Tham gia đoàn công tác cấp cao của Tỉnh Bắc Giang có đồng chí Lại Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Vũ Văn Chính, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy; các đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ và Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh.
Tham gia buổi làm việc, về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm.
Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đã giới thiệu tổng quát về chức năng, nhiệm vụ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; một số nhiệm vụ, chương trình nghiên cứu lớn mà Viện Hàn lâm đang chủ trì triển khai hoặc phối hợp thực hiện với các địa phương và các đối tác khác. Giáo sư Chủ tịch Viện nhấn mạnh: hiện nay Viện Hàn lâm đang tăng cường ký kết hợp tác có chọn lọc với các Bộ Ngành, địa phương nhằm thúc đẩy hợp tác theo hướng hai bên cùng có lợi, trên cơ sở phát huy thế mạnh của Viện Hàn lâm và đáp ứng nhu cầu của các tổ chức đối tác, của các địa phương. Đây là là hướng đi đúng nhằm giải quyết được những vấn đề mà cả Viện Hàn lâm và các tổ chức đối tác, các địa phương cùng quan tâm. Thời gian gần đây, Viện Hàn lâm rất chú ý và quan tâm đến việc triển khai các nhiệm vụ tư vấn về các lĩnh vực cụ thể, đi vào từng chính sách phát triển của từng địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các địa phương dựa trên các kết quả nghiên cứu cụ thể, đồng thời cũng giúp các cán bộ nghiên cứu của Viện Hàn lâm gắn sát hơn với thực tiễn, nâng cao giá trị và hiệu quả của các công trình nghiên cứu.
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang chia sẻ những khó khăn và thách thức của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trong chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đó là: tầm nhìn chiến lược còn hạn chế; chưa theo kịp và cập nhật kịp thời những thay đổi quá nhanh của bối cảnh trong nước và quốc tế; còn lúng túng trong xác định mô hình phát triển, xác định lĩnh vực, sản phẩm mũi nhọn; tư duy và cách tiếp cận của cán bộ còn hạn chế, chưa cập nhật tư duy kinh tế thị trường. Đồng chí Trần Sỹ Thanh đề nghị Viện Hàn lâm tổ chức nhóm chuyên gia về nghiên cứu khảo sát, tổ chức hội thảo tại tỉnh để thảo luận về những vấn đề tỉnh còn lúng túng và còn hạn chế, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho công tác tổng kết 30 năm đổi mới phát triển kinh tế xã hội; tìm hướng đi cho các điều chỉnh quy hoạch phát triển tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020 tầm nhìn 2030. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cũng thay mặt lãnh đạo tỉnh bày tỏ mong muốn ký kết hợp tác với Viện Hàn lâm trong công tác nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.
Đồng chí Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Bắc Giang nêu lên 5 vấn đề cấp thiết tỉnh cần giải quyết trong thời gian tới, đó là: i) Cần chỉ rõ được các lợi thế, bất lợi thế (tuyệt đối, tương đối) của tỉnh Bắc Giang trong tình hình mới trên cơ sở phân tích khách quan, khoa học, các lợi thế đó phù hợp để phát triển ngành nào, lĩnh vực nào, sản phẩm nào; ii) Xác định động lực phát triển: cái nào cơ bản, cái nào phụ trợ; iii) Triển khai tái cơ cấu kinh tế như thế nào trong mối quan hệ với cơ cấu lao động, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường; iv) Xác định đột phá từ đâu (lựa chọn cụ thể lĩnh vực nào, sản phẩm nào); Vấn đề kết nối vùng, phân chia chức năng và vai trò của Bắc Giang trong phân công vùng. Đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh cũng nhấn mạnh về khó khăn của tỉnh trong công tác dự báo tình hình trong nước và quốc tế, từ đó dẫn đến khó khăn trong xác định các kịch bản tăng trưởng và phát triển cho tỉnh trong từng giai đoạn.
Sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo Tỉnh Bắc Giang chia sẻ thông tin, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Tỉnh Bắc Giang đối với việc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ xây dựng nhóm chuyên gia liên ngành để khảo sát, nghiên cứu thực tiễn tại Bắc Giang, từ đó cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ cho công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đồng thời góp phần phản biện Chiến lược và Quy hoạch phát triển hiện nay của tỉnh trên cơ sở khách quan và khoa học theo các căn cứ: i) Tư duy thị trường, chỉ rõ vai trò từng chủ thể; ii) Hội nhập quốc tế; iii) Phù hợp xu thế tái cấu trúc chung của quốc gia và thế giới; iv) Thể chế tốt nhưng không chệch cái chung. Giáo sư Chủ tịch Viện nhấn mạnh: Bắc Giang nằm trên trục hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng, vừa gắn với vùng miền núi, vừa gắn với vùng Thủ đô nhưng là vùng đệm, để tận hưởng hiệu ứng phải có chiến lược và chính sách tinh tế.
Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Lãnh đạo Tỉnh Bắc Giang thống nhất về chủ trương hợp tác giữa hai bên, giao cho các cơ quan đầu mối của Viện Hàn lâm và Tỉnh Bắc Giang phối hợp soạn thảo văn bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo theo hướng thiết thực, hiệu quả; giao cho các đầu mối cán bộ cấp cao chủ trì các hoạt động phối hợp trong nghiên cứu và đào tạo. Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác dự kiến tổ chức vào cuối tháng 11/2013./.
Phạm Vĩnh Hà