Tham dự buổi lễ có: TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Đỗ Hoài Nam, nguyên Viện trưởng, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Bùi Trường Giang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Phó Ban Tuyên giáo Trung Ương; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng và các đồng chí lãnh đạo đại diện Viện Nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm cùng toàn thể cựu cán bộ viên chức và cán bộ viên chức Viện Kinh tế Việt Nam qua các thời kỳ.
Viện Kinh tế Việt Nam, trước đây là Viện Kinh tế học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập ngày 06/02/1960, theo Quyết định 037-TTg của Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 15/01/2004 Viện Kinh tế học được đổi tên thành Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam theo Nghị định số 26/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Như vậy, cho đến nay, trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Viện Kinh tế Việt Nam đã tròn 60 năm tuổi.
![PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc tại Lễ Kỷ niệm](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/pgs%20bùi%20quang%20tuan%2011-1.jpg) |
Viện Kinh tế Việt Nam hiện nay có 07 phòng nghiên cứu, 1 trung tâm nghiên cứu và 02 phòng chức năng. Tổng số cán bộ là 55, bao gồm 4 Phó Giáo sư, 16 Tiến sĩ, 4 NCS còn lại là 21 Thạc sĩ, Cử nhân. Viện có hai tạp chí là Nghiên cứu Kinh tế và Vietnam’s Socio- Economic Development (VSED). Viện được đánh giá nằm trong nhóm 50 think tanks của khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương (đánh giá của Global go to Think Tank Index 2017). Đặc biệt, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế liên tục là 1 trong 4 tạp chí kinh tế hàng đầu của Việt Nam và Tạp chí VSED được xếp vào hạng tạp chí kinh tế bằng tiếng Anh hàng đầu ở Việt Nam.
Phát biểu chào mừng tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ các đại biểu tham dự; đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của buổi lễ kỷ niệm Viện. Đây là dịp để giúp các thế hệ sau tự hào khi được đi trên con đường gian khổ nhưng đầy vinh quang mà các bậc tiền bối đã gây dựng, góp phần hiểu rõ về giá trị cao đẹp của nguồn cội, lịch sử để vững bước noi theo và tiến vào tương lai. Trên cơ sở phát huy những truyền thống tốt đẹp của Viện, PGS Viện trưởng cũng nhấn mạnh đến những định hướng nghiên cứu tập trung trong giai đoạn tới: Tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng trưởng xanh, năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp tư nhân, FTA thế hệ mới và tác động, FDI thế hệ mới, tham gia của doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu, kinh tế số, chuyển đổi số, ứng phó với BĐKH…Bên cạnh đó là mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hợp tác với địa phương và tư vấn về qui hoạch và xây dựng chiến lược phát triển.
![Các cán bộ và cựu cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cùng đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/132_luu%20niem%201.jpg) |
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, TS. Đặng Xuân Thanh nhiệt liệt chúc mừng và ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu to lớn và bề dày truyền thống lịch sử quí báu 60 năm xây dựng và phát triển của Viện Kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên với bối cảnh mới như hiện nay, Phó Chủ tịch mong muốn Viện tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp sẵn có, đồng thời phải thường xuyên cập nhật tri thức mới, ứng phó với những thách thức mới, từng bước sắp xếp tổ chức, điều phối hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội về tư vấn chính sách, đề xuất giải pháp đột phá mới, góp phần nâng tầm vị thế của Viện Kinh tế Việt Nam. Phó Chủ tịch bày tỏ niềm tin sâu sắc vào tiềm năng phát triển lớn mạnh của Viện; cần tập hợp sức mạnh của tập thể, sát cánh cùng Viện Hàn lâm lan tỏa tri thức, trí tuệ và có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới.
Diễn ra trong bầu không khí, trang trọng và đầm ấm. Lễ Kỷ niệm là nơi các cựu cán bộ Viện cùng nhau chia sẻ những kỉ niệm gắn bó trong hàng chục năm qua, nơi đã hun đúc, rèn luyện giúp thế hệ các nhà khoa học trưởng thành và trở thành những chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam như GS.TS. Trần Đình Thiên, GS.TS. Võ Đại Lược, GS.TS. Đỗ Hoài Nam, TS. Bùi Trường Giang…
Một chặng đường 60 năm đã khép lại, một chặng đường mới mở ra với nhiều thách thức trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, với bề dày truyền thống lịch sử đáng tự hào, các thế hệ cán bộ kế cận sẽ kế thừa và phát huy di sản của tiền nhân, không ngừng nỗ lực, cống hiến và sáng tạo, góp sức xây dựng và phát triển Viện Kinh tế Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Nguyễn Thu Trang