Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Được thành lập năm 2005 với tên gọi Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng Bắc Bộ, đến năm 2012, theo Nghị định số 109/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện chính thức được đổi tên thành Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng như hiện nay.
Trải qua 15 năm, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng đã dần vươn lên trở thành đơn vị nghiên cứu có đóng góp đáng kể vào nghiên cứu về vùng và phát triển bền vững trong cả nước. Viện có đội ngũ chuyên gia chất lượng cao gồm 37 cán bộ, trong đó có 12 Phó Giáo sư và Tiến sĩ, 22 Thạc sĩ, là cán bộ nghiên cứu được đào tạo chuyên môn bài bản các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước. Viện đã thực hiện hơn 100 đề tài các cấp, trong đó có 8 đề tài cấp Nhà nước, 40 đề tài cấp bộ và trên 50 đề tài, dự án với các bộ, ngành, địa phương, và các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước. Viện có các đối tác quốc tế bao gồm nhiều trường đại học hàng đầu thế giới (Montreal - Canada, Adelaide - Australia, Kobe - Nhật Bản,…) và nhiều công ty tư vấn hàng đầu thế giới (BCG, KPMG, Nikken Seikei...).
Với tầm nhìn “Trở thành đơn vị nghiên cứu hàng đầu Việt Nam và có uy tín quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và tư vấn về phát triển bền vững, phát triển bền vững vùng, đóng góp vào phát triển và ứng dụng khoa học bền vững”, Viện đã và đang đầu tư phát triển mọi mặt để tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò của mình. Trải qua 15 năm, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng đã liên tục phát triển, mở rộng các hướng nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động trong tình hình mới.
Thứ nhất, Viện đã tiến hành các nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về phát triển bền vững và phát triển bền vững vùng, góp phần vào sự hình thành và phát triển khoa học về phát triển bền vững của Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu của Viện không chỉ hình thành cơ sở khoa học mà còn được sử dụng để tư vấn, hoạch định chính sách về phát triển bền vững và phát triển bền vững vùng.
Thứ hai, trong thời gian qua Viện đã tích cực tham gia đào tạo đại học và sau đại học, đào tạo theo chuyên đề, góp phần phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, của các trường đại học, cơ sở đào tạo và của các tổ chức khác ở trong và ngoài nước.
Thứ ba, những nghiên cứu của Viện góp phần xây dựng, đóng góp, góp ý và phản biện cho các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương và theo sự phân công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Thứ tư, Viện tổ chức tư vấn khoa học và thực hiện cung cấp dịch vụ về những vấn đề kinh tế - xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng. Viện đã tư vấn và hỗ trợ về phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường cho nhiều địa phương và bộ/ngành trong cả nước.
Thứ năm, hợp tác quốc tế về nghiên cứu, tư vấn và đào tạo theo quy định hiện hành là nhiệm vụ không thể thiếu trong công tác của Viện. Trong đó, việc ký kết hợp tác với các tổ chức, các cơ quan nghiên cứu khoa học và các nhà khoa học trong và ngoài nước đã được chú trọng và tiến hành thường xuyên từ khi thành lập Viện cho đến nay.
Cuối cùng, Viện quan tâm xây dựng và thực hiện quy trình quản lý tri thức hiệu quả, trong việc nghiên cứu, khởi tạo, lưu trữ và phổ biến tri thức về phát triển bền vững và phát triển bền vững vùng. Các hoạt động này đã tăng cường năng lực và liên kết nghiên cứu bên trong, cũng như đẩy mạnh trao đổi thông tin khoa học bên ngoài Viện với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước; phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học và thúc đẩy việc thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam. Tạp chí Phát triển bền vững Vùng được thành lập từ tháng 4 năm 2011, phát hành 3 tháng một kỳ cũng đã trở thành một trong số ít diễn đàn khoa học trao đổi học thuật, thông tin về những vấn đề lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển bền vững và phát triển bền vững vùng.
Với các thế mạnh trong nghiên cứu, đào tạo và tư vấn về Phát triển bền vững và khoa học về sự bền vững; Khoa học về vùng và phát triển bền vững vùng; Kinh tế tuần hoàn và các khía cạnh sản xuất, tiêu dùng, văn hóa, xã hội trong kinh tế tuần hoàn; Phát triển bền vững đô thị; và Dịch vụ trong phát triển bền vững, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng đã và đang tiếp tục mở rộng hợp tác với các nhà nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước, đóng góp nhiều giá trị gia tăng hơn nữa cho nghiên cứu khoa học, tư vấn, đào tạo, quản lý và hoạch định chính sách.
PV.
Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng