Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu hệ thống di tích thời đại Đá vùng thượng du sông Ba, tỉnh Gia Lai” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

17:00 11/06/2015
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 11 tháng 6 năm 2015, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Nghiên cứu hệ thống di tích thời đại Đá vùng thượng du sông Ba, tỉnh Gia Lai” do TS. Nguyễn Gia Đối làm chủ nhiệm, Viện Khảo cổ học là cơ quan thực hiện. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá đạt loại xuất sắc.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu

Mục tiêu của Đề tài nhằm điều tra, thám sát, xây dựng bản đồ phân bố hệ thống di tích khảo học thời đại Đá; Thu thập, hệ thống hóa toàn bộ tư liệu phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học thời đại Đá ở khu vực thượng du sông Ba thuộc tỉnh Gia Lai; Phân tích đánh giá, nghiên cứu so sánh chuyên sâu nhằm làm rõ những vấn đề cơ bản của khảo cổ học thời đại Đá ở khu vực thượng lưu sông Ba và vị trí của nó trong bối cảnh rộng hơn; Áp dụng các phương pháp tiếp cận mới trong nghiên cứu, kết hợp nghiên cứu với đào tạo cán bộ nghiên cứu trẻ thành các chuyên gia, thúc đẩy khá năng nghiên cứu chuyên sâu, chuẩn bị thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo của Viện Khảo cổ học.

Nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành điều tra, thám sát phát hiện mới trên 20 di tích thuộc thời đại Đồ đá trên địa bàn nghiên cứu; Tiến hành điền dã, thu thập thêm các nguồn tư liệu về cổ môi trường sinh thái, địa chất, địa mạo, dân tộc học. Trên các nguồn tư liệu thu thập được, Đề tài đã tiến hành phân tích, tổng hợp, thống kê, miêu tả, xác định tính chất, đặc điểm, niên đại các di tích, các sưu tập di vật; Tiến hành lấy mẫu phân tích để xác định niên đại tuyệt đối, bào tử phấn hoa, thành phần chất liệu đồ đá, đồ gốm; Xây dựng bản đồ phân bố di tích. Đề tài đã tập hợp, xây dựng các bộ hồ sơ khoa học đầy đủ, khách quan cho các di tích, sưu tập di vật thời đại Đá ở vùng thượng du sông Ba.

 Kết cấu Đề tài gồm 4 chương với các nội dung chính như sau:

Chương 1 - Tổng quan tư liệu liên quan đến các điều kiện tự nhiên và lịch sử nghiên cứu khảo cổ học tiền sử vùng thượng du sông Ba.

Chương 2 - Hệ thống các di tích, sưu tập di vật thời đại Đá vùng thượng lưu sông Ba. Cho đến nay các nhà khảo cổ học đã phát hiện được 13 di tích chứa các công cụ thời đại Đá cũ ở vùng thượng du sông Ba. Trong số này có 5 di tích ở thị xã An Khê được cho là thuộc giai đoạn sơ kỳ Đá cũ và 8 di tích ở các huyện K’Bang, Đăk Pơ và thị xã An Khê thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá cũ. Ngoài ra ở khu vực này còn phát hiện được 13 di tích thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá mới, trong đó có 8 di tích mang tính chất công xưởng chế tác rìu/bôn đá có vai bằng nguyên liệu đá opal. Có thể nói vùng thượng du sông Ba là nơi có nhiều di tồn văn hóa tiền sử đặc sắc, hứa hẹn tiềm năng to lớn cho nghiên cứu lịch sử Việt Nam và khu vực.

    Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng

Chương 3 - Phác họa diện mạo, tiến trình phát triển văn hóa, đời sống và tổ chức xã hội của cư dân thời đại Đá vùng thượng du sông Ba - Đề tài đã hệ thống hóa, xác định đặc trưng và phân kỳ các di tích thời đại Đá vùng thượng du sông Ba hiện biết với ba cơ tầng văn hóa của người tiền sử, bao gồm: sơ – trung kỳ thời đại Đá cũ, hậu kỳ Đá cũ và hậu kỳ Đá mới. Sự hiện diện của di tồn văn hóa giai đoạn sơ – trung kỳ thời đại Đá cũ ở khu vực thượng du sông Ba với kỹ nghệ rìu tay, biface cùng với các hóa thạch người vượn ở Thẩm Khuyên – Thẩm Hai đã được phát hiện ở Lạng Sơn trước đây minh chứng cho sự xuất hiện của những “người vượn đứng thẳng” (Homo erectus) đầu tiên có mặt tại Việt Nam có niên đại vào khoảng hàng chục vạn năm trước. Đây là một trong những điểm không nhiều trên thế giới phát hiện được di tồn văn hóa của người vượn tối cổ phản ánh quá trình tiến hóa, di cư của con người thời bình minh của lịch sử nhân loại .

Sau cơ tầng sơ-trung kỳ Đá cũ, ở vùng thượng du sông Ba cũng xuất hiện những di tồn văn hóa của cơ tầng hậu kỳ Đá cũ của những “người khôn ngoan” (Homo sapiens) thể hiện một giai đoạn trong tiến trình phát triển của con người và văn hóa thời tiền sử trong khu vực.

Hệ thống di tích hậu kỳ Đá mới ở thượng du sông Ba với đặc trưng là các công xưởng chế tác rìu/bôn đá có vai bằng đá opal. Nhóm cư dân này có thể là cùng chung một tổ chức bộ lạc, họ vừa làm nông nghiệp vừa làm nghề thủ công chế tác đá và hoạt động săn bắt hái lượm. Hệ thống công xưởng chế tác đá ở đây thể hiện bước đầu có sự phân công lao động xã hội và có thể đã tham gia vào mạng lưới sản xuất và trao đổi sản phẩm với các nhóm cư dân trên phạm vi rộng hơn.

Chương 4 - Nghiên cứu so sánh, tìm hiểu mối quan hệ văn hóa giữa các nhóm cư dân thời đại Đá vùng thượng lưu sông Ba với bối cảnh rộng hơn. Cho đến nay, hệ thống di tích và sưu tập di vật sơ kỳ Đá cũ ở thượng du sông Ba không tương đồng với bất cứ di tồn văn hóa nào đã biết ở Việt Nam. Nghiên cứu so sánh cho thấy hệ thống di tích, di vật này có nét gần gũi với một số di tích ở khu vực Châu Á như Bách Sắc (Trung Quốc), Chongokni (Hàn Quốc) và có thể với các địa điểm ở thung lũng Lenggong (Malaysia).

Các di tích, sưu tập di vật hậu kỳ Đá cũ ở thượng du sông Ba có nhiều nét gần gũi với kỹ nghệ Sơn Vi ở Bắc Bộ, với sưu tập Đá cũ ở lớp dưới Lung Leng (Kon Tum), với các di tích hậu kỳ Đá cũ ở Nam Trung Quốc và một số địa điểm ở Đông Nam Á lục địa.

Các di tích công xưởng chế tác rìu/bôn đá hậu kỳ Đá mới ở vùng thượng du sông Ba có những nét gần gũi với các di tích công xưởng ở phía Nam Gia Lai – Đông Đăk Lắc như Chư K’tu và Taipêr. Nhóm cư dân ở khu vực này có lẽ đã tham gia vào mạng lưới sản xuất thủ công và trao đổi sản phẩm mang tính liên vùng.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đề tài có đóng góp mới cho nghiên cứu thời đại Đá, nhất là thời đại Đá cũ Việt Nam, gợi mở nhiều vấn đề trong phương pháp tiếp cận và định hướng nghiên cứu về quá trình xuất hiện và tiến hóa của người vượn tối cổ ở Việt Nam và khu vực. Mặt khác, những phát hiện và kết quả nghiên cứu này giúp cho địa phương có cơ sở pháp lý để tiến hành quy hoạch, bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử tại địa phương.

Bên cạnh đó, Hội đồng cũng cho rằng đây mới là những kết quả bước đầu, những nhận định cũng mới chỉ mang tính chất giả thuyết, nhiều vấn đề khoa học cần phải được tiếp tục tranh luận và nghiên cứu./.

 

Nguyễn Thu Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác