Dù là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Phó Tổng Giám đốc TTXVN, hay ở cương vị là Viện trưởng đầu tiên của Viện Viện Xã hội học, ở ông đều toát lên sức hút lớn từ sự kết hợp cổ điển của phương Đông và phóng khoáng, hiện đại của phương Tây hòa quyện thành phong thái tư duy: vừa trầm sâu, thâm thúy vừa giàu sức đột khởi, sáng tạo trong mọi phương diện cống hiến.
Là người con sinh ra và lớn lên ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định, rồi học tiếp ở Thái Thụy, tới Trường Bonnal, Hải Phòng, ra Hà Nội làm gia sư năm 17 tuổi, bôn ba theo cách mạng, tới 1954 ông mới về hẳn Thủ đô. Nhưng khí chất người Hà Nội toát lên trong ông vẫn tự nhiên bởi phong cách lịch duyệt khó trộn lẫn. Dành cả cuộc đời gắn bó với sự phát triển của ngành khoa học xã hội, với sức lao động phi thường, không quản ngày đêm trong những năm tháng cuối đời của Giáo sư Vũ Khiêu, mùa hè 2018, bộ sách 3 tập Văn hiến Thăng Long, dày tới 2.400 trang mà ông lặng lẽ chấp bút trong suốt 15 năm, đã được xuất bản trong sự vui mừng và cảm phục của các nhà lãnh đạo, giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ học và đông đảo bạn đọc. Đây là món quà tinh thần đặc biệt quý giá mà Giáo sư Vũ Khiêu dâng tặng Thăng Long - Hà Nội, cho sự phát triển chung của nền văn hóa nước nhà.
|
Ngược dòng thời gian, những ai chứng kiến cuộc đời Giáo sư Vũ Khiêu đều biết, những năm sung sức nhất, viết nhiều công trình quan trọng nhất là những năm tháng Giáo sư sống kham khổ trong ngôi nhà cấp 4 chỉ hơn 20m2 ở sau nhà Viễn đông Bác Cổ. Tại đây, với sức làm việc 16-20 tiếng mỗi ngày, Giáo sư đã cho ra đời nhiều trước tác giá trị, như: Đẹp, Mỹ học, Đạo đức học, Lịch sử tư tưởng, Văn hiến Việt Nam (3 tập, 1.500 trang), Anh hùng và nghệ sĩ, soạn các giáo trình giảng dạy trường sân khấu, điện ảnh…
Từ nghiên cứu học hỏi của mình, Giáo sư Vũ Khiêu đã cho ra đời hàng trăm bộ sách đồ sộ, bề thế về giáo dục, kinh tế, tôn giáo, trang phục, hàng hóa, lễ hội, công trình văn hóa, truyện kể dân gian, thần tích, văn chương của vùng đất Thăng Long từ thời Văn Lang-Âu Lạc, Lý, Trần, Lê-Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn tới nay. Giới học giả kính trọng xưng tặng Giáo sư là nhà “Thăng Long học”. Số lượng tác phẩm, công trình Giáo sư đã viết, chủ biên, biên tập, cố vấn khiến giới khoa học phải kính nể.
Đặc biệt, Giáo sư Vũ Khiêu còn là bậc thầy về tài viết phú, văn tế, văn bia. Đây là những thể cổ văn rất khó, thế nhưng Giáo sư luôn thể hiện vừa tề chỉnh niêm luật mà vẫn phóng khoáng, nhịp điệu trầm hùng đầy mỹ cảm, ngồn ngộn dữ liệu lịch sử, văn hóa mà vẫn thanh tao, hào hoa, nhã tiệp. Chứng kiến nhân dân ta chết đói hơn 2 triệu người năm Ất Dậu 1945, Giáo sư đã chấp bút viết Truy điệu những lương dân chết đói đầy xúc động. Tiếp đến là Văn tế anh hùng liệt sỹ của Cách mạng Tháng Tám, Chúc văn Lễ hội đền Hùng… Nhiều đền thờ anh hùng liệt sỹ, như: Đền thờ Ngô Quyền ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), Đài liệt sỹ Tây Ninh, Văn bia tưởng niệm Lý Thái Tổ (Hoa Lư)… cho tới bài minh trên chuông xã Bát Tràng, tất cả đều nhờ Giáo sư chấp bút. Có thể nói, Giáo sư là hiện thân của sự hòa quyện uyển chuyển giữa chính trị và văn hóa.
Không chỉ là một nhà nghiên cứu xuất sắc, Giáo sư Vũ Khiêu còn là một nhà ngoại giao giỏi. Ông chính là thành viên sáng lập Hội Xã hội học các nước xã hội chủ nghĩa; giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên điều hành nhiều hội thảo quốc tế của UNESCO tại Việt Nam; cùng Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp chủ trì nhiều cuộc hội thảo về Nho giáo tại Việt Nam và Paris; được nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Chủ tịch Hội Khổng học thế giới mời làm cố vấn của Hội…
|
Dành trọn cuộc đời với sự nghiệp nghiên cứu, Giáo sư Vũ Khiêu đã xuất bản hàng trăm tác phẩm có giá trị trên nhiều lĩnh vực như triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội... Đóng góp lớn ở nhiều phương diện như vậy nhưng một trong những điều ông tâm đắc là xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những công trình nghiên cứu của ông góp phần tạo ra nền tảng nghiên cứu văn hóa so sánh phương Đông, trong đó so sánh văn hóa Việt Nam với các nước cùng khu vực. Đây là đóng góp rất lớn khi chỉ ra vai trò, vị trí của Việt Nam trong nền văn hóa Đồng Văn ở khu vực Đông Nam Á,…
Giáo sư đã vượt qua những giới hạn của thể chất, đời người để cống hiến trọn vẹn cho nền văn hóa dân tộc. Con người lỗi lạc, tấm gương lỗi lạc ấy đã dừng chân cõi tạm, vĩnh biệt chúng ta để về cõi phật khi chạm mốc 106 tuổi, để lại cho đời niềm kính nhớ vô bờ bến. Xin tiễn biệt ông, giáo sư đáng kính, cuộc đời của giáo sư sẽ mãi là tấm gương sáng chói, soi đường chỉ lối cho thế hệ những người làm khoa học, nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn mãi mãi noi theo.
Phạm Vĩnh Hà (tổng hợp)