Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tập quán an táng của người Việt là những vấn đề xã hội có liên quan đến môi trường, đất đai và quy hoạch đô thị. Liên quan trực tiếp với việc quản lý, ra các văn bản chỉ đạo, quy phạm pháp luật, chính sách nhằm đảm bảo phong tục tập quán của dân tộc phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước. Phó Thủ tướng yêu cầu các nội dung trao đổi tại Diễn đàn cần tập trung làm rõ những vấn đề liên quan dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau để có các kiến nghị cần thiết cho Đảng và Nhà nước phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, cần gắn các kết quả đạt được trong nghiên cứu khoa học đi đôi với việc xây dựng và thực thi chính sách đảm bảo an sinh – xã hội, trên cơ sở kế thừa và phát huy vai trò của các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, các tổ chức xã hội, cộng đồng, cư dân…, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển cuộc sống văn minh, đậm đà bản sắc và tinh hoa dân tộc.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn chia sẻ: Tập quán mai táng của người Việt Nam, gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh, tôn giáo của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ. Ở mỗi vùng miền, mỗi tộc người đều có những lễ thức mai táng khác nhau. Đây là việc hệ trọng không chỉ đối với mỗi người mà còn trở thành vấn đề lớn đối với xã hội. Vì vậy, việc hiểu rõ, đánh giá đúng tập tục mai táng truyền thống của người Việt sẽ là câu trả lời rõ nét nhất về thực trạng, bất cập và những hệ lụy mà tập tục này đã và đang ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, môi trường sống… của người dân Việt Nam.
|
Với 25 tham luận nhận được và gần 10 tham luận được trình bày tại Diễn đàn, các nhà khoa học đã cùng nhau luận bàn về rất nhiều vấn đề liên quan đến tập quán mai táng của người Việt: xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra; Tục chôn cất của người Việt và vấn đề đất đai trong bối cảnh nông thôn mới hiện nay; Từ hung táng, cát táng đến hỏa táng – chôn cất một lần: bước thay đổi lớn trong nhận thức về mai táng của người Việt đồng bằng Bắc bộ; Tập quán mai táng của người dân Hà Nội hiện nay: dưới góc nhìn địa lý nhân văn; Tác động kinh tế - môi trường từ xu hướng biến đổi các tập quán mai táng… Đây là kết quả của các nghiên cứu khoa học về khảo cổ, lịch sử, văn hóa, kinh tế, môi trường… có liên quan đến tập tục mai táng của người Việt Nam ở các vùng, miền và các tộc người khác nhau trên mọi miền tổ quốc.
Tại đồng bằng, đa số người Kinh có tập quán địa táng. Tức là người chết được chôn xuống đất (hung táng), sau vài năm thì được cải táng (cát táng). Quy trình này có nhiều lễ thức phức tạp, mất nhiều thời gian, chi phí. Đồng thời, làm cho môi trường đất, nước ở nhiều khu vực xung quang nghĩa địa bị ô nhiễm, trở thành nỗi ám ảnh, thậm chí tác động xấu đến người dân sinh sống xung quanh khu vực.
Ở vùng Tây Nguyên – nơi sinh sống của các dân tộc ít người, tuy đất đai còn tương đối rộng rãi nhưng lại có những tập tục mai táng lạc hậu như chôn chung (tức là khi trong một gia đình có người chết thì người ta đào mộ phần của người đã chết trước đó để bỏ thi hài người chết sau nằm chung với người chết trước, hoặc là đặt quan tài người chết sau sát cạnh quan tài người chết trước). Tập tục này được người Gia Rai hiện nay tiếp tục bảo tồn, duy trì hay tục thiên táng của người Giẻ Triêng đã từng tồn tại trong cộng đồng cách đây không lâu và đến nay vẫn còn dấu vết.
|
|
Ở các đô thị lớn, tình trạng “người sống ở gần người chết” hay “người sống ở cùng người chết” đã và đang tồn tại và trở thành vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của cư dân đô thị. Điều này phát sinh do quỹ đất tại các đô thị có nhiều hạn chế, tài chính đắt đỏ… Do vậy, khi gia đình có người chết, việc lựa chọn hình thức mai táng, địa táng hay hỏa táng, chôn cất nơi nào, lưu trữ tro cốt ở đâu… trở thành việc đại sự của hầu hết các gia đình. Bên cạnh đó, vấn đề hộ khẩu, tiêu chuẩn, các chế độ chính sách đi kèm cũng không hề đơn giản.
Đối với khu vực nông thôn, nhiều gia đình có người chết phải đối mặt với việc giải quyết vấn đề người xa quê thì có được mang thi hài/hài cốt/tro cốt về quê mai táng không? Người nghèo từ nơi khác đến có đủ tiền để mua suất đất ở khu nghĩa trang để mai táng không? Thực sự là những bài toán cuộc sống rất hóc búa, cần được chung tay giải quyết từ các cấp ban ngành.
Như vậy, có thể thấy rằng, các tham luận và các ý kiến trao đổi đã tập trung làm rõ những nội dung chính liên quan đến chủ đề của Diễn đàn. Khẳng định lễ thức tang ma, tập quán mai táng của người Việt Nam là sự kiện gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh, tôn giáo của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ. Đây là lễ thức thể hiện trách nhiệm, đạo nghĩa của người sống dành cho người thân đã khuất. Là nghi thức lý giải vì sao người ta dành nhiều sự quan tâm đặc biệt cả về vật chất và tinh thần cho sự kiện quan trọng này.
Bên cạnh đó, những kết luận đến từ các tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu, quản lý ngành khảo cổ học, lịch sử, văn hóa, xã hội… đã cho thấy tập quán mai táng của người Việt Nam đang thực sự có nhiều tiếp biến văn hóa hết sức đặc trưng. Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận, cũng bộc lộ nhiều điểm bất cập gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của người dân.
|
Trong đó, hệ lụy nổi bật nhất phải kể tới là vấn đề liên quan đến quỹ đất đang ngày càng bị thu hẹp, tình trạng các nghĩa trang quá tải, ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống người dân. Mặt khác, việc ganh đua trong việc xây dựng mồ mả to đẹp như “thành phố dành cho người chết”cần phải được tiết chế bằng các quy định văn hóa thông qua việc thực thi chính sách phát triển phù hợp, hay cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về việc nên lựa chọn hình thức hỏa táng nhằm tiết kiệm chi phí, tiết kiệm đất chôn cất, giản tiện hơn về thủ tục, dễ thăm viếng, chăm sóc và thân thiện với môi trường cũng là một trong những phương án khả thi, phù hợp với lối sống hiện đại được hầu hết các học giả đồng thuận khuyến nghị.
Tổng kết các tham luận trao đổi tại Diễn đàn, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đã nhiệt liệt biểu dương các ý kiến và cho rằng kết quả học thuật thu được sẽ được ban tổ chức Diễn đàn tiếp thu, chắt lọc, làm cơ sở khoa học để kiến nghị với Đảng và Nhà nước xây dựng các chính sách, quy định về lĩnh vực an táng phù hợp với truyền thống văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, đất đai, quy hoạch đô thị… của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập mới.
Phạm Vĩnh Hà