Đề tài cấp Nhà nước “Các giá trị phát triển cơ bản của vùng Tây Nguyên và xác định các quan điểm, định hướng, giải pháp phát triển bền vững Tây Nguyên” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

17:00 17/10/2015
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Chiều ngày 16/10/2015, tại hội trường 3A, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước (HĐKCNCNN) đã đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Các giá trị phát triển cơ bản của vùng Tây Nguyên và xác định các quan điểm, định hướng, giải pháp phát triển bền vững Tây Nguyên”, mã số TN3/X20. Đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên 3) do GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng làm chủ nhiệm, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Phát triển, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), là cơ quan chủ trì, thực hiện trong hai năm, từ 2013 đến 2015.
Chủ nhiệm Đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng

HĐKHCNNN gồm: GS.TSKH. Lương Xuân Quỳ (Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo), Chủ tịch hội đồng; Hai ủy viên phản biện là TS. Đặng Thị Hoa (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới), Viện Hàn lâm và PGS.TS. Đoàn Minh Huấn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); Các thành viên hội đồng là TS. Hoàng Xuân Lương (Ủy ban Dân tộc), TS. Bùi Sĩ Lợi (Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội), PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm), PGS.TS. Mai Quỳnh Nam (Viện Nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm), và GS.TSKH. Phạm Hoàng Hải (Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ngoài ra, tham dự buổi nghiệm thu còn có đại diện Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ nhiệm đề tài và tập thể thành viên thực hiện đề tài.

Phần trình bày của nhóm nghiên cứu tập trung vào làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu và nội dung nghiên cứu. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Đề tài đã tập trung phân tích và làm rõ:

1. Các giá trị phát triển cơ bản của Tây Nguyên; trên cơ sở đó phân tích và đánh giá tác động của chúng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên qua 25 năm đổi mới trên quan điểm phát triển bền vững.

2. Khảo sát tổng thể về sự biến đổi các giá trị phát triển cơ bản của Tây Nguyên qua 25 năm đổi mới; dự báo triển vọng phát triển và nhận diện các giá trị phát triển cơ bản mới của Tây Nguyên.

3. Xác định các quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030, dựa trên các giá trị phát triển cơ bản.

Nội dung nghiên cứu của Đề tài được trình bày trong 5 chương. Chương 1: Cơ sở lý thuyết về vai trò của các giá trị phát triển cơ bản đối với phát triển bền vững vùng; Chương 2: Cơ sở thực tiễn về vai trò của các giá trị phát triển cơ bản đối với phát triển bền vững vùng; Chương 3: Tác động của các giá trị phát triển cơ bản đối với sự phát triển vùng Tây Nguyên từ 1986 đến nay; Chương 4: Sự biến đổi các giá trị phát triển cơ bản từ 1986 đến nay và nhận diện các giá trị phát triển cơ bản mới ở vùng Tây Nguyên giai đoạn đến 2020 và tầm nhìn 2030; Chương 5: Quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn đến 2020 và tầm nhìn 2030.

  Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Từ kết quả nghiên cứu, các tác giả cho rằng: (1) Sự phát triển chưa phát huy đúng mức các thế mạnh và bản sắc của các địa phương nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung; (2) Quá trình phát triển của vùng Tây Nguyên đã dẫn đến những hệ lụy liên quan đến sự suy thoái về tài nguyên, môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn xã hội; (3) Cần sự tái định hình hệ giá trị phát cơ bản cho vùng Tây Nguyên trong giai đoạn mới, phù hợp với đặc thù của vùng, chiến lược phát triển của quốc gia và đáp ứng được các yêu cầu của quá trình hội nhập; (4) Tất cả các quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển vùng phải được hoạch định và triển khai trên cơ sở hệ giá trị đó, để Tây Nguyên vừa giữ được các nét đặc sắc vốn có, vừa phát huy được các lợi thế, và tham gia chủ động và tích cực vào quá trình phát triển của quốc gia, và hội nhập quốc tế; và (5) Phải có sự phù hợp, đồng bộ giữa các phương hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển bền vững vùng trong triển khai và có được sự đồng thuận, thống nhất giữa phương tiện và cứu cánh; đồng thời, trong mỗi khoảng thời gian nhất định, cần có các phương hướng và giải pháp ưu tiên cho một loại giá trị nhất định trong hệ giá trị tổng thể về kinh tế, xã hội, văn hóa, tài nguyên - môi trường và an ninh – quốc phòng.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Hội đồng nghiệm thu khẳng định Đề tài đã: (1) Làm sáng tỏ và quan trọng hơn là đóng góp cho sự phát triển về lý thuyết giá trị phát triển cơ bản vùng trên các khía cạnh (kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, vị trí địa lý); (2) Xác định được giá trị cơ bản phát triển của Tây Nguyên và chỉ ra quá trình biến đổi những giá trị ấy; đồng thời dự báo các nhân tố làm biến đổi của các giá trị phát triển cơ bản vùng Tây Nguyên; (3) Đề xuất các quan điểm, định hướng và giải pháp khai thác, giữ gìn, phát huy các giá trị phát triển cơ bản vùng với mục tiêu phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.

Đề tài được Hội đồng xếp loại Xuất sắc. Các kết quả nghiên cứu của Đề tài cùng các giải pháp đưa ra có tính cụ thể, toàn diện, khả thi góp phẩn hoạch định và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên trong tương lai.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác