Tọa đàm được thực hiện trực tuyến qua Zoom (do Ngân hàng Thế giới cung cấp) và trực tiếp tại Hội trường 3D với sự tham dự của các thành viên thuộc Đội đặc nhiệm của Viện Hàn lâm, chuyên gia từ Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại diện các tổ chức phi chính phủ như: UNICEF, UNDP, World Bank, Oxfarm. TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm dự và phát biểu tại Tọa đàm.
|
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm dự và phát biểu tại Tọa đàm |
Tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá và thảo luận về những tác động của COVID-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp do Ngân hàng Thế giới thu thập từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021; Đánh giá và thảo luận về cách mà các hộ gia đình đối phó với tác động của dịch Covid-19; cách mà chính phủ Việt Nam ứng phó trong khoảng thời gian giai đoạn COVID-19 được kiểm soát và trước khi bùng phát lớn vào tháng 4 năm 2021 do biến thể Delta gây ra.
Thông qua các báo cáo và thảo luận, các đại biểu nhận định: Không có quốc gia nào đứng ngoài vòng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đại dịch bùng phát đã làm gián đoạn một thời kỳ thịnh vượng lâu dài và tăng trưởng kinh tế cao ở hầu hết các châu lục. Trong số những quốc gia bị ảnh hưởng, Việt Nam là một trong số ít các nước có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp nhất trên thế giới trong năm 2020 và đầu năm 2021. Tuy nhiên, khảo sát thực tiễn tại Việt Nam cho thấy hầu hết các hộ gia đình bị giảm thu nhập, tỷ lệ mất việc làm cao, người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Các doanh nghiệp đối mặt với nguy giải thể, thị trường giảm hoặc mất doanh thu, đình trệ hoạt động...
Quan sát các hộ gia đình và doanh nghiệp ở các chiều cạnh như họ bị ảnh hưởng như thế nào trong thời gian giãn cách của đại dịch, các “cú sốc” kinh tế mà các doanh nghiệp và người dân phải đối mặt, sự thích nghi của người dân và doanh nghiệp; hiệu quả và tồn tại cần giải quyết của các gói hỗ trợ chính sách do chính phủ thực hiện; tìm hiểu quyền lợi của các nhóm yếu thế trong tiếp cận dịch vụ; tầm quan trọng của việc xây dựng khả năng phục hồi của doanh nghiệp và nhu cầu về mạng lưới an sinh xã hội giúp người dân thoát khỏi bẫy đói nghèo và đóng cửa doanh nghiệp, vấn đề số hóa… mỗi chiều cạnh tiếp cận đều cho thấy những bài học, thách thức không nhỏ cần phải thực hiện và tiến hành các nghiên cứu trên diện rộng hơn nữa để tìm ra những giải pháp, dự báo thích ứng cho những giai đoạn “bình thường mới” hậu đại dịch tiếp theo.
|
Đại biểu tham dự Tọa đàm chia sẻ tham luận qua Zoom |
Chia sẻ ý kiến tại Tọa đàm, các diễn giả đến từ Ngân hàng Thế giới cho biết: Trong giai đoạn từ tháng 6/2020 đến tháng tháng 3/2021, Ngân hàng Thế giới đã tiến hành một số cuộc điều tra/phỏng vấn qua điện thoại nhằm bước đầu đánh giá những tác động của đại dịch Covid-19 đối với hộ gia đình, doanh nghiệp cũng như cách họ đối phó với nó, cũng như cách ứng phó của Chính phủ Việt Nam...
Dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập được, có thể thấy rằng báo cáo đã sử dụng dữ liệu khảo sát, kỹ thuật mô phỏng và dữ liệu hành chính để xem xét các lĩnh vực (1) tác động của cuộc khủng hoảng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, (2) cách họ đối phó với cuộc khủng hoảng, (3) cách chính phủ phản ứng, (4) cách quỹ đạo đói nghèo bị ảnh hưởng trong năm 2020, và (5) tiềm ẩn những hậu quả lâu dài hơn, đặc biệt là những hậu quả liên quan đến gia tăng bất bình đẳng. Khoảng thời gian được đề cập trong báo cáo đánh dấu giai đoạn đầu tiên của đại dịch ở Việt Nam, giai đoạn COVID-19 được kiểm soát thành công và trước khi bùng phát lớn vào tháng 4 năm 2021 do biến thể Delta gây ra.
Những đánh giá ban đầu và những bài học kinh nghiệm được rút ra từ đại dịch Covid-19 tại Việt Nam sẽ là cơ sở để các bên liên quan có thể xây dựng các định hướng nghiên cứu mới về giảm nghèo, tạo đà cho các kế hoạch hợp tác, nghiên cứu phát triển hơn nữa giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới trong những giai đoạn tiếp theo.
Phạm Vĩnh Hà