Giáo viên có vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí quyết định chất lượng giáo dục. Giáo dục không thể có chất lượng cao hơn nếu người giáo viên không có đủ kiến thức và kỹ năng, phẩm chất và năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Để đáp ứng những yêu cầu của đổi mới giáo dục, giáo viên cần phải nâng cấp toàn diện để phát triển nghề nghiệp từ kiến thức chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, nghiệp vụ sư phạm, đạo đức nghề nghiệp… theo chương trình mới, phương pháp mới, vai trò mới, cách đánh giá mới, với chuẩn nghề nghiệp mới.
Tâm thế thể hiện tính tích cực tâm lý của con người hướng đến hành động tích cực trên thực tiễn. Không thể có được một công cuộc đổi mới thành công khi từng cá nhân, mắt xích then chốt của công cuộc đó trì trệ, không chịu thay đổi. Nghiên cứu về tâm thế của giáo viên đối với đổi mới giáo dục là cần thiết để xác định được thực trạng tâm thế của giáo viên hiện nay, những yếu tố nào thúc đẩy, những yếu tố nào cản trở tâm thế tích cực của giáo viên phổ thông đối với đổi mới, từ đó có thể có những quyết định về quản lý giáo dục và phương án chuẩn bị tâm thế tốt cho giáo viên trong bối cảnh giáo dục nước nhà cần phải đổi mới cơ bản và toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội.
Trên cơ sở những vấn đề nêu trên, đề tài “Tâm thế đối với việc thực hiện đổi mới giáo dục của giáo viên phổ thông” được thực hiện, nhằm cung cấp cơ sở khoa học giúp các nhà quản lý giáo dục, quản lý các trường phổ thông có các biện pháp phù hợp để xây dựng/cải thiện tâm thế tích cực cho giáo viên đối với việc thực hiện các yêu cầu của đổi mới giáo dục hướng đến sự thành công. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở năm chương như sau:
Chương 1: Những vấn đề lý luận và phương pháp nghiên cứu về tâm thế thực hiện đổi mới giáo dục. Chương này trình bày tổng quan các nghiên cứu về tâm thế với đổi mới của các tác giả trên thế giới, đây là chủ đề được quan tâm từ góc độ tổ chức trong bối cảnh tổ chức đó luôn phải thay đổi để phát triển. Tuy nhiên, đổi mới giáo dục đòi hỏi sự thay đổi trên diện rộng chứ không phải chỉ trong phạm vi một tổ chức nhà trường và tâm thế với đổi mới giáo dục là vấn đề còn chưa nhận được nhiều sự chú ý từ giới nghiên cứu trên thế giới cũng như Việt Nam. Các niềm tin này được đặt trong bối cảnh các yêu cầu về đổi mới giáo dục đối với giáo viên, tức là các niềm tin trên gắn với yêu cầu của đổi mới giáo dục đối với giáo viên phổ thông, bao gồm tin về sự cần thiết, về khả năng, và hệ quả tích cực của đổi mới chương trình giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá, học tập phát triển nghề nghiệp và đổi mới vai trò quản lý lớp học của giáo viên. Còn tâm thế ở cấp độ cảm xúc là trải nghiệm những cảm xúc tích cực đối với yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục ở các khía cạnh khác nhau của đổi mới giáo dục. Tâm thế cấp độ nhận thức và tâm thế cấp độ cảm xúc được xem xét trong mối quan hệ đồng thời khăng khít với nhau. Sự kết hợp giữa hai cấp độ này tạo nên tâm thế đổi mới với cải cách giáo dục của giáo viên phổ thông. Hệ quả của tâm thế sẵn sàng thay đổi là các hành vi chuẩn bị và thực hiện các yêu cầu đổi mới nhằm đáp ứng về mặt chất lượng trong nghề dạy học.
Chương 2: Nội dung tâm thế của giáo viên đối với việc thực hiện đổi mới giáo dục: Xây dựng thang đo lường. Dựa trên mô hình lý thuyết của Rafferti và kết quả nghiên cứu của các tác giả khác, khái niệm tâm thế thực hiện đổi mới giáo dục đã được thao tác hóa trong bối cảnh Việt Nam, khiến cho khái niệm này trở nên rõ ràng hơn, với các chiều cạnh của tâm thế được hình thành rõ nét hơn.
Bằng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và phân tích độ tin cậy (tương quan biến – tổng, độ tin cậy phân đôi, độ tin cậy Cronbach Alpha), nghiên cứu đã cho thấy thang đo lường tâm thế thực hiện đổi mới giáo dục có độ giá trị khái niệm kiến tạo và độ tin cậy đảm bảo cho nghiên cứu về vấn đề này ở Việt Nam.
Thang đo phản ánh nội dung của tâm thế gồm 2 chiều cạnh là sự sẵn sàng thay đổi về mặt nhận thức (4 thành tố) và sự sẵn sàng thay đổi về mặt cảm xúc (3 thành tố). Như vậy, nội dung tâm thế thực hiện đổi mới giáo dục gồm 7 thành tố là: (1) Nhận thức rõ về mục tiêu và nhiệm vụ của giáo viên trong đổi mới giáo dục ; (2) Niềm tin về hệ quả tích cực cho học sinh khi thực hiện đổi mới giáo giáo dục; và (3) Niềm tin về hệ quả tích cực cho giáo viên khi thực hiện đổi mới giáo dục; (4) Các cảm xúc mang tính thúc đẩy hành động trước yêu cầu của đổi mới giáo dục; (5) Các cảm xúc mang tính chất cân bằng trạng thái tâm lý trước yêu cầu của đổi mới giáo; (6) Các cảm xúc tích cực về đổi mới giáo dục nói chung; (7) Niềm tin về sự cần thiết của đổi mới giáo dục.
Chương 3: Thực trạng tâm thế đối với việc thực hiện đổi mới giáo dục của giáo viên phổ thông. Trong Chương 3, nhóm thực hiện đề tài triển khai đánh giá về tâm thế thực hiện đổi mới giáo dục của giáo viên; so sánh tâm thế đối với việc thực hiện đổi mới giáo dục theo các lát cắt khác nhau…
Từ dữ liệu nghiên cứu tại thời điểm khảo sát, phối hợp điểm trung bình về tâm thế chung, về nhận thức và về cảm xúc, nhóm thực hiện đề tài chỉ ra 5 nhóm giáo viên với mức độ sẵn sàng khác nhau với đổi mới giáo dục: (i) Những người không sẵn sàng: Đây là nhóm những người tương đối bảo thủ, chưa sẵn sàng với đổi mới, cả về nhận thức và về cảm xúc; (ii) Những người ít sẵn sàng: Đây là những người có mức độ sẵn sàng nhất định với đổi mới giáo dục nhưng còn mang kha khá các tâm tư tiêu cực; (iii) Những người bình thường, lưỡng lự: Đây là những người ở trạng thái khá bấp bênh với đổi mới. Họ không phải là những người đã hoàn toàn sẵn sàng, nhưng cũng không phài là những người chưa sẵn sàng với đổi mới; (iv) Những người khá sẵn sàng: Họ là những người về cơ bản là sẵn sàng với đổi mới. Có nhiều điểm tích cực, nhưng vẫn còn những điểm tiêu cực đan xen hoặc về nhận thức, hoặc về cảm xúc; (v) Những người hoàn toàn sẵn sàng: Đây là nhóm những người tân tiến, hoàn toàn sẵn sàng với đổi mới, cả về nhận thức lẫn cảm xúc.
Chương 4: Các yêu tố ảnh hưởng đến tâm thế của giáo viên đối với việc thực hiện đổi mới giáo dục. Trên cơ sở tổng quan tài liệu, các biến số độc lập được xem xét ở đây gồm: (1) Các yếu tố nhân khẩu, nghề nghiệp, xã hội; (2) Các yếu tố tâm lý cá nhân; (3) Các yếu tố thuộc về tổ chức nhà trường. Các biến phụ thuộc lần lượt là Tâm thế tổng hợp, sự sẵn sàng về nhận thức và sự sẵn sàng về hành vi. Tổng cộng, 69 mô hình hồi qui đơn và đa biến được xây dựng để dự báo cho tâm thế thực hiện hiện đổi mới giáo dục. của giáo viên phổ thông.
Chương 5: Mối quan hệ giữa tâm thế và hành vi thực hiện các yêu cầu của đổi mới giáo dục. Chương này phân tích vai trò của tâm thế đối với khả năng thực hiện các hành vi đổi mới của giáo viên trên ba lĩnh vực: mức độ thành thục của các hành vi giảng dạy theo yêu cầu mới, mức độ thường xuyên thực hiện hành vi bổ trợ và hành vi tự học tập. Kết quả cho thấy: (i) Tâm thế với đổi mới giáo dục có thể tác động, làm thay đổi hành vi thực hiện đổi mới nói chung, và các dạng hành vi cụ thể của đổi mới nói riêng, trong đó tác động mạnh hơn đến hành vi giảng dạy trên lớp. Tác động đó theo chiều thuận và có biên độ khoảng 10%; (ii) Tâm thế thể hiện ở sự sẵn sàng về cảm xúc có biên độ tác động lớn hơn đến hành vi thực hiện đổi mới; (iii) Mối quan hệ giữa tâm thế đổi mới và hành vi thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục không như nhau giữa giáo viên các bậc dạy khác nhau. Trong điều kiện giáo viên có mức độ sẵn sàng với đổi mới là như nhau thì giáo viên nam và nữ có mức độ thực hiện hành vi đổi mới là như nhau nhưng giáo viên THCS có mức độ thành thục và thường xuyên thực hiện các yêu cầu của đổi mới giáo dục thấp hơn so với giáo viên tiểu học và THPT.
Đề tài “Tâm thế đối với việc thực hiện đổi mới giáo dục của giáo viên phổ thông” là chủ đề nghiên cứu rất có ý nghĩa. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về mặt lý luận, thực tiễn. Qua đó có thể làm tài liệu tham khảo, cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và giảng dạy. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.
PV.