Lễ kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) và gặp mặt các đồng chí là thương binh và thân nhân gia đình liệt sĩ

17:00 25/07/2024
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, chiều ngày 25/7/2024 tại Hội trường 3C trụ sở số 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) và gặp mặt các đồng chí là thương binh, bệnh binh và thân nhân gia đình liệt sĩ. Dưới đây, Cổng thông tin Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm tại buổi lễ trọng thể này.

Kính thưa các đồng chí là thân nhân các gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương binh đang công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Hòa trong không khí cả nước đang thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thiết thực hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) và tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa từ trần.

Hôm nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ.

Thưa toàn thể các đồng chí, ngày này cách đây 77 năm (1947), để tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và thương mến thương binh, lúc đầu Ngày 27/7 được gọi là ngày Thương binh toàn quốc, Trong thư gửi Mặt trận Việt Nam, Bác Hồ đã từng căn dặn, các liệt sĩ là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì vậy, tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ thân nhân của những người con anh dũng ấy.

Từ năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi tên Ngày Thương binh toàn quốc thành ngày Thương binh – Liệt sĩ để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm của Đảng, của Nhà nước và Nhân dân ta đối với tất cả những người đã hy sinh xương máu của mình cho tổ quốc.

Vì vậy, cứ đến dịp ngày 27/7, nhân dân cả nước lại tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”. Trong giờ phút trang nghiêm và xúc động của buổi lễ hôm nay, chúng ta kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của đất nước đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam, vì sự nghiệp độc lập cho dân tộc và tự do của mỗi người trong công cuộc xây dựng và phát triển tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cũng ở đây, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn với sự ra đi của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam – người chiến sĩ kiên cường của cách mạng Việt Nam, người lãnh tụ xuất sắc của Đảng cộng sản Việt Nam, người đảng viên giản dị, gương mẫu, tận tụy, cống hiến cho đất nước, cống hiến cho nhân dân đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mình.

Nhân dịp này, thay mặt Đảng ủy, lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tôi xin gửi tới thân nhân gia đình các liệt sĩ, các đồng chí thương binh, đang công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, chúc các đồng chí và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng, biết bao người dân Việt Nam với tinh thần yêu nước với ý chí kiên cường, bất khuất đã đem cả máu xương, công sức, của cải của mình để đấu tranh giành độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước. Đất nước chúng ta có được độc lập, tự do, hòa bình như ngày hôm nay là đã có nhiều sự hy sinh, mất mát của các thế hệ cha ông chúng ta. Vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất, phồn vinh của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, lớp lớp người con ưu tú của dân tộc ta đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình, có hàng triệu người đã ngã xuống trên các chiến trường hoặc khi trở về đã mang trên mình các thương tật suốt đời, máu các đồng chí đã tô thắm lá cờ tổ quốc, linh hồn và thân xác của các anh hùng, liệt sĩ đã hòa vào núi sông của đất nước và trở thành bất tử.

Chiến tranh giờ đây đã lùi xa nhưng trên đất nước chúng ta có hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những người mẹ, người vợ, người con đã mãi mãi không thể gặp lại người thân yêu nhất của mình. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta mãi mãi ghi công và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn đó.

Các thế hệ người Việt Nam sẽ luôn tự hào và nguyện phấn đấu cho những hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đi trước. Để thể hiện lòng biết ơn ấy, ngày 17/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi Mặt trận Việt Minh, trong đó nêu rõ: Mặt trận cần chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Người, chiều ngày 27/7/1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Mặt trận Việt Minh đã tổ chức mít tinh trọng thể với sự họp mặt của hơn 300 người gồm cán bộ bộ đội và đông đảo các tầng lớp nhân dân để đón thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa. Từ đó đến nay ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, là sự kiện đặc biệt mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam, chất chứa bao tình cảm tốt đẹp trong đời sống tinh thần, tình cảm, đạo lý của dân tộc chúng ta.

Thưa các đồng chí, cùng với dòng chảy lịch sử, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam của chúng ta cũng có biết bao viên chức, người lao động, theo tiếng gọi của non sông, đất nước đã tạm gác lại sự nghiệp nghiên cứu khoa học, lên đường cầm súng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Đất nước  hòa bình, Viện Hàn lâm đón các anh trở về công tác và được đón nhận thêm nhiều thân nhân các gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương binh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tại lễ Kỷ niệm ngày hôm nay, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn trân thành và sâu sắc nhất của toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đối với các thân nhân gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương binh đang công tác tại các đơn vị của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Các đồng chí của chúng ta đã trở thành các anh hùng liệt sĩ vì đã đã cống hiến máu xương của mình cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc trong quá khứ, còn  thân nhân các gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương bình đang công tác tại Viện Hàn lâm cũng đang tiếp tục tiếp nối truyền thống cống hiến và đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước nói chung cũng như của Viện Hàn lâm nói riêng trong những năm qua.
Để tỏ lòng tri ân với những đóng góp to lớn ấy, những năm qua Đảng ủy, lãnh đạo Viện Hàn lâm và các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuôc đã luôn quan tâm thực hiện đúng, đủ các chính sách đối với người có công đang công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể của Viện Hàn lâm vào dịp ngày 27/7 hàng năm đã có nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức các đoàn công tác đi thăm và tặng quà các đồng chí thương binh đang điều dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng ở Hà Nam, Bắc Ninh…, tổ chức các đoàn công tác thăm hỏi thân nhân các gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương binh hoặc tổ chức các đoàn công tác đi thăm lại chiến trường xưa…

Thưa các đồng chí! trong những năm qua, thân nhân các gia đình liệt sĩ và các đồng chí thương binh đã và đang công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam luôn vượt qua những đau thương, mất mát, luôn gương mẫu trên tất cả các lĩnh vực công tác, nhiều thân nhân các gia đình liệt sĩ, thương binh đã phấn đấu có học hàm, học vị cao và là những nhà khoa học uy tín trong Viện Hàn lâm và của đất nước, nhiều đồng chí đã đảm nhận các cương vị lãnh đạo trong các đơn vị của Viện Hàn lâm, có nhiều đóng góp tích cực trên mỗi đơn vị công tác của mình, luôn hoàn thành tốt, xuất sắc các nhiệm vụ, trở thành tấm gương cho cán bộ, viên chức, người lao động của Viện Hàn lâm noi theo. Tại buổi lễ long trọng này, Tôi xin trân trọng ghi nhận những đóng góp to lớn đó và cảm ơn vì những đóng góp thầm lặng của các đồng chí trong những năm qua.

Cũng nhân dịp này, tôi đề nghị các đơn vị có thân nhân liệt sĩ, có người lao động, viên chức là thương binh đang công tác tại các đơn vị, trong khả năng có thể, cần tạo điều kiện tốt nhất để các đồng chí yên tâm công tác, thường xuyên quan tâm, động viên, thăm hỏi, chia sẻ các khó khăn với các đồng chí.

Nhân dịp đặc biệt này, thay mặt Đảng ủy Viện Hàn lâm và toàn thể viên chức, người lao động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xin kính chúc thân nhân các gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương binh đang công tác tại Viện Hàn lâm và qua các đồng chí xin được chuyển tới gia đình các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công hơn trong công tác và cuộc sống, tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong thời gian tới

Xin chúc sức khỏe và trân trọng cảm ơn tới toàn thể các đồng chí./.

Sau đây là một số hình ảnh tại buổi lễ

Đồng chí Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Toàn cảnh buổi lễ
Chủ tịch Viện Hàn lâm, TS. Phan Chí Hiếu tặng quà tri ân các đồng chí là thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ tại buổi lễ
TS. Đỗ Hữu Phương (đứng thứ 7 từ trái sang) - Phó Chánh Văn Phòng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tặng quà tri ân các đồng chí là thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ tại buổi lễ
Đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tặng quà tri ân các đồng chí là thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ tại buổi lễ
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ
Đại diện Công đoàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tặng quà tri ân các đồng chí là thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ tại buổi lễ
PGS.TS. Đặng Thị Phương Hoa (Viện Nghiên cứu Châu Âu) đại diện gia đình thân nhân gia đình liệt sĩ phát biểu cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo và các tổ chức thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại buổi lễ

 

Thời Trân

In trang Chia sẻ

Tin khác