Tham dự hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; đồng chí Nguyễn Văn Đông, Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Viên chức Việt Nam (CĐVCVN); đồng chí Dương Viết Đoàn, Phó Trưởng ban Tổ chức CĐVCVN; PGS.TS. Phạm Văn Dương, Phó Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm cùng các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ, Ban chấp hành, Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viện Hàn lâm; các đồng chí là Ủy viên Ban chấp hành và Ủy viên Ủy ban kiểm tra Công đoàn các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm.
|
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Phạm Văn Dương nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn. Đồng thời Phó Chủ tịch Công đoàn nhấn mạnh nội dung tập huấn có ý nghĩa quan trọng đối với Công đoàn Viện hàn lâm; trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Viện Hàn lâm và Công đoàn Viên chức Việt Nam đã dành thời gian đến dự cũng như thuyết trình tại buổi tập huấn cho các cán bộ chủ chốt của Công đoàn các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm. Qua đó PGS Phạm Văn Dương mong muốn các cán bộ sẽ tập trung lắng nghe và lĩnh hội sâu sắc thêm nhiều thông tin mới, góp phần triển khai hiệu quả hơn nữa các nội dung tập huấn ở các đơn vị.
|
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành Nghị quyết số 02- NQ/TW để thấy rõ nét vai trò của Công đoàn và sự cần thiết phải đổi mới trong công tác Công đoàn nói chung. Bên cạnh đó là nội dung qui chế dân chủ cơ sở cũng là nội dung gắn liền với Nghị quyết số 02, hai nội dung bổ trợ lẫn nhau và gắn liền với hoạt động Công đoàn Viện Hàn lâm (tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước). PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cũng nhận định rằng, buổi tập huấn với hai nội dung trên có ý nghĩa thiết thực đối với các cán bộ công đoàn chủ chốt. Qua đó các đồng chí sẽ nắm rõ hơn sứ mệnh và vai trỏ của bản thân mình trong công tác Công đoàn nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới; mong muốn các đồng chí sẽ tích cực trao đổi, thảo luận và nắm rõ các qui định mới trong Nghị quyết và các văn bản liên quan, áp dụng hiệu quả trong công tác chuyên môn và hoạt động Công đoàn trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Báo cáo viên, đồng chí Nguyễn Văn Đông đã truyền đạt 02 chuyên đề chính: Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và vai trò của Công đoàn với dân chủ cơ sở. Đồng chí Nguyễn Văn Đông nhấn mạnh đến lý do cần phải ban hành Nghị quyết và các quan điểm chỉ đạo. Đó là: (1) Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội; (2) Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, phù hợp với thể chế chính trị đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế; (3) Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh là góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; (4) Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phải phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát huy vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; (5) Đổi mới có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hoàn thiện cơ cấu, chính sách, tạo nguồn lực đủ mạnh để Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, có lộ trình phù hợp, vững chắc, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm thế giới.
Theo đó mục tiêu tổng quát của Nghị quyết hướng tới xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
|
Chuyên đề 02 “Vai trò của Công đoàn đối với công tác dân chủ ở cơ sở”, đồng chí Nguyễn Văn Đông đã phân tích khái niệm về dân chủ và quan điểm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Công đoàn đối với công tác dân chủ cơ sở. Theo đó, xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị- kinh tế- xã hội ở mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thông qua việc thực hiện QCDC kết hợp với tổ chức Công đoàn, các cán bộ, công chức, viên chức sẽ phát huy tốt nhất quyền làm chủ của bản thân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động cũng như nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; phòng chống, ngăn ngừa các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu…. Trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, tổ chức công đoàn có vai trò điều hòa và ổn định quan hệ lao động. Đây là vai trò không một tổ chức chính trị có thể thay thế được vì công đoàn là đại diện một bên của quan hệ lao động, thiếu công đoàn không thể tạo thành quan hệ lao động hoàn chỉnh.
|
Những thông tin mới mà đồng chí Nguyễn Văn Đông truyền đạt tại buổi tập huấn sẽ giúp các cán bộ công đoàn chủ chốt ở các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm nắm vững được những qui định, qui chế cũng như nhận thức rõ nét vai trò của bản thân mình, vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác dân chủ cơ sở nhằm xây dựng cơ quan đoàn kết, vững mạnh, góp sức vào sự phát triển chung của Viện Hàn lâm trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang