Lịch sử phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Điện Biên luôn gắn liền với khảo cổ tiền sử miền Tây Bắc được biết đến với cuộc khai quật di chỉ mái đá Bản Mòn (Sơn La) của nhà khoa học người Pháp M. Colani năm 1927. Đầu những năm 1970, với các cuộc khai quật một số điểm khu vực này của các nhà khảo cổ Việt Nam tạo ra bước khởi đầu cho việc nghiên cứu khảo cổ học tiền ở đây. Cho đến nay đã phát hiện được gần 20 di tích khảo cổ học tiền sử ở tỉnh Điện Biên. Tất cả các cuộc khai quật này đều thuộc về giai đoạn tiền sử, trong đó có 06 di tích sau khi khai quật đã vĩnh viễn chìm dưới mặt nước các lòng hồ thủy điện. Kết quả khai quật đã thu được hàng vạn di vật khảo cổ, những di tích văn hóa vật thật của các cộng đồng cư dân cổ cách đây hàng vạn năm. Những nguồn tư liệu ấy còn ở trạng thái câm lặng, chưa được xử lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị lịch sử văn hóa của chúng; chưa mang thông tin khoa học đến được với giới nghiên cứu cũng như đến đồng bào các dân tộc ở tỉnh Điện Biên, chưa có cơ sở khoa học để phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc.
Từ những thực tiễn trên, đề tài “Nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học tiền sử ở tỉnh Điện Biên trong bối cảnh Tây Bắc Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc”, đã được thực hiện một cách rất công phu. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở bốn chương:
Chương 1: Tổng quan tư liệu.
Trong chương này, tác giả đã tổng quan tình hình nghiên cứu và cho biết kết quả khai quật khảo cổ học ở Điện Biên đã cung cấp tư liệu cho nhiều bài viết cũng như các công trình mang tính chuyên khảo được xuất bản trong những năm gần đây. Với khối lượng tư liệu ngày càng nhiều và với sự tham gia của nhiều ngành khoa học khác, việc nghiên cứu, tìm hiểu về khảo cổ học tiền sử Điện Biên đặt ra những yêu cầu mới, bức thiết nhằm đạt tới sự hiểu biết sâu rộng hơn về vùng đất này của miền Tây Bắc.
Chương 2: Hệ thống di tích tiền sử ở tỉnh Điện Biên.
Nội dung chương này cho chúng ta biết, hệ thống các di tích khảo cổ học tiền sử Điện Biên phân bố chủ yếu trong hang động và ngoài trời nhưng số di tích ngoài trời chiếm đa số. Song chúng rất đa dạng về tính chất di tích: có di chỉ thuần là cư trú, di chỉ cư trú-chế tác đồ đá dạng xưởng và di chỉ kết hợp mộ táng.
Những tư liệu thu được qua khai quật và tham khảo kết quả giám định tuổi tuyệt đối và khung niên đại tương đối - các di tích này có thể xếp vào hai nhóm: (i) Nhóm di tích Đá cũ hay Tiền Hòa Bình và Hòa Bình; (ii) Nhóm di tích Đá mới hay Hòa Bình phát triển - Hậu Hòa Bình và Hậu kỳ Đá mới-sơ kỳ Kim khí.
Cả di tích, di vật và niên đại C14 đều cho thấy có giai đoạn Tiền Hòa Bình, tương đương Hòa Bình và các giai đoạn Hậu Hòa Bình-Trung kỳ Đá mới; Hậu kỳ Đá mới - Sơ kỳ Kim khí ở khu vực Điện Biên và cả miền Tây Bắc.
Chương 3: Đặc trưng văn hóa và đời sống xã hội của cư dân tiền sử Điện Biên.
Nội dung chương 3 phân tích một số đặc trưng cơ bản về di tích và di vật của hệ thống di tích khảo cổ học tiền sử Điện Biên. Qua đó cho thấy, cư dân khảo cổ học tiền sử Điện Biên cư trú ở cả trong các di tích hang động, mái đá và cả ở ngoài trời, nơi gần nguồn nước nhất. Về cơ bản địa tầng và tầng văn hóa của các di tích khảo cổ học tiền sử khu vực này có độ dày trung bình, số lượng các di tích không nhiều. Tư liệu nghiên cứu mộ táng tại một số di tích ở hệ thống di tích khảo cổ học tiền sử Điện Biên cho biết về mặt nhân học thuộc về những chủng tộc thường thấy trong văn hóa Hòa Bình. Chương ba cũng hướng tới phân tích các đặc trưng kỹ thuật chế tác công cụ đá, công cụ xương và đồ gốm. Kỹ thuật chủ đạo chế tác đồ đá ở đây một mặt duy trì và bảo lưu truyền thống kỹ nghệ ghè đẽo kiểu văn hóa Sơn Vi, mặt khác phát triển mạnh những kỹ thuật mới, tiên tiến như bổ cuội, ghè tách mảnh từ khối hạch cuội tảng để tạo ra công cụ mảnh, kỹ thuật mài phát triển.
Kế thừa các thành quả nghiên cứu của các thế hệ đi trước, bước đầu, nhóm tác giả chia hệ thống các di tích khảo cổ học tiền sử ở Điện Biên ra hai giai đoạn phát triển: (1) Giai đoạn đầu: Đá cũ hay Tiền Hòa Bình - Hòa Bình; (2) Giai đoạn thứ hai: Đá mới hay Hòa Bình phát triển - Hậu Hòa Bình và hậu kỳ Đá mới – Sơ kỳ Kim khí.
Trên cơ sở đó, phác thảo con đường Đá mới hóa ở Điện Biên trong bối cảnh tiền sử khu vực thượng du sông Đà với ba giai đoạn: Giai đoạn Hòa Bình; Giai đoạn Hậu Hòa Bình-Trung kỳ Đá mới; Giai đoạn Hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí.
Các tác giả còn cho biết, khảo cổ học tiền sử Điện Biên cùng chung dòng chảy của tiến trình phát triển văn hóa khu vực thượng du sông Đà có sự bảo lưu truyền thống chế tác công cụ đá kiểu Sơn Vi nhưng khác Sơn Vi từ sớm đến muộn như một sắc thái riêng của khu vực này.
Chương 4: Di tích tiền sử Điện Biên trong mối quan hệ với Tây Bắc Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc.
Nội dung chương này trình bày suốt thời tiền sử, cư dân cổ ở Điện Biên từ việc rời hang động ra cư trú ngoài trời cho đến sự xuất hiện nhiều ngành nghề sản xuất mới đặc biệt là khả năng xuất hiện nghề nông giúp cho kết cấu và quan hệ xã hội ngày càng phát triển cao hơn. Nhờ đó sự phân công lao động cũng tiến bộ hơn và đời sống tinh thần của họ ngày càng cao hơn. Đó là tiền đề cho họ vững bước tiến vào Văn minh ở giai đoạn tiếp theo.
Dựa vào tài liệu khảo cổ học, các tác giả nhận thấy trong mỗi giai đoạn phát triển của thời đại Đá, cư dân cổ vùng thượng du sông Đà bao gồm cả Điện Biên đều có mối liên hệ nhất định với cư dân đương thời ở miền Nam Trung Quốc.
Bằng những kết quả nghiên cứu của nhiều thế hệ các nhà khoa học, các tác giả cũng đã chứng minh được vai trò cực kỳ quan trọng và ảnh hưởng mạnh mẽ của những chủ nhân di chỉ, của các nền văn hóa khảo cổ như Nậm Tun, Phật Động Địa, Thẩm Khương, Long Sơn Đàm, Huổi Han, Đường Tử Câu, Huổi Ca, Cách Tân Kiều.., trong việc nghiên cứu giao lưu văn hóa giữa các dân cư tiền sử trong khu vực.
Kết quả nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Điện Biên đem lại một số nhận thức mới quan trọng về tiến trình phát triển của tiền sử ở khu vực Điện Biên nói riêng và cả vùng thượng du sông Đà nói chung là liên tục không ngắt quãng. Khảo cổ học tiền sử Điện Biên có sự bảo lưu truyền thống chế tác công cụ đá ghè đẽo kiểu văn hóa Sơn Vi nhưng khác Sơn Vi từ sớm đến muộn như một sắc thái riêng của khu vực này. Những vấn đề được giải quyết trong đề tài này là những bước khởi đầu, còn nhiều vấn đề mang tính giả thiết cần tiếp tục làm rõ hơn.
Các kết quả nghiên cứu của đề tài rất hũu ích, có thể làm tài liệu tham khảo, cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và giảng dạy. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.
PV.