gợi mở được nhiều hướng đi mới, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các quốc gia Châu Phi - Trung Đông với Việt Nam trên tất cả các bình diện.
Trong bối cảnh khu vực và thế giới đang có nhiều biến động trong thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, các nhân tố ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt Nam và khu vực châu Phi và Trung Đông có nhiều thay đổi so với thời kỳ trước đó. Khởi đầu năm 2011 là biến động Bắc Phi và Trung Đông (hay còn được biết đến là Mùa xuân Arab) cho đến sự xuất hiện của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cực đoan đã và đang làm thay đổi cục diện chính trị thế giới. Kèm theo đó là xung đột ngoại giao giữa Qatar và các nước vùng Vịnh (GCC) mà đứng đầu là Saudi Arabia hay việc đạt được thỏa thuận P5+1 và ngay sau đó việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này cũng như rút quân khỏi Syria; những bất ổn trên chiến trường chính trị Israel hay bất ổn xã hội tại Nam Phi và một số quốc gia châu Phi khác; việc Nga quay trở lại châu Phi thông qua việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga – Phi tại Sochi… và cho đến tháng 9/2020, mối quan giữa các quốc gia Trung Đông có nhiều thay đổi sau khi Israel ký kết các thoả thuận bình thường hoá quan hệ với UAE và Bahrain đã cho thấy nhiều biến động tác động trực tiếp đến các quốc gia trong khu vực này.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/pn.jpg) |
Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các hội Hữu nghị Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Mặt khác, trước bối cảnh tình hình an ninh-chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới có nhiều biến động, cuộc chiến Mỹ - Trung, chủ nghĩa đa phương toàn cầu, các nguyên tắc căn bản của hợp tác quốc tế đang đối mặt với những thách thức mới, phức tạp hơn, khó lường hơn, các quốc gia như Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - Châu Phi đã rất nỗ lực trong việc tiếp tục giương cao ngọn cờ đoàn kết, hợp tác cùng phát triển bền vững trên cơ sở quan hệ đối tác các bên cùng có lợi; cùng ủng hộ các nỗ lực đối thoại và giải quyết các bất đồng và xung đột bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc.
Theo Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các hội Hữu nghị Việt Nam; Trong bối cảnh môi trường chính trị - an ninh và kinh tế quốc tế có nhiều niến đổi nêu trên và đặc biệt là dưới tác động của đại dịch Covid -19 hiện nay, đòi hỏi các quốc gia, khu vực cần xem xét lại các chính sách quan hệ hợp tác quốc tế. Trong những năm qua quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia Châu Phi và Trung Đông đã đạt được nhiều thành tựu, khởi sắc nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê chuẩn Đề án “ Phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - Châu Phi giai đoạn 2016-2025”, thì mối quan hệ giữa hai bên đã ngày càng được chú trọng, nâng tầm. Tuy nhiên, xét về tiềm năng, cơ hội quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi thì dư địa còn nhiều, chưa đạt được như mong đợi của Chính phủ và nhân dân hai bên.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/2_tc.jpg) |
Toàn cảnh Hội thảo |
Với một thị trường hơn 1,6 tỷ dân, rộng trên 36 triệu km2, Châu Phi - Trung Đông là khu vực có nhiều tiềm năng hợp tác. Ngược lại, Việt Nam đang là một quốc gia phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Do vậy, tại Hội thảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia đã cùng nhau thảo luận sâu vào các vấn đề thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư nông, ngư nghiệp, dầu khí, viễn thông, giáo dục, y tế giữa Việt Nam và các nước Châu Phi - Trung Đông. Đồng thời thẳng thắn chỉ ra các thách thức, trở ngại mà hai bên phải đối mặt như: Khoảng cách địa lý, thiếu thông tin, thiếu hiểu biết sâu về thị trường, tập quán kinh doanh và hệ thống pháp luật của nhau. Đặc biệt nhấn mạnh về sự quan tâm của các cấp Bộ, ngành và doanh nghiệp của hai bên…
Trên cơ sở đó, hội thảo đã tập trung trao đổi các biện pháp phát huy quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và các nước Châu Phi và Trung Đông trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, trao đổi vào những hướng đi mới, thực chất, khả thi hơn để biến sự tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị truyền thống thành những kết quả hợp tác cụ thể. Xác định kinh tế là đòn bẩy cho quan hệ chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác, trong đó có cơ chế phối hợp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, tận dụng các cơ hội, tạo thuận lợi cho việc tăng cường cơ hội hợp tác. Cùng với kênh song phương, tăng cường phối hợp với tất cả các diễn đàn đa phương nhằm thúc đẩy kết nối giữa Việt Nam với Liên minh Châu Phi, giữa các nước Châu Phi và Trung Đông và các tổ chức ở khu vực với ASEAN…
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc03350.jpg) |
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Đánh giá tầm quan trong của Hội thảo TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cho rằng: Hội thảo không chỉ mang tính thời sự mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc nghiên cứu khu vực châu Phi và Trung Đông, các ý kiến tham luận tại Hội thảo sẽ là cơ sở khoa học quan trọng góp phần đưa ra các gợi ý chính sách cho Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các nước trong khu vực châu Phi và Trung Đông trong thập niên tới.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông cũng ghi nhận và đánh giá cao sự hiện diện của các nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách tại Hội thảo và cho rằng, sự hiện diện này đã cho thấy mối quan tâm của các bên về tăng cường quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới. Các tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Việt Nam và các nước Châu Phi và Trung Đông cùng nhau có thực hiện có hiệu quả các hoạt động hợp tác giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2030./.
Phạm Vĩnh Hà