Tọa đàm “Quan hệ thương mại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á”

17:00 01/03/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Nhằm góp phần tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, nhân chuyến công tác của đoàn học giả Viện Khoa học xã hội Thượng Hải (SASS), Trung Quốc, sáng ngày 01 tháng 03 năm 2017, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm- VASS) đã đón đoàn đến thăm và trao đổi khoa học với các chuyên gia, nhà nghiên cứu của VASS với chủ đề “Quan hệ thương mại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á”.

GS.TS. Phạm Văn Đức và GS.TS. Wangzhen (Vương Chấn)<br> chủ trì Tọa đàm

Đến dự buổi Tọa đàm, về phía SASS có: GS.TS. Wangzhen (Vương Chấn), Phó Chủ tịch SASS; GS. Shen Yuliang (Thẩm Ngọc Lương) và PGS.TS. Peng Yu (Bằng Vũ), Viện Nghiên cứu Kinh tế thế giới; TS. Wang Genxiang (Vương Căn Tường), Giám đốc Văn phòng Dự án Liên hợp quốc; Ông Lu Junrong (Lục Quân Dung), Giám đốc Bộ phận nghiên cứu, Trung tâm Trao đổi Kinh tế quốc tế; TS. Liu Aming (Lưu A Minh), Phó Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế.

Về phía VASS có: GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; PGS.TS. Phạm Thái Quốc, Phó Tổng biên tập Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của VASS.

Tọa đàm do GS.TS. Phạm Văn Đức và GS.TS. Wangzhen (Vương Chấn) đồng chủ trì.

Quan hệ kinh tế, thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đã lớn mạnh nhanh chóng trong những năm vừa qua, đặc biệt là sau Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ký tháng 11 năm 2002 nhằm thiết lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), với mục tiêu hiện thực hóa ACFTA vào năm 2010 đối với Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc, và vào 2015 đối với Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam. 

ThS. Trần Thị Hải Yến, Viện Nghiên cứu Trung Quốc<br> trình bày tham luận tại Tọa đàm   <br>Toàn cảnh Tọa đàm<br>

Hiệp định về thương mại hàng hóa và Thỏa thuận cơ chế giải quyết tranh chấp giữa ASEAN và Trung Quốc ký tháng 11 năm 2004 tại Viêng Chăn. Hiệp định về thương mại hàng hóa bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 năm 2005. Hiệp định thương mại dịch vụ được ký bên lề Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 ASEAN - Trung Quốc vào tháng 1 năm 2007 tại Cebu, Phillippines và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Ủy ban Đàm phán thương mại ASEAN-Trung Quốc (AC-TNC) đã hoàn tất thương lượng về Hiệp định đầu tư ASEAN-Trung Quốc vào tháng 11 năm 2008 và ký kết hiệp định này trong khuôn khổ Hội nghị các bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 41 vào tháng 8 năm 2009 tại Bangkok, Thái Lan. Điều này đồng nghĩa với việc các tiến trình đàm phán giữa ASEAN- Trung Quốc về khu vực mậu dịch tự do đã được hoàn tất theo như Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc đặt ra.

Toàn cảnh Tọa đàm

Tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự được nghe 03 báo cáo của các học giả Việt Nam và Trung Quốc. Tham luận Quan hệ kinh tế Trung Quốc – ASEAN trong bối cảnh mới, ThS. Trần Thị Hải Yến, Viện Nghiên cứu Trung Quốc – VASS đã trình bày 03 nội dung quan trọng: (1) Những nhân tố tác động đến quan hệ kinh tế Trung Quốc – ASEAN; (2) Thực trạng quan hệ kinh tế Trung Quốc – ASEAN; (3) Cơ hội, thách thức và xu hướng quan hệ kinh tế giữa hai nước. Theo đó, việc thúc đẩy mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc- ASEAN sẽ tạo điều kiện cho kinh tế ASEAN phát triển, góp phần khai thác nguồn lợi “địa chính trị, địa kinh tế”, tăng cường kết nối hạ tầng, tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế, giảm chi phí thương mại, thúc đẩy thương mại các tỉnh biên giới Trung Quốc, đạt cân bằng phát triển vùng miền.

PGS.TS. Peng Yu (Bằng Vũ) và GS. Shen Yuliang (Thẩm Ngọc Lương) trình bày tham luận tại Tọa đàm

GS. Shen Yuliang (Thẩm Ngọc Lương) với tham luận “Thương mại Trung Quốc- Việt Nam: Bổ trợ hay thay thế?” đã phân tích quá trình phát triển mậu dịch trên thế giới và khu vực Châu Á; khẳng định, các công ty xuyên quốc gia làm cho các nước trên toàn cầu đạt được sự cân bằng trong mậu dịch…

PGS.TS. Peng Yu (Bằng Vũ) với tham luận Tiến triển mới đối với các qui tắc trong hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam, nhấn mạnh đến xu hướng phát triển của FTA toàn cầu; so sánh mạng lưới về mức độ sâu rộng các FTA của Việt Nam; một số lĩnh vực Việt Nam tham gia các hiệp định mậu dịch; ảnh hưởng của FTA đối với nền kinh tế của Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Thái Quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới và GS.TS. Đỗ Tiến Sâm trao đổi<br> với các nhà khoa học Trung Quốc tại Tọa đàm

Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến các đại biểu tham dự xoay quanh bàn luận các vấn đề: nâng cao chất lượng đầu tư của Trung Quốc tại ASEAN và Việt Nam; vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); tác động của việc Mỹ rút khỏi TPP đến khu vực ASEAN và vai trò của Trung Quốc; nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc; sự đánh đổi lớn của Trung Quốc về môi trường song song với sự phát triển kinh tế… Qua đó nhấn mạnh đến sự liên kết của các nước trong khu vực góp phần hình thành cộng đồng lợi ích chung khi Trung Quốc xây dựng chiến lược “Một vành đai, một con đường”.

Tọa đàm là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích và bàn luận những vấn đề quan trọng liên quan đến quan hệ kinh tế Trung Quốc- ASEAN nói chung cũng như quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc nói riêng. Nhiều nội dung được diễn giả đặt ra và các học giả thảo luận hết sức sôi nổi trên tinh thần thẳng thắn, khoa học.

Phát biểu tổng kết tại Tọa đàm, GS.TS. Phạm Văn Đức trân trọng cảm ơn GS.TS. Wangzhen (Vương Chấn) cùng đoàn học giả SASS đã tham dự tọa đàm với VASS; khẳng định, Tọa đàm có ý nghĩa khởi đầu quan trọng cho quan hệ hợp tác khoa học mới mà hai bên sẽ triển khai trong những năm tới  (VASS- SASS đã kí bản bản ghi nhớ hợp tác từ năm 2016); đồng thời mong muốn tiếp tục hợp tác với SASS ở những hội thảo qui mô lớn hơn. GIáo sư Phó Chủ tịch hi vọng, qua chuyến thăm lần này, Đoàn SASS sẽ hiểu sâu sắc hơn nữa về tình hình mới tại Việt Nam, hướng tới phát triển mối quan hệ hợp tác với VASS trên nhiều lĩnh vực khác trong thời gian tới. 

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác