Tọa đàm khoa học “Một số nhóm lĩnh vực quan tâm trong đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về sinh thái cảnh quan nhiệt đới và biến đổi toàn cầu”

17:00 10/11/2015
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Chiều ngày 11/11/2015, tại Hội trường 3E, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Chi đoàn cơ sở Viện Địa lý nhân văn thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Một số nhóm lĩnh vực quan tâm trong đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về sinh thái cảnh quan nhiệt đới và biến đổi toàn cầu” với sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Toàn cầu (CARGC), Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; TS. Nguyễn Song Tùng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Địa lý nhân văn cùng các nhà nghiên cứu trẻ của Viện Địa lý nhân văn.
PGS.TS. Nguyễn An Thịnh thuyết trình tại Tọa đàm

Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa đã và đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, an ninh, môi trường… Trên phương diện môi trường, bên cạnh việc thúc đẩy khả năng phối hợp các nguồn lực giữa các quốc gia để cùng giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu, toàn cầu hóa cũng tạo ra nhiều thách thức điển hình là lan truyền dịch bệnh, các vấn đề môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu... Mặt khác, toàn cầu hóa không thể tạo ra “thế giới phẳng hoàn hảo” do luôn có sự khác biệt ở quy mô địa phương (về địa lý, văn hóa, xã hội,…), đồng thời hiện tượng và quá trình của biến đổi toàn cầu biểu hiện khác nhau ở quy mô địa phương. Do đó, việc nghiên cứu sinh thái cảnh quan và biến đổi toàn cầu trước tác động của toàn cầu hóa thực sự cần thiết đối với các quốc gia thuộc khu vực nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.

Bằng kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm về lĩnh vực sinh thái cảnh quan nhiệt đới cũng như trong lĩnh vực đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh đã trình bày tham luận, tập trung 2 nội dung chính:

  Toàn cảnh Tọa đàm

Thứ nhất - Nghiên cứu sự phân hóa tổng thể cảnh quan và các hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn trong lãnh thổ Việt Nam theo tiếp cận tính đa dạng - đa dạng cảnh quan, đa dạng hệ sinh thái, đa dạng văn hóa. Giáo sư đã đưa ra những hướng giải quyết chủ đạo về mặt học thuyết nhằm giải quyết biến đổi khí hậu quy mô địa phương (thuyết tiếp cận hành vi, địa lý kinh tế mới (NEG), chủ thuyết bước ngoặt văn hóa, học thuyết phát triển bền vững nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế xanh) và một số phương pháp nghiên cứu mới, kết hợp phân tích từ trên xuống (top-down) với từ dưới lên (bottom-up), đó là: (1) Chi tiết hóa nghiên cứu: mô hình khí hậu, mô hình đánh giá tích hợp; (2) Hợp nhất sự khác biệt về tư tưởng: thống nhất tri thức địa phương (cấp cộng đồng); (3) Phân tích các yếu tố địa phương và vùng; (4) Nghiên cứu đối sánh; (5) Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và phân tích dài hạn các yếu tố toàn cầu biểu hiện ở quy mô địa phương.

Thứ hai - Gợi ý một số nhóm lĩnh vực cần quan tâm đào tạo sau đại học về sinh thái cảnh quan nhiệt đới và biến đổi toàn cầu: Biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; Quy hoạch, quản lý tài nguyên và môi trường; Kinh tế vùng, kinh tế sinh thái và toàn cầu hóa; Định giá tài nguyên và lượng giá thiệt hại môi trường; Sinh thái nhân văn; Sinh thái cảnh quan và di sản nhiệt đới; Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ thông tin địa lý.

Phần cuối tham luận, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh chia sẻ với các cán bộ khoa học trẻ Viện Địa lý nhân văn những thông tin hữu ích trong việc xác định một đề tài nghiên cứu về biến đổi toàn cầu: (1) Cần coi đây là bài toán khó, do tính liên ngành cao – chuyên ngành sâu; (2) Gắn kết vấn đề biến đổi toàn cầu tại một địa phương của Việt Nam; (3) Vận dụng học thuyết, tiếp cận, phương pháp, dữ liệu phù hợp; (4) Không chỉ “quan tâm”, mà cần “thấu hiểu” mối liên hệ giữa sự thay đổi của hệ thống tự nhiên và hệ thống xã hội; (5) Chú ý “tính đa dạng” và “sự khác biệt” của không gian lãnh thổ nghiên cứu (địa lý, văn hóa,…); (6) Lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu trong sự phát triển bền vững của địa phương.

Những thông tin Phó Giáo sư chia sẻ tại tọa đàm sẽ là nguồn tư liệu quí giá cho các cán bộ trẻ Viện Địa lý nhân văn trong quá trình nghiên cứu về sinh thái cảnh quan nhiệt đới và biến đổi toàn cầu, đồng thời đặt ra nhu cầu thiết thực trong việc góp ý hình thành chuyên ngành đào tạo về Địa lý nhân văn tại Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), hướng tới xây dựng và phát triển mạnh mẽ khoa học địa lí nhân văn ở Việt Nam trong tương lai.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác