Hồ Sĩ Quý *
Lời Ban biên tập Tạp chí Thông tin KHXH:
70 năm trước, trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 02/12/1953, tại Tân Trào, địa danh lịch sử trong chiến khu Việt Bắc, một tổ chức nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp mang tên “Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học”, ra đời. Đây là tổ chức tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội ngày nay. Qua 70 năm với nhiều tên gọi khác nhau, từ ngày 22/02/2013, “Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam”, tên gọi được dự kiến từ rất sớm và được coi là phản ánh đúng nhất tính chất, tiềm năng và sức mạnh trí tuệ của một thiết chế Quốc gia về khoa học xã hội, được sử dụng.
Không chỉ đơn thuần là tên gọi, “Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam” không những là danh tiếng đánh thức trách nhiệm của nhà nghiên cứu, mà còn là nguồn cổ vũ không nhỏ đối với giới khoa học xã hội Việt Nam.
70 năm chưa phải là dài nếu so với lịch sử của những Viện Hàn lâm khoa học có uy tín trên thế giới. Nhưng 70 năm cũng không còn là ngắn nếu so với những trung tâm khoa học mạnh ở các quốc gia mới nổi xung quanh. Với nền tảng tư duy nghìn năm văn hiến, với lao động trí tuệ luôn vượt khó để sáng tạo của nhiều thế hệ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đã khẳng định được mình là thiết chế Quốc gia về KHXH và nhân văn, thực hiện được sứ mệnh cao quý là nghiên cứu khoa học, đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao và tư vấn - tham mưu, phản biện chính sách. 70 năm qua, trong mọi giai đoạn khó khăn và thuận lợi của đất nước, mặc dù còn có những hạn chế và yếu kém nhất định, nhưng trên thực tế, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn sắc bén cho việc hoạch định đường lối xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đào tạo được đông đảo đội ngũ chuyên gia học thuật trên khắp mọi miền đất nước, góp phần rất tích cực trong việc nâng cao dân trí, xây dựng văn hóa, phát triển con người, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Được coi là có vị thế nhất định trong đời sống học thuật thế giới và trong nước, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam hiện là nơi có đông đảo nhất những chuyên gia khoa học xã hội vững vàng về khoa học cơ bản, sắc bén và năng động về nghiên cứu ứng dụng, hiện đại và tiên tiến về sử dụng công cụ và phương pháp nghiên cứu. Một số nhà khoa học được coi là ngang tầm với chuyên gia khu vực và thế giới. Không ít chương trình, dự án nghiên cứu chuyên sâu thuộc loại độc đáo, có một không hai trong đời sống khoa học. Không ít tác phẩm khoa học đã xứng đáng trở thành di sản tinh thần cho nhiều thế hệ mai sau.
Nhằm thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (02/12/1953-02/12/2023), Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS. Hồ Sĩ Quý với bạn đọc.
Tóm tắt:
KHXH[1] Việt Nam ra đời muộn, nhưng được thừa kế những di sản khoa học cùng với những phương pháp nghiên cứu hiện đại của các Trung tâm khoa học phương Tây có mặt tại Việt Nam từ trước đó, và đặc biệt, được thừa kế trí tuệ của cha ông trong lịch sử nghìn năm văn hiến - dựng nước và giữ nước Việt Nam. Với lịch sử 70 năm của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, giới KHXH Việt Nam đã có những đóng góp nhất định, góp phần làm nên những thắng lợi trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền đất nước, trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng, trong quá trình hội nhập quốc tế, phát triển văn hoá và xây dựng con người…
Thành tựu cần phải nói tới của lịch sử 70 năm Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, là đã đào tạo được nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu và giảng dạy KHXH trên khắp mọi miền đất nước. Hầu hết các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm đều có mặt trên các giảng đường đại học và sau đại học. Phần lớn những người hoạt động KHXH ở Việt Nam ít nhiều đều chịu ảnh hưởng từ Viện Hàn lâm, ít nhất là về hướng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu hoặc phong cách nghiên cứu… Thông qua Viện Hàn lâm, nhiều ảnh hưởng khác của các trung tâm khoa học danh tiếng thế giới, được cân nhắc tiếp thu. Nhiều công trình đáng đọc về KHXH Việt Nam gần 70 năm qua là của các tác giả thuộc Viện Hàn lâm, đặc biệt là các sách công cụ và các công trình khai thác trí tuệ cha ông. Nhiều ngành KHXH lần đầu xuất hiện ở Việt Nam được khởi xướng từ Viện Hàn lâm. Mặt bằng dân trí về KHXH ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, do vậy, cũng có phần đáng kể được hình thành từ tri thức khoa học của Viện Hàn lâm. Rất nhiều nhà khoa học danh tiếng của đất nước là người của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Tuy vẫn còn những yếu kém nhất định và mặc dù tiềm năng tư duy và vốn văn hoá của giới KHXH cũng còn khá nhiều thế mạnh chưa được khai thác hết, nhưng trên thực tế, KHXH Việt Nam đã đủ trình độ để thực hiện trách nhiệm của mình, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, phát triển học thuật và nâng cao dân trí, thúc đẩy xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển đã hoạch định đến năm 2030, 2045 và xa hơn.
Từ khóa: Khoa học xã hội. Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Abstract:
Although Vietnamese social sciences appeared late, it inherited the scientific legacy accompanying with modern research methods popularized by Western research centers that had previously been present in Vietnam, and especially, acquired the wisdom of our ancestors in the thousand-year history of nation building and defense. Over the past 70 years, the Vietnam Academy of Social Sciences (VASS) and Vietnamese social science academics have contributed to victories of the resistance wars for national independence and protection of national sovereignty, during the economic transition period to overcome the crisis, as well as in the process of international integration, cultural and human development.
Remarkably in the 70-year history of the Vietnam Academy of Social Sciences, it has succeeded in training generations of social science researchers and lecturers across the country. Most VASS researchers participate in higher education. People working in the field of social sciences in Vietnam are more or less influenced by the VASS, at least in terms of their research directions, methods or styles. Influences of prestigious foreign social science centers are also considered to be absorbed through the Vietnam Academy of Social Sciences. Over the past 50 years, valuable works by VASS academics on Vietnamese social sciences, especially toolbooks and works exploiting the wisdom of our ancestors have been published. Several branches of social sciences first appeared in Vietnam initiated by the Vietnam Academy of Social Sciences. The level of social science knowledge in Vietnam over the past half century has therefore been largely formed from the VASS as a home to many of the country's famous scientists.
Although there are certain limitations and the strengths of thinking potential and cultural capital of social sciences team have not been fully exploited, in fact, Vietnamese social sciences are qualified enough to carry out its mission to provide a scientific and practical basis, develop academia and raise people's knowledge, and promote society to realize the development goals planned for 2030, 2045 and beyond.
Keywords: Social Sciences, Vietnam Academy of Social Sciences
1. Ở Việt Nam, nền KHXH Việt Nam chính thức được coi là ra đời vào những năm 50 của thế kỷ XX. Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam mà tổ chức tiền thân là “Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học” trong thành phần của “Ủy ban Khoa học Nhà nước” được thành lập năm 1953 tại chiến khu Việt Bắc. Tuy vậy, về thực lực nghiên cứu của giới khoa học Việt Nam, thì nền KHXH Việt Nam lúc đó đã trực tiếp được thừa hưởng trình độ rất cao của một số Đại học và Trung tâm khoa học Pháp có mặt tại Việt Nam từ trước đó[2].
Và quan trọng hơn, được kế tục trí tuệ uyên bác, thâm thúy và tài hoa của cha ông qua lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, một quốc gia độc lập “vốn xưng nền văn hiến đã lâu”[3].
Điều này nói nên trình độ, sứ mệnh và trách nhiệm của KHXH Việt Nam đối với đất nước.
2. Với các chức năng cơ bản là nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tư vấn - phản biện chính sách, chỉ tính 70 năm, KHXH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng kể; ở giai đoạn nào, KHXH cũng đều có những đóp góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều trí thức Việt Nam từ phương Tây và từ đô thành đã lên chiến khu, dùng KHXH làm vũ khí để góp phần giành độc lập dân tộc. Trong kháng chiến chống Mỹ, bên cạnh việc nghiên cứu khá chuyên sâu với những phát hiện giá trị về khoa học cơ bản, KHXH đã khảo cứu lại toàn bộ lịch sử giữ nước của dân tộc, khai thác các tài liệu của phương Tây và của chính thể VNCH để tìm ra những lợi thế của nhân tố con người trong chiến tranh, đánh thức cộng đồng quốc tế. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc cuối những năm 1970 đầu những năm 1980, KHXH và bản thân một số nhà KHXH đã trực tiếp tham gia vào các diễn biến của lịch sử.
Về nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã nghiên cứu và công bố các công trình rất công phu và có giá trị về: Lịch sử dân tộc và sự hình thành nhà nước tập quyền Việt Nam; Nền văn minh sông Hồng và thời đại Vua Hùng; Văn hóa Chămpa, văn hóa Phù Nam và Óc eo; Làng xã Việt và cộng đồng các dân tộc Việt; Folklore và bản sắc văn hóa Việt Nam; Tôn giáo, chữ Quốc ngữ và giao lưu văn hóa; Các cuộc cải cách và cách mạng trong lịch sử dân tộc; Chế độ chính trị và sự phế hưng của của các triều đại phong kiến Việt Nam; Chế độ thực dân Pháp và Mỹ; Ý thức cộng đồng và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; Kinh tế Mỹ và cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam; Đường mòn Hồ Chí Minh và cuộc kháng chiến chống Mỹ; Chiến tranh du kích, chiến tranh hiện đại và nghệ thuật kết thúc chiến tranh; Các cuộc chiến tranh vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc; Con người, văn hóa và đất nước học của các quốc gia; Tăng trưởng, phát triển bền vững và tiến bộ xã hội; Dân chủ và phát triển; Tình trạng đói nghèo, an sinh xã hội và công bằng xã hội; Lạm phát, khủng hoảng và sự nghiệp đổi mới; “Khoán 10”, nông nghiệp và công nghiệp hóa; Kinh tế thị trường và sự phân bổ các nguồn lực; Sự thành công và thất bại của các quốc gia; Kinh nghiệm “hóa rồng” ở Đông Á và Đông Nam Á; Bạn, thù và hội nhập, mở cửa; Địa chính trị biên giới và biển đảo; Luật pháp quốc tế, các định chế quốc tế và quyền con người; Chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ; Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh…
Tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, sự có mặt của các khoa học xã hội, các khoa học nhân văn, các khoa học lý luận nghệ thuật, các khoa học về khu vực học và quốc tế… trên thực tế là đầy đủ nhất so với các trung tâm KHXH khác ở Việt Nam. Ngay từ rất sớm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã bắt kịp xu hướng phân ngành và hợp ngành (liên ngành, đa ngành và nghiên cứu phức hợp) của KHXH thế giới. Rất nhiều bộ môn khoa học mới - lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, là tại Viện Hàn lâm KHXH.
Về nghiên cứu cơ bản: nếu phải tìm đến các lý thuyết cơ bản, các tri thức công cụ (lịch sử các xu hướng - trường phái, phương pháp luận, phương pháp và phong cách nghiên cứu…) của hầu hết các ngành KHXH, cùng với các cơ sở dữ liệu công cụ (từ điển, sách tra cứu, các bộ sách lịch sử, các bộ sách dịch di sản cha ông, các sưu tập chuyên biệt…), chắc chắn nhà nghiên cứu khó có thể bỏ qua địa chỉ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
3. Với sự nghiệp đổi mới, những quyết sách để thoát ra khỏi khủng hoảng cuối những năm 80, chiến lược “mở cửa” và hội nhập quốc tế, bảo vệ độc lập chủ quyền, cải cách thể chế… để phát triển, đều không tách rời sự đóng góp của KHXH - thực chất của Đổi mới là đổi mới các định hướng phát triển mà KHXH đã cung cấp.
Ngay trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế xã hội cuối những năm 70, KHXH Việt Nam đã đột phá tư duy bằng những quan điểm rất mới về vai trò của sức dân (dân là gốc), của thực tiễn (thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý), của sự thật (nhìn thẳng vào sự thật), của quy luật (tôn trọng quy luật khách quan)… và từ đó tạo ra một “cú hích” về nhận thức trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cuộc chiến chống lạm phát 700% cuối những năm 80 đã ghi nhận những đóng góp lớn của các chuyên gia Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam[4].
Ngay từ khi công cuộc Đổi mới được tiến hành, các nhà KHXH Việt Nam bằng nhiều phương thức chính danh và không chính danh, đã góp ý, tư vấn, kiến nghị, phản biện và trong không ít trường hợp đã trực tiếp tham gia hoạch định chính sách.
Bắt đầu từ KHXH, những lý luận mới về kinh tế thị trường và CNTB xuất hiện. Kinh tế thị trường với các đòn bẩy kinh tế hiện đại dần được coi là nhân tố nội tại để xây dựng CNXH. Quan niệm về bóc lột, về kinh tế tư nhân, về kinh tế nhà nước, về sở hữu… khác trước căn bản. Các đặc trưng của CNXH được xác định lại. Thời kỳ quá độ được quan niệm hoàn toàn mới. Đổi mới chính trị trong quan hệ với đổi mới kinh tế được nhận thức sâu sắc hơn. Vai trò của truyền thống, của tôn giáo - tín ngưỡng, của văn hóa, của nhân tố con người và của các nguồn lực khác, được cập nhật với quan niệm tiến bộ nhất. Quan niệm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa được mang những nội dung mới. Về kinh tế tri thức, về sức mạnh mềm và về vai trò của khoa học, giáo dục trong sự phát triển kinh tế xã hội... được tiếp thu, điều chỉnh rất kịp thời.
Bằng lối đi đặc thù của mình, trên thực tế, KHXH Việt Nam đã tác động đến toàn bộ đời sống xã hội, mở đường cho một phương thức phát triển mới xuất hiện - từ một phương thức chủ quan, giáo điều và kém hiệu quả, đất nước đã chuyển sang một phương thức phát triển mới năng động, tích cực và hiệu quả... - giải phóng được các nguồn lực nội sinh, sử dụng được ngoại lực, tiếp thu được tinh hoa văn hóa, văn minh bên ngoài, gần gũi hơn với chuẩn mực của cộng đồng thế giới. Ngày nay nhìn lại, đó thực sự là những chuyển biến có ý nghĩa cách mạng. Điều này không nằm trong ý muốn chủ quan của nhiều người. Con đường KHXH Việt Nam đã thâm nhập vào đời sống là con đường đặc thù, không bằng phẳng, không giản đơn, và không dễ nhận biết hiệu quả theo lối trực tiếp và tức thì.
Việt Nam chắc chắn không thể có được bước phát triển và diện mạo như ngày nay, nếu xã hội vẫn giữ những quan niệm cũ gắn liền với thái độ cũ về kinh tế tư bản tư nhân, về đặc trưng của CNXH, về sự bóc lột và lao động làm thuê, về văn hóa và truyền thống, về tôn giáo và tâm linh, về con người và sự giải phóng các nguồn lực…, tức là về KHXH.
4. Bước vào thế kỷ XXI, bên cạnh những cơ hội mới đang mở ra cho Việt Nam nhiều khả năng bứt phá để tiến nhanh đến thịnh vượng, thì những tình huống không kém phần cam go đối với sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc lại xuất hiện.
-
Vấn đề lựa chọn mô hình phát triển được đặt ra. Chẳng hạn: Sự sụp đổ của mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu là sự “cáo chung của lịch sử” (theo F. Fukuyama) hay chỉ là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể, một chế độ xã hội cụ thể mà ở đó còn xảy ra nhiều vi phạm các “quy luật thép” của sự phát triển.
-
Vấn đề chủ nghĩa khủng bố, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, sự đụng độ của các nền văn minh. Vấn đề thể chế, cơ chế phát triển - sự lựa chọn và kết hợp quyết định luận kinh tế với quyết định luận chính trị trong những tình huống phát triển cụ thể.
-
Vấn đề trung thành với lợi ích quốc gia, sự nhận diện bạn thù, lựa chọn đối tác cần phải được tư duy sáng suốt hơn: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; không tham gia liên minh quân sự, không liên kết chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; chọn lẽ phải chứ không chọn phe. Đến nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 6 nước trong cộng đồng quốc tế.
-
Những vấn đề về sự kết hợp giữa chủ nghĩa tự do mới với sự can thiệp vĩ mô của nhà nước; vấn đề về thái độ đối với độc tài, dân chủ và phát triển; vấn đề lựa chọn mô hình gồm các trụ cột kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và dân chủ xã hội; quan điểm và thái độ đối với chủ nghĩa tư bản thân hữu; lựa chọn phát triển bền vững hay sa vào các bẫy phát triển.
-
Vấn đề về giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc; vấn đề về bảo vệ và phát triển di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; vấn đề về sự độc lập quốc gia - dân tộc, sự toàn vẹn chủ quyền biển đảo.
Và một lần nữa, trách nhiệm của KHXH đối với đất nước lại được đánh thức và trí tuệ của KHXH lại có cơ hội được thúc đẩy xã hội phát triển.
Cần thiết phải nói rằng, trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, KHXH (mà trước hết là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đã lưu giữ, bảo vệ và luận chứng được những căn cứ lịch sử và pháp lý tin cậy chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa, khơi dậy và phát huy ý chí bảo vệ chủ quyền đất nước, thu hút được sự đồng tình của dư luận thế giới trong bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng lẽ phải, sự công bằng và chính nghĩa của Việt Nam.
5. So với trước đây, nền KHXH Việt Nam đã đi được những bước rất dài trong việc làm rõ lịch sử dân tộc, khẳng định độc lập và chủ quyền quốc gia, xác định các giá trị và bản sắc văn hóa, luận giải các thành tựu văn minh và trí tuệ người Việt… Đội ngũ các nhà KHXH từ chỗ chỉ vài chục người vào những năm 50 đã trở thành đội ngũ đông đảo trên khắp các giảng đường và các trung tâm khoa học của đất nước.
|
|
Thành tựu rất đáng kể của lịch sử 70 năm Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, theo chúng tôi, là đã đào tạo được nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu và giảng dạy KHXH trên khắp mọi miền đất nước. Ngay từ trước khi có đào tạo sau đại học ở Việt Nam, các loại hình bồi dưỡng chuyên môn đã được thực hiện ở nhiều viện thuộc Viện Hàn lâm. Hầu hết các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm đều có mặt trên các giảng đường đại học và sau đại học. Phần lớn những người hoạt động KHXH ở Việt Nam ít nhiều đều chịu ảnh hưởng (đặc biệt hướng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu hoặc phong cách nghiên cứu) từ Viện Hàn lâm. Thông qua Viện Hàn lâm, nhiều ảnh hưởng khác của các trung tâm KHXH danh tiếng thế giới, kể cả phương Tây và một số nhà khoa học có uy tín ở phía Nam trước 1975 cũng được cân nhắc tiếp thu hoặc phê phán. Nhiều công trình đáng đọc về KHXH Việt Nam gần 70 năm qua là của các tác giả thuộc Viện Hàn lâm, đặc biệt là các sách công cụ và các công trình khai thác trí tuệ KHXH của cha ông. Nhiều ngành KHXH lần đầu xuất hiện ở Việt Nam được khởi xướng từ Viện Hàn lâm. Mặt bằng dân trí về KHXH ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, do vậy, cũng có phần đáng kể được hình thành từ tri thức khoa học của Viện Hàn lâm. Rất nhiều nhà khoa học danh tiếng của đất nước là người của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
|
|
Mỗi thời đại qua đi, nền KHXH thường sẽ đọng lại ở thế hệ sau bằng những tác phẩm để đời với những tác giả tên tuổi. Chưa thể coi là thành công, nếu thế hệ sau không nhớ được ai và không nhớ được tác phẩm nào của nền KHXH trước đó. Rất may mắn, mỗi thế hệ các nhà khoa học Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đều đã xuất hiện những tên tuổi danh tiếng và những tác phẩm giá trị.
Với 70 năm lao động sáng tạo, kết quả nghiên cúu và sản phẩm khoa hoc của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã đạt tới con số hàng nghìn công trình khoa học, hàng vạn bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước và hơn 8 nghìn sách đã xuất bản. Trong số các công trình đó, 21 công trình, cụm công trình của các tác giả thuộc Viện Hàn lâm đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, 30 công trình, cụm công trình đã được nhận Giải thưởng Nhà nước và rất nhiều công trình khác tuy không nhận giải thưởng nhưng cũng đã và đang tồn tại như là các nguồn tri thức căn bản, là công cụ lý luận đóng vai trò chỉ dẫn, định hướng hoạt động khoa học và hoạt động kinh tế xã hội[5].
Bằng con đường học thuật và cả bằng con đường dân trí, KHXH Việt Nam nói chung và KHXH của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nói riêng, đã tác động mạnh và làm thay đổi con người và xã hội Việt Nam mấy chục năm qua. Trên thực tế, KHXH đã có vị thế rất lớn trong việc tạo dựng nền tảng tinh thần xã hội, xác lập trình độ và diện mạo của đời sống tinh thần xã hội Việt Nam hiện đại. Toàn bộ những kiến thức về xã hội và con người, văn hoá và lịch sử… đang có mặt trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam, từ các nền văn minh cổ xưa đến các dữ kiện về lịch sử, dân tộc, tôn giáo, từ những hiện tượng địa chính trị đến các quan hệ quốc tế và khu vực, từ những vấn đề luật pháp đến xã hội học hay văn học nghệ thuật, từ những tri thức mới về phát triển con người đến Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh… tất thảy đều có ảnh hưởng từ những kết quả nghiên cứu và giảng dạy của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Những thành tựu KHXH đã âm thầm ngấm sâu vào mặt bằng dân trí xã hội.
Về sự đóng góp của KHXH Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (1/2021) nhận định: “KHXH và nhân văn, khoa học lý luận chính trị đã góp phần tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, con người Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc” [6]. Với riêng Viện Hàn lâm KXHX Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Các nghiên cứu của Viện Hàn lâm đã làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc và đất nước, con người Việt Nam, các giá trị và bản sắc văn hóa của dân tộc được thừa kế và phát huy trong suốt hàng nghìn lịch sử, khẳng định chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước” [7].
Đây là những đánh giá khẳng định rất rõ vai trò của KHXH và của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đối với sự đất nước.
6. Mặc dù những đã đạt được những thành tựu rất tích cực nói trên, nhưng do nhiều nguyên nhân phức tạp khác nhau, Viện hàn lâm KHXH Việt Nam cũng còn không ít yếu kém hay hạn chế. Chỉ so với các nền KHXH Đông Á và Đông Nam Á xung quanh, KHXH Việt Nam cũng đã lộ ra rất nhiều vấn đề cần thiết phải thay đổi để xứng đáng với tầm vóc văn hiến của cha ông và không bị tụt lại phía sau so với các nền KHXH khu vực.
Không chỉ trong nghiên cứu định tính, mà ngay trong nghiên cứu định lượng, nhiều công trình KHXH Việt Nam còn rất thiếu tin cậy. Việt Nam hiện vẫn chưa có các trường phái học thuật nào hay nhà khoa học nào thực sự có đủ uy tín quốc tế để thu hút hoặc quy tụ trí tuệ KHXH từ bên ngoài. Những trung tâm nghiên cứu chuyên sâu quá ít và rất ít có tiếng vang quốc tế. Chuyên gia tầm quốc tế về những vấn đề KHXH chuyên biệt, cũng rất hiếm. Những tác phẩm “để đời” có thể trở thành di sản cho các thế hệ sau, không nhiều. Một số chủ đề được gọi là KHXH ở Việt Nam vẫn có dấu hiệu của những vấn đề ảo (“giả vấn đề”, Pseudoscience). Trong khi đó, một số chủ đề đòi hỏi phải nghiên cứu rất sâu, lại vẫn thường thiếu môi trường để được nghiên cứu, nhất là khi rơi vào những tình huống được gọi là “nhạy cảm”. Thông tin (dữ liệu đầu vào) cho KHXH thường ít khi đầy đủ, nên hạn chế sáng tạo. Cơ chế tiếp nhận tư vấn, phản biện vẫn quá chật hẹp. Và cuối cùng, môi trường học thuật không thật bình thường (chưa thật sự “thông thoáng”), đã cản bước tự do sáng tạo, hạn chế lòng đam mê của nhà khoa học đối với lao động khoa học và đóng góp cho xã hội.
Chúng tôi muốn nói rằng, tiềm năng tư duy và bề dày văn hoá của giới KHXH Việt Nam vẫn còn khá nhiều thế mạnh chưa được khai thác hết. Nếu biết giải phóng những tiềm năng về năng lực trí tuệ và vốn văn hoá của giới KHXH Việt Nam, thì một tương lai có nền KHXH mạnh mẽ hơn ở châu Á, theo chúng tôi, là hoàn toàn có thể.
Những hạn chế đó, bản thân KHXH dĩ nhiên, chịu trách nhiệm chính (“các nhà khoa học đều rất con người, nên thường rất thiên vị và đôi khi thậm chí cũng thiếu trung thực” - Lời Michael Polanyi (1891-1976, nhà khoa học danh tiếng thế giới của Hiệp hội Hoàng gia Anh) [8]. Tuy nhiên, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và xã hội cũng không nhỏ.
7. Bảy mươi năm chưa phải là dài nếu so với những Viện Hàn lâm uy tín trên thế giới, nhưng 70 năm cũng không còn là ngắn nếu so với những trung tâm khoa học mạnh ở các quốc gia xung quanh. Với nền tảng tư duy sắc bén và lao động trí tuệ đầy sáng tạo của nhiều thế hệ, 70 năm qua, trong mọi giai đoạn khó khăn và thuận lợi của lịch sử đất nước, trên thực tế Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, đã khẳng định được mình là thiết chế Quốc gia về KHXH và nhân văn và có vị thế nhất định trong đời sống học thuật thế giới và trong nước.
Để KHXH được trọng dụng với những cơ sở khoa học tin cậy cho việc thực hiện các mục tiêu đã hoạch định đến năm 2030 và 2045, trách nhiệm của Viện Hàn lâm và của giới KHXH Việt Nam hiện đang rất lớn. Mặc dù vẫn còn yếu kém, nhưng Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, trên thực tế đã đủ trình độ để thực hiện trách nhiệm của mình, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, phát triển học thuật và nâng cao dân trí, thúc đẩy xã hội tiến bộ.
Nguồn: Tác giả
Chú thích:
* GS.TS., Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Viện Thông tin KHXH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Bài đã đăng trên tạp chí “Thông tin KHXH” số 12 (492) 2023
[1] Trong bài, “Khoa học xã hội” là cách gọi tắt theo thông lệ, dùng để chỉ tất cả các khoa học xã hội, gồm cả các khoa học nhân văn, các khoa học chính trị và các ngành nghiên cứu lý thuyết về nghệ thuật.
[2] - Nhiều tài liệu ghi là KHXH Việt Nam có lịch sử từ khi thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước, tổ chức tiền thân của tất cả các cơ quan khoa học Việt Nam ngày nay, theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 của Chủ tịch Nước.
- Viện Viễn Đông bác cổ (École française d'Extrême-Orient, EFEO) được thành lập tại Sài Gòn năm 1900, chuyển ra Hà Nội năm 1902 và là tiền thân của tất cả 18 trung tâm EFEO tại 13 quốc gia hiện nay. EFEO với các nhà khoa học Việt Nam và Pháp, đã nghiên cứu rất sâu về văn hóa và con người Việt Nam và phương Đông và đã để lại những công trình có ý nghĩa nền tảng giá trị đối với các thế hệ sau. Chẳng hạn, về các nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Champa…; những nghiên cứu về Tây Nguyên, thánh địa Mỹ Sơn, bãi đá cổ Sa Pa… Tạp chí nghiên cứu B’EFEO (Bulletin de EFEO) gần 100 năm nay là nguồn dữ liệu không thể thiếu trong các nghiên cứu về Việt Nam và Đông Á.
- Đại học Y Hà Nội được thành lập năm 1902. Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) được thành lập năm 1905 (gồm một loạt trường chuyên ngành, được thành lập từ 1905 đến 1941), sau này là ĐHQG Việt Nam. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập 1924. Viện Hải dương học Đông dương (Institut Océanographique de l’Indochine) thành lập năm 1922 tại Nha Trang. Đây là trung tâm nghiên cứu hải dương học ra đời sớm nhất và có hiện vật biển lớn nhất Đông Nam Á. Viện Hải dương học Nha Trang cũng là nơi có những nghiên cứu khảo cổ, địa chất, hải dương… sớm nhất ở Hoàng sa và Trường Sa và có những đóng góp to lớn trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo này (Những thông tin này soạn theo: Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient. https://www.persee.fr/collection/befeo)
- Cùng với những sản phẩm nghiên cứu là những di sản, viện nghiên cứu, trường đại học, bảo tàng, công trình, tác phẩm… các thiết chế khoa học này đã tạo ra thế hệ các nhà khoa học tên tuổi Pháp và châu Âu và “thế hệ vàng” của giới trí thức người Việt. Đó là những thành viên của EFEO, như Nguyễn Văn Huyên (1908-1975), Nguyễn Văn Khoan (1890-1975), Trần Hàm Tấn (1887-1957), Nguyễn Văn Tố (1889-1947), Trần Văn Giáp (1896-1973), Công Văn Trung (1907-2003), Nguyễn Thiệu Lâu (1916-1967). Và nhiều học giả khác không phải là thành viên EFEO như Đào Duy Anh (1904-1988), Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), Cao Xuân Huy (1900-1983), Đặng Thai Mai (1902-1984), Hoài Thanh (1909-1982), Nam Sơn (1890-1973), Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977), Lê Dư (1885-1957) …
Nhiều người trong số các học giả nói trên, về sau đã được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Nguyễn Văn Huyên (2000), Đặng Thai Mai (1996), Đào Duy Anh (2000), Nguyễn Đỗ Cung (1996), Hoàng Xuân Hãn (2000), Trần Văn Giáp (2000), Cao Xuân Huy (1996), Hoài Thanh (2000),…
[3] Ủy ban KHXH Việt Nam (1976), Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb. KHXH, Hà Nội. tr. 77.
[5] Những tác giả đã và đã từng công tác tại Viện Hàn lâm được Giải thưởng Hồ Chí Minh: Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993), Trần Huy Liệu (1901-1969), Cao Xuân Huy (1900-1983), Nguyễn Văn Huyên (1905-1975), Ðặng Xuân Kỳ (1931-2010), Trần Văn Giáp (1092-1973), Phạm Huy Thông (1916-1988), Đặng Thai Mai (1902-1984), Vũ Khiêu (1916-2021), Hồ Tôn Trinh (1920-2011), Đinh Gia Khánh (1920-2003), Hà Văn Tấn (1937-2019), Đào Văn Tập (1927 - 1989), Trần Văn Giàu (1911-2010), Đào Duy Anh (1904-1988), Nguyễn Quang Hồng (1940-), Hà Minh Đức (1935-), Từ Chi (1925-1995), Nguyễn Đổng Chi (1915-1984), Vũ Ngọc Phan (1902-1987), Hoàng Trung Thông (1925-1993).
[6] ĐCSVN (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. Nxb. CTQG. Hà Nội. tr. 63-64.
[7] Phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam 2/12/1953-2/12/2023. Tc “Thông tin KHXH” số 12/2013.