“Làm tốt hơn hay làm khác đi” trong công tác tổ chức trưng bày bảo tàng

17:00 07/10/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Cả nước hiện có gần 200 bảo tàng nhà nước và tư nhân đang mở cửa, nhưng số bảo tàng hoạt động thật sự có hiệu quả lại rất ít. Thực trạng này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ trong phương pháp tổ chức trưng bày đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hiện đại và đang ngày càng trở lên đa dạng của công chúng.

 

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Đây cũng mục tiêu hướng đến của Hội thảo quốc tế do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Bảo tàng) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức vào ngày 8/10/2020, tại Hội trường 3D, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. Sự kiện này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và người yêu thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc và được đánh giá là Hội thảo có hàm lượng khoa học - thực tiễn cao với sự tham gia của các diễn giả trong và ngoài nước, tại 13 điểm cầu online nhằm luận bàn thẳng thắn về những thực trạng mà các Bảo tàng đang phải đối mặt, tìm ra những hướng đi khả thi nhất cho công tác tổ chức trưng bày tại Bảo tàng.

Thực tế cho thấy, trong gần 200 bảo tàng công lập và tư nhân đang hoạt động trên cả nước hiện nay, số bảo tàng hoạt động thật sự hiệu quả chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đa phần các bảo tàng đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng, sự thu hút khách tham quan ở mức thấp, kể cả những bảo tàng mở cửa tự do, không thu phí. Thực trạng này cho thấy giá trị thực tiễn của bảo tàng chưa đáp ứng được đòi hỏi của công chúng. Ðiều này cũng đang tạo nên một nghịch lý. Các hoạt động như chỉnh trang, sửa sang, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung hiện vật, tổ chức hoạt động mới... cho bảo tàng bị ảnh hưởng do thiếu kinh phí, thậm chí không có động lực. Nhưng nếu không nâng cấp bảo tàng, đa dạng hóa các hoạt động trưng bày, tham quan thì sẽ khó thu hút, mời gọi được du khách ghé thăm. Vòng luẩn quẩn ấy đang đòi hỏi từng bảo tàng phải nhanh chóng tìm được biện pháp tháo gỡ. Việc mở cửa mỗi ngày, sẵn sàng đón khách tưởng là chuyện đơn giản, song đang là bài toán khó tìm ra lời giải với nhiều bảo tàng.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

Bảo tàng không phải "tháp ngà", mà cần phải là nơi phản biện xã hội, kể được câu chuyện của đời sống đương đại - quan điểm này của PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã được hiện thực hóa ngay từ khi ông còn đảm đương trọng trách Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Từ năm 1995, khi Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chính thức mở cửa đón khách, công chúng đã hết sức ngạc nhiên, thích thú khi được trực tiếp nghe người dân của các vùng miền chia sẻ những câu chuyện gắn với văn hóa, tập tục của địa phương mình trong một không gian mở thay vì bị bó hẹp trong phòng trưng bày cứng nhắc như cách làm thường thấy. Cùng với đó, khách tham quan còn được tham dự các hoạt động giao lưu văn hóa, trẻ em có phòng riêng để khám phá các giá trị văn hóa - lịch sử phù hợp với lứa tuổi... Nhờ vậy, khách tham quan thuộc nhiều thế hệ khác nhau đều có được những trải nghiệm thú vị, ý nghĩa. Việc mạnh dạn mở ra một hướng đi mới trong tổ chức các hoạt động ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khi đó ít nhiều đã thay đổi quan niệm của giới làm bảo tàng trong nước. Thậm chí, có người còn ví đây như là một "cuộc cách mạng" trong trưng bày bảo tàng ở Việt Nam và đưa hoạt động của bảo tàng chuyển từ "tĩnh" sang "động".

Nhưng trên thực tế, không phải bảo tàng nào cũng sẵn sàng thay đổi. Cách nghĩ, cách làm vốn lâu nay đã "ăn vào nếp" cho nên tại khá nhiều bảo tàng mô hình thường thấy vẫn là các phòng trưng bày hiện vật sắp xếp theo thời gian. Tùy theo khả năng thu thập mà từng bảo tàng có số lượng hiện vật nhiều hay ít. Có nơi quá dư thừa mà thiếu trọng tâm, có chỗ lại khá nghèo nàn, bày trí thiếu khoa học. Ðể giúp khách tham quan hiểu được nội dung, ý nghĩa của hiện vật, thông thường các bảo tàng có các tài liệu như: sách, tranh ảnh, bảng chú thích, tờ rơi giới thiệu, video... cùng với sự hỗ trợ của hướng dẫn viên. Tuy nhiên, ở một số bảo tàng, thông tin giới thiệu lại sơ sài, cẩu thả, đội ngũ thuyết minh non yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, nội dung thuyết minh kém hấp dẫn, đôi khi nói "như máy ghi âm", thậm chí sai về sử liệu, gây ra nhầm lẫn tai hại, khiến du khách bức xúc. Chưa kể các hoạt động của phần lớn các bảo tàng đều đơn điệu, nhàm chán cho nên khó hấp dẫn được khách tham quan… đã dẫn đến kết cục tất yếu là bảo tàng mở cửa nhưng vắng người, không thiếu bảo tàng khánh thành xong chỉ có "vỏ" mà không có "ruột", gây lãng phí lớn.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

Cần phải nhìn nhận một thực tế là sự giảm sút số lượng khách tham quan tại một số bảo tàng hiện nay có nguyên nhân từ sự lạc hậu, chậm thay đổi trong cách vận hành của bảo tàng, không nắm bắt được nhu cầu của công chúng. Rõ ràng, nếu hoạt động của bảo tàng không lấy khách tham quan làm trung tâm, không lấy mục tiêu phục vụ cộng đồng làm trọng yếu thì tất yếu sẽ bị đào thải. Việc thay đổi cách tổ chức trưng bày, vận hành hoạt động của bảo tàng theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế chung và nhu cầu của cộng đồng đang là một đòi hỏi bức thiết. Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng, hiện nay, mô hình "bảo tàng thông minh" với sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ đang là hướng đi mới của nhiều bảo tàng trên thế giới. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của các loại hình bảo tàng mới đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của khách tham quan, như: bảo tàng kỹ thuật số (digital museum), bảo tàng trực tuyến (online museum), bảo tàng mạng (web museum),... Ðồng thời, trong hoạt động của bảo tàng truyền thống cũng có thay đổi mạnh mẽ như việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thuyết minh tự động, phim 3D,... giúp không gian bảo tàng không bị bó hẹp giữa bốn bức tường, mà trở nên sinh động, hấp dẫn. Khách tham quan qua đó sẽ thu nhận được sự tối ưu nhất cho bản thân trong khi khám phá các giá trị quá khứ được lưu giữ, tôn vinh tại bảo tàng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, các bảo tàng, cụ thể là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng đang vướng phải khó khăn chung trong việc huy động các nguồn lực, từng bước hoàn thiện mục tiêu phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách vẫn là công cuộc mà Bảo tàng đã và đang từng bước thực hiện.

Theo Bà Huỳnh Ngọc Vân (Bảo tàng Áo dài) để đổi mới các phương pháp trưng bày, các bảo tàng cũng cần chú ý đến việc thay đổi tư duy từ các cấp lãnh đạo, các cấp lãnh đạo bảo tàng cần phải là người “thuyền trưởng” dẫn đầu trong các hoạt động tổ chức trưng bày tại bảo tàng, cần phải “thổi hồn” vào các hoạt động trưng bày tại Bảo tàng để mỗi trưng bày sẽ có được “hơi thở” và đặc trưng riêng có của mình, làm giàu và phong phú thêm nghiệp vụ trưng bày với những đặc tính không thể trộn lẫn.

Toàn cảnh Hội thảo

Có một thực tế là, sự xuất hiện của bảo tàng thông minh cũng như ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp công chúng có thể chủ động tiếp cận, tìm hiểu, khám phá, nhất là với bảo tàng có quy mô lớn. Thí dụ, Bảo tàng Hermitage (Nga) gồm sáu khối nhà với 1.057 phòng, tọa lạc trên diện tích rộng tới 4,65 km². Nếu khách tham quan chỉ dừng ngắm mỗi hiện vật trưng bày tại đây trong vòng một phút sẽ phải cần đến sáu năm mới có thể chiêm ngưỡng được hết các hiện vật. Tương tự, Bảo tàng Louvre (Pháp) diện tích 210 nghìn m2, trong đó có 60.600 m² dành cho tám khu trưng bày chính cho nên để tham quan hết bảo tàng, nếu chỉ lướt qua thì du khách cũng phải mất hàng tuần lễ. Vậy nhưng, với sự trợ giúp của công nghệ như phim 3D, không gian thực tế ảo, phòng tương tác giữa người xem với hiện vật,... giúp khách tham quan rút ngắn thời gian tìm hiểu về bảo tàng sao cho phù hợp với nhu cầu, sở thích của mỗi người. Mặt khác, công nghệ số còn giúp tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hiện vật được trưng bày với bối cảnh được phục dựng, giúp người xem dễ dàng hình dung về "đời sống" trước đó của hiện vật. Tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên New York (Mỹ), sở dĩ khu trưng bày "khủng long bay" thu hút đông khách tham quan là bởi tại đây, các nhà khoa học sử dụng máy tính để phục dựng quái vật tiền sử, từ khung xương, cơ bắp đến da; đồng thời thông qua các tư liệu khảo cổ để phục dựng đời sống của loài khủng long thông qua các thước phim 3D. Những ứng dụng của công nghệ số trong hoạt động của bảo tàng đã giúp tạo ra môi trường trải nghiệm cho khách tham quan, do đó bảo tàng không còn là những gian trưng bày tĩnh với các hiện vật khô khan mà trở thành những tư liệu lịch sử sống động, hấp dẫn. Ở Việt Nam hiện nay, nhờ bước đầu ứng dụng thành công công nghệ mới trong việc trưng bày và triển lãm hiện vật mà Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Áo Dài, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia,... cũng đang tạo ra bước phát triển đột phá.

TS. Đặng Xuân Thanh chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tại Hội thảo

Từ sự thống nhất giữa các chuyên gia trong và ngoài nước về nguyên tắc coi bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử - văn hóa của quá khứ mà cần trở thành nơi kết nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai, gắn với sự phát triển của xã hội, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhấn mạnh: việc tổ chức hoạt động tại các bảo tàng cần đa dạng, hấp dẫn, phù hợp đời sống đương đại, không thể đóng khung, biến thành "tháp ngà", nặng tính hàn lâm nhưng lại xa lạ với cộng đồng. Sự xuất hiện của bảo tàng thông minh đang mở ra một hướng đi mới, đòi hỏi các bảo tàng cần nhanh chóng nắm bắt, kịp thời thích ứng với xu thế thời đại. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng dù sự tham gia của công nghệ vào lĩnh vực bảo tàng có phát triển đến đâu thì cũng không thể thay thế được vai trò của con người. Vì vậy, đội ngũ những người làm công tác bảo tàng cần không ngừng nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt và đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe của công chúng. Sự kết nối giữa bảo tàng với các chương trình giáo dục trong nhà trường và cộng đồng, cũng như sự phối hợp với ngành du lịch cần được tăng cường, góp phần mở rộng đối tượng tham quan và đa dạng hóa các chương trình hoạt động, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng. Ðặc biệt, cần xác định khách tham quan như đối tượng trung tâm của hoạt động bảo tàng để tiến hành việc nghiên cứu nhu cầu của công chúng và xây dựng các chương trình phù hợp, như vậy sẽ xóa bỏ cung cách tổ chức theo kiểu áp đặt, cứng nhắc một chiều đang tồn tại ở một số nơi. Sẵn sàng thay đổi tư duy, hướng tới mục tiêu luôn đổi mới phương pháp tổ chức trưng bày, phục vụ lợi ích cộng đồng sẽ là yếu tố quan trọng để bảo tàng chấm dứt tình trạng đìu hiu, vắng khách như hiện nay./.

Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác