Một số mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2021-2030

17:00 21/07/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Văn hóa bao gồm tổng thể các yếu tố văn hóa vật thể, phi vật thể, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, môi trường văn hóa, hoạt động văn hóa, sự hưởng thụ văn hóa… không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại phát triển kinh tế bao trùm mà còn là nền tảng tạo ra gắn kết xã hội, đảm bảo cho sự phát triển bình đẳng, nhân văn, có bản sắc và bền vững. Do đó trong bối cảnh hiện nay, cần xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa giai đoạn 2021-2030 để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho quá trình phát triển đất nước.

Luận bàn về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho hay[i]: Từ năm 1986, trong tinh thần đổi mới chung của toàn xã hội, Đảng đã xác định văn hóa là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người, thể hiện trình độ phát triển chung của đất nước.

Quan điểm này đưa đến nhận thức rõ nét về sự gắn bó mật thiết của văn hóa với mọi mặt đời sống, sự phát triển của văn hóa là thước đo sự phát triển chung của đất nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, nhấn mạnh: xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

Gần đây nhất, tại mục 4 Quyết Nghị[ii] (Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng) đã nêu rõ: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Nguồn ảnh - Báo Nhân dân

Trên tinh thần đó, khái niệm văn hóa hiện nay đã trở nên phổ biến với cách hiểu rộng hơn và có ý nghĩa sâu sắc hơn, hướng đến sự phát triển toàn diện. Chính vì vậy, phát triển văn hóa là một nhiệm vụ chiến lược hướng đến việc thực hiện các mục tiêu: Thứ nhất, nâng cao nhận thức về văn hóa, nhìn nhận văn hóa trong sự đa dạng, công bằng, văn hóa có trong mọi mặt đời sống xã hội; Thứ hai, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới trên nền tảng của 54 dân tộc và lòng tự hào về văn hóa các dân tộc trên mọi miền tổ quốc; Thứ ba, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, kiên định lập trường chính trị, tư tưởng, có trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo tốt, có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, có tính nhân văn, lối sống văn hóa, khoan dung; Thứ tư, tiếp tục xây dựng văn hóa trong kinh tế và chính trị, đầu tư cho văn hóa ngang hàng với đầu tư cho kinh tế, đưa văn hóa thấm sâu vào từng quy trình sản xuất, kinh doanh, từng sản phẩm kinh tế, văn hóa phải trở thành yếu tố bên trong giúp định vị cơ cấu và vận hành hệ thống chính trị; Thứ năm, xây dựng văn hóa trở thành hệ điều tiết để góp phần ổn định xã hội, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ trong mỗi gia đình, cộng đồng đến ngoài xã hội; Thứ sáu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, và thực hiện văn hóa pháp luật trong toàn xã hội, thấm sâu vào lối sống, nếp nghĩ và hành vi của mỗi người dân, đảm bảo mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật; Thứ bảy, nâng tầm hội nhập quốc tế về văn hóa, vừa tiếp nhận được tinh hoa văn hóa thế giới, vừa giữ gìn và làm giàu bản sắc văn hóa, đảm bảo cho sự giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế được bền vững và không bị hòa tan; Thứ tám, xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa lành  mạnh, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, gia tăng sức mạnh mềm văn hóa trong đối thoại kinh tế, chính trị, ngoại giao… Thứ chín, nghiên cứu toàn diện và bài bản về văn hóa (gồm cả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, lý luận và thực tiễn) để nhận diện rõ giá trị văn hóa, quá trình phát triển và biến đổi văn hóa cùng những vấn đề đặt ra, từ đó tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định hệ thống chính sách liên quan.

Nguồn ảnh - Internet

Như vậy có thể thấy sức mạnh tự thân của văn hoá đã quy định vị trí và vai trò của văn hoá; đồng thời, nhấn mạnh vai trò quan trọng, chỉ rõ động lực của sự phát triển nằm ở chính mối tương quan giữa văn hoá và kinh tế. Sự khẳng định phát triển văn hóa trong các văn kiện Đại hội của Đảng nêu trên đã thể hiện rõ tư duy sâu sắc của Đảng về mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển; về vai trò của văn hoá và đó chính là định hướng chính xác về sự phát triển văn hoá, kinh tế và chính trị ở Việt Nam theo chủ nghĩa  Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội phải kết hợp chặt chẽ và tương xứng với phát triển kinh tế.

Vì vậy, để văn hóa trở thành nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần chú trọng phát huy sự năng động, sáng tạo, sự đổi mới, tiếp biến và làm giàu tri thức không ngừng của mỗi con người Việt Nam; huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc, để phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, nhằm tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của mỗi người cũng như của toàn xã hội hướng đến hoàn thành mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2021-2030./.

Phạm Vĩnh Hà

 

 


[i] Trích TC Cộng sản số 961 (3-2021), tr10,11,12

[ii] Trích Quyết Nghị - Nghị Quyết Đại hội đại biểu toàn quộc lần thứ XIII của Đảng

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác