Viện Nghiên cứu Hán Nôm

04:40 16/05/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

I. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

Di sản Hán Nôm gồm những thư tịch và tài liệu viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, là kho tàng văn hóa to lớn và phong phú nhất của nước ta trước khi có các văn bản ghi bằng chữ Quốc ngữ. Bảo tồn lâu dài và khai thác có hiệu quả kho di sản văn hoá này, là để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Năm 1970, Ban Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập. Ban đã quy tụ nhiều nhà hoạt động cách mạng lão thành và có kiến thức Hán Nôm học uyên bác như Phạm Thiều, Thạch Can, Cao Xuân Huy, Hoa Bằng, Đào Phương Bình, Ca Văn Thỉnh, v.v… cùng các cộng tác viên như Trần Duy Vôn, Lê Duy Chưởng, Nguyễn Hữu Chế, Nguyễn Văn Lãng, v.v… Ban đã tổ chức nghiên cứu và phiên dịch các tư liệu chữ Hán và chữ Nôm trong 9 năm (1970 - 1979).

 Ngày 13/9/1979, theo Quyết định số 326/CP của Hội đồng Chính phủ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm được thành lập trên cơ sở Ban Hán Nôm. Đây là một cơ quan duy nhất ở Việt Nam vừa là Trung tâm bảo tồn các nguyên bản chữ Hán và chữ Nôm, vừa là Trung tâm khai thác các tư liệu chữ Hán và chữ Nôm. Sau này dù Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam đã qua nhiều lần đổi tên, nhưng tên Viện Nghiên cứu Hán Nôm không thay đổi và gần đây nhất được tái khẳng định tại Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26/12/2012 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Viện Nghiên cứu Hán Nôm có các nhiệm vụ nghiên cứu sau đây:

- Bảo tồn và giám định các nguyên bản chữ Hán, chữ Nôm, sao các bản gốc thành nhiều bản để sử dụng hoặc cung cấp cho các thư viện và các cơ quan có nhu cầu;

- Tổ chức biên dịch (gồm cả chú giải) và chính thức công bố các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm, duyệt lại các bản dịch Hán Nôm đã được công bố;

- Nghiên cứu văn bản học, biên soạn những sách công cụ cần thiết cho công tác biên dịch và nghiên cứu tư liệu chữ Hán, chữ Nôm;

- Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu chữ Hán, chữ Nôm(1);

- Tiến hành điều tra, thu thập các văn bản Hán Nôm và các tư liệu liên quan ở Việt Nam và ở nước ngoài, nhằm thống nhất quản lý thư tịch và tài liệu Hán Nôm trong phạm vi cả nước;

- Hệ thống hoá và gìn giữ các văn bản chữ Hán, chữ Nôm và các tư liệu liên quan hiện còn và sưu tầm được, đảm bảo kỹ thuật bảo tàng và kỹ thuật thư viện, nhằm lưu giữ và cho nhân bản để phục vụ cho công tác nghiên cứu trước mắt và lâu dài(1).

II. NHỮNG THÀNH TỰU ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC TRONG NHỮNG NĂM QUA

1. Tổ chức Hội thảo khoa học để hoạch định phương hướng phát triển của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và ngành Hán Nôm học

Viện đã tổ chức các hội thảo khoa học nhằm thu hút các chuyên gia Hán Nôm trong nước và quốc tế tham gia về phương hướng phát triển của Viện nói riêng và của ngành Hán Nôm học Việt Nam nói chung, thí dụ một số hội thảo được coi như những mốc quan trọng trong sự phát triển nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm: 

- Hội thảo về Thư tịch cổ và nhiệm vụ mới (1979) đặt ra những phương hướng, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài về công tác sưu tầm, bảo quản, biên dịch, nghiên cứu khai thác, công bố giới thiệu di sản Hán Nôm và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu Hán Nôm cho ngành Hán Nôm học Việt Nam.

- Hội thảo về Dịch thuật (1981) nêu lên những vấn đề quan trọng về công tác phiên âm và dịch nghĩa các tác phẩm Hán Nôm, làm sao các tác phẩm Hán Nôm khi dịch ra tiếng Việt hiện nay phải đảm bảo được các yếu tố cơ bản là tín, đạt, nhã. Hội thảo đã thống nhất cách đặt vấn đề: dịch từ Hán sang Việt phải được coi là một khoa học và một nghệ thuật, nhằm chuyển tải những thông tin chính xác từ các văn bản viết bằng chữ Hán và chữ Nôm do ông cha ta để lại cho thế hệ người Việt Nam hôm nay.

- Hội thảo về Văn bản học Hán Nôm (1982) nhận xét về tình hình, đặc điểm các văn bản Hán Nôm và nhiệm vụ cần thiết của công tác văn bản học Hán Nôm hiện nay; đánh giá khái quát quá trình phát triển của các văn bản và của công tác văn bản học Hán Nôm; xác định mối quan hệ giữa văn bản học và sử liệu học; những yêu cầu khoa học đối với việc khảo dị, hiệu đính khôi phục văn bản và công bố văn bản Hán Nôm. Hội thảo đã góp phần xây dựng lý luận và giải quyết những vấn đề thực tiễn của công tác văn bản học Hán Nôm.

- Hội thảo về Sưu tầm bảo quản thư tịch và tư liệu Hán Nôm (1983) đặt ra những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho công tác sưu tầm, bảo quản các tư liệu Hán Nôm hiện còn. Về công tác sưu tầm, Hội thảo đề xuất cần có một kế hoạch tổng thể và xác định những địa bàn trọng điểm để sớm triển khai công tác sưu tầm một cách có hiệu quả. Về công tác bảo quản, hội nghị nêu lên những nhiệm vụ cần tập trung giải quyết, như sắp xếp phân loại, phục chế tu bổ, bảo quản thật tốt các tài liệu Hán Nôm hiện có.

- Hội thảo về Chữ Nôm (1985) đề cập một cách khái quát tình trạng các văn bản Nôm và kinh nghiệm giải mã một số tác phẩm Nôm nổi tiếng, trên cơ sở đó đã cung cấp những vấn đề lý luận cho việc nghiên cứu chữ Nôm và việc giải mã các văn bản Nôm. Đặc biệt là việc nghiên cứu chữ Nôm và văn bản Nôm của các dân tộc ít người (Tày, Nùng, v.v...).

- Hội thảo Hán Nôm trong đổi mới (1991) gợi mở nhiều hướng phát triển mới cho hoạt động nghiên cứu Hán Nôm như gắn liền nghiên cứu chuyên môn Hán Nôm với thực tiễn xã hội hiện nay, áp dụng những phương tiện kỹ thuật tiến bộ vào việc quản lý và giải mã các tư liệu Hán Nôm, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (đặc biệt là đào tạo sau đại học), mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế v.v…

- Từ năm 1996 đến nay, hàng năm Viện tổ chức Hội nghị Thông báo Hán Nôm học và in Kỷ yếu Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho giới nghiên cứu Hán Nôm thông báo những kết quả sưu tầm và nghiên cứu mới nhất về Hán Nôm học ở trong nước và ngoài nước. Nội dung các báo cáo đã tập trung vào một số nội dung: Thông báo, giới thiệu những phát hiện mới về công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm hiện còn ở các địa phương trong cả nước và trên thế giới. Giới thiệu những thông tin mới về các tác gia, tác phẩm Hán Nôm và tư liệu về các nhân vật lịch sử. Thông tin những kết quả nghiên cứu lý luận bổ sung cho tri thức cơ bản của ngành Hán Nôm và các ngành khoa học liên quan như: văn bản học Hán Nôm, ngôn ngữ văn tự học, Hán Nôm trong mối quan hệ với các ngành khoa học xã hội và nhân văn, y dược học cổ truyền Việt Nam, ứng dụng tin học Hán Nôm, v.v... Đọc sách và trao đổi ý kiến về các vấn đề của ngành Hán Nôm đã và đang đặt ra trong quá trình nghiên cứu. Vấn đề Hán Nôm dạy trong nhà trường, chất lượng giảng dạy, sách giáo khoa, giải thích từ ngữ, v.v... Vấn đề thường thức Hán Nôm mà đời sống văn hóa xã hội đang đặt ra.

- Năm 2004, Viện kết hợp với Hội bảo tồn di sản chữ Nôm Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo quốc tế về Nghiên cứu chữ Nôm. Hội thảo đã nhấn mạnh về công tác bảo tồn các di vật có chữ Nôm, lưu trữ hình ảnh và trao đổi tìm kiếm trên mạng internet. Hội thảo đã đạt được sự nhất trí cao trong việc quốc tế hóa chữ Nôm, đây là cách tốt nhất để bảo tồn và phát huy hiệu quả giao lưu chữ Nôm Việt Nam.

- Năm 2004, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cùng với Viện Harvard-Yenching Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo quốc tế về Nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam. Hội thảo tập trung thảo luận 3 chủ đề chính: 1/ Quá trình du nhập và ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam. 2/ Thư tịch Hán Nôm Việt Nam về Nho giáo. 3/ Ảnh hưởng của Nho giáo trong đời sống văn hóa xã hội ở Việt Nam thời phong kiến.

- Năm 2006, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cùng với Viện Harvard-Yenching Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo quốc tế về Nghiên cứu tư tưởng Nho gia Việt Nam từ hướng tiếp cận liên ngành. Hội thảo đã đánh dấu một bước phát triển mới về phương pháp nghiên cứu tư tưởng Nho gia ở Việt Nam, đồng thời tập trung nghiên cứu khai thác giá trị của tư liệu Hán Nôm liên quan đến Nho giáo ở Việt Nam từ hướng tiếp cận liên ngành (tư tưởng triết học, văn hóa, văn học, lịch sử, tôn giáo, dân tộc, v.v...). Hội thảo tập trung thảo luận 4 nội dung chính: 1/ Tiến trình lịch sử của Nho giáo Việt nam. 2/ Quá trình lưu hành và tiếp nhận kinh điển nho gia ở Việt Nam. 3/ Nghiên cứu tư tưởng Nho gia Việt Nam từ hướng tiếp cận liên ngành. 4/ Nho giáo trong thời đại ngày nay.

2. Tập trung lực lượng nghiên cứu, biên soạn, biên dịch và lần lượt công bố những tác gi, tác phẩm Hán Nôm có giá trị nhằm xã hội hoá di sản Hán Nôm và phục vụ cho sự nghiệp  xây dựng nền văn hoá Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Kể từ đầu thế kỷ XX, người Việt Nam chuyển sang sử dụng chữ Quốc ngữ, và như vậy, người Việt Nam ngày nay có sự cách biệt về chữ viết với ông cha mình các thế kỷ trước, đại đa số người dân Việt Nam không đọc được chữ Hán và chữ Nôm, nên không hiểu được Di sản Hán Nôm của ông cha để lại. Để góp phần giải quyết vấn đề quan trọng này, ngành Hán Nôm học Việt Nam đã ra đời, nhằm sưu tầm, bảo quản và biên dịch, nghiên cứu khai thác di sản Hán Nôm và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu Hán Nôm.

Di sản Hán Nôm, một bộ phận của nền văn hoá Việt Nam, bao gồm Kinh, Sử, Tử, Tập theo cách phân loại truyền thống của các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa; hay bao gồm Hiến chương, Thơ văn, Truyện ký, Phương kỹ theo cách phân loại của Lê Quý Đôn (1726-1784); hoặc bao gồm Hiến chương, Kinh sử, Thơ văn, Truyện ký theo cách phân loại của Phan Huy Chú (1782-1840). Với cách nhìn hiện nay của các nhà Hán Nôm học Việt Nam thì di sản Hán Nôm bao gồm các tác phẩm và tài liệu thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau, mà chủ yếu là khoa học xã hội và khoa học nhân văn.

Di sản Hán Nôm ra đời trong thời kỳ khi mà học thuật ở Việt Nam chưa triệt để phân ngành, các tác phẩm Hán Nôm thường có tính tổng hợp, đa ngành: “văn, sử, triết bất phân”. Mặt khác di sản Hán Nôm còn là sản phẩm của giao lưu văn hoá với các nước sử dụng chữ biểu ý, đặc biệt là văn hoá Hán (Trung Quốc); trong khi đó xét về mặt địa lý, thì Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á. Đây là nét đặc thù của giao lưu văn hoá ở Việt Nam.

Kho di sản Hán Nôm, đã ghi lại quá trình dựng nước và giữ nước, cũng như các mặt hoạt động văn hoá, xã hội khác của các dân tộc Việt Nam trải hàng ngàn năm lịch sử. Do vậy, bảo tồn lâu dài và khai thác có hiệu quả kho di sản Hán Nôm là để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại ngày nay. Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 65, ngày 23/11/1945, về Bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, như: đình, chùa, cung điện, thành quách, bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở, v.v... có tính chất tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử (1). Bác Hồ là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, kết tinh những tinh hoa của các anh hùng dân tộc. Bác đã hoạt động thành công trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự,  ngoại giao, văn học... và Bác còn là một nhà Hán học. Như vậy, Bác Hồ là người rất quan tâm đến việc kế thừa và phát huy những tinh hoa của nền văn hoá dân tộc, nhất là trong việc gìn giữ và khai thác các tư liệu Hán Nôm. Trong bài Mấy vấn đề văn nghệ Việt Nam hiện nay, đồng chí Trường Chinh viết : "Những tác phẩm cổ điển là tinh hoa của nền văn nghệ dân tộc qua nhiều thế kỷ, do đời sống và tiếng nói dân tộc ngày một phong phú mới dần tạo nên"(2). Khi bàn về việc tiếp thu di sản văn hoá dân tộc, đồng chí Phạm Văn Đồng đề ra yêu cầu về đào tạo đội ngũ cán bộ là: "Chúng ta cần có những người giỏi và có trình độ cao, có như thế mới sáng tạo, mới sưu tầm một cách có ý thức và nghiên cứu để vận dụng một cách sáng tạo vốn cũ" (3) .

Nhận thức được giá trị lớn lao của di sản Hán Nôm và vai trò của ngành Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong thời gian qua đã hướng nghiên cứu khoa học tập trung vào các vấn đề sau:

1/ Để góp phần xây dựng cơ sở lý luận khoa học cho ngành Hán Nôm, xây dựng những định hướng phát triển trong từng thời kỳ, Viện đã tập trung biên soạn những công trình mang tính chất cơ sở lý luận khoa học và tổng kết những thành tựu chung của ngành Hán Nôm học Việt Nam. Hướng việc nghiên cứu khoa học chuyên ngành nhằm giới thiệu tinh hoa văn hoá dân tộc, những tri thức khoa học của ông cha trải hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, làm phong phú bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Với những công trình có tính chất lý luận nhằm xây dựng một hệ phương pháp luận cho ngành Hán Nôm học Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học, như: văn bản học, văn tự học, văn tịch học, huấn hỗ học, gia phả học, bi ký học, v.v..; và những bài viết khoa học liên ngành, như: tư tưởng chính trị xã hội, kinh tế, văn học, sử học, địa lý, ngoại giao, pháp luật, giáo dục và đào tạo, y học, xã hội học, tâm lý học, và một số vấn đề khác.

Trong thời gian qua, Viện đã biên soạn một số công trình, có thể kể như: Thư tịch cổ nhiệm vụ mới (tập thể), Dịch từ Hán sang Việt một khoa học một nghệ thuật (tập thể), Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm (tập thể), Lịch sử nghiên cứu thư tịch Việt Nam (Nguyễn Văn Bến chủ biên), Nghiên cứu chữ huý Việt Nam qua các đời (Ngô Đức Thọ), Hồ Xuân Hương - Tiểu sử văn bản, Tiến trình huyền thoại dân gian hoá (Đào Thái Tôn), Những vấn đề văn bản Quân trung từ mệnh của Nguyễn Trãi (Nguyễn Văn Nguyên), Nghiên cứu văn bản học Đăng khoa lục Việt Nam (Nguyễn Thuý Nga), Một số vấn đề về văn bia Việt Nam (Trịnh Khắc Mạnh), Viện Nghiên cứu Hán Nôm - 30 năm xây dựng và phát triển (tập thể), Ngữ văn Hán Nôm gồm 4 tập (Trần Lê Sáng chủ biên), Nhìn lại Hán Nôm học Việt Nam thế kỷ XX  (tập thể), Ấn chương Việt Nam (Nguyễn Công Việt) Cơ sở văn bản học Hán Nôm (Ngô Đức Thọ - Trịnh Khắc Mạnh), Khảo cứu văn bản Truyện Kiều bản 1871 (Đào Thái Tôn), Địa lý hành chính thời Nguyễn - Khảo cứu từ nguồn tư liệu Hán Nôm (Nguyễn Thúy Nga chủ biên), Nghiên cứu cách chuyển dịch tên gọi cây thuốc từ tiếng Hán cổ ra tiếng Việt (Nguyễn Tá Nhí chủ biên), Giáo dục và khoa cử Nho học thời Lê qua tư liệu Hán Nôm (Đinh Khắc Thuân), Các thể văn chữ Hán Việt Nam (Trần Kim Anh - Hoàng Hồng Cẩm), Ấn chương trong hệ thống hành chính Việt nam từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX (Nguyễn Công Việt), Địa danh hành chính Thăng Long Hà Nội qua tư liệu văn khắc Hán Nôm trên địa bàn Hà Nội (Phạm Thị Thùy Vinh), Nghiên cứu so sánh truyện cổ dân gian Việt Nam - Trung Quốc - Nhật Bản (Nguyễn Thị Oanh), Ca trù (hát ả đào) và văn hóa Thăng Long - Hà Nội (Nguyễn Xuân Diện), Khảo cứu nghệ thuật truyền kì chữ Hán Việt Nam thời trung đại (Phạm Văn Thắm), Nghiên cứu thơ văn của Hồ Xuân Hương (Đào Thái Tôn), Hán Nôm học trong nhà trường (Trịnh Khắc Mạnh chủ trì).

2/ Nghiên cứu về văn tự, đặc biệt là chữ Nôm – loại chữ do ông cha ta sáng tạo ra, góp phần nghiên cứu lịch sử chữ viết và tiếng Việt. Chữ Nôm Việt là một sáng tạo rất có ý nghĩa về văn hoá của người Việt. Chữ Nôm ra đời đánh dấu một bước phát triển quan trọng của nền văn hoá dân tộc trên con đường độc lập tự chủ. Kho tàng văn thơ Nôm Việt còn lại ở nước ta khá nhiều. Một nguồn di sản văn hoá vô cùng phong phú của ông cha ta viết bằng chữ Nôm đang đợi chúng ta phiên âm, giải mã và nghiên cứu; nhằm tìm hiểu quá khứ dân tộc, nhất là nền văn hoá truyền thống dân tộc, thông qua ngôn ngữ văn tự dân tộc qua các thời kỳ lịch sử. Công tác nghiên cứu về văn tự mà nổi trội là nghiên cứu về chữ Nôm của Viện trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Ở đây chúng tôi xin nêu hai thành tựu cơ bản sau:

+ Nghiên cứu về văn tự, về chữ Nôm Việt và chữ Nôm Tày Nùng; các công trình của Viện đã tập trung nghiên cứu về âm tiết và loại hình ngôn ngữ, khảo sát quá trình hình thành và phát triển chữ Nôm, cùng kết cấu nội tại của chữ Nôm, cách đọc chữ Nôm, mối quan hệ giữa chữ Nôm và tiếng Việt. Về lĩnh vực nghiên cứu văn tự và chữ Nôm, Viện đã tổ chức biên soạn các công trình, như: Âm tiết và loại hình ngôn ngữ (Nguyễn Quang Hồng), Nghiên cứu chữ Nôm Tày (Cung Văn Lược), Các phương thức biểu âm trong cấu trúc chữ Nôm Việt (Nguyễn Tá Nhí), Các phương thức biểu ý trong cấu trúc chữ Nôm Việt (Lã Minh Hằng), Mối tương quan giữa âm Hán Việt và âm Nôm trong cách đọc chữ Nôm (Trương Đức Quả), Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (Hoàng Thị Ngọ), Chữ Nôm và tiếng Việt qua văn bản Thiên Nam ngữ lục (Nguyễn Thị Lâm), Truyền kì mạn lục-Nghiên cứu văn bản và vấn đề dịch Nôm (Hoàng Hồng Cẩm), Khái luận văn tự học chữ Nôm (Nguyễn Quang Hồng), Diễn ca lịch sử Nôm - Văn bản và tác phẩm (Hoàng Thị Ngọ), Nghiên cứu chữ Nôm cổ (Trương Đức Quả), Nghiên cứu thể tài văn học Nôm (Nguyễn Thị Lâm), Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua các bản dịch Khóa hư lục (Trần Trọng Dương), v.v…

+ Về việc phiên âm các văn bản Nôm, Viện đã tập trung phiên âm các tác phẩm có giá trị văn chương, nhằm cung cấp một cách nhìn toàn diện về văn học Việt Nam thời trung đại, có thể kể như: Quốc âm thi tập (Cao Hữu Lạng), Hồng Đức quốc âm thi tập (tập thể), Ngọc kiều lê (Kiều Thu Hoạch), Thiên Nam minh giám (Hoàng Thị Ngọ), Thiên Nam ngữ lục (Nguyễn Thị Lâm),  Lục Vân Tiên (Trần Nghĩa), Truyện Kiều (Đào Thái Tôn), Di văn chùa Dâu (Nguyễn Quang Hồng chủ biên), Tổng tập văn học Nôm Việt Nam (Nguyễn Tá Nhí chủ biên), Đại Nam quốc sử diễn ca (Lã Minh Hằng), v.v...

3/ Biên soạn những bộ sách công cụ, nhằm góp phần tạo nên những phương tiện tra cứu khi tiếp cận di sản Hán Nôm cho các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn nói chung và nghiên cứu Hán Nôm nói riêng. Việc biên soạn các sách công cụ phản ánh kết quả nghiên cứu và trình độ trưởng thành về khoa học, trong thời gian qua Viện đã tập trung biên soạn một số loại sách công cụ về chữ Hán, chữ Nôm, về địa danh, về sách thư mục, về các tác gia Hán Nôm, về những người đỗ đạt, v.v.., có thể kể như: Từ điển chữ Nôm (Nguyễn Quang Hồng chủ biên), Từ điển chữ Nôm Tày (Viện phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu chữ Nôm Tày ở Cao Bằng),  Từ điển Hán Việt cỡ lớn (Phan Văn Các chủ biên), Từ thường dùng trong Hán văn cổ (Phan Văn Các), Đối chiếu chữ Hán thể triện, thảo, khải (Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Văn Nguyên), Tên làng xã Việt Nam (Dương Thị The - Phạm Thị Thoa), Bảng tra thần tích theo làng xã (Nguyễn Thị Phượng chủ biên), Di tích lịch sử văn hoá Việt Nam (Ngô Đức Thọ chủ biên), Các nhà khoa bảng Việt Nam (Ngô Đức Thọ chủ biên), Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu gồm 3 tập (Trần Nghĩa đồng chủ biên), Thư mục Hán Nôm - mục lục tác giả (Dương Thái Minh), Thư mục văn bia (Hoàng Lê chủ biên), Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (Nguyễn Quang Hồng chủ biên), Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam (Trịnh Khắc Mạnh), Các tác gia nữ Hán Nôm Việt Nam (Đỗ Thị Hảo chủ biên), Thư mục Nho giáo Việt Nam (Trịnh Khắc Mạnh - Chu Tuyết Lan), Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam (tập thể), Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam (Trịnh Khắc Mạnh chủ biên), Tác gia Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội (Phạm Văn Thắm chủ biên), Thư mục y dược cổ truyền Việt Nam (Nguyễn Văn Bến chủ biên), Thư mục sách Hán Nôm các dân tộc thiểu số Việt Nam (Trịnh Khắc Mạnh chủ biên), Điển cố trong văn học Nôm (Lã Minh Hằng), v.v...

4/ Tiến hành nghiên cứu khai thác và biên dịch những bộ tùng thư theo chuyên đề, nhằm xã hội hoá ngày càng nhiều các tư liệu Hán Nôm, giúp cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay hiểu được giá trị của văn hoá truyền thống trong lịch sử. Một số bộ tùng thư mà Viện đã triển khai trong thời gian qua, có thể kể như: Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam (Trần Nghĩa chủ biên), Thư tịch Hán Nôm về nghề nông cổ truyền (tập thể), Phụ nữ Việt Nam qua thư tịch Hán Nôm (Đỗ Thị Hảo chủ biên), Thơ đi sứ (tập thể), Tổng tập văn khắc Hán Nôm Việt Nam (tập thể), Văn bia thời Mạc (Đinh Khắc Thuân), Văn bia Hà Nội (tập thể), Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội và 82 bia Tiến sĩ (Ngô Đức Thọ chủ biên), Tác phẩm chữ Hán của người Việt trước thế kỷ X (Trần Nghĩa), Tục lệ Lạng Sơn (Hoàng Giáp chủ biên), Văn bản thần tích Thái Bình (Mai Hồng), Các văn pháp luật Việt Nam thời phong kiến (Nguyễn Ngọc Nhuận chủ biên), Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam (Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu), Thư tịch gia phả (Nguyễn Hữu Tưởng), Tổng tập truyện thơ Nôm các dân tộc thiểu số Việt Nam (tập thể), Tuyển tập văn học Thái  (tập thể), Thư mục Hán Nôm về biển đảo Việt Nam (Trịnh Khắc Mạnh chủ biên), Di sản Hán Nôm thời Lê sơ (Đinh Khắc Thuân chủ biên), v.v...

5/ Tiến hành biên dịch và giới thiệu các tác gia Hán Nôm ưu tú và các tác phẩm Hán Nôm có giá trị của văn hoá Việt Nam. Như mọi người đều biết, ở mọi thời đại, ông cha ta đều có những thành tựu về mọi mặt trong đời sống chính trị xã hội của đất nước; trong mỗi lĩnh vực đều có những đỉnh cao mãi mãi tự hào, và điều may mắn là các tác phẩm Hán Nôm của các bậc thiên tài ấy một phần còn giữ được đến ngày nay. Đánh giá tổng quát di sản Hán Nôm của dân tộc Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã từng nhận định: “Ngô Quyền: quân sự học; Trần Hưng Đạo: quân sự học; Nguyễn Trãi: quân sự học, chính trị học và văn học; Lương Thế Vinh: toán học; Nguyễn Bỉnh Khiêm: triết học và văn học; Lãn Ông: y học; Lê Quý Đôn: văn học, khoa học; Quang Trung: quân sự học, chính trị học; Ngô Thì Nhậm: chính trị học, quân sự học và văn học; Nguyễn Du: văn học, Phan Huy Chú: sử học; Cao Bá Quát: chính trị học và văn học; Nguyễn Đình Chiểu: chính trị học và văn học; v.v...”(1).

Trong những năm qua, Viện đã triển khai các hệ thống đề tài nghiên cứu giới thiệu tác gia, tác phẩm Hán Nôm, phần nào đáp ứng nhu cầu xã hội hóa di sản Hán Nôm. Bởi lẽ các tác gia Hán Nôm “Mãi mãi là những ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam làm vẻ vang cho giống nòi”(2) và “Những tác phẩm cổ điển là tinh hoa của nền văn nghệ dân tộc qua nhiều thế kỷ, do đời sống và tiếng nói dân tộc ngày một phong phú mới dần dần tạo nên ... Làm giàu cho tư tưởng tình cảm và tiếng nói Việt Nam”(3). Viện đã biên dịch và giới thiệu một số tác gia, tác phẩm Hán Nôm, có thể kể như: Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm (Hà Thúc Minh), Thơ văn Phan Huy Ích (Nguyễn Ngọc Nhuận giới thiệu), Thơ văn Nguyễn Trãi (Nguyễn Đổng Chi chủ biên), Đại Việt sử ký tục biên (Ngô Thế Long và Nguyễn Kim Hưng), Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn (Nguyễn Tuấn Lương chủ biên),  Thơ văn Ninh Tốn (Hoàng Lê chủ biên),  Thơ văn Lê Thánh Tông (Mai Xuân Hải chủ biên), Lê quý  dật sử (Phạm Văn Thắm), Trùng san Lam Sơn thực lục (Trần Nghĩa), Thơ văn Nguyễn Cao (Phan Văn Các), Hội Tao đàn (Nguyễn Văn Bến chủ biên), Nghệ An ký (Nguyễn Thị Thảo), Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông (Mai Xuân Hải chủ biên), Thơ văn Nguyễn Đề (Nguyễn Thị Phượng chủ biên), Lịch triều tạp kỷ (Hoàng Văn Lâu), Diệu Liên thi tập (Đỗ Thị Hảo) Ứng Khê thi văn tập (Nguyễn Thị Oanh), Đại Việt sử ký tiền biên (Lê Văn Bảy, Phạm Thị Thoa, Dương Thị The), Ô châu cận lục (Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Văn Nguyên), Phạm Đình Hổ tuyển tập thơ văn (Trần Kim Anh), Hồ Xuân Hương (Đào Thái Tôn), Cổ duệ từ (Phan Văn Các), Minh Mệnh chiếu dụ (Trần Văn Quyền), Đặng gia thế phả (Trần Lê Sáng, Nguyễn Huy Thức, Nguyễn Hữu Tưởng), Cổ tâm bách vịnh (Mai Xuân Hải), Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Quang Hồng), Thiên Nam ngữ lục (Nguyễn Thị Lâm), Thơ văn Lê Thánh Tông (Mai Xuân Hải chủ biên), Truyền kỳ mạn lục tân biên (Hoàng Hồng Cẩm), Thơ văn Ngô Thời Nhậm (Nguyễn Văn Bến chủ biên), Đoạn trường lục (Phan Văn Các), Diệu Liên thi tập (Đỗ Thị Hảo), Việt sử cương mục tiết yếu (Hoàng Văn Lâu), Chùa Trấn Quốc - Khảo cứu từ nguồn tư liệu Hán Nôm (Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Đức Toàn), Tục lệ cổ truyền vùng đồng bằng Bắc bộ (Đinh Khắc Thuân chủ biên), Thượng tướng quân Việp công Hoàng Ngũ Phúc (Trịnh Khắc Mạnh chủ trì), Quốc sử di biên ( Nguyễn Thị Oanh), v.v…

6/ Ngoài ra, còn có thể kể tới hàng chục công trình khác trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới Hán Nôm đã được công bố, do sự nỗ lực và năng động của cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong mối quan hệ hợp tác với các cơ quan và các địa phương trong cả nước, như: Tây Dương Gia Tô bí lục, Lượn Cọi, Truyện Thạch Sanh, Dương Từ - Hà Mậu, Phạm Thận Duật - cuộc đời và tác phẩm, Quốc triều hương khoa lục, Làng Đại Bái gò đồng, Văn Lãng huyện biên giới, Đền bà Chúa kho, Văn bia Lạng Sơn, Văn bia Hà Tây, Hương ước cổ Hà Tây, Việt âm thi tập, Những điển tích Phật giáo kì thú, Từ điển Chu dịch, Nhật Bản linh dị ký, Đường thơ một thuở, Nhật Bản linh dị ký, Góp phần tìm hiểu lịch sử ca trù, Hà Nội làng phố làng nghề, Truyện Kiều nghiên cứu văn bản và thảo luận, Lý luận văn học cổ Trung Quốc, Đại Nam quốc ngữ, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Người Hà Tây trong làng khoa bảng, Một thế kỷ sưu tầm văn hoá dân gian, Lịch sử và nghệ thuật ca trù, An Nam phong tục sách, Văn khắc Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội, Kim ngọc bảo tỷ, Thiền tông Khóa hư lục, Văn bia thời Mạc, Thiền tông bản hạnh, Cẩm Đình thi tập, và nhiều sách xuất bản khác, v.v...

3. Điều tra sưu tầm tư liệu Hán Nôm

Di sản Hán Nôm còn lại đến ngày nay không còn được nguyên vẹn như nó vốn có trong lịch sử, mà bị mai một mất mát trải qua đời này đến đời khác, với nhiều lý do khác nhau, như: do thiên tai và khí hậu, do chiến tranh tàn phá, do con người thiếu cẩn thận, do sự lão hoá theo thời gian, v.v... Cách đây 200 năm, nhà khoa học Lê Quý Đôn khi nghiên cứu thư tịch Hán Nôm đã từng than tiếc: Nước Nam nổi tiếng là nước văn hiến, từ hai triều nhà Lý, nhà Trần đến bản triều (triều Lê), các bậc tiền bối trước tác cũng nhiều, nhưng lâu ngày bị mai một, sách vở còn lại không được bao nhiêu, những sỹ phu say mê về việc đời cổ không dựa vào đâu mà khảo cứu được(1). Nhà sử học thế kỷ XIX Phan Huy Chú cũng đau lòng nói: Từ khi Lý - Trần dấy lên, văn vật đã thịnh..., đến đời Hồng Đức nhà Lê vận hội càng mở mang, trước thuật nảy nở, điển chương rất nhiều. Cho nên sách vở đầy rẫy, thực là rất thịnh. Nhưng trải qua nhiều phen biến loạn, nên các sách mất mát đi, tiếc rằng nay không còn mấy(2).

Về chủng loại, di sản Hán Nôm không chỉ những tác phẩm văn học, sử học, địa lý, v.v...; mà còn bao gồm cả các loại văn bản như gia phả, thần phả, văn khắc trên bia đá, chuông đồng, biển gỗ, địa bạ, hương ước, v.v...; cho đến các thứ giấy tờ như văn khế, chúc thư, bằng sắc, lệnh chỉ, sách bói toán phương thuật, hoành phi câu đối v.v... Tất cả, trong những nội dung khác nhau, đều gắn liền với bản sắc và truyền thống văn hoá dân tộc. Cho đến nay, ngoài phần lớn di sản Hán Nôm đã thu thập được hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, còn có khá nhiều tư liệu Hán Nôm rải rác ở các địa phương trong toàn quốc. Do vậy, công việc điều tra, sưu tầm tư liệu Hán Nôm hiện còn đang nằm rải rác trong dân gian là rất cần thiết và đúng hướng.

Công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm luôn luôn là điều trăn trở không riêng của Viện Nghiên cứu Hán Nôm mà của toàn xã hội. Ý thức sâu sắc về trách nhiệm phải đảm đương trước tổ tiên, cha ông và con cháu muôn đời mai sau, Viện đã tổ chức nhiều chuyến đi về các địa phương để mua sách và làm bản dập bia, chuông, khánh, biển gỗ, v.v...  Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ năm 1979 đến nay, nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị đã được bổ sung vào kho tàng thư tịch. Viện đã và đang tổ chức tiến hành điều tra cơ bản và thu thập các tư liệu Hán Nôm hiện có ở các địa phương trong cả nước. Đến năm 2012, Viện đã hoàn thành về cơ bản việc sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở khoảng 2.500 xã thuộc các địa phương: tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Yên Bái, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hải Dương, tỉnh Thái Bình, thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam, tỉnh Nam Định, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Thanh Hóa,  tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Hà Tĩnh. Kết quả thu thập tư liệu văn khắc Hán Nôm trong thời gian qua là: mua và photocopy sách Hán Nôm cùng sách Hán Nôm dân tộc thiểu số được khoảng hơn 10.000 cuốn, in rập văn khắc Hán Nôm (bia, chuông, khánh,...) được khoảng 15.000 đơn vị với khoảng 40.000 mặt thác bản, sao chép câu đối khoảng hơn 50.000 đôi, sao chép hoành phi khoảng 30.000 bức, phiếu điều tra tư liệu Hán Nôm tại các địa phương khoảng 2.500 xã.

Nhiều tư liệu mới đã bổ sung vào kho sách Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, như: một số tư liệu Hán Nôm có giá trị mà lần sưu tầm của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, EFEO tại Hà Nội) trước đây chưa kịp thu thập , đặc biệt là các văn bia thời Lý - Trần (khoảng hơn 20 đơn vị); mộc bản có niên đại năm 1578 tại chùa Vạn Đức Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam (khoảng 100 ván in các sách Thiền tam thượng phẩm, Tiêu tật bệnh thần chú, ...); văn bản mới phát hiện tại đình làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về không gian văn hóa có hơn 80 văn khắc khu vực phố Hiến cùng nhiều văn bia ở vùng núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung, v.v...

4. Bảo quản tư liệu Hán Nôm

 Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã làm được khá nhiều việc trong công tác bảo quản tư liệu Hán Nôm, xin nêu cụ thể như sau: Làm hộp bảo quản cho các sách Hán Nôm, mỗi quyển (bộ) sách được đặt trong hộp bảo quản, đảm bảo cho sách đặt trên giá được tốt. Tiến hành sao chụp, nhân bản xong kho sách Hán Nôm. Mỗi sách được nhân thành 3 bản, các bản để phân tán ở các kho khác nhau và phục vụ bạn đọc bằng bản photocopy, bản gốc đưa vào kho lưu giữ theo chế độ bảo tàng. Xây dựng hệ thống CSDL quản lý tư liệu Hán Nôm và thác bản văn khắc Hán Nôm, mô tả đặc điểm về nội dung và hình thức của tư liệu, tình trạng tư liệu và đề xuất những biện pháp bảo quản tư liệu, đưa ra những đề xuất triển khai nghiên cứu khai thác một cách hữu hiệu nhất. Tiến hành bồi vá, tu bổ, phục chế hàng vạn trang sách Hán Nôm bị rách nát, hư hại.

5. Thông tin thư viện và ứng dụng tin học

- Công tác thư viện: Viện đã có một phông sách khá phong phú, gồm các sách tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga với khoảng hơn hơn 20.000 đầu sách, gần 800 đơn vị bản đồ và hàng ngàn cuốn tạp chí các loại. Thư viện đã tiến hành thống kê, phân loại, và tổ chức khai thác nguồn tư liệu một cách hiệu quả.

- Công tác thông tin và ứng dụng tin học: Xây dựng hệ thống mạng nội bộ phục vụ việc tìm tin theo một qui trình tự động hóa khi phục vụ độc giả, đáp ứng nhu cầu khai thác tư liệu. Viện xây dựng phương án ghi lưu kho tư liệu Hán Nôm trên các phương tiện mang tin điện tử hiện đại (CD, DVD,...) đảm bảo phát huy tính ưu việt về độ an toàn, hiệu quả, chính xác, dễ bảo quản, dễ truy cập của phương tiện này. Thiết kế và xây dựng hệ CSDL Hán Nôm và tiếng Việt, bao gồm các thông tin văn bản, bản đồ, hình ảnh, v.v... dựa trên biện pháp kỹ thuật tin học hiện đại. Triển khai phục vụ công tác tra cứu dữ liệu Hán Nôm nhằm mục đích nghiên cứu khai thác di sản Hán Nôm và giao lưu văn hoá với bên ngoài. Xây dựng website của Viện, đưa thông tin hoạt động của Viện, của ngành Hán Nôm và hệ CSDL về: Tạp chí Hán Nôm, thư mục Hán Nôm, thông báo Hán Nôm và văn khắc Hán Nôm rất thuận tiện trong việc tra cứu và tìm tin. Tham gia xây dựng bảng mã chữ Nôm và đưa chữ Nôm vào bảng mã chuẩn quốc tế IRG/ISO, tổng số chữ Nôm Việt đã đưa vào kho chữ quốc tế hiện nay là 9.299 chữ, trong đó số chữ Nôm không trùng hình với chữ của các nước trong khu vực khoảng 4.200 chữ.

6. Tập san nghiên cứu Hán Nôm và Tạp chí Hán Nôm

Tập san Nghiên cứu Hán Nôm, tiền thân của Tạp chí Hán Nôm, ra đời từ năm 1984, nhằm giới thiệu những kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cùng chuyên gia Hán Nôm trên các lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu khai thác thư tịch, tư liệu Hán Nôm. Đến giữa năm 1986, Tập san được nâng lên thành loại ấn phẩm định kỳ, tức Tạp chí Hán Nôm với mỗi năm ra 2 số. Đến năm 1993, để phục vụ độc giả kịp thời hơn, Tạp chí đã tăng kỳ xuất bản lên gấp đôi, mỗi năm ra 4 số. Từ năm 2002, Tạp chí tiếp tục tăng kỳ xuất bản, mỗi năm ra 6 số.

Tạp chí Hán Nôm trong thời gian qua, phát triển trong xu hướng chung của thời đại và của đất nước, bắt nhịp được hơi thở của đời sống văn hoá xã hội và sự phát triển của khoa học, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu tri thức Hán Nôm, làm chỗ dựa tin cậy của đông đảo người Việt Nam hôm nay và mai sau khi tìm về văn hoá truyền thống của dân tộc. Tạp chí Hán Nôm là tạp chí khoa học chuyên ngành chuẩn quốc tế về khoa học xã hội và nhân văn, là diễn đàn của chuyên ngành Hán Nôm học Việt Nam và quốc tế, trong thời gian qua đã xác định rõ hơn phương hướng phát triển trên 3 vấn đề chủ yếu sau đây: tính khoa học, tính cập nhật và tính xã hội.

7. Đào tạo cán bộ

Ngay sau khi thành lập, Ban Hán Nôm và tiếp đó là Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tập trung vào việc bồi dưỡng trình độ chuyên môn sâu cho cán bộ công chức, viên chức; với việc tổ chức các khóa học: Lịch sử tư tưởng Trung Quốc, Nho giáo Việt Nam, Phật giáo Việt Nam, Tín ngưỡng và tôn giáo Việt Nam, Kinh nghiệm dịch từ Hán sang Việt, Nghiên cứu về chữ Nôm, Thư pháp, Nghiên cứu văn bản học, Ngữ văn học, và các khoá bồi dưỡng về Hán ngữ học,  Hán Nôm Việt Nam, chữ thảo, v.v…

Từ khi Viện được công nhận là cơ sở đào tạo Sau đại học (1994), đã có nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học bảo vệ thành công luận án TS, luận văn ThS chuyên ngành Hán Nôm tại Viện. Sau đó, công tác đào tạo sau đại học được chuyển giao về Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Trong vài năm gần đây, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức mở các lớp học Hán Nôm cơ sở và Hán Nôm nâng cao dạy cho cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có nhu cầu hiểu biết về chữ Hán và chữ Nôm. Đặc biệt Viện đã tổ chức thành công hai lớp chữ Nôm (với sự tài trợ của Hội bảo tồn di sản chữ Nôm Hoa Kỳ), tổ chức lớp chữ Nôm dân tộc Tày - Nùng, chữ Nôm dân tộc Dao, chữ Thái cổ của người Thái ở Sơn La. Nhiều cán bộ theo học các lớp học này, đã phát huy tốt kiến thức học tập và có người đã có ấn phẩm xuất bản về chuyên môn của mình.

Viện đã hợp tác với một số trường đại học ở ngoài nước để đào tạo nâng cao nghiệp vụ và sau đại học, như: Viện Harvard Yenching (Hoa Kỳ); Đại học Tokyo, Kyoto, Osaka (Nhật Bản); Học viện quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (INALCO) và Trường Paris Sept (Cộng hòa Pháp); Đại học Trung Chính và Đại học Thành Công (Đài Loan); Đại học Sungkyunkwan và Đại học Inha (Hàn Quốc), v.v...

8.  Hợp tác nghiên cứu ngày càng mở rộng

Quá trình xây dựng và phát triển Viện Nghiên cứu Hán Nôm gắn liền với việc củng cố và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các ngành, địa phương, cơ quan, trường đại học trong nước và quốc tế. Việc mở rộng mối quan hệ với các ngành, các địa phương là nguyên tắc nhất quán từ trước tới nay của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

- Hợp tác với các địa phương, Viện đã tham gia tư vấn việc trùng tu sửa chữa di tích, tiến hành biên soạn và chỉnh lý các tư liệu Hán Nôm tại các di tích; tham gia hợp tác nghiên cứu khoa học và công bố nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị với các địa phương, như Lạng Sơn, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Sơn La, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bình Định, v.v...

- Hợp tác với nước ngoài, Viện đã cùng với Đại học Sư phạm Thượng Hải hiệu chỉnh và xuất bản bộ Tổng tập tiểu thuyết Hán văn Việt Nam, cùng với Viện Nghiên cứu Khổng Tử thuộc Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc nghiên cứu về Nho điển Việt Nam, cùng với Đại học Phúc Đán Thượng Hải Trung Quốc biên soạn bộ Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành. Về tài trợ của nước ngoài cho các đề tài và công trình có: Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu (Viện Viễn đông Bác cổ Pháp - EFEO); Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (Viện Viễn đông Bác cổ Pháp - EFEO và Đại học Trung Chính Đài Loan); Truyên kỳ mạn lục (Tổ chức các nước sử dụng tiếng Pháp - AUF); Nghiên cứu văn bản Hương ước chữ Hán Triều Tiên từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX (Quĩ của Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu Châu Á); Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam (Quĩ Bộ giáo dục Pháp, Tổ chức các nước sử dụng tiếng Pháp - AUF, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp - EFEO); Việt Nam Hán thi (Đại học Thành Công Đài Loan); Thơ văn xướng họa sứ thần hai nước Việt Nam - Hàn Quốc (Đại học Inha - Hàn Quốc); và một số đề tài được tài trợ của Quĩ Nafosted Việt Nam. Viện xây dựng Quỹ học bổng Hán Nôm - Harvard Yenching được sự tài trợ của Viện Harvard Yenching (Hoa Kỳ), nhằm tạo điều kiện cho những người làm công tác nghiên cứu Hán Nôm trong cả nước có điều kiện đến Viện Nghiên cứu Hán Nôm nghiên cứu khai thác các tư liệu Hán Nôm, phục vụ cho đề tài nghiên cứu khoa học.

Thành tích mà Viện đạt được thật đáng khích lệ, trong nhiều năm qua, Viện đã liên tục phấn đấu thi đua và đạt được các danh hiệu: Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba, Hạng Hai và Hạng Nhất; Bằng khen của Chính phủ , Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhiều năm tặng Cờ thi đua và công nhận là đơn vị Lao động xuất sắc. Chúng ta tin tưởng rằng Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiếp tục phát triển, làm tốt hơn nữa công tác sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu khai thác và đào tạo đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của đời sống văn hóa xã hội hiện nay, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay thì công cuộc bảo tồn khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết quan trọng mà ngành văn hóa, khoa học xã hội phải đảm nhiệm. Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã và đang đóng góp tích cực với chức năng và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao.

Thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã giao, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đặt mục tiêu chiến lược phát triển đến năm 2020 với những nội dung chính là: Sưu tầm, thu thập tư liệu Hán - Nôm; bảo quản lưu trữ tài liệu thư tịch; nghiên cứu khai thác, tổ chức thực hiện các chương trình và đề tài nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; trao đổi hợp tác khoa học với các nước, phối hợp với các ngành, các cơ quan, địa phương liên quan; đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết cho công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản Hán Nôm.

1. Về công tác điều tra, sưu tầm, thu thập tư liệu

- Sưu tầm trong nước: Hoàn thành việc sưu tầm ở khu vực miền Trung; mở rộng địa bàn sưu tầm xuống vùng Nam Bộ - những địa phương hứa hẹn tiềm năng trữ lượng tư liệu Hán Nôm tốt. Bước đầu thiết lập đại diện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm tại thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện công tác sưu tầm tư liệu thư tịch Hán Nôm ở khu vực Nam Bộ, đồng thời kết hợp với liên kết phối hợp với các địa phương liên quan trong nghiên cứu khai thác, hội thảo khoa học trong tương lai.

- Sưu tầm tư liệu ở nước ngoài: Xây dựng kế hoạch và đề nghị triển khai công tác sưu tầm tư liệu ở nước ngoài đối với các nước liên quan như Pháp, Mỹ, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, v.v…

2. Về công tác bảo quản, lưu trữ, phục chế tài liệu thư tịch

Xây dựng và hoàn chỉnh chế độ bảo quản cao các loại tài liệu theo phương pháp truyền thống kết hợp với kỹ thuật bảo quản bảo tàng. Trang bị nâng cấp các phương tiện bảo quản theo phương pháp kỹ thuật tiên tiến. Hoàn thành cơ bản việc số hóa sách Hán Nôm trong kho. Đề nghị Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm Bảo quản lưu trữ tư liệu thư tịch Hán Nôm, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị kĩ thuật bảo quản tiên tiến nhất để ổn định lâu dài khối lượng tài sản quý giá của đất nước.

Hiện đại hóa công tác lưu trữ bảo quản, quy trình phục vụ và nghiên cứu khai thác thông tin, tư liệu.

3. Về nghiên cứu khoa học và xuất bản

Tổ chức nghiên cứu những vấn đề về lý luận của Hán Nôm như: Văn bản học Hán Nôm, Ngữ văn học Hán Nôm, Thư tịch Hán Nôm, v.v... Tổ chức biên soạn mảng sách công cụ chuyên ngành: Từ điển quan chức Việt Nam, Từ điển địa danh Việt Nam, Từ điển Hán Việt, Từ điển chữ Nôm, Thư mục văn khắc Hán Nôm Việt Nam. Giới thiệu mảng tùng thư chuyên ngành: văn bia Việt Nam, khoa cử Việt Nam, ấn chương, thần tích, hương ước, địa bạ, thơ đề vịnh di tích và danh thắng. Giới thiệu các tuyển tập thơ văn và các tác gia tác phẩm nổi tiếng thời trung đại. Giới thiệu mảng đề tài về lịch sử, địa chí, luật tục, chú trọng những tư liệu chưa được dịch, công bố. Nghiên cứu khai thác tổ chức dịch biên soạn sách về lịch pháp cổ truyền, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, y dược. Nghiên cứu khai thác, tổ chức biên dịch tư liệu Hán Nôm các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

4. Hợp tác khoa học trong và ngoài nước

Thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế liên kết phối hợp với một số viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức cá nhân liên quan ở các nước Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và khu vực châu Âu. Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế; đồng chủ trì các đề tài nghiên cứu, dịch thuật, hiệu chỉnh, biên soạn xuất bản phẩm những đề tài đã được hai bên thống nhất hợp tác.

Liên kết phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan văn hóa, các khu di tích trọng điểm quốc gia, các nhà xuất bản, trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức cá nhân liên quan trong phạm vi toàn quốc. Xây dựng các đề tài lớn, nhỏ, dịch biên soạn thành sách. Tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học. Khẳng định vai trò của Viện Nghiên cứu Hán Nôm nói riêng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói chung trong công cuộc bảo tồn, nghiên cứu khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

5. Về đào tạo chuyên môn nghiệp vụ

Phối kết hợp với Học viện Khoa học xã hội, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Đại học Sư phạm, Đại học Văn hóa và các trường, học viện liên quan trong đào tạo đại học, sau đại học, phấn đấu nâng số cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có học hàm, học vị lên số lượng cao hơn. Tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có năng lực phấn đấu học tập nghiên cứu khoa học theo hướng chuyên môn sâu. Kết hợp nghiên cứu với đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia Hán Nôm trên nhiều lĩnh vực. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, nâng cao chất lượng tri thức cho toàn thể cán bộ viên chức trong Viện.

6. Đặt nền móng cho việc hình thành Bảo tàng Hán Nôm Việt Nam trong tương lai gần

Bước đầu xây dựng Phòng trưng bày tư liệu hiện vật Hán Nôm theo hình thức mô hình trưng bày bảo tàng. Trưng bày hiện vật theo chuyên đề (ví dụ các tài liệu thư tịch, đồ bản liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, hải phận Việt Nam, v.v…).  Trưng bày hiện vật theo lĩnh vực chủ đề (lĩnh vực giáo dục khoa cử, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán v.v…). Đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ủng hộ tạo điều kiện cho định hướng hình thành xây dựng Bảo tàng Hán Nôm nhằm bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, góp phần làm phong phú và tăng thêm vai trò giá trị của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

7. Tạp chí Hán Nôm

Đảm bảo định hướng theo khoa học của tạp chí chuyên ngành. Hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch hàng năm của tạp chí theo chức năng, nhiệm vụ đã được các cơ quan quản lý báo chí cấp phép. Phương hướng phát triển trên 3 vấn đề chủ yếu sau đây: tính khoa học, tính cập nhật và tính xã hội.

8. Cải cách công tác hành chính tổng hợp

Thực hiện cải cách hành chính trong khuôn khổ chương trình cải cách hành chính nói chung.

*

*           *

Đề nghị Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quan tâm đến đặc thù riêng của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chỉ đạo sát sao, giúp đỡ nhiệt tình, tạo điều kiện cho toàn thể cán bộ viên chức Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng đơn vị trở thành một trong các Viện nghiên cứu nòng cốt của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

 


(1) Trích trong Quyết định của Hội đồng Chính phủ số 311/CP ngày 8/9/1979, Về công tác sưu tầm, thu thập, bảo quản và khai thác các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm.

(1) Trích trong Quyết định của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội số 63/KHXH-QĐ ngày 3/2/1988, Về chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(1)  Hồ Chí Minh, Toàn tập (tập 4), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.504.

(2)  Về văn hoá văn nghệ (in lần thứ 4), Nxb Văn học, Hà Nội, 1976, tr. 214.

(3)  Xây dựng nền văn  hoá văn nghệ ngang tầm với dân tộc ta, thời đại ta - Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 98.

 

(1)   Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1975, tr.171.

(2) Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1975, tr.171.

(3)  Về văn hoá văn nghệ, Nxb Văn hoá, Hà Nội - 1976, tr. 214.

 

(1)  Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb. KHXH., Hà Nội, 1977, tr.13-14.

(2)  Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1992, tr. 20.

 

In trang Chia sẻ

Tin khác