GS. Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học về Gia đình và Phụ nữ (nay là Viện nghiên cứu Gia đình và Giới), nguyên Tổng biên tập Tạp chí Triết học, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Khoa học về Phụ nữ (nay là Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới), sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, Bà là con gái thứ hai của giáo sư, liệt sĩ Dương Quảng Hàm. Từ khi còn là nữ sinh Trường Đồng Khánh (Trường Trưng Vương hiện nay), Bà đã sớm giác ngộ cách mạng.
Sau khi tốt nghiệp, Bà đã tham gia các phong trào cứu quốc. Tháng 1/1945 Bà là Bí thư Đoàn phụ nữ cứu quốc khu vực Hoàn Kiếm (Hà Nội), từ tháng 8/1945 Bà làm công tác vận động phụ nữ tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền, chống nạn đói, nạn dốt và chuẩn bị kháng chiến.
Ngày 2/9/1945 Bà được vinh dự là người cùng kéo Quốc kỳ trong trong Lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử năm 1945. Từ kỳ đài lịch sử, Bà đã chứng kiến thời khắc thiêng liêng của dân tộc và tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự do và độc lập, về quyền “được sống và mưu cầu hạnh phúc” của mỗi người dân. Chính điều này đã hun đúc nên tinh thần yêu nước, dấn thân vì tổ quốc trong Bà.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc01221.jpg) |
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đọc điếu văn vĩnh biệt GS. Lê Thi
|
Cuộc đời của GS. Lê Thi đã kinh qua nhiều vị trí công tác. Tháng 3/1961 Bà về nhận công tác tại Viện Triết học (thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam) nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đảm nhận tới chức vụ Viện trưởng Viện Triết học (1981-1987) kiêm Tổng biên tập Tạp chí Triết học.
Trong thời kỳ Đổi mới, với kinh nghiệm và tầm nhìn của người đã nhiều năm làm công tác phụ nữ, tiếp nhận những tiến bộ của trào lưu quốc tế đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ Bà đã đề xuất thành lập Ban nghiên cứu phụ nữ (thuộc Viện Triết học) và có công lớn trong việc xây dựng một ngành khoa học mới: Khoa học nghiên cứu về Phụ nữ, vì sự bình đẳng tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Tháng 3/1987 Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Phụ nữ được thành lập (Từ năm 1994 đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Phụ nữ và Gia đình) thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và Bà được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm (từ tháng 3/1987-12/1995). Bà cũng làm Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Khoa học về Phụ nữ (1/1990-12/1997).
Do những đóng góp khoa học quan trọng, Bà được phong hàm Giáo sư Triết học vào năm 1992, chuyên gia cao cấp năm 1999.
Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và nghiên cứu khoa học, GS. Lê Thi đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba (2008); Huân chương Lao động hạng Nhất (1997); Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (năm 1984); Huy hiện 70 năm tuổi Đảng (năm 2016) và nhiều danh hiệu cao quý khác.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc01246.jpg) |
Quang cảnh lễ tang GS. Lê Thi
|
Là người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu khoa học về phụ nữ ở Việt Nam sau này được mở rộng thành nghiên cứu gia đình, phụ nữ và bình đẳng giới. GS. Lê Thi đã dành công sức cho việc xây dựng tổ chức, cơ sở vật chất và định hướng nghiên cứu đáp ứng nhu cầu lý luận và đòi hỏi của thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.
Trong sự nghiệp khoa học của mình, GS. Lê Thi đã công bố nhiều kết quả nghiên cứu trên các tạp chí Triết học, Khoa học về Phụ nữ (sau này là Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới); Tạp chí Khoa học xã hội; Tạp chí Nghiên cứu Con người; Tạp chí Cộng sản…). Giáo sư đã xuất bản 17 cuốn sách in riêng với các bút danh: Lê Thi, Dương Thoa, Thanh Bình, Lê Thanh Bình, cũng như chủ biên và đồng tác giả 15 cuốn sách.
Những thành tựu nghiên cứu của GS. Lê Thi, ngoài đóng góp trong lĩnh vực Triết học, lý luận về thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thì những đóng góp trong lĩnh vực khoa học về gia đình và phụ nữ là đặc biệt tiêu biểu. Những tác phẩm: Những kỷ niệm sâu sắc của phụ nữ Việt Nam với Bác Hồ (2005), Chủ tịch Hồ Chí Minh và con đường đưa phụ nữ Việt Nam đi tới bình đẳng, tự do, phát triển (1990), Bác Hồ với phong trào phụ nữ Việt Nam (1982) đã nêu bật được sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phụ nữ và phong trào phụ nữ Việt Nam, chỉ ra cho phụ nữ con đường phát triển, bình đẳng đã không chỉ hình thành nên nền tảng của một lĩnh vực khoa học xã hội mà còn góp phần xây dựng nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực gia đình, phụ nữ nhằm cải thiện đời sống, phát huy vai trò của phụ nữ và vào sự nghiệp bình đẳng giới…
GS. Lê Thi đã sống trọn một cuộc đời xứng đáng với sứ mệnh của mình.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xin vĩnh biệt GS. Lê Thi!
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc01268.jpg) |
Hình ảnh rước di ảnh GS. Lê Thi đến nơi an nghỉ cuối cùng
|
Phạm Vĩnh Hà