Hội đồng do GS.TS. Đỗ Hoài Nam làm Chủ tịch Hội đồng, cùng các thành viên Hội đồng là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Thay mặt nhóm thực hiện đề tài, PGS.TS. Vũ Hùng Cường, chủ nhiệm đề tài đã trình bày vắn tắt các kết quả nghiên cứu chính, những đóng góp mới của đề tài, nhấn mạnh những kết quả vượt trội về công bố trong nước và quốc tế, đào tạo nghiên cứu sinh, xác nhận của Ban Kinh tế Trung ương về sử dụng kết quả nghiên cứu làm cơ sở để ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển Thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế của nghiên cứu.
Trên cơ sở đặt hàng của Chương trình Tây Nam Bộ, để giải quyết các mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu đề ra, đề tài đã sử dụng các cách tiếp cận như tiếp cận hệ thống, tiếp cận phát triển bền vững, tiếp cận vùng, tiếp cận lịch sử, tiếp cận liên ngành và đa ngành, sử dụng nguồn số liệu thứ cấp của Tổng cục Thống kê, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2001-2018, đồng thời tiến hành điều tra khảo sát tại tất cả 13 tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ bao gồm điều tra bảng hỏi 936 doanh nghiệp, thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu 191 cán bộ quản lý ở các sở ngành, và phỏng vấn sâu một số lãnh đạo doanh nghiệp.
Báo cáo tổng hợp của đề tài được thiết kế thành 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) trong vùng kinh tế. Chương 1 trình bày khái quát một số lý luận cơ bản về doanh nghiệp khu vực KTTN và vùng kinh tế, lý thuyết doanh nghiệp dựa trên nguồn lực để làm rõ cơ sở lý luận phát triển doanh nghiệp gắn với phát triển bền vững vùng. Đặc biệt, đề tài đã xây dựng được khung phân tích vai trò của doanh nghiệp khu vực KTTN đối với phát triển kinh tế vùng nhìn từ góc độ phát triển bền vững, xây dựng được hệ tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp khu vực KTTN đối với phát triển kinh tế vùng, hệ tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá vai trò động lực (động lực kéo, động lực đẩy) của doanh nghiệp khu vực KTTN đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng, xác định được khung các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phát huy vai trò động lực của doanh nghiệp khu vực KTTN đối với phát triển bền vững vùng. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của Anh, Ý, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, đề tài rút ra 04 bài học lớn cho phát triển doanh nghiệp khu vực KTTN ở Việt Nam và vùng Tây Nam Bộ.
Chương 2: Thực trạng phát triển và vai trò của doanh nghiệp khu vực KTTN đối với phát triển vùng Tây Nam Bộ. Trên cơ sở khung lý luận và khung phân tích, dựa trên hệ tiêu chí và chỉ tiêu đã đề ra ở Chương 1, đề tài đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng phát triển doanh nghiệp khu vực KTTN trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vùng Tây Nam Bộ cả về lượng và về chất, đánh giá khả năng thực hiện các vai trò động lực kéo và động lực đẩy; vai trò thúc đẩy phát triển thị trường theo hướng cạnh tranh và cải thiện phúc lợi người tiêu dùng; vai trò tham gia cung cấp dịch vụ công và giúp xã hội tiếp cận các dịch vụ công với chất lượng tốt hơn; vai trò vùng đệm cho nền kinh tế trước các cú sốc trong hội nhập, các cuộc khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19; vai trò đảm bảo an ninh lương thực, gia tăng tỷ trọng sản xuất sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. Đồng thời, trên cơ sở khung các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài và bên trong đã đề ra ở Chương 1, đề tài phân tích một cách sâu sắc ảnh hưởng của các yếu tố này đối với sự phát triển doanh nghiệp khu vực KTTN trong nước và doanh nghiệp FDI vùng Tây Nam Bộ thời gian qua. Từ phân tích, đánh giá thực trạng, đề tài chỉ ra 10 vấn đề phát triển của doanh nghiệp khu vực KTTN trong nước và 5 vấn đề phát triển của doanh nghiệp FDI vùng Tây Nam Bộ trong mối quan hệ với phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ, phân tích và làm rõ nguyên nhân của các vấn đề phát triển này từ góc độ doanh nghiệp và từ phía cơ chế, chính sách của nhà nước.
Chương 3: Quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển doanh nghiệp khu vực KTTN vùng Tây Nam Bộ trong bối cảnh mới. Đề tài phân tích tình hình bối cảnh mới ở quốc tế, khu vực, trong nước và vùng Tây Nam Bộ liên quan đến chủ đề nghiên cứu, những yêu cầu đối với sự phát triển của vùng Tây Nam Bộ và doanh nghiệp khu vực KTTN vùng Tây Nam Bộ gắn với bối cảnh mới và lợi thế đặc thù của vùng. Từ lý thuyết phát triển và kinh nghiệm quốc tế đã đề ra ở Chương 1, các vấn đề phát triển và nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng đã chỉ ra ở Chương 2, các yêu cầu phát triển đã phân tích ở Chương 3, đề tài đưa ra một số quan điểm và định hướng chủ đạo, đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển doanh nghiệp khu vực KTTN vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, trong đó tập trung vào nhóm các giải pháp có tính đột phá cho phát triển, nhóm các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khu vực KTTN trong nước, thúc đẩy liên kết theo chuỗi và mạng sản xuất, nhóm các giải pháp nâng cao vai trò của nhà nước trong xử lý các vấn đề cấp quốc gia, cấp vùng ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp khu vực KTTN và phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ.
Sau khi nghe ý kiến nhận xét của các Ủy viên phản biện, Ủy viên Hội đồng, GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận đánh giá cao những nỗ lực của nhóm nghiên cứu đã hoàn thành và nghiệm thu đề tài đúng thời hạn quy định, khẳng định những kết quả vượt trội của đề tài so với đăng ký, chỉ rõ những thành công và một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo của đề tài.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia đánh giá xếp loại xuất sắc (7/7 phiếu). Kết quả nghiên cứu của đề tài sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện theo góp ý của Hội đồng sẽ được xuất bản dưới dạng sách chuyên khảo trong thời gian gần. Các sản phẩm chính của đề tài sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện sẽ được chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức ở Trung ương cũng như ở vùng Tây Nam Bộ như đăng ký trong thuyết minh đề tài./.
Nguyễn Thu Trang