Đề tài cấp Bộ "Di sản Hán Nôm thời Mạc" nghiệm thu đạt loại xuất sắc

17:00 23/03/2015
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 24 tháng 3 năm 2015, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Di sản Hán Nôm thời Mạc” do PGS.TS. Đinh Khắc Thuân làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm là cơ quan thực hiện. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá đạt loại xuất sắc.

Đề tài tập trung sưu tập, thống kê, nghiên cứu văn bản, biên dịch và lần lượt công bố những tác gia, tác phẩm Hán Nôm thời Mạc (1527-1592) có giá trị, nhằm xã hội hóa di sản Hán Nôm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Các tác phẩm Hán Nôm thời Mạc được đề cập trong Đề tài tập trung vào một số lĩnh vực chính như sau:

1) Về văn học: văn học giai đoạn phản ánh các thành tựu về văn, thơ được sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm và đóng góp khá nhiều trong nền văn học Việt Nam; ngoài những sáng tác mới, các tác gia thời kỳ này còn có công lao thu thập lại những tác phẩm đời trước bị thất lạc do chiến tranh.

Giai đoạn này có các thể loại: hiến chương (Ứng đáp giao bang), thơ ca (Phụng Thành xuân sắc phú, Đại Đồng phong cảnh phú…), truyện ký (Ô châu lục, Truyền kỳ mạn lục…) với các tác giả tiêu biểu như: Nguyễn Dữ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Giản Thanh, Giáp Hải, Nguyễn Hãng…

2) Về sử học: trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư phần liên quan đến nhà Mạc được các sử gia nhà Mạc sử dụng và tu chỉnh. Ngoài ra còn có Tưởng Lê an Mạc tập chép lại một số chỉ dụ cùng thư từ bang giao giữa vua nhà Mạc với nhà Minh.

Đề tài đã tập trung khảo sát, dịch chú các loại hình văn bản, như: văn bản thơ phú Nôm - Vịnh sử diễn âm, Mạc sử diễn âm…; khảo sát và biên dịch văn bản thơ chữ Hán gồm các tác phẩm trong Toàn Việt thi lục và các tác phẩm tiêu biểu khác; Khảo sát và biên dịch tài liệu lịch sử thời Mạc như Tưởng Lê an Mạc tập, Mạc tộc gia phả…; cùng các tài liệu điển chế, luật pháp, bang giao và tôn giáo – Hồng Đức thiện chính..; khảo sát và biên dịch văn khắc chữ Hán Nôm gồm 180 bia, 3 minh chuông, 20 minh văn khắc trên đồ gốm, 2 sắc phong… Một số chuyên đề nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí chuyên ngành trong nước, như Tạp chí Hán Nôm, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, Tạp chí Khoa học xã hội.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn bởi lần đầu tiên gần như toàn bộ di sản Hán Nôm thời Mạc được sưu tầm, tập hợp, phân loại, nghiên cứu văn bản, dịch thuật, chú thích, tiến tới công bố, làm cơ sở xây dựng một hệ thống dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu lịch sử Vương triều Mạc nói riêng và lịch sử xã hội Việt Nam thế kỷ XVI nói chung./.

 

Nguyễn Thu Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác