Tọa đàm khoa học “Sự phục hưng về an ninh của Nhật Bản”

17:00 15/03/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 15/3/2017, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Sự phục hưng về an ninh của Nhật Bản”.

Tham dự tọa đàm có sự hiện diện của  Giáo sư Adrew L. Oros, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, Đại học Washington, bang Maryland, Hoa Kỳ; TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và  các Phó Viện trưởng là PGS.TS. Phạm Quý Long và PGS.TS. Phạm Hồng Thái cùng các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực chính trị - an ninh đến từ các cơ quan hữu quan của Việt Nam và một số viện nghiên cứu quốc tế (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Nghiên cứu Trung Quốc) của Viện Hàn lâm, toàn thể cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Giáo sư Adrew L. Oros và TS. Trần Quang Minh trao đổi<br>tại Tọa đàm<br>   Toàn cảnh Tọa đàm<br><br>

Giáo sư Adrew L. Oros được biết đến là chuyên gia chính trị học so sánh quốc tế (Đông Á) và các nền dân chủ công nghiệp tiên tiến. Ông là tác giả và đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về các chính sách an ninh đang diễn biến của Nhật Bản, trong đó có cuốn sách Japan’s Security Renaissance vừa được xuất bản năm 2017 (tạm dịch: Sự phục hưng về an ninh của Nhật Bản). Trong cuốn sách này, Adrew L. Oros lập luận rằng: Trong nhiều thập niên sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Nhật Bản đã lựa chọn chính sách tập trung vào quyền lực mềm và ngoại giao kinh tế, liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ, tránh thể hiện vai trò chính trị - an ninh trong khu vực và toàn cầu. Song kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, chính sách an ninh của Nhật Bản đã có những sự thay đổi đáng kể; đặc biệt là năng lực quân sự của Nhật đã ngày càng được tăng cường. 

Trang bìa ấn phẩm “Japan’s Security Renaissance” (Sự phục hưng về an ninh của Nhật Bản) của<br>Giáo sư Adrew L. Oros

Tại Tọa đàm, Giáo sư Adrew L. Oros đã giới thiệu khái quát nội dung chính của cuốn sách cùng những lập luận về vấn đề nêu trên; trình bày bức tranh toàn cảnh về chính sách quốc phòng và an ninh Nhật Bản tập trung vào 04 nội dung chính: (1) Tóm tắt nội dung chính của cuốn sách nêu trên; (2) Nêu các ví dụ nổi bật liên quan đến sự thay đổi chính sách an ninh khu vực, đặc biệt là ảnh hưởng chính sách quân sự Nhật Bản đối với khu vực, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đông Nam Á (Việt Nam) trong 1 thập kỉ vừa qua; (3) Phân tích vai trò và sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với sự thay đổi về chính sách quân sự của Nhật Bản dưới thời Tổng thống Mỹ -  Donald Trump; (4) Trình bày tổng quan định hướng chính sách an ninh của Nhật Bản và nhận định vai trò của Nhật Bản ở khu vực trong tương lai. Theo đó, Giáo sư Adrew L. Oros nhấn mạnh đến sự thay đổi về tư duy và nhận thức xã hội đối với việc đảm bảo an ninh của Nhật Bản trong bối cảnh hiện nay; khẳng định, chính sách an ninh của không chỉ dừng lại ở vấn đề thiết bị vũ trang hay vũ khí mà còn góp phần thể hiện sự phồn vinh về kinh tế, nâng cao tầm ảnh hưởng của từng quốc gia trong khu vực.

Sau phần trình bày của Giáo sư, các đại biểu tham dự có nhiều trao đổi, chia sẻ  ý kiến, quan điểm về sự thay đổi chính sách quốc phòng, an ninh của Nhật Bản; vấn đề củng cố hợp tác an ninh chặt chẽ giữa Việt Nam – Nhật Bản; giới hạn và rào cản đối với việc hợp tác quân sự với Nhật Bản; những ảnh hưởng thời kỳ Donald Trump đến chính sách an ninh của Nhật Bản và khu vực Châu Á (Đông Nam Á); đánh giá vai trò của dư luận xã hội về chính sách an ninh của Nhật Bản trong bối cảnh hiện nay…Các câu hỏi đặt ra đã được giáo sư Adrew L. Oros giải đáp tận tình và thuyết phục.

Những thông tin hữu ích mà Giáo sư chia sẻ tại Tọa đàm sẽ là nguồn tư liệu tham khảo mới, quí giá cho các nhà nghiên cứu khoa học  Viện Hàn lâm nói chung và Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á nói riêng; qua đó góp phần gợi mở thêm nhiều hướng nghiên cứu về sự phục hưng an ninh của Nhật Bản cũng như thảo luận về những định hướng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ hợp tác an ninh, chính trị giữa Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác