I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Những ý tưởng về một bảo tàng dân tộc học tại Hà Nội đã nảy nở trong giới dân tộc học hồi những năm 70 của thế kỷ XX, đặc biệt là sau giải phóng miền Nam - 1975. "Dấu mốc đầu tiên đặt cơ sở pháp lý cho việc ra đời Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN) trong tương lai là việc Thủ tướng Chính phủ cho phép Viện Dân tộc học xúc tiến lập luận chứng kinh tế kỹ thuật về Bảo tàng Dân tộc học vào năm 1981. Sau đó, chủ trương xây dựng Bảo tàng Dân tộc học được khẳng định trong Nghị quyết của Chính phủ vào năm 1983". Đó là khởi điểm của quá trình dài hình thành Bảo tàng DTHVN.
Về mặt tổ chức, tiền thân của Bảo tàng DTHVN chỉ là một phòng của Viện Dân tộc học, phòng Kỹ thuật hiện vật, ra đời năm 1979, đến năm 1988 đổi tên thành phòng Bảo tàng Dân tộc học. Ngày 24/10/1995, theo Quyết định số 689/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bảo tàng DTHVN chính thức được thành lập, tách khỏi Viện Dân tộc học và trở thành một đơn vị trực thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đồng thời được đặt trong hệ thống các bảo tàng quốc gia của nước ta.
Bảo tàng DTHVN hình thành trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước khi trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn, đặc biệt là những năm 80 của thế kỷ trước. Cho nên, kinh phí ít ỏi, tổng dự toán của dự án xây dựng Bảo tàng chỉ là 26 tỷ đồng (khoảng 1,5 triệu USD, tỷ giá quy đổi năm 1987). Cũng vì thế, công trình tuy được bắt đầu xây dựng vào năm 1989 - 1990, nhưng bị kéo dài do không được đầu tư tập trung, đến năm 1995 mới hoàn thành nhà làm việc, năm 1997 mới xong nhà trưng bày và kho bảo quản hiện vật.
Ngày 12/11/1997, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ họp tại Hà Nội, lễ khai trương Bảo tàng DTHVN được tổ chức trọng thể, với sự hiện diện của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Tổng thống Cộng hoà Pháp Jacques Chirac. Kể từ đó, khu trưng bày thường xuyên về các dân tộc ở Việt Nam trong toà nhà 2 tầng mang tên "Trống đồng" mở cửa phục vụ công chúng.
Từ năm 1998, Bảo tàng bắt đầu xây dựng khu bảo tàng ngoài trời. Tháng 12 năm ấy, để phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN họp tại Hà Nội, ngôi nhà mồ của người Giarai Aráp ở tỉnh Gia Lai được trưng bày, cùng lúc với trưng bày chuyên đề đầu tiên trong toà nhà Trống đồng. Sau đó, từng bước một, các công trình kiến trúc dân gian khác lần lượt được dựng lên, mãi đến năm 2006 mới hoàn thành công trình cuối cùng trong khu trưng bày có thể gọi là "Vườn kiến trúc" này.
Trên cơ sở khuôn viên gần 3,3 ha, Bảo tàng DTHVN từ năm 2006 được mở rộng để xây dựng thêm khu trưng bày về các dân tộc trên thế giới, trước hết là các dân tộc Đông Nam Á. Hiện nay, Bảo tàng có tổng diện tích hơn 4,3ha.
Khu trưng bày về các dân tộc thế giới được khởi công xây dựng ngày 16/6/2007, trọng tâm là một toà nhà 4 tầng mang tên "Cánh diều". Ban đầu, dự định sẽ thực hiện trưng bày đầu tiên tại đây vào cuối năm 2008, nhưng thực tế khó khăn về kinh phí khiến cho quá trình xây dựng bị kéo dài. Bảo tàng đang phấn đấu để khai trương phần trưng bày thường xuyên về các dân tộc Đông Nam Á tại tầng 1 vào cuối năm 2013.
Một đặc điểm của Bảo tàng DTHVN là phải xây dựng từ đầu tất cả. Đến nay, Bảo tàng đã có một hệ thống gồm ba khu vực trưng bày: trưng bày về các dân tộc Việt Nam trong toà nhà Trống đồng; trưng bày ngoài trời với những kiến trúc dân gian của các dân tộc Việt Nam; trưng bày về các dân tộc Đông Nam Á và thế giới trong toà nhà Cánh diều. Quá trình xây dựng và phát triển những năm qua cũng đồng thời là quá trình mở rộng về quy mô, chức năng và nhiệm vụ của Bảo tàng. Đặc biệt, "Bảo tàng DTHVN từ chỗ tập trung vào việc giới thiệu về các dân tộc ở Việt Nam, đã tiến tới mở rộng chức năng và nhiệm vụ của mình, giới thiệu cả về văn hoá các dân tộc nước ngoài. Đây là một bước phát triển mới của Bảo tàng DTHVN".
Khi mới thành lập, "Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có nhiệm vụ: tổ chức nghiên cứu khoa học, sưu tầm, phân loại, đánh giá, bảo quản, phục chế, trưng bày, giới thiệu, khai thác các giá trị lịch sử, văn hoá - về phương diện dân tộc học - của các dân tộc anh em trong đại gia đình Tổ quốc Việt Nam, cung cấp tư liệu nghiên cứu dân tộc học cho các ngành, đào tạo cán bộ nghiệp vụ và quản lý cho Bảo tàng Dân tộc học" (Quyết định số 689/TTg ngày 24/10/1995 của Thủ tướng Chính phủ). Đến nay, "Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là tổ chức sự nghiệp trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc; tổ chức trưng bày, trình diễn và những hình thức hoạt động khác, nhằm giới thiệu, phổ biến và giáo dục về những giá trị lịch sử, văn hoá của các dân tộc trong và ngoài nước; cung cấp tư liệu nghiên cứu về các dân tộc cho các ngành; đào tạo cán bộ nghiên cứu, nghiệp vụ, quản lý về nhân học bảo tàng" (Quyết định số 271/QĐ-KHXH ngày 27/2/2013 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo tàng DTHVN).
Về nhân sự, Bảo tàng DTHVN cũng có những bước phát triển rõ rệt. Từ chỗ chỉ có 18 người được điều chuyển từ Viện Dân tộc học sang theo Quyết định số 868/KHXH-TC ngày 14/11/1995 của Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, vào thời điểm đầu năm 2013 Bảo tàng có 81 thành viên, bao gồm 42 người thuộc diện biên chế, 39 người thuộc diện lao động hợp đồng. Phần đông cán bộ và nhân viên Bảo tàng DTHVN được đào tạo về dân tộc học / nhân học, bảo tàng, văn hoá học và ngoại ngữ; có 9 tiến sĩ, trong đó có 2 PGS - TS, 15 thạc sĩ và 44 cử nhân.
II. NHỮNG ĐÓNG GÓP CHỦ YẾU
Tuy ra đời muộn, nhưng Bảo tàng DTHVN đã nhanh chóng trưởng thành, phát triển và trở thành một bảo tàng danh tiếng trong hệ thống bảo tàng ở Việt Nam hiện nay. Giới báo chí từng bình chọn việc ra đời Bảo tàng DTHVN là một trong 10 sự kiện văn hoá nổi bật nhất trong nước năm 1997; cũng trên báo chí, Bảo tàng DTHVN được coi như "ngôi nhà chung của các dân tộc", như "nơi lưu giữ cội nguồn dân tộc"...
Bảo tàng DTHVN tham gia tích cực trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về các dân tộc, đồng thời có những đóng góp đáng kể và hữu hiệu vào hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hoá của các dân tộc. Những thành tựu đó thể hiện khá rõ và sinh động qua một số khía cạnh nổi bật sau đây:
Thứ nhất, Bảo tàng DTHVN thực sự đóng vai trò một trung tâm lưu giữ, bảo tồn các yếu tố văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc.
Ban đầu, Bảo tàng chỉ được thừa hưởng gần 2.000 hiện vật do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng lịch sử quốc gia) chuyển giao. Đây là số hiện vật sưu tầm từ đầu thế kỷ 20 cho đến thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc nước ta trong những năm 1950. Song, phần lớn hiện vật không có thông tin, không rõ xuất xứ để có thể sử dụng trưng bày, thậm chí nhiều hiện vật đã không còn giá trị vì bị hư hỏng. Trên thực tế, Bảo tàng DTHVN không chỉ phải xây dựng mới toàn bộ cơ sở vật chất cùng trang thiết bị cần thiết, mà còn phải tiến hành sưu tầm từ đầu hầu như toàn bộ hiện vật và tư liệu nghe - nhìn. Tính đến năm 2013, Bảo tàng có hơn 27.000 hiện vật, bao gồm hơn 23.900 hiện vật về 54 dân tộc ở Việt Nam, gần 2.200 hiện vật về các cư dân Đông Nam Á và gần 1.500 hiện vật về các cư dân khác trên thế giới. Bên cạnh đó, Bảo tàng có khối lượng lớn tư liệu nghe - nhìn, với khoảng 130.000 ảnh, trong đó có khoảng 5.000 ảnh về các cư dân Đông Nam Á; hơn 2.200 băng ghi hình, hơn 400 đĩa ghi hình, hơn 570 băng ghi âm, hơn 70 đĩa âm thanh... Nguồn hiện vật và tư liệu này rất giá trị và vô cùng quan trọng. Đó là cơ sở thiết yếu để phục vụ lâu dài cho những hoạt động khác nhau của Bảo tàng, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hoá của các dân tộc trong đại gia đình Tổ quốc Việt Nam, mà ý nghĩa lớn lao cũng như tầm quan trọng chiến lược của nó được Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng, đề cao. Đồng thời, đó cũng là điều kiện tiên quyết ban đầu để Bảo tàng mở ra hoạt động giới thiệu về các cư dân trên thế giới, trước hết tập trung vào khu vực Đông Nam Á. Các loại tư liệu và hiện vật đưa về Bảo tàng DTHVN được trân trọng và bảo quản một cách cẩn thận, khoa học trong những điều kiện tốt nhất mà Bảo tàng có được.
Khối tài sản đặc biệt bao gồm hiện vật và tư liệu đó là kết quả từ sự nỗ lực cao độ của Bảo tàng DTHVN. Bởi lẽ, là một bảo tàng mới thành lập, không được thừa hưởng những bộ sưu tập hiện vật tích luỹ lâu dài từ trước, nên phải tiến hành sưu tầm để gây dựng toàn bộ hệ thống hiện vật văn hoá vật thể và phi vật thể của tất cả các dân tộc ở Việt Nam, rồi mở rộng sưu tầm sang cả các cư dân ngoài Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh hai năm đầu tiên, nhiệm vụ sưu tầm thực sự là một áp lực, một thách thức lớn đối với Bảo tàng DTHVN. Bởi vì, thời gian gấp gáp, Bảo tàng phải kịp khánh thành nhân dịp khai mạc Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ tại Hà Nội tháng 11/1997. Song, yêu cầu đặt ra là phải sưu tầm về cuộc sống và văn hoá của đủ 54 dân tộc Việt Nam, mà địa bàn sưu tầm thì trải rộng khắp đất nước, vốn văn hoá cổ truyền đã mai một nhiều trên khắp các vùng miền, ở khắp các dân tộc. Trong khi đó, nhân lực ít ỏi, ban đầu chỉ có 18 người, đến cuối năm 1996 tổng số mới có 20 cán bộ biên chế và 21 lao động hợp đồng. Cán bộ và nhân viên đều bất cập về trình độ, vì hầu hết còn non kém về chuyên môn - nghiệp vụ, thậm chí nhiều người còn xa lạ với các lĩnh vực công tác bảo tàng; kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng về bảo tàng dân tộc học khi đó còn là những khoảng trống... Tuy vậy, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, công tác sưu tầm đã được triển khai rất tích cực và thu được nhiều kết quả. Mỗi năm Bảo tàng tổ chức hàng chục đoàn đi sưu tầm, điển hình là năm 1997 có gần 40 đoàn. Hoạt động sưu tầm của Bảo tàng vươn tới bản làng tận những vùng hẻo lánh, xa xôi ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Trường Sơn, miền tây Nam Bộ, tới cả những dân tộc có dân số chỉ mấy trăm người, như: La Ha, Pu Péo, Brâu, Rơmăm. Đối với Bảo tàng DTHVN, có thể coi hai năm này như thời kỳ cao trào đầu tiên của hoạt động sưu tầm, tiến hành sưu tầm đại trà, ồ ạt trên diện rộng. Các đoàn sưu tầm đưa về không chỉ hiện vật, mà còn nhiều ảnh, tư liệu phim video, băng ghi âm, cùng nhiều thông tin cần thiết về hiện vật và sinh hoạt văn hoá của các dân tộc từ Bắc chí Nam, từ miền núi đến đồng bằng.
Những năm sau đó, tuy không phải sưu tầm dồn dập nữa, nhưng Bảo tàng vẫn cố gắng tiếp tục tăng cường tư liệu và hiện vật, đặc biệt là để phục vụ cho các trưng bày ở khu bảo tàng ngoài trời và tổ chức các trưng bày chuyên đề. Chẳng hạn, năm 1998 cũng có tới hơn 50 chuyến điền dã nghiên cứu - sưu tầm, năm 1999 hoạt động này được thực hiện tại gần 20 tỉnh...
Với mục đích đẩy mạnh việc xây dựng các bộ sưu tập hiện vật, mà vai trò của chúng có thể ví như máu của cơ thể sống, trong ba năm từ 2002 đến 2004, Bảo tàng thực hiện một dự án nghiên cứu - sưu tầm mới, tập trung chủ yếu vào khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là thời kỳ sưu tầm lớn thứ hai của Bảo tàng DTHVN, mà một điểm mới là chú trọng song song sưu tầm với điều tra, khảo sát, kết hợp triển khai dự án với tăng cường thiết lập mối quan hệ giữa Bảo tàng với các địa phương, đặc biệt là mở ra hình thức kết hợp với một số trường đại học và cao đẳng để huy động sinh viên tham gia sưu tầm hiện vật cho Bảo tàng.
Việc sưu tầm được mở ra Đông Nam Á bắt đầu từ thời kỳ 2003 - 2005, thông qua việc thực hiện dự án "Củng cố mạng lưới với các bảo tàng, cơ quan văn hoá và các học giả ở khu vực sông Mê Công và tăng cường hiểu biết về Đông Nam Á và khu vực" (Quỹ Rockefeller tài trợ), rồi tiếp đến là dự án "Điều tra, nghiên cứu, sưu tầm hiện vật dân tộc học các nước Đông Nam Á" (2006 - 2010, kinh phí của Nhà nước). Bảo tàng đã tổ chức được những chuyến đi sưu tầm tại tất cả 10 nước Đông Nam Á và cả ở Vân Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn thứ nhất, chủ yếu để phục vụ cho trưng bày đầu tiên đang được chờ đợi khai trương trong tòa bảo tàng Đông Nam Á - toà nhà "Cánh diều".
Cứ từng bước như vậy, Bảo tàng dần dần làm giàu cho kho cơ sở, từng bước hình thành các bộ sưu tập hiện vật, để phục vụ cho những hoạt động đa dạng của mình, thiết thực góp phần quan trọng giữ gìn và quảng bá di sản văn hoá của các dân tộc ở nước ta cũng như giới thiệu về các dân tộc nước ngoài.
Thứ hai, Bảo tàng DTHVN là một cơ sở nghiên cứu về các dân tộc và văn hoá các dân tộc.
Bảo tàng DTHVN tuy nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia, nhưng trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trước đây là Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia. Ngay trong Quyết định thành lập của Chính phủ cũng như trong Quy chế về tổ chức và hoạt động của Bảo tàng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đều được đặt lên hàng đầu. Với Bảo tàng DTHVN, tính nghiên cứu được đề cao; nghiên cứu dân tộc học và văn hoá dân tộc là một mảng hoạt động thường xuyên được chú trọng và phải không ngừng tiến triển, với những yêu cầu khoa học nghiêm túc; công tác bảo tàng và công tác nghiên cứu không thể tách rời nhau. Đặc biệt, là một bảo tàng dân tộc học, nên Bảo tàng phải dựa vững chắc trên những thành tựu dân tộc học, không chỉ về các tộc người Việt Nam, mà còn từng bước tiếp cận cả về các cư dân ngoài Việt Nam. Chính nhờ có một đội ngũ cán bộ dân tộc học tương đối vững vàng từ Viện Dân tộc học chuyển sang, nên Bảo tàng mới nhanh chóng xây dựng được khu trưng bày đầu tiên và kịp mở cửa vào giữa tháng 11/1997 như vậy.
Bảo tàng DTHVN là nơi có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu những vấn đề khoa học dựa trên các hiện vật và tư liệu ở đây. Mặt khác, không chỉ là một địa chỉ đáng tin cậy cho nghiên cứu, Bảo tàng còn thực hiện tốt công tác nghiên cứu cơ bản để phục vụ cho các hoạt động của mình, từ sưu tầm, trưng bày, cho đến bảo quản, giáo dục, trình diễn. Đồng thời, Bảo tàng cũng hợp tác và tham gia nghiên cứu những vấn đề hoặc đề tài thuộc các lĩnh vực dân tộc học/nhân học, chính sách dân tộc, văn hoá và bảo tàng học.
Ở Bảo tàng DTHVN, công tác nghiên cứu khoa học thực ra bao gồm hai lĩnh vực chính: dân tộc học và bảo tàng học. Hàng loạt kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, như: Dân tộc học, Nghiên cứu Đông Nam Á, Văn hoá dân gian..., hay trong 7 tập sách Các công trình nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (1999, 2001, 2002, 2004, 2005, 2008, 2011). Về sau, tạp chí Bảo tàng & Nhân học của Bảo tàng DTHVN được thành lập, số đầu tiên ra mắt độc giả vào tháng 4/2013. Bên cạnh đó, tập thể Bảo tàng và những cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng đã cho ra đời hàng loạt ấn phẩm có giá trị, nhiều ấn phẩm được in bằng 3 ngữ: Việt, Anh, Pháp. Có thể kể đến như: catalogue Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (1997), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - Những ngôi nhà dân gian (2006), catalogue Văn hoá Đông Nam Á (2010), Bức tranh văn hoá các dân tộc Việt Nam (1997), tập ảnh Đại gia đình các dân tộc Việt Nam (1998), Hoa văn cổ truyền Đăk Lăk (2000), Đổi mới tiếp cận dân tộc học trong các bảo tàng (2002), Góp phần tìm hiểu văn hoá Cơtu (2006), Từ điển hiện vật văn hoá các dân tộc Việt Nam (2007), Faces, Voices, and Lives - Experiences of a Director in Building a Museum for Communities (2008), Đến với người Tày và văn hoá Tày (2010), Nhà ở của người Chăm Ninh Thuận - Truyền thống và biến đổi (2011), Trang phục của người Lào ở Tây Bắc Việt Nam (2012)... Ngoài ra, nhiều cán bộ của Bảo tàng còn tham gia trong những công trình xuất bản được đánh giá cao, như: Người Xơ Đăng ở Việt Nam (1998), Các dân tộc thiểu số Việt Nam thế kỷ XX (2001), A Yao community in Sapa, Vietnam (2001), Nhà mồ Tây Nguyên (2002), Các dân tộc ở Hà Giang (2004), Nhà rông Tây Nguyên (2007)...
Cán bộ Bảo tàng DTHVN đã tham gia nhiều công trình nghiên cứu trực tiếp liên quan đến công tác dân tộc và cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng chính sách dân tộc, như: đề tài VIE 96/010, Đánh giá các chính sách dân tộc và miền núi của Đảng và Nhà nước giai đoạn 1989-1999 (1998-1999); đề tài Đánh giá tổng quan những tác động của quá trình thực hiện các chính sách đổi mới đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam (thuộc Dự án Điều tra đánh giá tình hình kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi Việt Nam sau 15 năm thực hiện các chính sách đổi mới, 1999); đề tài Điều tra, khảo sát về môi trường vùng các dân tộc thiểu số (2000 - 2001); đề tài Đặc điểm tình hình các dân tộc ở Tây Nguyên và những vấn đề đặt ra về chính sách phát triển (2002)...
Lực lượng cán bộ khoa học của Bảo tàng DTHVN cũng tích cực tham gia nhiều cuộc hội thảo khoa học ở trong và ngoài nước, như: Luật tục và phát triển nông thôn hiện nay ở Việt Nam (Buôn Ma Thuột, 1999), Đổi mới các hoạt động bảo tàng trong thế kỷ XXI (Thụy Điển, 2000), Người Di (Trung Quốc, 2000), Người Thái Hoa (Trung Quốc, 2001), Thái học (Thái Lan, 2001), Các bảo tàng (Áo, 2001), Luật tục, hương ước và những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội buôn làng các dân tộc Tây Nguyên (Plây Ku, 2001), Vấn đề bảo tồn làng bản truyền thống (Hà Nội, 2002), Các bảo tàng Australia (2002), Những vấn đề cấp bách về dân tộc ở nước ta hiện nay (2002), Bàn về tiêu chí xác định thành phần các dân tộc ở Việt Nam (2002), Bảo tàng và nhân học đô thị (Hà Nội, 2008), Bảo tàng với di sản văn hoá ở lưu vực sông Mê Công và sông Hằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu (Huế, 2012), Việt Nam học (Hà Nội, 2012)...
Qua các hoạt động nghiên cứu khoa học như vậy, Bảo tàng DTHVN đã có những đóng góp khoa học đáng kể về nhiều phương diện: thực tiễn, lý luận; chuyên ngành dân tộc học, chuyên ngành bảo tàng học; công tác dân tộc, công tác văn hoá. Tác dụng của những đóng góp đó không chỉ giới hạn trong nước, mà với một số trường hợp và ở chừng mực nhất định, còn rộng ra cả trong giới khoa học quốc tế liên quan nữa.
Thứ ba, Bảo tàng DTHVN là một trung tâm giới thiệu, phổ cập tri thức và giáo dục rộng rãi về các dân tộc và văn hoá các dân tộc.
Trên thực tế, chỉ ít năm sau khi mở cửa đón du khách, Bảo tàng DTHVN đã tự khẳng định và được công nhận là một địa chỉ văn hoá được nhiều công chúng và du khách yêu thích, bởi họ có thể tìm thấy ở đây nhiều hiểu biết bổ ích, nhiều điều mới mẻ hấp dẫn. Nhiều cuốn sách hướng dẫn du lịch có uy tín trên thế giới đều giới thiệu Bảo tàng DTHVN, như cuốn Lonely Planer Guide to Hanoi đã viết từ năm 1999: "Đến Hà Nội, Việt Nam, không thể không đến thăm VME, một bảo tàng có uy tín nhất hiện nay".
Bảo tàng DTHVN có sức thu hút mạnh đối với công chúng và tạo được hiệu quả xã hội rộng lớn, thể hiện nổi bật qua các số liệu khách tham quan trong 15 năm liên tiếp vừa qua, cụ thể như sau:
Năm
|
Khách Việt Nam
|
Khách quốc tế
|
Tổng số
(lượt người)
|
Số lượt người
|
Tỷ lệ %
|
Số lượt người
|
Tỷ lệ %
|
1998
|
24.900
|
67,1
|
12.191
|
32,9
|
37.091
|
1999
|
25.113
|
58,9
|
17.555
|
41,1
|
42.668
|
2000
|
31.257
|
55,8
|
24.775
|
44,2
|
56.032
|
2001
|
41.656
|
54,9
|
34.287
|
45,1
|
75.943
|
2002
|
48.179
|
49,4
|
49.332
|
50,6
|
97.511
|
2003
|
55.240
|
60,1
|
36.625
|
39,9
|
91.865
|
2004
|
77.637
|
58,6
|
54.913
|
41,4
|
132.550
|
2005
|
82.092
|
50,2
|
81.453
|
49,8
|
163.635
|
2006
|
115.696
|
55,75
|
91.821
|
44,25
|
207.517
|
2007
|
192.925
|
57,2
|
144.307
|
42,8
|
337.232
|
2008
|
248.461
|
62
|
152.119
|
38
|
400.580
|
2009
|
278.646
|
69,5
|
122.190
|
30,5
|
400.836
|
2010
|
258.924
|
62,7
|
153.912
|
37,3
|
412.836
|
2011
|
250.024
|
59,9
|
167.572
|
40,1
|
417.596
|
2012
|
299.404
|
66,1
|
153.714
|
33,9
|
453.118
|
Kể từ khi bắt đầu mở cửa cho đến hết quý I/2013, Bảo tàng DTHVN đã đón tiếp tổng cộng khoảng 3.455.000 lượt du khách, trong đó có hơn 2.127.000 lượt người Việt Nam và hơn 1.327.000 lượt người nước ngoài. Nếu so sánh trong giai đoạn 15 năm phục vụ công chúng vừa qua, số lượng khách tham quan năm 2012 gấp hơn 12 lần so với năm 1998.
Tham quan Bảo tàng DTHVN, du khách có được những hiểu biết đúng đắn về nền văn hoá đa dạng và phong phú của các dân tộc nước ta, tác động làm nảy nở và củng cố tình cảm tôn trọng vốn văn hoá cổ truyền của từng dân tộc, đồng thời khích lệ lòng tự tôn, tự hào cùng ý thức bình đẳng dân tộc của các cộng đồng tộc người khác nhau.
Đối với khách quốc tế, Bảo tàng DTHVN giúp họ khám phá về đất nước, con người và nền văn hoá đa tộc người của Việt Nam. Trong bài phát biểu chào mừng tại lễ khánh thành Bảo tàng, Tổng thống Cộng hoà Pháp Jacques Chirac đã nhìn nhận: "Đây sẽ trở thành một địa chỉ để phát hiện, một nơi gặp gỡ, và như ngày nay người ta thường nói, địa điểm thần kỳ", và nữa: "Nó là minh chứng cho sự tôn trọng của nhà chức trách Việt Nam đối với toàn bộ các thành phần phong phú của dân tộc, các tộc người (54) hợp thành di sản và cả tâm hồn Việt Nam". Tiến sĩ Pattiya người Thái Lan bình luận: "Bảo tàng là một thành quả cơ bản của nước Việt Nam để thể hiện chính sách dân tộc của người Việt Nam, khuyến khích các dân tộc bảo tồn văn hoá, ngôn ngữ dân tộc. Tất cả các dân tộc sống trong cái nôi bình đẳng". Đã có khách từ khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tới thăm Bảo tàng DTHVN. Năm 2012, một website đánh giá chất lượng điểm đến du lịch có uy tín lớn trên thế giới là TripAdvisor đã tặng Bảo tàng chứng chỉ "Xuất sắc" (Excellence). Tại website này, du khách V. Patrick ngày 27/4/2012 nhận xét: “Bảo tàng Dân tộc học là bảo tàng tuyệt vời nhất tại Việt Nam, đem lại một cái nhìn sâu sắc về các dân tộc thiểu số nói riêng và về dân tộc Việt Nam nói chung”.
Bảo tàng DTHVN vinh dự không chỉ được nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta tới thăm, như: Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Cố vấn Đỗ Mười..., mà còn được đón tiếp nhiều vị nguyên thủ quốc gia, nhiều đoàn khách cao cấp quốc tế, ví dụ: Tổng thống các nước Pháp, Hungari, Tagikistan, Chủ tịch Quốc hội Belarusia, Phó Chủ tịch Thượng viện Chi Lê, Thủ tướng Thái Lan, Phó Thủ tướng Thuỵ Điển, Chủ tịch khối cộng đồng Pháp ngữ... Đồng thời, Bảo tàng DTHVN cũng được lựa chọn làm điểm tham quan cho nhiều hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế, như: hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 khối cộng đồng Pháp ngữ, hội nghị cấp cao các nước Đông Nam Á, hội nghị đại biểu phụ nữ châu Á, hội thảo quốc tế về Du lịch, con người và các di sản văn hoá, hội thảo quốc tế về Bảo tàng và nhân học đô thị, hội thảo quốc tế Việt Nam học...
Một điều đáng chú ý là, tuổi trẻ đến Bảo tàng DTHVN ngày một đông, nhất là sinh viên, học sinh. Họ tới đây để phát hiện và nhận biết nhiều điều mới mẻ, bổ ích và lý thú từ các trưng bày cũng như từ những hoạt động trình diễn nghề thủ công và văn nghệ dân gian. Có những đoàn, những lớp sinh viên, kể cả sinh viên nước ngoài, tới đây với mục đích học tập, nghiên cứu theo chương trình đào tạo chuyên môn của họ.
Trong những cuốn sổ lưu bút, khách tham quan để lại rất nhiều nhận xét đánh giá cao Bảo tàng DTHVN trong việc cung cấp kiến thức và giúp họ tìm hiểu về các tộc người ở Việt Nam. Chẳng hạn, ngày 4/12/1997, thày Phó hiệu trưởng trường tiểu học Trần Phú ở Thanh Trì (Hà Nội) đã viết: "Trở về trường, chúng tôi sẽ đem những hiểu biết này vào những bài giảng thêm sinh động và sâu sắc hơn". Một nhóm học sinh lớp 12 trường PTDL Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận xét ngày 3/12/1997: "Đây là một Bảo tàng rất đẹp, giàu tính dân tộc và mang ý nghĩa giáo dục lớn, nhất là đối với lớp trẻ ngày nay". Một du khách nước ngoài là M. Blower nhận thấy: "Những vật trưng bày được miêu tả rất kỹ và phần trưng bày được nghiên cứu rất công phu". Giáo sư nhân học Masshall Saklins đến từ ĐH Chicago (Mỹ) thì viết: "Tôi cảm thấy hài lòng bởi sự bài trí có tính thẩm mỹ và nhân học của Bảo tàng tuyệt vời này". Hoặc như theo một du khách Australia, "Đây là Bảo tàng hay nhất và đẹp nhất trong số tất cả các Bảo tàng mà tôi từng thăm ở châu Á".
Tham gia thực hiện chính sách đối ngoại về văn hoá, Bảo tàng DTHVN còn vươn hoạt động trực tiếp ra ngoài biên giới, nhằm thông qua trưng bày để giới thiệu về Việt Nam, tạo điều kiện cho nhân dân thế giới hiểu biết đúng đắn và phong phú về Việt Nam. Đặc biệt, đó là cuộc trưng bày “Những cuộc hành trình của con người, tinh thần và linh hồn” tổ chức tại Hoa Kỳ (phối hợp với Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở New York, 2003 - 2005), và việc tham gia cuộc trưng bày "Việt Nam: Nghệ thuật và văn hoá từ thời tiền sử đến đương đại" tại Brussels, Bỉ (9/2003 - 2/2004).
Thứ tư, Bảo tàng DTHVN tích cực tiếp cận những quan niệm mới về bảo tàng, thành công trong việc đột phá, tiên phong thực hiện đổi mới hoạt động bảo tàng, và đây là những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực công tác bảo tàng ở Việt Nam.
Trong khi hầu hết các bảo tàng ở Việt Nam bị sa vào tình trạng bất cập, lỗi thời và lúng túng trong lối mòn hoạt động xơ cứng, đơn điệu, trì trệ, nên không thu hút được khách tham quan, Bảo tàng DTHVN ngay trong thời kỳ đầu phục vụ công chúng đã liên tiếp tìm tòi và có nhiều sáng tạo để thoát được khỏi nguy cơ trầm trọng đó.
Trong trưng bày ở Bảo tàng DTHVN, hiện vật gốc là chủ yếu, rất hạn chế sử dụng mô hình và không dùng hình vẽ. Hiện vật tuy chỉ là những vật dụng hằng ngày trong đời sống ở làng bản của nhân dân các dân tộc, nhưng bằng thủ pháp trưng bày bảo tàng, chúng được giới thiệu như những tác phẩm nghệ thuật, hấp dẫn du khách. Hiện vật được lựa chọn trên cơ sở tri thức dân tộc học và trưng bày thưa thoáng hợp lý, tạo nên tính trang trọng. Cùng với các hiện vật là hệ thống bài viết và etiquet, đều thể hiện bằng 3 ngữ (Việt, Pháp, Anh), cung cấp cho người xem những thông tin về xuất xứ, bối cảnh và cuộc sống của hiện vật. Ảnh và phim video được sử dụng thích hợp để giới thiệu hoạt động của con người trong việc làm ra hiện vật cũng như sử dụng chúng. Tất cả các thành tố trưng bày kết hợp với nhau, để cố gắng làm cho hiện vật như sống động lại và được gắn với cuộc sống thực của nó trong từng cộng đồng dân cư cụ thể, làm cho người xem tiếp nhận được nhiều thông tin và dễ hiểu về các yếu tố văn hoá thông qua hiện vật. Tổng thống Cộng hoà Pháp Jacques Chirac từng nhận xét rằng Bảo tàng “đã biết làm nổi lên những bộ sưu tập tuyệt vời, biết làm thế nào cho người ta hiểu chúng”.
Cùng với các phần trưng bày thường xuyên, Bảo tàng quan tâm tổ chức những cuộc trưng bày chuyên đề để luôn tạo ra cái mới, tạo ra sự thay đổi bộ phận, giúp du khách luôn thu nhận những thông tin mới, tránh cảm thấy nhàm chán khi trở lại tham quan Bảo tàng. Một năm sau khi mở cửa, Bảo tàng đã có trưng bày chuyên đề đầu tiên với chủ đề Tương đồng văn hoá các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái và nhóm ngôn ngữ Nam Đảo qua nghệ thuật trang trí dân gian. Rồi những cuộc trưng bày chuyên đề khác thay nhau xuất hiện, tạo nên không khí sôi động trong Bảo tàng: Tết Trung thu - Mũ trẻ em Hmông và Dao (1999); Múa rối Sicilia (Italia) (2000); Gia phả Việt Nam (2001); Y phục cung đình Huế phục dựng (2001); Nghề sản xuất ngư cụ ở đảo Hà Nam (Quảng Ninh) (2002); Thư họa Trung Quốc (2002); Gốm của các dân tộc Chăm, Thái và Việt (2002); Những thông điệp từ cây cột lễ của người Co (2003); Cuộc sống đồng bằng sông Cửu Long: Câu chuyện của 6 cộng đồng (2004); Đồ vải của người Thái ở tiểu vùng sông Mê Công - Tiếp nối và biến đổi (2004); 100 năm đám cưới Việt Nam (2005)... Nhiều cuộc trưng bày chuyên đề nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của xã hội, đỉnh cao về phương diện này là trưng bày Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp (2006).
Ngoài trưng bày trong toà nhà Trống đồng, nội dung của Bảo tàng DTHVN càng phong phú thêm nhờ khu trưng bày ngoài trời, và đây là khu bảo tàng ngoài trời đầu tiên ở nước ta giới thiệu về các dân tộc. Khoảng 2ha được dành cho 10 công trình kiến trúc dân gian và một số hiện vật lớn đặc biệt. Đó là nhà ở của các dân tộc Tày, Dao, Hmông, Việt, Chăm, Êđê, Hà Nhì, nhà rông người Bana, nhà mồ người Giarai và Cơtu, lò rèn của người Nùng, lò đúc gang của người Hmông, cối giã gạo bằng nước của người Dao, ghe ngo của người Khơme... Mỗi ngôi nhà như một bảo tàng nhỏ, vừa giới thiệu về kiến trúc, vừa thể hiện cuộc sống, văn hoá của những cộng đồng cư dân đã sản sinh ra nó. Do đó, phần trưng bày ngoài trời giúp khách tham quan thu nhận thêm được nhiều hiểu biết sinh động. Nó có sức hấp dẫn riêng và cùng với các phần trưng bày thường xuyên trong toà nhà Trống đồng tạo nên một chỉnh thể trưng bày phản ánh bức tranh văn hoá với những sắc thái đa dạng, phong phú của các dân tộc ở Việt Nam.
Đặc biệt, việc tổ chức các chương trình trình diễn tại Bảo tàng DTHVN là một trong những điểm nổi bật nhất, mở ra một hướng hoạt động mới ở nước ta trong việc thực hiện đa dạng hoá hoạt động bảo tàng. Đây là một nhận thức mới, một quan niệm mới được áp dụng trong Bảo tàng DTHVN. Bảo tàng mời những người dân từ các làng quê, các dân tộc khác nhau tới trình diễn nghề thủ công hoặc sinh hoạt văn nghệ dân gian cổ truyền của họ. Người xem được quan sát, chiêm ngưỡng, tìm hiểu và giao lưu trực tiếp với những "nghệ nhân" đó. Tháng 9-2000, cuộc trình diễn Hát chèo tàu của xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Tây mở đầu cho dạng thức hoạt động này. Sau đó, nhiều cuộc trình diễn tiếp tục được tổ chức tại Bảo tàng và được công chúng quan tâm, được dư luận xã hội cũng như giới bảo tàng đánh giá cao: Liên hoan múa rối quốc tế (bao gồm rối que của người Tày ở làng Thẩm Rộc - Định Hoá - Thái Nguyên, rối cạn và rối nước ở Hà Tây, rối nước của đoàn Thăng Long - Hà Nội, rối của đoàn Palermo - Italia, 2000); Làm giấy dó, in tranh Đông Hồ, làm mặt nạ giấy bồi và đồ chơi đất sét (2000); Ngày văn hoá dân tộc Êđê (2000); Cách làm thổ cẩm và tạo hoa văn bằng sáp ong của người Hmông (2001); Nghề dệt vải của người Thái, Việt, Cơtu (2001); Nghệ thuật cồng chiêng Bana (2002); Kỹ thuật làm gốm Phù Lãng (người Việt, Bắc Ninh), gốm Mường Chanh (người Thái, Sơn La) và gốm Bầu Trúc (người Chăm, Ninh Thuận) (2002); mở đầu hoạt động trình diễn rối nước của 8 phường rối dân gian (2002); Nghề đan lát của người Khơmú ở Kỳ Sơn - Nghệ An (2003); Trung thu và các trò chơi dân gian của trẻ em (2003); Ngày hội rèn đúc của người Nùng, Hmông và Việt (2005)...
Bên cạnh đó, công việc của những người dân được mời đến Bảo tàng tạo dựng các công trình kiến trúc của họ trong khu trưng bày ngoài trời cũng đồng thời mang tính trình diễn, là một hoạt động nhằm giữ gìn và phát huy những kỹ thuật truyền thống. Mỗi ngôi nhà đều được lựa chọn ở một làng quê cụ thể, có địa chỉ và xuất xứ rõ ràng, rồi chính những người dân ở đó tới tái tạo cho Bảo tàng, bằng công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm của họ: Ngôi nhà người Dao được thực hiện bởi 8 người Dao đến từ tỉnh Lào Cai; nhà người Tày - 12 người Tày từ tỉnh Thái Nguyên; nhà người Chăm - 14 người Chăm từ Ninh Thuận; nhà người Êđê - 16 người Êđê từ Đắc Lắc; nhà rông Bana - 59 lượt người Bana từ Kon Tum... Mỗi công trình đều từ vài ba tuần đến mấy tháng mới hoàn thành. Du khách tới Bảo tàng vào các dịp đó có thể trực tiếp thấy tất cả, xem họ làm và giao lưu, học hỏi nhiều điều ở họ.
Với quan điểm đề cao và tôn trọng các chủ thể của văn hoá, việc đưa những người dân tới Bảo tàng trình diễn hoặc trực tiếp dựng các công trình kiến trúc rất có ý nghĩa. Họ có cơ hội tự quảng bá văn hoá của mình với đông đảo công chúng còn chưa hiểu biết hay chưa hiểu biết nhiều về họ. Nhân đó, họ tự khẳng định và hiểu thêm giá trị văn hóa mà mình đem tới Bảo tàng, nhờ vậy có tác dụng gia tăng và củng cố lòng tự tôn cũng như ý thức bình đẳng khi nhìn nhận văn hoá của cộng đồng mình. Khi trở về quê hương, họ sẽ lan tỏa tinh thần đó ra cộng đồng. Nhiều cuộc trình diễn đã gắn với hoạt động phát triển và góp phần gìn giữ hay khôi phục một số nghề cũng như một số sinh hoạt nghệ thuật dân gian bị mai một, chẳng hạn như múa rối của người Tày ở Thẩm Rộc (Định Hoá - Thái Nguyên). Những người đến xem không chỉ quan sát, mà còn được trò chuyện với các nghệ nhân và được tận tay thử điều khiển con rối theo sự hướng dẫn của nghệ nhân. Qua đó, hiểu biết mà khán giả thu nhận được sẽ phong phú hơn, có phần dễ hiểu và sâu sắc hơn, giúp họ nhìn nhận đúng đắn và biết yêu quý, trân trọng bản sắc văn hoá của các dân tộc nói chung. Thêm nữa, thông qua những hoạt động như thế, Bảo tàng DTHVN mở rộng mối liên hệ với các cộng đồng là chủ thể văn hoá, và các cộng đồng trở nên gắn bó hơn với Bảo tàng; công chúng cũng quan tâm thường xuyên hơn đến Bảo tàng, thậm chí họ chờ đợi những hoạt động mới ở Bảo tàng. Tất cả những điều đó là mới mẻ ở Việt Nam, được Bảo tàng DTHVN thể nghiệm thành công và tiếp tục theo đuổi để phục vụ công chúng tốt hơn. Cho nên, năm 2005, các phóng viên văn hoá - văn nghệ của 30 báo Trung ương và Hà Nội đã bình chọn Bảo tàng DTHVN vào danh sách 10 sự kiện văn hoá - văn nghệ tiêu biểu trong năm ở nước ta, với nhận xét: "Tròn 10 năm tuổi, Bảo tàng DTHVN trở thành điểm sáng trong hệ thống bảo tàng quốc gia với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú và hiệu quả".
Thực tế cho hay, những hoạt động này bổ ích và hiệu quả. Nó tạo sự sinh động và hấp dẫn cho Bảo tàng, vừa đáp ứng nhu cầu phong phú của công chúng hiện nay đối với Bảo tàng, vừa góp phần thiết thực vào sự nghiệp bảo tồn và phát triển vốn văn hoá cổ truyền các dân tộc. Nhờ vậy, nhiều người đã đến Bảo tàng không chỉ một lần, thậm chí trở lại đây nhiều lần.
Cũng với tinh thần tôn trọng các chủ thể văn hoá và khuyến khích họ tự giới thiệu văn hoá của cộng đồng mình, một trong những nét mới đã được Bảo tàng DTHVN áp dụng là đưa tiếng nói người dân vào trưng bày, tạo điều kiện cho họ tự giới thiệu về văn hoá và cuộc sống của mình. Các trích dẫn cụ thể từ phỏng vấn họ, có thể dưới dạng lý giải hay quan niệm, nhận xét, có thể là tâm sự, về một hiện vật hay một tập tục..., được sử dụng đúng chỗ, đúng lúc, với liều lượng thích hợp, đã làm tăng tính thuyết phục và giá trị cho trưng bày cũng như cho việc giới thiệu bằng ấn phẩm, bằng phim video.
Đối với Bảo tàng DTHVN, việc phát triển tư liệu nghe - nhìn và sử dụng các loại tư liệu này trong trưng bày là rất cần thiết. Trong đó, phim video về những sinh hoạt văn hoá và cuộc sống của các dân tộc có vị trí quan trọng. Phim dân tộc học là một đóng góp hay một thành tựu rất đáng kể của Bảo tàng DTHVN. Năm 2000, việc thực hiện thành công phim "Chuyện rối Tày làng Thẩm Rộc" được xem như thể nghiệm đầu tiên về thể loại phim dân tộc học của Bảo tàng. Sau đó, hàng loạt phim dân tộc học đã được thực hiện và sử dụng trong những trưng bày khác nhau...
Trong sự quan tâm đến công chúng nói chung, Bảo tàng DTHVN luôn coi trọng việc tìm ra những cách thức phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả phổ cập tri thức và tác dụng giáo dục đối với trẻ em. Những chương trình hoạt động giáo dục dành cho học sinh được xây dựng, gắn với các cuộc trưng bày chuyên đề và trình diễn. Một trong số sáng tạo nổi bật của Bảo tàng là, lần đầu tiên ở nước ta, tại đây đã tổ chức được hình thức phòng khám phá dành cho trẻ em. Cuối năm 2001, phòng khám phá ra đời, kích thích trẻ em ở tuổi học sinh tiểu học tham gia hoạt động theo lối học mà chơi, chơi mà học, tiếp thu một cách nhẹ nhàng những thông tin và hiểu biết về một số chủ đề cụ thể, như: sự phân bố các dân tộc ở Việt Nam, cách in tranh Đông Hồ, kỹ thuật dệt vải... Đây là sự thể nghiệm về một phương pháp giáo dục mới ở Bảo tàng DTHVN, cho thấy tính hấp dẫn và hiệu quả của phòng khám phá trong bảo tàng.
Đội ngũ cán bộ và nhân viên Bảo tàng DTHVN không chỉ từng bước trưởng thành cùng với các hoạt động sôi nổi kể trên, mà còn được chú trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cùng những kỹ năng công tác bảo tàng. Phần đông đã qua đào tạo ở bậc đại học về dân tộc học, hoặc bảo tàng học, hay ngoại ngữ, nhưng trong công tác ở Bảo tàng này hầu như mỗi người đều gặp những bất cập, nên phải vừa làm vừa học, rút kinh nghiệm không ngừng. Cũng vì vậy, vấn đề đào tạo rất được quan tâm để đáp ứng những yêu cầu cao của Bảo tàng, hiện tại cũng như tương lai. Thành công nổi bật là Bảo tàng tổ chức được nhiều đợt tập huấn, với sự tham gia của những chuyên gia Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan và chuyên gia trong nước, theo những chủ đề khác nhau, như: phương pháp nghiên cứu - sưu tầm và trưng bày, bảo quản hiện vật, sưu tầm di sản văn hoá phi vật thể, những quan niệm mới của bảo tàng học... Những chuyến tham quan nghiên cứu các bảo tàng tiên tiến ở nước ngoài, hay tham gia những cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn ở nước ngoài, cũng như các đợt cùng làm việc với chuyên gia khi đi điền dã hay tổ chức trưng bày, đều rất bổ ích, là những cơ hội quý báu để nâng cao tri thức chuyên môn, nghiệp vụ. Việc học ngoại ngữ được khuyến khích thúc đẩy, thanh niên được tạo điều kiện học tiếp để trở thành thạc sĩ và tiến sĩ, về dân tộc học / nhân học hoặc văn hoá học.
Tóm lại, hơn 17 năm qua là một chặng đường hình thành, phát triển và tự khẳng định một cách năng động của Bảo tàng DTHVN, với nhiều đóng góp có ý nghĩa không nhỏ, tạo nên uy tín rộng lớn cho Bảo tàng. "Thương hiệu" Bảo tàng DTHVN được xác lập bởi sự sáng tạo, chất lượng và thành công trong các hoạt động, với những quan niệm và những cách làm mới mẻ, hướng đến bảo tàng học tiên tiến thế giới. Đó là cơ sở để Bảo tàng có ảnh hưởng và tác động tích cực đối với xã hội nói chung, giới bảo tàng nói riêng. Phát huy khả năng chuyên môn - nghiệp vụ của mình, Bảo tàng DTHVN đã có sự giúp đỡ đối với một số bảo tàng ở nước ta, đặc biệt là đã cùng các chuyên gia Pháp tư vấn và hỗ trợ trong quá trình xây dựng Bảo tàng mới của tỉnh Đắc Lắc từ 2005 đến 2011. Vị thế của Bảo tàng DTHVN không chỉ được khẳng định trong nước, mà còn được những tổ chức quốc tế như UNESCO và tổ chức Bảo tàng quốc tế ICOM đánh giá cao. Hội đồng Văn hoá châu Á (Mỹ) từng nhận xét đây là một trong số bảo tàng dân tộc học hấp dẫn nhất / ấn tượng nhất ở khu vực châu Á.
Với những thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển, Bảo tàng DTHVN đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2000) và Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2006). Bảo tàng cũng được nhận Cờ thưởng thi đua của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (1998), Bằng khen của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (1999), Bằng khen của Chính phủ (2010).
III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TỪ NAY ĐẾN 2020
Trong bối cảnh thế giới đang phát triển mạnh mẽ về khoa học - kỹ thuật trong thế kỷ XXI, bảo tàng học và nhân học cũng có những bước tiến mới. Các bảo tàng trong nước và quốc tế đều đứng trước những thách thức, không thể không chuyển mình và vươn lên để hoà nhập với xu hướng chung đó. Đối với Bảo tàng DTHVN cũng vậy, để giữ vững vị thế của mình và tránh nguy cơ tụt hậu, Bảo tàng cần phải nỗ lực phát triển không ngừng.
Thực tế hoạt động hơn 17 năm qua cho thấy những quan niệm cơ bản và những định hướng lớn của Bảo tàng DTHVN là đúng đắn, có sức sống và tạo nên hiệu quả xã hội cao. Do đó, Bảo tàng cần tiếp tục kiên định phát triển trên cơ sở những quan niệm và định hướng đó; đồng thời, cần năng động trên cơ sở tư duy đổi mới một cách khoa học để tiếp cận và triển khai những quan niệm tiên tiến mới, tích cực tìm tòi, sáng tạo trong hoạt động để đưa Bảo tàng lên tầm cao mới. Hiện nay, việc phấn đấu lên tầm cao mới là một thách thức đang được đặt ra đối với Bảo tàng DTHVN.
Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng các hoạt động, các sản phẩm của Bảo tàng là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Chất lượng cao luôn là yếu tố then chốt tạo nên sự hấp dẫn bền vững đối với du khách, là thước đo giá trị thực của Bảo tàng. Mọi lĩnh vực công tác cụ thể của Bảo tàng đều phải chú trọng đến yêu cầu về chất lượng. Liên quan đến điều này, một trong những nhân tố có ý nghĩa tiên quyết là con người, đòi hỏi Bảo tàng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và rèn giũa về chuyên môn - nghiệp vụ, để xây dựng được đội ngũ cán bộ và nhân viên có tính chuyên nghiệp cao trong mọi lĩnh vực hoạt động của Bảo tàng: nghiên cứu, trưng bày, bảo quản, giáo dục, truyền thông, nghe - nhìn... Bảo tàng cần kịp thời quan tâm để khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng các chuyên gia về nhân học cũng như bảo tàng học, bao gồm chuyên gia theo tộc người và khu vực, chuyên gia theo từng lĩnh vực văn hoá cụ thể, chuyên gia theo chất liệu hiện vật... Có thể nói, một thách thức đối với Bảo tàng DTHVN hiện nay là làm sao để ngày càng tiếp cận và hội nhập với giới bảo tàng và nhân học tiên tiến trên thế giới, về trình độ chuyên môn - nghiệp vụ nói chung, về tính chuyên nghiệp trong các hoạt động của Bảo tàng nói riêng.
Có vượt qua được những thách thức kể trên, Bảo tàng DTHVN mới đạt tới tầm cao mới và khẳng định được vị thế mới của mình. Nếu bằng lòng với thực tại và không nỗ lực vươn lên để vượt qua "ngưỡng" đã xác lập được trước đây, Bảo tàng có thể sẽ bị tụt hậu so với không chỉ hàng ngũ bảo tàng tiên tiến trên thế giới, mà cả với những bảo tàng tiên tiến ở Việt Nam.
Trong những năm tới, cùng với việc tiếp tục duy trì và nâng cao các hoạt động có hiệu quả ở hai khu trưng bày về các dân tộc Việt Nam (trong toà Trống đồng và ở bảo tàng ngoài trời), Bảo tàng DTHVN phấn đấu tích cực để đưa toàn bộ toà Cánh diều vào hoạt động. Với toà nhà này, ngoài phần trưng bày thường xuyên về văn hoá các dân tộc Đông Nam Á được dự định khai trương cuối năm 2013, các không gian khác cũng cần sớm được sử dụng. Trong đó, nổi lên như những trọng tâm để được ưu tiên là tổ chức hoạt động cho các không gian trưng bày chuyên đề và sưu tập hiện vật, không gian hoạt động giáo dục, không gian bảo quản hiện vật và tư liệu nghe - nhìn. Nhu cầu kho bảo quản hiện đại và khoa học đã được Bảo tàng đặt ra cấp bách từ nhiều năm, cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Để phục vụ cho việc phát triển trưng bày chuyên đề cùng những hoạt động khác liên quan đến các dân tộc nước ngoài, Bảo tàng cần tăng cường và mở rộng mối quan hệ với các bảo tàng, cơ quan văn hoá và giới nghiên cứu nhân học trong khu vực, đồng thời triển khai giai đoạn sưu tầm tiếp theo về các dân tộc Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, hoạt động trưng bày và giới thiệu về các dân tộc ở Việt Nam vẫn phải là một phần quan trọng nổi bật của Bảo tàng DTHVN. Việc sưu tầm hiện vật và tư liệu nghe - nhìn về các tộc người và các nhóm địa phương cần được chú trọng, để vừa củng cố hai khu trưng bày hiện có về các dân tộc trong nước, vừa tổ chức những trưng bày chuyên đề, đồng thời cũng là bước chuẩn bị cần thiết về nội dung để tiến tới xây dựng trưng bày thay thế cho khu trưng bày thường xuyên về các dân tộc Việt Nam tại toà Trống đồng. Tính đến năm 2013, trưng bày này đã phục vụ công chúng tới 16 năm liền; tuy đã có được tu chỉnh và nâng cấp, nhưng không thể kéo dài lâu quá, chậm nhất cũng phải thay đổi vào năm 2020. Do đó, đã đến lúc Bảo tàng cần chuẩn bị một cách thực tế để xây dựng trưng bày mới cho khu trưng bày thường xuyên về các dân tộc Việt Nam tại toà nhà Trống đồng./.
Nguồn: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN