Mục tiêu tổng quát của Đề tài phân tích bối cảnh phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay, nhất là khi hai nước theo đuổi mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện, đánh giá những tiềm năng hợp tác song phương và đưa những kiến nghị chính sách nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm củng cố hơn nữa quan hệ song phương hiện nay trên cả phương diện kinh tế và chính trị/an ninh.
Với mục tiêu tiêu tổng quát đó, Đề tài đặt ra những nhiệm vụ phân tích cụ thể sau: (1) Sự thay đổi trong quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có tác động như thế nào tới hợp tác kinh tế song phương; (2) Thực trạng hợp tác kinh tế song phương hiện nay giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là như thế nào, hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia hỗ trợ như thế nào tới các vấn đề chiến lược của hai quốc gia; (3) Những khó khăn trong thúc đẩy hợp tác chiến lược kinh tế hiện nay là gì và quan điểm giải quyết là như thế nào.
Đề tài đã tập trung xem xét thực trạng và những tiềm năng hợp tác kinh tế song phương Nam – Hoa Kỳ trong chiến lược đưa Hoa Kỳ thành đối tác chiến lược về kinh tế của Việt Nam, theo đó Hoa Kỳ vừa là một đối tác kinh tế hàng đầu, và thông qua hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ để tăng cường an ninh quốc gia. Đề tài quan niệm rằng việc biến một đối tác kinh tế trở thành một đối tác kinh tế chiến lược phải được dựa trên hai nhân tố chính: tiềm năng hợp tác và động cơ chính trị trong hợp tác. Hai nhân tố này có tác động tương hỗ. Tiềm năng hợp tác là nền tảng, nhưng quan hệ thương mại và đầu tư song phương không thể có bước phát triển mạnh nếu các bên đối tác không tìm thấy ở nhau tầm quan trọng chiến lược. Những động lực chính trị và mong muốn thúc đẩy hợp tác vì những mục tiêu chiến lược lâu dài đối với sự phát triển của quốc gia là điều kiện tối quan trọng mà các đối tác từ đó có thể dành cho nhau những cơ hội, những ưu đãi để thúc đẩy hợp tác song phương. Việt Nam và Hoa Kỳ là hai đối tác có đủ các điều kiện để trở thành các đối tác chiến lược cả về kinh tế và an ninh - quốc phòng.
Trên phương diện hợp tác kinh tế, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được bước phát triển mạnh mẽ trong đầu tư và trao đổi thương mại song phương kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ năm 1995 và sau khi ký Hiệp định thương mại tự do song phương năm 2000. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và vào năm 2014 Việt Nam đã vươn lên thành đối tác có quy mô xuất khẩu lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào thị trường Hoa Kỳ. Trong giai đoạn gần đây, Việt Nam và Hoa Kỳ cùng với 10 đối tác khác thuộc khu vực ven bờ Thái Bình Dương đã đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2016. Xét trên phương diện quan hệ song phương, TPP là một bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và điều này phản ánh rõ rệt nhất mong muốn thúc đẩy quan hệ quan hệ song phương theo khuôn khổ đối tác hợp tác toàn diện mà hai bên cùng theo đuổi.
Mặc dù, Hoa Kỳ đã rút khỏi TPP vào đầu năm 2017, nhưng trên thực tế, TPP đã có những tác động tích cực tới quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ. Vốn đầu tư trong nước cũng như đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tăng khá mạnh trong những năm qua là tác động của hiệu ứng đầu tư “đón đầu” TPP và chính luồng vốn này đã thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh vào thị trường Hoa Kỳ trong những năm qua. Trong những năm gần đây, trên nền tảng của quan hệ chính trị mới, và dựa trên sự bảo lãnh thương mại, các công ty của Việt Nam đã ký kết nhiều đơn hàng lớn với các công ty của Hoa Kỳ như các đơn hàng mua máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, động cơ phát điện giá trị nhiều tỉ đôla. Các công ty Hoa Kỳ cũng đang bắt đầu đầu tư những dự án lớn tại Việt Nam như tổ hợp khai thác dầu khí tại mỏ “Cá voi xanh” tại khu vực miền Trung Việt Nam và xúc tiến các dòng vốn đầu tư gián tiếp tại thị trường chứng khoán và các quỹ đầu tư mạo hiểm…
|
|
|
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu được trình bày trong 3 chương. Chương I: Quan hệ đối tác toàn diện và vai trò của các hợp tác kinh tế trong quan hệ quốc tế. Với sự tan băng trong quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh, mặc dù xu hướng cạnh tranh và đối đầu trong quân sự giữa các quốc gia vẫn còn, nhưng xu hướng lấy quan hệ kinh tế làm một trục trong quan hệ giữa các nước đã được đẩy mạnh theo đó các quan hệ kinh tế được lồng ghép trong các quan hệ chính trị và quân sự. Tiến trình lồng ghép này trong những năm gần đây càng được đẩy mạnh cùng với tiến trình toàn cầu hóa kinh tế quốc tế. Hoa Kỳ cũng đã sử dụng một cách tích cực sự tương hỗ lẫn nhau giữa hợp tác quân sự và hợp tác quốc tế nhằm gia tăng vai trò lãnh đạo và chi phối các quan hệ quốc tế.
Chương II: Hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã chỉ ra, quan hệ kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ có những bước chuyển biến tích cực cùng với sự cải thiện quan hệ chính trị ngoại giao giữa hai quốc gia. Bình thường hóa quan hệ ngoại giao là nền tảng cho sự ra đời của Hiệp định thương mại song phương (BTA) và sự cải thiện quan hệ chính trị ngoại giao cũng mở đường cho Việt Nam trở thành thành viên WTO và qua đó, quan hệ thương mại – đầu tư giữa hai quốc gia có những bước tiến đáng kể. Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam và Hoa Kỳ có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt khi hai nước đẩy mạnh hợp tác chính trị, ngoại giao qua đó, Việt Nam đã xuất khẩu nhiều hàng hoá vào thị trường Hoa Kỳ, và các công ty Hoa Kỳ đang từng bước tham dự vào những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Chương III: Triển vọng gia tăng hợp tác theo chiều sâu kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ. Nghiên cứu của Đề tài cho thấy, quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ là khá tích cực, ngay cả khi không có TTP, trong 5 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Hoa Kỳ thì dệt may và giày da sẽ tiếp tục là lĩnh vực chiếm ưu thế nhất, và Việt Nam đứng đầu những nước xuất khẩu hàng dệt may và da giày vào Hoa Kỳ (so với các nước thuộc TTP). Xuất khẩu nông sản, thực phẩm trong thời gian tới tiếp tục là lĩnh vực đầy hứa hẹn và thách thức. Năm 2015, các mặt hàng này có giảm, mặc dù vậy, thị trường Hoa Kỳ vẫn chiếm tới 20% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Thời gian tới, thủy sản vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đến Hoa Kỳ.
Nét mới trong quan hệ kinh tế song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chính là việc các quan hệ kinh tế đã được triển khai theo hướng đi vào chiều sâu, mở rộng và tham gia vào một số lĩnh vực chiến lược. Đầu tư của Hoa Kỳ đã có những dự án lớn và tham gia vào khu vực có ý nghĩa cả về kinh tế lẫn an ninh quốc gia đối với Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn cũng như có những đóng góp mới cho nghiên cứu về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện./.
PV