TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ
Tới dự lễ kỷ niệm, về phía lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Viện Hàn lâm có TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Đỗ Hoài Nam, UV TW Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 8,9,10, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từ năm 1994-2009. Về phía các cơ quan Trung ương có TS. Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từ năm 2010-2012; TS. Lê Đức Thúy, UV TW Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 9,10, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từ năm 1983-1988.
Về phía lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam có TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành; các Phó Viện trưởng: TS. Lê Xuân Sang và TS. Hà Thị Hồng Vân; TS. Vũ Tuấn Anh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từ năm 1989-1994; PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từ năm 2009-2018; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từ năm 2018-2023,…
Đặc biệt, tham dự Lễ Gặp mặt có các quý vị đại biểu là khách quý, đối tác của Viện như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; đại diện các Sở, Ban, Ngành, địa phương tại Quảng Ninh, Hà Nội, Phú Thọ, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh..; các đại biểu là lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Viện Hàn lâm cùng sự tham dự đông đủ các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động đã và đang công tác tại Viện.
TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam đọc diễn văn kỷ niệm tại buổi Lễ
Phát biểu khai mạc tại Lễ Gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam trân trọng cảm ơn sự quan tâm, động viên và những tình cảm quý báu của các đồng chí lãnh đạo Viện Hàn lâm, các cơ quan chức năng, các tổ chức đối tác đã luôn ủng hộ, tạo điều kiện và đồng hành cùng Viện trong suốt chặng đường 65 năm qua.
Trong diễn văn khai mạc, TS. Phạm Anh Tuấn đã khái quát quá trình hình thành và phát triển, những thành tựu nổi bật của Viện Kinh tế Việt Nam trong 65 năm qua. Theo đó, Viện Kinh tế học thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước (tiền thân của Viện Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay) được thành lập ngày 06/02/1960 theo Quyết định 037-TTg của Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sự ra đời của Viện Kinh tế học là một sự kiện quan trọng đối với giới nghiên cứu lý luận kinh tế Việt Nam. Đến ngày 15/01/2004, Viện Kinh tế học được đổi tên thành Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Trong suốt quá trình phát triển, Viện Kinh tế Việt Nam luôn bám sát chức năng nhiệm vụ của mình với tư cách là Viện nghiên cứu lý luận và thực tiễn về khoa học kinh tế của Việt Nam. Cùng với trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao và nhiệt huyết tràn đầy, mỗi bước trưởng thành của Viện luôn gắn liền với sự lớn mạnh và phát triển của nền kinh tế Việt Nam, từ thời kỳ chiến tranh, giải phóng đất nước cho đến công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế, thông qua các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, xây dựng đường lối chính sách cho Đảng, Nhà nước và các địa phương. Các kết quả nghiên cứu của Viện được thể hiện trong hàng trăm đầu sách, trong hàng ngàn bài báo đăng tải trên các tạp chí, đặc biệt là trong các kiến nghị, ý kiến gửi lên Đảng, Nhà nước và Chính phủ về những vấn đề cấp bách, nóng bỏng của nền kinh tế Việt Nam trong từng thời kỳ.
Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, Viện đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ trực tiếp giao thực hiện nhiều nhiệm vụ đặc biệt, gắn với các vấn đề đường lối và chiến lược phát triển, nảy sinh từ những thay đổi tình huống phát triển trên thế giới và trong nước. Trong số này phải kể đến các nhiệm vụ nghiên cứu thời kỳ Đổi mới trong thập niên 1980, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế trong thập niên 1990, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hay về tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 đến kinh tế Việt Nam. Từ những nghiên cứu này, nhiều khuyến nghị đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước… Song song với nhiệm vụ nghiên cứu, Viện đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển ngành khoa học kinh tế nước nhà qua việc đào tạo và cung cấp cho đất nước nhiều nhà khoa học có uy tín, cũng như phổ biến những tri thức cơ bản về khoa học kinh tế thông qua việc đăng tải kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành hay xuất bản các loại ấn phẩm khác. Các tạp chí khoa học của Viện đều là những ấn phẩm có chất lượng và được đánh giá cao…
TS. Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, với những đóng góp đó, Viện Kinh tế Việt Nam được đánh giá là một trong những cơ quan nghiên cứu kinh tế hàng đầu ở Việt Nam, thuộc Top 5 đơn vị có kết quả hoạt động KPI, có thành tích cao nhất trong toàn Viện Hàn lâm và thuộc nhóm viện nghiên cứu có thứ hạng cao nhất của Việt Nam, được xếp hạng 58 trong các tổ chức nghiên cứu có ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, nhiều cán bộ đã trưởng thành trong môi trường nghiên cứu, học thuật của Viện và sau này trở thành những đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Theo thời kỳ, có thể kể đến một số đồng chí nguyên lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam tiêu biểu như sau: Đồng chí Bùi Công Trừng, GS. Trần Phương, GS. Đào Văn Tập. GS.TS. Đỗ Hoài Nam, TS. Lê Đức Thuý, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, cùng với nhiều đồng chí khác – như GS. Đặng Phong, PGS.TSKH. Võ Đại Lược, TS. Vũ Tuấn Anh, PGS.TS. Trần Đình Thiên, v.v., đó là những người đã in tên tuổi mình vào lịch sử phát triển của Viện Kinh tế Việt Nam.
TS. Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, trước xu thế phát triển của đất nước, trong đó tập trung thực hiện quá trình sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, kể từ tháng 01/2024, Trung tâm Phân tích và Dự báo đã được sáp nhập vào Viện Kinh tế Việt Nam; và kể từ tháng 02/2025, Viện Kinh tế Việt Nam sẽ hợp nhất cùng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới. Sau hợp nhất, Viện sẽ trở thành viện nghiên cứu chuyên ngành kinh tế lớn, với lực lượng cán bộ gần 90 người. Trước thực tế đó, TS. Phạm Anh Tuấn nhận định chặng đường phía trước của Viện còn những khó khăn, thách thức không nhỏ, tuy nhiên, để tiếp tục giữ vững và phát huy những thành tựu đã đạt được, TS. Phạm Anh Tuấn khẳng định, với tư cách là thế hệ đang nắm giữ trọng trách mà lịch sử 65 năm Viện Kinh tế Việt Nam giao phó, Viện Kinh tế luôn xác định sự phát triển của Viện trong tương lai cần phải được xây dựng trên nền tảng đổi mới, sáng tạo và hợp tác, đặc biệt khẳng định và nâng cao vai trò là Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia hàng đầu của Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ Gặp mặt, thay mặt Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm, Chủ tịch Phan Chí Hiếu nhiệt liệt chúc mừng Viện Kinh tế Việt Nam tròn 65 tuổi; đánh giá cao những thành tích, kết quả mà Viện đã nỗ lực phấn đấu đạt được. Với vai trò là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu cơ bản, tư vấn chính sách, đào tạo nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực kinh tế, Chủ tịch Phan Chí Hiếu khẳng định Viện Kinh tế Việt Nam có nhiều đóng góp thiết thực, cụ thể trong quá trình phát triển đất nước với nhiều dấu ấn đậm nét qua các thời kỳ.
Qua chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển, Viện Kinh tế Việt Nam đã thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác nghiên cứu cơ bản, tư vấn chính sách, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, đóng góp thiết thực vào thành công chung của Viện Hàn lâm và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhờ có thành tích công tác đó mà Viện Kinh tế Việt Nam, các đơn vị thuộc Viện, nhiều cán bộ, viên chức của Viện vinh dự nhận được các danh hiệu, phần thương cao quý của Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương và Viện Hàn lâm.
Thay mặt Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm, Chủ tịch Phan Chí Hiếu gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các thế hệ lãnh đạo, các công chức, viên chức, người lao động của Viện Kinh tế Việt Nam đã luôn nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi, không quản ngại khó khăn vất vả để đạt được những thành công và sự lớn mạnh ngày hôm nay; đồng thời cảm ơn các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia, các nhà khoa học đã luôn quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng Viện Kinh tế Việt Nam, cùng Viện Hàn lâm và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp hiệu quả của các đồng chí thời gian tới.
Chủ tịch Phan Chí Hiếu trao tặng Bằng khen cho Viện Kinh tế Việt Nam
Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Phan Chí Hiếu đã ra Quyết định khen thưởng số 1557/QĐ-KHXH ngày 30/12/2024 cho tập thể Viện Kinh tế Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc 2 năm liên tục (2023-2024) đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”.
Phát biểu tại Lễ Gặp mặt, Chủ Tịch Phan Chí Hiếu cho rằng bên cạnh những đạt quả và thành tích đạt được, hoạt động của Viện Kinh tế Việt Nam còn gặp một số khó khăn vướng mặc và có những hạn chế nhất định: (i) đội ngũ nghiên cứu trình độ cao còn mỏng; (ii) có hiện tượng “hụt hẫng” thế hệ; (iii) kinh tế hoạt động còn khó khăn; (iv) một số nghiên cứu chất lượng chưa đồng đều, chưa được như mong muốn, còn thiếu những công trình nghiên cứu lớn; (v) hoạt động tư vấn chính sách có lúc chưa kịp thời, chưa thực sự khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, vị thế của Viện…
Chủ tịch Phan Chí Hiếu cho rằng, với những kết quả đạt được trong thời gian qua của Viện Kinh tế Việt Nam là rất đáng tự hào, nhưng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho khoa học, công nghệ nói chung và Viện Hàn lâm, trong đó có Viện Kinh tế ngày càng nặng nề hơn với nhiều nhiệm vụ mới, hết sức quan trọng. Và để phát huy truyền thống vẻ vang 65 năm xây dựng và phát triển, Chủ tịch Viện Hàn lâm đề nghị tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Viện Kinh tế Việt Nam tiếp tục nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, trí tuệ, tập trung thực hiện tốt một số điểm sau:
Một là, tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò viện nghiên cứu đầu ngành về khoa học kinh tế của đất nước; từng bước khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới.
Hai là, tập trung thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phục vụ công cuộc phát triển đất nước; chú trọng nghiên cứu liên ngành (kinh tế - xã hội; kinh tế - pháp luật)
Ba là, hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo đúng các chủ trương của Đảng, Chính phủ, của Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm, Nghị định của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm…
Bốn là, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ tâm huyết với nghề, có năng lực nghiên cứu và phẩm chất đạo đức tốt; quan tâm tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ để xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý kế cận.
Năm là, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc; phát huy hơn nữa tính chủ độnh, sáng tạo, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; chủ động, tích cực phối hợp công tác với các cơ quan tổ chức trong và ngoài Viện Hàn lâm.
Sáu là, chú trọng xây dưng môi trường nghiên cứu khoa học liêm chính, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Từng thành viên của Viện cần nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, nhất trí, đồng lòng. Cấp ủy lãnh đạo Viện, nhất là người đứng đầu cần điều hành công việc khoa học, dân chủ, minh bạch, khách quan, công bằng, tất cả vì mục tiêu phát triển chung của Viện.
Quang cảnh buổi Lễ
Chủ tịch Phan Chí Hiếu chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam qua các thời kỳ
Lãnh đạo Viện Hàn lâm chụp ảnh lưu niệm cũng các thế hệ lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam và các đối tác của Viện
Lãnh đạo Viện Hàn lâm chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu và toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động đã và đang công tác tại Viện Kinh tế Việt Nam
Tại buổi Lễ, nhiều đại biểu đã thể hiện tình cảm, chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc với Viện Kinh tế Việt Nam, cũng như nhắn nhủ và gửi gắm hy vọng vào sự phát triển không ngừng của Viện Kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Đây chắc chắn sẽ là nguồn động viên và cũng là động lực thôi thúc mạnh mẽ để tập thể Viện Kinh tế Việt Nam tiếp nối truyền thống đoàn kết và bề dày kinh nghiệm để đưa Viện Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và không ngừng lớn mạnh trong tương lai, đóng góp thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển của Viện Hàn lâm và đất nước.
Nhân dịp này, Viện Kinh tế Việt Nam nhận được nhiều lời chúc mừng, lẵng hoa tươi thắm của các đại biểu tham dự cũng như các cơ quan, ban, ngành, đối tác trong và ngoài Viện Hàn lâm.
Một số hình ảnh tại buổi Lễ:
Các đại biểu xem phim tư liệu “65 năm thành lập Viện Kinh tế Việt Nam: nhìn lại để tiến bước”
Một góc trưng bày sản phẩm sách của Viện Kinh tế Việt Nam
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm chia sẻ những kỷ niệm trong quãng thời gian từng làm việc tại Viện Kinh tế Việt Nam
TS. Lê Đức Thúy, Ủy viên TW Đảng khóa 9, 10, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu và ôn lại những kỷ niệm thời kỳ Ông còn công tác
PGS.TS. Đỗ Lộc Diệp, cán bộ nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam từ năm 1964- 1980 chia sẻ cảm nghĩ tại Lễ Gặp mặt