|
GS.TS. Đặng Nguyên Anh phát biểu ý kiến khai mạc Hội thảo |
Tới dự và chỉ đạo Hội thảo có GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; đồng chí Nguyễn Văn Đông, Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động VN, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam. Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Phạm Minh Phúc, UVBCH Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm; các đồng chí Phó Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành (BCH), Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viện Hàn lâm và các đồng chí Ủy viên BCH Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Viện Hàn lâm.
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội thảo, GS.TS Đặng Nguyên Anh đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của toàn thể đại biểu, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp và nhấn mạnh đến vai trò của Công đoàn trong các hoạt động xây dựng và phát triển chung của Viện Hàn lâm nhất là trong việc phát huy hiệu quả, quyền làm chủ của người lao động trong cơ quan, góp phần xây dựng Đảng và chính quyền ngày càng vững mạnh. Phó Chủ tịch nhận định Hội thảo là một trong các hoạt động quan trọng để tổ chức Công đoàn Viện Hàn lâm tiếp tục khẳng định được vai trò, tiếng nói của mình nhất là trong việc thực hiện nhiệm vụ đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Thông qua 2 phiên làm việc: Phần 1: Thảo luận, góp ý kiến dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Phần 2. Thảo luận, góp ý kiến dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025. Các tham luận và ý kiến trình bày tại Hội thảo đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề cụ thể có liên quan cụ thể là:
(1). Đối với dự thảo góp ý Văn kiện Đại Hội XIII: các đại biểu đã cùng nhau góp ý về: (i) kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới; (ii) Về tầm nhìn và định hướng phát triển (Dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới); (iii). Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững; (iv). Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; (v). Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; (vi). Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; (vii). Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; (viii). Quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; (ix). Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; (x). Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII…
|
TS. Trần Thị Tuyết, Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Công đoàn Viện Hàn lâm trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp cho các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng |
|
TS. Phạm Sỹ An, Ủy viên BCH, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Công đoàn Viện Hàn lâm trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Hàn lâm lần thứ XIX |
Đóng góp ý kiến Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, định hướng xây dựng chiến lược kinh tế giai đoạn 2020-2030, nhiều ý kiến đã tập trung vào các vấn đề như: dịch bệnh Covid-19 diễn ra, tác động mãnh liệt đến nền kinh tế, xã hội nước ta và thế giới như thế nào; các vấn đề liên quan đến hạ tầng xã hội như hạ tầng giáo dục, y tế...; phát triển kinh tế trọng tâm; các mục tiêu chiến lược cần tập trung trong xây dựng nền kinh tế thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm ngập mặn, biến đổi khí hậu...
Về dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng, nhiều góp ý cũng thẳng thắn đề cấp đến các nội dung như: những hạn chế trong nội dung đánh giá cán bộ; Việc tổ chức học tập, nghiên cứu Điều lệ Đảng chưa được quan tâm đúng mức, và “Hình thức sinh hoạt định kỳ có đông đảng viên, hoạt động phân tán” chưa thật phù hợp; Cần nhấn mạnh hơn nữa vào nguyên tắc xây dựng Đảng; cần có thêm những quy định, nguyên tắc riêng trong công tác cán bộ; nhấn mạnh đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ những giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh...
|
PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm phát biểu tại Hội thảo |
(2). Tổng hợp các ý kiến thảo luận đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ Viện Hàn lâm trình Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, nhiều ý kiến cũng tập trung làm rõ: số lượng đảng viên trong Đảng bộ; cần phân loại đảng viên theo trình độ chuyên môn để làm rõ tính đặc thù của cơ quan nghiên cứu khoa học; tầm quan trọng của việc bổ sung thêm một số Nghị quyết quan trọng, như: Nghị quyết 33-NQ/TW, Nghị quyết 52-NQ/TW,… trong công tác tuyên truyền vào giáo dục tư tưởng, chính trị của Đảng viên; Nêu rõ những rào cản hành chính hiện có trong cơ chế quản lý khoa học; khẳng định các nghiên cứu khoa học xã hội chưa được chú trọng đề cao, do đó ảnh hưởng đến sự phát triển của Khoa học xã hội; Làm rõ tầm, quan trọng của sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với tạo nguồn cán bộ khoa học xã hội; Đề cập đến vấn đề quy hoạch: Mỗi đảng viên phấn đấu, tự trưởng thành để đảm nhiệm các chức vụ chứ không phải chỉ là sự phân công của lãnh đạo và tổ chức; thảo luận về các tiêu chí khuyến khích các nghiên cứu công bố quốc tế; vấn đề luân chuyển cán bộ; chảy máu chất xám; tầm quan trọng của việc tách nhiệm vụ đào tạo cán bộ của Viện Hàn lâm với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện thành 2 nội dung, để tránh nhầm lẫn…
|
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng đồng Nguyễn Văn Đông, UVBCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam |
Tổng kết các ý kiến tham luận và góp ý tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm khẳng định Hội thảo đã thu được những kết quả tốt đẹp, các ý kiến góp ý sẽ được BTC tổng hợp thành văn bản và trình Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong thời gian sớm nhất./.
Phạm Vĩnh Hà