I. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA VIỆN
Theo Quyết định số 315/ KHXH-QĐ ngày 26 tháng 12 năm 1979 của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Khánh Toàn, Ban Văn hoá dân gian đã được thành lập, trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Ngày 9 tháng 9 năm 1983, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã kí Quyết định thành lập Viện Văn hoá dân gian trên cơ sở Ban Văn hoá dân gian. Ngày 22 tháng 5 năm 1993, trong Nghị định của Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Văn hoá dân gian được đổi tên là Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian. Ngày 15 tháng 1 năm 2004, Viện Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập trên cơ sở của Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian chuyển thành Viện Nghiên cứu Văn hoá thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Viện Nghiên cứu Văn hóa được tái ghi nhận tại Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26/12/2012 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Như vậy, sau chặng đường hơn 30 năm nghiên cứu văn hoá dân gian, một mặt tiếp tục củng cố và phát huy thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu này, mặt khác, Viện Nghiên cứu văn hoá đã mở rộng phạm vi nghiên cứu và hoạt động.
Trong Quyết định số 261/QĐ-KHXH của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ký ngày 27 tháng 02 năm 2013, có hai điều nói về chức năng nhiệm vụ của Viện như sau:
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Viện Nghiên cứu Văn hóa là tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về văn hóa học và văn hóa Việt Nam, cung cấp luận cứ khoa học về phát triển văn hóa, đóng góp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược quy hoạch và chính sách phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đào tạo sau đại học về văn hóa học và văn hóa dân gian, tham gia phát triển tiềm lực khoa học về văn hóa của cả nước.
2. Viện Nghiên cứu Văn hóa có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, hoạt động từ ngân sách nhà nước; là đơn vị kế hoạch tài chính của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
3. Viện Nghiên cứu Văn hóa có trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội; tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: Institute of Cultural Studie.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hằng năm của Viện và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
2. Nghiên cứu cơ bản về văn hóa học, văn hóa và phát triển, văn hóa dân gian, đóng góp luận cứ khoa học cho việc xây dựng các chính sách về văn hóa;
3. Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hóa Việt Nam (bao gồm văn hóa người Việt và các dân tộc thiểu số anh em). Tổ chức điều tra, sưu tầm, bảo quản và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc Việt Nam;
4. Đào tạo sau đại học về văn hóa học và văn hóa dân gian, tham gia phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo nhu cầu của xã hội;
5. Góp ý và phản biện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương theo sự phân công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;
6. Tổ chức tư vấn khoa học và thực hiện cung cấp dịch vụ về những vấn đề kinh tế - xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Văn hóa;
7. Hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo theo quy định hiện hành;
8. Ký kết thực hiện các hợp đồng nghiên cứu và ứng dụng khoa học với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và các quy chế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;
9. Trao đổi thông tin khoa học với các cơ quan trong nước và nước ngoài theo quy định; quản lý tư liệu; thư viện; xuất bản các sản phẩm khoa học; phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học và truyền bá các kiến thức khoa học;
10. Quản lý về tổ chức, bộ máy, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số người làm việc trong đơn vị; tài sản và kinh phí của Viện Nghiên cứu Văn hóa theo quy định của Nhà nước và theo sự phân cấp quản lý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;
11. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
II. THÀNH TỰU KHOA HỌC
Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên, hoạt động khoa học của Viện Nghiên cứu Văn hoá thể hiện ở các hướng dưới đây:
1. Từng bước xây dựng cơ sở lí luận khoa học của ngành
Những công trình đi vào lĩnh vực này đã góp phần làm rõ mục đích, đối tượng nghiên cứu và nhiệm vụ đặt ra đối với khoa nghiên cứu văn hoá dân gian. Thuộc loại các công trình này, trước hết là: Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian. Đây là một trong những công trình nền tảng của khoa nghiên cứu văn hoá dân gian Việt Nam. Cuốn sách là kết quả của mười năm GS. Đinh Gia Khánh tích luỹ lí luận và cọ xát với đối tượng nghiên cứu mới: văn hoá dân gian. Sau khi trình bày về sự hình thành của folklore học, tác giả đã phân tích tính nguyên hợp của văn hoá dân gian, xác định ba thành tố chủ yếu của văn hoá dân gian, nhận diện các loại vấn đề lớn của folklore học, bàn về vai trò của folklore học Việt Nam hiện nay trong sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian nằm trong cụm công trình của GS. Đinh Gia Khánh được Chủ tịch nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996).
Bên cạnh cuốn sách vừa nêu là hai công trình tập thể: Văn hoá dân gian những lĩnh vực nghiên cứu tiếp tục xác định đối tượng nghiên cứu của khoa nghiên cứu văn hoá dân gian. Văn hoá dân gian những phương pháp nghiên cứu bên cạnh việc khẳng định phương pháp tổng hợp là phương pháp cơ bản của công tác nghiên cứu folklore, còn bàn đến một loạt phương pháp khác: phương pháp tiếp cận hệ thống, phương pháp so sánh đồng đại và lịch đại, phương pháp sử dụng bản đồ, phương pháp thống kê, phương pháp loại hình học, phương pháp sưu tầm,...
Quan niệm về folklore (GS.TS. Ngô Đức Thịnh chủ biên) hệ thống hoá nhiều quan niệm của các học giả nước ngoài và của các nhà khoa học Việt Nam về folklore.
Trong Dẫn luận nghiên cứu folklore Việt Nam, PGS. Vũ Ngọc Khánh đã phân tích các thành tố, trình bày về tâm thức Việt Nam, ứng xử Việt Nam qua folklore.
Do sự trưởng thành của một đội ngũ nghiên cứu folklore được hình thành từ sau cuộc kháng chiến lần thứ nhất, Viện đã tổ chức biên soạn công trình Các tác gia nghiên cứu văn hoá dân gian (GS.TS. Nguyễn Xuân Kính chủ biên) nhằm bước đầu đánh giá các tác gia nghiên cứu văn hoá dân gian, trân trọng ghi nhận sự đóng góp của từng người, cố gắng tìm thấy ở họ những kinh nghiệm thành công và cả kinh nghiệm chưa thành công để cho những người đi sau rút ngắn con đường tiếp cận chân lí. Và như vậy, những tác gia đã quá cố và những tác gia đang còn nhiều sinh lực nghiên cứu đều đang và sẽ còn góp phần tích cực vào bước tiến chung của cả ngành khoa học về folklore. Sách này giới thiệu 14 tác gia: Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Bùi Văn Nguyên, Đinh Gia Khánh, Cao Huy Đỉnh, Hà Văn Cầu, Nguyễn Huy Hồng, Vũ Ngọc Khánh, Võ Quang Nhơn, Phan Đăng Nhật, Đỗ Bình Trị, Ninh Viết Giao, Chu Xuân Diên, Hoàng Tiến Tựu (xếp thứ tự theo năm sinh). Phần phụ lục là danh sách 114 tác giả sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy văn hoá dân gian với những thông tin ngắn gọn: họ tên, năm sinh, trình độ, nơi công tác, sách in riêng, sách in chung (phần này sắp xếp các tác giả theo trật tự chữ cái của họ các tác giả).
2. Nghiên cứu văn hoá dân gian dưới dạng tổng thể, tổng hợp
Thuộc hướng nghiên cứu này, trước hết là nhóm các công trình địa chí văn hoá dân gian Vĩnh Phú, Hà Nội và Nghệ Tĩnh; trong đó Địa chí văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh (GS. Nguyễn Đổng Chi chủ biên) thành công hơn cả.
Cuốn sách gồm bảy phần: Đất nước và con người Nghệ Tĩnh; Tri thức dân gian (thiên văn, thuỷ văn, địa lí, kĩ thuật, y dược,...) ; Chuyện kể dân gian (thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, tiên thoại, truyện cười, giai thoại, ngụ ngôn,...) ; Thơ ca, nhạc dân gian ; Trò chơi, múa, hội diễn và sân khấu dân gian ; Nghệ thuật và món ăn dân gian ; Phong tục tập quán dân gian.
Địa chí văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh vinh dự nằm trong cụm tác phẩm đặc biệt xuất sắc của học giả Nguyễn Đổng Chi, được Chủ tịch nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996).
Về nhóm công trình loại từ điển của Từ vựng thuật ngữ folklore (PGS.Vũ Ngọc Khánh), Từ điển thuật ngữ văn hoá dân gian (GS.TS. Kiều Thu Hoạch chủ biên, chưa xuất bản).
Nhận thức rõ tầm quan trọng của biến đổi với sự phát triển kinh tế - xã hội, Viện đã lập nhiều nhóm nghiên cứu, khảo sát văn hoá dân gian ở những làng ven biển tiêu biểu. Do điều kiện kinh phí và thời gian, các làng ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau chưa được khảo sát. Tuy vậy công trình Văn hoá dân gian làng ven biển (GS.TS. Ngô Đức Thịnh chủ biên) cũng khá đồ sộ với chín làng nổi tiếng từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế: Trà Cổ, Quan Lạn, Đồ Sơn, Kẻ Mom, Phương Cần, Cửa Sót, Nhượng Bạn, Cảnh Dương, Thuận An.
Nằm trong các công trình nghiên cứu văn hoá vùng còn có: Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam (GS.TS. Ngô Đức Thịnh chủ biên); Các vùng văn hoá Việt Nam (GS. Đinh Gia Khánh và Cù Huy Cận chủ biên).
Xét về mặt văn hoá, Việt Nam vừa là Đông Nam Á, vừa là Đông Á, và cũng có phần Nam Á. Văn hoá dân gian nước ta là nơi hội tụ của văn hoá Đông Nam Á và là nơi tiếp xúc đậm nét với văn hoá Trung Hoa, lại có chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ. Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hoá Đông Nam Á của GS. Đinh Gia Khánh là cuốn sách đầu tiên nghiên cứu folklre Việt Nam trong bối cảnh văn hoá khu vực.
Thuộc nhóm các công trình nghiên cứu văn hoá dân gian dưới dạng tổng thể còn có: Văn hoá truyền thống làng Đồng Kỵ (GS.TS. Lê Hồng Lý chủ biên); Những khía cạnh văn hoá dân gian M’nông Noong (PGS. Đỗ Hồng Kỳ)...
3. Hướng nghiên cứu từng thành tố văn hoá dân gian và nghiên cứu chuyên sâu
Văn hoá dân gian bao gồm nhiều thành tố: Ngữ văn dân gian, Nghệ thuật biểu diễn dân gian, Nghệ thuật tạo hình dân gian, Phong tục - lễ hội, Tri thức dân gian,...
Thành tố ngữ văn dân gian lại bao gồm nhiều thể loại: Truyền thuyết, truyện cổ tích, sử thi, tục ngữ, ca dao, vè,...
Đã tiến hành biên soạn và xuất bản những bộ sách công cụ lớn. Kho tàng ca dao người Việt (GS.TS. Nguyễn Xuân Kính và GS.TSKH. Phan Đăng Nhật chủ biên) có số lượng ca dao tương đương với số lượng ca dao của 40 cuốn sách, (gồm 49 tập) cộng lại, tất cả có 12.487 bài. Kho tàng ca dao sắp xếp tư liệu theo nhiều hệ thống. Hệ thống thứ nhất là ca dao người Việt được sắp xếp theo hệ thống chữ cái tính từ tiếng đầu mỗi bài, ở mỗi vần chữ cái, số thứ tự được đánh từ 1 đến hết. Tên vần chữ cái và tên số sẽ là tên gọi của bài ca dao. Ở hệ thống này, mỗi một bài ca dao sẽ được giới thiệu bản chính và các dị bản (nếu có) với xuất xứ cụ thể: ghi ở sách nào, trang bao nhiêu; số lần xuất hiện trên các sách của từng bản chính và bản khác; thời gian xuất hiện trên sách của từng bài kể cả bản chính và dị bản (căn cứ vào thời gian ra đời của những cuốn sách biên soạn); các phần, các yếu tố trùng lặp của từng bài; các yếu tố khác biệt, biến đổi trong quá trình lưu truyền qua các thời kì lịch sử và qua từng địa phương.
Hệ thống thứ hai là bảng tra cứu ca dao theo chủ đề. Ở hệ thống này không cần in lại toàn bộ bài ca dao, chỉ nêu tên gọi, bài nào mang bao nhiêu chủ đề thì xắp xếp ở bấy nhiêu chủ đề.
Kho tàng tục ngữ người Việt (GS.TS. Nguyễn Xuân Kính chủ biên) được tổ chức biên soạn với phương pháp tương tự. Kho tàng tục ngữ người Việt tập hợp 16.098 câu tục ngữ được thu thập từ 63 tập sách đã xuất bản.
Bộ Tổng tập văn học dân gian người Việt gồm 19 tập, do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia trước đây (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) giữ bản quyền, Nhà xuất bản Khoa học xã hội chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hoá tổ chức biên soạn. Do có cơ chế phù hợp, bộ máy điều hành gọn nhẹ và có thực chất, do thu hút được sự tham gia của chuyên gia nhiều cơ quan.
Tổng tập văn học dân gian người Việt giới thiệu văn học dân gian theo thể loại. Trong tình hình tư liệu hiện nay, văn học dân gian người Việt có 12 thể loại:
1. Tục ngữ
2. Câu đố
3. Truyền thuyết
4. Truyện cổ tích
5. Truyện cười
6. Truyện ngụ ngôn
7. Giai thoại văn học
8. Truyện nôm bình dân
9. Vè
10. Ca dao
11. Kịch bản chèo sân đình
12. Kịch bản tuồng dân gian
Mỗi một thể loại được giới thiệu như sau:
+ Bài khải luận, trong bài trình bày giới thuyết về thể loại, lịch sử sưu tầm nghiên cứu, giá trị nội dung và hình thức.
+ Phần biên soạn các tác phẩm.
+ Thư mục.
Mỗi một thể loại sẽ được thể hiện trong từ một đến hai tập, mỗi tập khoảng 1000 trang in khổ lớn. 19 tập thể hiện diện mạo văn học dân gian cổ truyền người Việt. Tất cả đều được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc.
Có khá nhiều công trình chuyên sâu về văn học dân gian.
Thi pháp ca dao (GS.TS. Nguyễn Xuân Kính) là chuyên luận đầu tiên nghiên cứu về thi pháp thơ ca dân gian người Việt một cách có hệ thống.
Trước sự dè dặt của những người đi trước về bản chất thể loại của truyện nôm bình dân, trong Truyện nôm nguồn gốc và bản chất thể loại, GS.TS. Kiều Thu Hoạch đã khẳng định những đặc trưng văn học dân gian của bộ phận truyện nôm bình dân.
Chuyên luận Vai trò của văn học dân gian trong văn xuôi hiện đại Việt Nam (PGS.TS.Võ Quang Trọng) phân tích một tác dụng nữa của folklore ngôn từ trong xã hội hiện đại.
Đặc biệt Sử thi Êđê (GS.TSKH. Phan Đăng Nhật) là một cống hiến trong việc nghiên cứu sử thi, đã được các học giả nước ngoài (Nga, Bungari) đánh giá rất cao: “Ý nghĩa của công trình này khó có thể đánh giá được hết” (N.I. Niculin), nó “bổ sung vào danh mục những sử thi cổ sơ một loại sử thi mới: sử thi - khan của người Êđê ở Việt Nam” (Xtêphana Xtôicôva).
Ngoài ra còn có những chuyên luận khác: Mối quan hệ giữa truyền thuyết người Việt và hội lễ về các anh hùng (TS. Lê Văn Kỳ), Cổ tích thần kỳ người Việt. Đặc điểm cấu tạo cốt truyện (TS. Tăng Kim Ngân), Vùng sử thi Tây Nguyên (GS.TSKH. Phan Đăng Nhật), Nghiên cứu sử thi Việt Nam (GS.TSKH. Phan Đăng Nhật), Sử thi thần thoại M’nông (PGS. Đỗ Hồng Kỳ), Truyện ngụ ngôn Việt Nam và thế giới (TS. Phạm Minh Hạnh),...
Nghiên cứu lễ hội và tín ngưỡng dân gian có các công trình: Lễ hội cổ truyền (PGS. Lê Trung Vũ chủ biên), Đạo mẫu ở Việt Nam (GS.TS. Ngô Đức Thịnh chủ biên), Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam (GS.TS. Ngô Đức Thịnh chủ biên), Khảo sát tín ngưỡng ở Việt Nam (GS.TS. Ngô Đức Thịnh chủ biên), Khảo sát thực trạng văn hoá lễ hội của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ (PGS.TS. Nguyễn Quang Lê chủ biên).
Biên soạn hương ước người Việt và luật tục có các tập sách của Vũ Ngọc Khánh, Võ Quang Trọng, Ngô Đức Thịnh, Phan Đăng Nhật v.v...
Nghiên cứu nghệ thuật biểu diễn có các cuốn sách: Khái luận nghệ thuật múa (PGS.TS. Lê Ngọc Canh), Múa tín ngưỡng dân gian Việt Nam (PGS.TS. Lê Ngọc Canh), Nghi lễ và âm nhạc trong nghi lễ của người Jrai (Thạc sĩ Tô Đông Hải), Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Chăm (Lê Ngọc Canh, Tô Đông Hải), Nhạc cụ gõ cổ truyền Việt Nam (Lê Ngọc Canh, Tô Đông Hải).
Về làng nghề thủ công và nghệ thuật tạo hình dân gian có các công trình của Đặng Đức, Trương Duy Bích, Trương Minh Hằng.
Về luật tục và hương ước có các cuốn sách Luật tục Êđê: tập quán pháp (nhiều soạn giả), Luật tục M’nông: tập quán pháp (Ngô Đức Thịnh chủ biên), Luật tục Jrai (Phan Đăng Nhật chủ biên), Luật tục Thái ở Việt Nam: tập quán pháp (Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng), Hương ước Thái Bình (Nguyễn Thanh), Hương ước Thanh Hoá (Võ Quang Trọng, Vũ Ngọc Khánh), Luật tục và phát triển nông thôn hiện nay ở Việt Nam (Ngô Đức Thịnh, Phan Đăng Nhật đồng chủ biên).
Nhìn vào các mảng công trình đã nêu, có thể nhận thấy trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian, do ngành này được hình thành sớm và bản thân đối tượng nghiên cứu rất phong phú, các nhà khoa học của Viện đã đạt được những thành tựu đáng kể. Hiện nay, văn học dân gian được nghiên cứu theo hai khuynh hướng. Khuynh hướng thứ nhất xem xét nó là đối tượng của khoa nghiên cứu văn học, được nghiên cứu bởi các quy phạm và phương pháp nghiên cứu văn học (có chú ý đến đặc thù dân gian). Khuynh hướng nghiên cứu này được thể hiện tại Viện Văn học và các khoa ngữ văn các trường đại học. Khuynh hướng nghiên cứu này đã từng tồn tại ở Liên Xô cũ trước đây và đang tồn tại ở nước Nga hiện nay. Khuynh hướng nghiên cứu thứ hai là xem xét văn học dân gian trong tổng thể văn hoá dân gian. Khuynh hướng này được thể hiện rõ nét và thành công tại Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian Bungari. Ở Việt Nam, hai khuynh hướng nghiên cứu này không loại trừ nhau mà bổ sung, hỗ trợ cho nhau.
Việc nghiên cứu nghệ thuật tạo hình và làng nghề chưa có nhiều thành tựu. Trong việc nghiên cứu nghệ thuật biểu diễn dân gian, nghệ thuật múa được chú ý nhiều hơn cả. Những lĩnh vực khác như nghiên cứu chèo, tuồng dân gian, Viện chưa có chuyên gia.
Trong khoảng chục năm trở lại đây, cùng với cách nhìn nhận và những chính sách cởi mở hơn trước của nhà nước về văn hoá, Viện đã có những công trình và những chuyên gia đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu tín ngưỡng dân gian, lễ hội, đây là khu vực nhạy cảm và có tính thời sự cao.
4. Hướng nghiên cứu ứng dụng và nhân học văn hóa
Hướng nghiên cứu này cũng được Viện quan tâm. Viện đã đề xuất với Chính phủ dự án xây dựng Làng văn hoá du lịch tại Ba Vì - Đồng Mô và được Chính phủ chấp thuận. Viện cũng phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức một số chương trình nghiên cứu và hội thảo mang tính ứng dụng. Thí dụ chương trình nghiên cứu và Hội thảo khoa học về “Luật tục và phát triển nông thôn ở Việt Nam” (1999), chương trình nghiên cứu và hội thảo khoa học quốc gia về ứng dụng luật tục, hương ước trong quản lí nông thôn đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay. Viện đã phối hợp với Nghệ An và Thái Bình tổ chức hội thảo về dòng họ và văn hoá dòng họ trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội ở nông thôn, phối hợp với Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo về bảo tồn và phát huy di sản văn hoá Huế trong xu thế công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Ngoài ra, Chương trình nghiên cứu văn hoá dân gian hiện đại và Chương trình nghiên cứu vai trò của lễ hội trong đời sống xã hội hiện đại đã góp phần trả lời những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống.
Thực ra, trong quá trình nghiên cứu văn hoá dân gian, các tác giả đều ít hay nhiều đã quan tâm đến văn hoá. Từ sau khi Viện đổi tên và mở rộng phạm vi nghiên cứu, việc nghiên cứu văn hoá được quan tâm hơn, thể hiện trong hội thảo về văn hoá doanh nhân, trong hội nghị thông báo văn hoá hằng năm, trong chương trình biên soạn bộ Lịch sử văn hoá Việt Nam. Theo đề cương đã được phê duyệt, công trình gồm sáu tập, cho đến cuối năm 2012 đã hoàn thành 5 tập. Những kết quả ban đầu của việc nghiên cứu văn hoá trước và sau khi Viện đổi tên có thể kể đến: Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam (Ngô Đức Thịnh chủ biên, 1993), Các vùng văn hoá Việt Nam (Đinh Gia Khánh và Cù Huy Cận chủ biên, 1995), Con người môi trường và văn hoá (Nguyễn Xuân Kính, 2003, 2009), Văn hoá, văn hoá tộc người và văn hoá Việt Nam (Ngô Đức Thịnh, 2006), Sự tác động của kinh tế thị trường vào lễ hội tín ngưỡng (Lê Hồng Lý, 2008), Biến đổi văn hoá ở các làng quê hiện nay (Nguyễn Thị Phương Châm, 2009)(1), Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập (Ngô Đức Thịnh, 2010), Tìm hiểu lễ hội ở Hà Nội (Lê Hồng Lý, 2010), Lễ hội lịch sử ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ (Lê Hồng Lý chủ biên, 2011), Làm dâu nơi đất khách: trải nghiệm văn hóa của những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc ở Vạn Vĩ (Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc) (Nguyễn Thị Phương Châm, 2012), Giới, tăng quyền và phát triển: quan hệ giới từ góc nhìn của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Phạm Quỳnh Phương, 2012), Diễn ngôn, Chính sách và Sự biến đổi Văn hóa - Sinh kế tộc người ở miền núi Việt Nam (Phạm Quỳnh Phương, Hoàng Cầm, 2012), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam (Đinh Hồng Hải, 2012),...
5. Hợp tác với các địa phương và các cơ quan trong nước
Trong hơn 30 năm qua, một trong những hướng nghiên cứu quan trọng của Viện là kết hợp với các địa phương: (Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Thái Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Bắc, Nam Định...) triển khai các đề tài sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian. Kết quả của sự hợp tác nói trên là nhiều công trình khoa học ra đời, tiêu biểu là bộ địa chí của các tỉnh thành: Địa chí văn hoá dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Địa chí văn hoá dân gian vùng Đất Tổ, Địa chí văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh, Văn hoá truyền thống các tỉnh Bắc Trung Bộ, Văn hoá dòng họ ở Nghệ An, Văn hoá dòng họ ở Thái Bình... Đặc biệt, từ năm 1984 đến nay, Viện phối hợp với tỉnh Đắc Lắc điều tra, sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian Đắc Lắc, thu được kết quả khả quan, trong đó có những phát hiện quan trọng, như việc phát hiện sử thi Ot Nrong tìm thấy sử thi của người Xơ Đăng, nhận diện luật tục dân tộc Mnông, đã xuất bản gần 20 công trình về văn hoá dân gian các dân tộc trong tỉnh, trong đó phải kể tới: Sử thi Tây Nguyên, Văn hoá dân gian Êđê và Văn hoá dân gian M'nông, Luật tục Mnông, 4 tập sử thi Ot Nrong của dân tộc M’nông, cùng tổ chức nhiều hội thảo khoa học, trong đó có hai hội thảo quốc tế: “Sử thi Tây Nguyên” (1998) và “Luật tục và phát triển nông thôn ở Việt Nam” (1999) đều tổ chức tại Thành phố Buôn Ma Thuột. Việc phối hợp này đã mang lại hiệu quả tốt đối với việc nhanh chóng bảo tồn các di sản văn hoá đang có nguy cơ bị mai một.
Ngoài ra, Viện còn có quan hệ mật thiết và nhận được sự cộng tác, giúp đỡ có hiệu quả của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, có quan hệ tốt với nhiều cơ quan, tổ chức khác.
6. Kết quả đào tạo sau đại học
Bên cạnh việc nghiên cứu khoa học, Viện còn có chức năng đào tạo sau đại học. Tháng 11 năm 1994, Viện được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo cao học chuyên ngành văn hoá dân gian. Sau năm khoá đào tạo chuyên ngành văn hoá dân gian, theo quy định của Luật Giáo dục đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 2 tháng 12 năm 1998, Viện liên kết với Trường Đại học văn hoá Hà Nội đào tạo cao học chuyên ngành văn hoá học. Cho đến năm 2009 có 310 học viên cao học, trong số này đã bảo vệ luận văn thạc sĩ là 188 người. Đáng chú ý, với sự tài trợ của quỹ Ford, Viện đã đào tạo riêng một khóa gồm 12 học viên là người bản địa Tây Nguyên. Tháng 3 năm 2001, Viện được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ chuyên ngành văn hoá dân gian. Đến năm 2009 đã có 19 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trong đó nhiều luận án đã được in thành sách, 36 nghiên cứu sinh (chưa kể số nghiên cứu sinh khóa 9) đang tiếp tục theo học. Từ năm 2010, cơ sở đào tạo của Viện nghiên cứu Văn hóa không còn mà bàn giao toàn bộ về Học viện Khoa học xã hội và trở thành một khoa của Học viện này. Lãnh đạo Viện đảm nhiệm chức danh Chủ nhiệm khoa và Phó Chủ nhiệm khoa, các cán bộ có trình độ cao của Viện tiếp tục giảng dạy tại khoa và Học viện.
7. Mối quan hệ giữa Viện và Tạp chí Văn hoá dân gian
Tạp chí Văn hoá dân gian xuất bản từ năm 1983, ra ba tháng một kì, từ năm 2001 đến nay, ra hai tháng một kì.
Trong quan hệ với Viện Văn hoá dân gian, Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian trước đây và Viện Nghiên cứu Văn hoá hiện nay, Tạp chí Văn hoá dân gian vừa là cơ quan ngôn luận của Viện, vừa là diễn đàn khoa học của ngành và của bạn đọc quan tâm. Theo quy định hiện nay, Tạp chí Văn hoá dân gian được tổ chức và hoạt động theo giấy phép hoạt động báo chí, Luật Báo chí, các văn bản pháp quy khác về báo chí. Vì mối quan hệ như vậy cho nên chúng ta không lấy làm lạ khi biết rằng, Tạp chí Văn hoá dân gian có quyết định thành lập từ ngày 26 tháng 1 năm 1983; còn đến ngày 9 tháng 9 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng mới ra Nghị định thành lập Viện Văn hoá dân gian thuộc ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Kể từ khi Ban Văn hoá dân gian ra đời (cuối năm 1979) cho đến nay, Ban đã được nâng lên thành Viện, Viện đã hai lần đổi tên, thậm chí ở lần sau Viện đã được giao nhiệm vụ mở rộng phạm vi, đối tượng nghiên cứu. Trong khi đó, từ tháng 1 năm 1983 đến nay, về cơ bản Tạp chí Văn hoá dân gian vẫn là cơ quan chuyên ngành về văn hoá dân gian. Trải qua một chặng đường dài, tuy khó khăn, thử thách là không ít, nhưng cho đến nay về cơ bản, Tạp chí Văn hoá dân gian đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Trong những năm gần đây, Tạp chí đã công bố nhiều bài viết có chất lượng khoa học, hình thức trình bày đã tạo nên một dáng vẻ riêng trong sự phong phú, đa dạng của hàng trăm tờ tạp chí trong cả nước. Từ sau khi Viện chuyển thành Viện Nghiên cứu Văn hoá, bên cạnh việc công bố các bài viết về văn hoá dân gian, việc Tạp chí Văn hoá dân gian dành một tỉ lệ thích hợp cho việc đăng tải các bài viết về đối tượng rộng hơn phạm vi văn hoá dân gian là việc làm nối tiếp một truyền thống đã có từ trước.
8. Kết luận
Nhìn lại chặng đường 33 năm, cơ quan đã ba lần đổi tên, đã năm lần chuyển trụ sở, nhiều lớp cán bộ đã ra đi hoặc nghỉ hưu. Thời gian đầu, Viện gặp khó khăn, thử thách không ít. Đến nay, Viện đã trưởng thành về nhiều mặt, có một vị thế nhất định bởi chất lượng và số lượng của các công trình nghiên cứu khoa học, uy tín của cơ sở đào tạo... Năm 1996, GS. Nguyễn Đổng Chi và GS. Đinh Gia Khánh có cụm công trình được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh(1) Năm 2001, PGS.TS. Lê Ngọc Canh có cụm tác phẩm được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm 2005, GS.TSKH. Phan Đăng Nhật có cụm công trình được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Năm 2011 GS.TS. Kiều Thu Hoạch nhận giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Trong dịp kỉ niệm này, tập thể Viện Nghiên cứu văn hoá tri ân các thế hệ đi trước, cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo cấp trên qua các thời kì (Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và các cơ quan chức năng, cảm ơn sự hợp tác giúp đỡ của nhiều tổ chức, cơ quan, cá nhân và các cộng tác viên. Những bài học thành công và chưa thành công trong thời gian 33 năm qua sẽ là hành trang quý báu của các thế hệ hôm nay trên con đường tiến lên phía trước.
Do những thành tựu đã nêu, năm 1999, Viện Nghiên cứu văn hóa được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2020
1. Bối cảnh quốc tế và trong nước
1. So với thời gian những năm 90 của thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ này Việt Nam không còn là điểm nghiên cứu nóng đối với các nhà nghiên cứu nước ngoài nữa. Một mặt do đất nước ta đã đi vào ổn định, mặt khác những vấn đề văn hóa và kinh tế, xã hội của nước ta không còn có nhiều vấn đề nổi bật như trước đây.
2. Các tổ chức quốc tế, các quỹ tài trợ như Toyota Foundation, Ford Foundation, CIDA, DANIDA v.v... đã dần dần chuyển dịch khu vực tài trợ của mình ra khỏi Việt Nam do nước ta đã được đánh giá là nước đang phát triển với tốc độ ổn định, mức độ cần tài trợ không khẩn thiết như một số quốc gia khác trong khu vực.
3.Tình hình kinh tế thế giới sau khủng hoảng 2008 đã có nhiều biến chuyển theo chiều hướng chưa phục hồi ngay được, do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến những tài trợ về văn hóa xã hội của các nước phát triển cũng như các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam cùng một số nước đang phát triển khác.
4. Tình hình trong nước cũng có nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Do vậy, kinh phí dành cho phát triển văn hóa với các dự án, các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ hạn chế hơn thời gian trước đây. Vả lại, Chương trình mục tiêu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay các dự án cấp Nhà nước được thực hiện từ đầu thế kỷ XXI, Dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, các dự án làm hồ sơ di sản văn hóa thế giới... đã tiến hành các điều tra, nghiên cứu, công bố khá rộng khắp các công trình khảo sát, nghiên cứu văn hóa nên thời gian này không còn nhiều những vấn đề nóng như trước đây. Do đó, việc điều tra, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa có phần nào chững lại, không còn sôi nổi như thời gian trước.
2. Quan điểm và mục tiêu phát triển
1. Bám sát mục tiêu và đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra.
2. Coi văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển. Văn hóa nằm trong tất cả mọi khía cạnh của đời sống con người và nó chi phối mọi hành động của con người.
3. Văn hóa vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, cân bằng cuộc sống, điều chỉnh những hành vi của con người, đồng thời văn hóa góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, củng cố cộng đồng dân tộc, góp phần vào việc hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc anh em và tình hữu nghị quốc tế.
4. Tăng cường sức mạnh nội lực của cán bộ Viện trong công tác nghiên cứu và hợp tác với bên ngoài, nhưng cũng tranh thủ sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè đồng nghiệp trong nước và quốc tế nhằm phát triển công tác nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Văn hóa.
5. Mở rộng hướng nghiên cứu văn hóa theo sát những vấn đề của cuộc sống, nhằm cập nhật với tình hình đặt ra và góp phần giải quyết những vấn đề văn hóa xã hội hiện nay.
6. Tiếp tục hướng đào tạo cán bộ trẻ nhằm đáp ứng được các nhu cầu công việc của Viện trong tương lai. Tạo điều kiện cho tất cả các cán bộ được phát triển hết tiềm năng của mỗi người trong công tác nghiên cứu khoa học.
3. Mục tiêu chiến lược
1. Viện Nghiên cứu Văn hóa phấn đấu là một cơ quan nghiên cứu đầu ngành về văn hóa trong cả nước nằm trong bối cảnh chung của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
2. Xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ nghiên cứu và các bộ phận khác của Viện theo hướng chuyên nghiệp, có trình độ, chất lượng cao, đáp ứng được các yêu cầu của xã hội đặt ra. Có khả năng giải quyết độc lập các nhiệm vụ được giao và có khả năng làm việc theo nhóm.
3. Củng cố cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ phục vụ nghiên cứu đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa, cập nhật thông tin và những phương tiện và kỹ năng mới nhất trong công tác phục vụ nghiên cứu.
4. Tăng cường giao lưu và hợp tác trong nước và quốc tế để khai thác tiềm năng của cán bộ trong Viện cũng như hệ thống đề tài, dự án nghiên cứu và nguồn trí tuệ từ bên ngoài.
IV. ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU
1. Nghiên cứu những vấn đề lý luận và lý thuyết văn hóa của nước ngoài và Việt Nam, cũng như việc áp dụng của nó vào các công trình nghiên cứu của Viện.
2. Nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
3. Nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước. Nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống xem nó tồn tại và phát triển như thế nào trong bối cảnh mới hiện nay, phục vụ cho con người hiện nay như thế nào.
4. Nghiên cứu văn hóa sinh kế của các nhóm xã hội, văn hóa môi trường.
5. Nghiên cứu các hiện tượng văn hóa đương đại được sinh ra trong xã hội hiện nay như văn hóa truyền thông, văn hóa mạng, văn hóa tình dục, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp, văn hóa gia đình, văn hóa giới văn hóa của các tầng lớp trong xã hội đương đại.
6. Nghiên cứu sự ảnh hưởng và tác động của văn hóa quốc tế du nhập vào Việt Nam và những hệ quả của nó đối với đời sống các tầng lớp dân cư ở nước ta.
7. Nghiên cứu văn hóa xuyên biên giới trong bối cảnh giao lưu và hội nhập ở các khu vực biên giới.
8. Nghiên cứu về đa dạng văn hóa ở Việt Nam cũng như trong khu vực và quốc tế.
9. Nghiên cứu văn hóa của người Việt Nam ở các nước trên thế giới và sự hội nhập của họ, cũng như việc giữ gìn bản sắc văn hóa của họ tại nước sở tại và quan hệ của họ với trong nước.
10. Tiếp tục nghiên cứu văn hóa các tộc người thiểu số ở Việt Nam và sự đóng góp văn hóa của họ trong bức tranh văn hóa đa sắc tộc của đất nước. Sự giao lưu và hội nhập văn hóa tộc người với văn hóa của người Kinh và nước ngoài làm cho văn hóa Việt Nam trở nên phong phú như thế nào.
11. Quan tâm đúng mức hơn đến nghiên cứu về chính sách văn hóa cũng như những chiều tương tác khác trong văn hóa như: văn hóa - chính trị, văn hóa phát triển, văn hóa môi trường.
Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
(1) Các công trình kể tên là lấy theo tiêu chí do tác giả là cán bộ của Viện thực hiện, bao gồm cả các công trình do cơ quan khác đầu tư bản thảo (hoặc xuất bản).
(1) Trong cụm công trình được tặng Giải thưởng của GS. Nguyễn Đổng Chi, tập 5 của bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và Địa chí văn hóa dan gian Nghệ Tĩnh (chủ biên) là những sách được hoàn thành, xuất bản khi GS công tác ở Viện
(*) TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, viết.