Mục tiêu tổng quát của đề tài là nghiên cứu bất bình đẳng về mức sống ở nông thôn Việt Nam qua sử dụng và quản lý đất đai trong thời kỳ đổi mới (1992-2012). Trên cơ sở đó, đề xuất những khuyến nghị và giải pháp nhằm giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu và nâng cao mức sống ở nông thôn qua sử dụng và quản lý đất đai.
Mục tiêu cụ thể là nghiên cứu thực trạng và xu hướng biến đổi bất bình đẳng về mức sống ở khu vực nông thôn qua 20 năm (1992-2012); Nghiên cứu sự quản lý và sử dụng nguồn lực đất đai của hộ gia đình nông thôn có mối liên hệ hoặc ảnh hưởng đến mức sống và bất bình đẳng về mức sống ở khu vực nông thôn Việt Nam.
Nội dung chính của đề tài là nghiên cứu bất bình đẳng về mức sống ở nông thôn Việt Nam qua sử dụng và quản lý đất đai trong 20 năm (1992-2012) thời kỳ đổi mới. Tức là, nghiên cứu mối quan hệ giữa đất đai và mức sống dân cư như thế nào? Nói cách khác, giữa nguồn lực đất đai và mức sống của hộ gia đình có liên quan với nhau ra sao? Đất đai có ảnh hưởng đến mức sống như thế nào? Phương pháp chủ yếu nghiên cứu nội dung này là phân tích và xử lý sâu các cuộc Điều tra mức sống dân cư Việt Nam (VHLSS) từ năm 1992 đến năm 2012 ở khu vực nông thôn cả nước.
Kết cấu Đề tài gồm 5 phần với các nội dung chính như sau:
Phần 1: Khung lý thuyết và phương pháp nghiên cứu. Phần này đề tài làm rõ ý tưởng nghiên cứu, các khái niệm, định nghĩa và phương pháp tính toán: Mức sống và bất bình đẳng mức sống được đo lường qua những chỉ báo cụ thể nào; Các nhóm hộ nghề nghiệp của hộ gia đình; Sử dụng và quản lý đất đai được đo lường qua những chỉ báo cụ thể nào; Một số khái niệm khác.
Phần 2: Thực trạng bất bình đẳng về mức sống (1992-2012). Đề tài tập trung tìm hiểu thực trạng và xu hướng biến đổi về bất bình đẳng mức sống qua 20 năm (1992-2012) trong thời kỳ đổi mới theo các nội dung cụ thể: Bất bình đẳng về tổng thu nhập (hoặc tổng chi tiêu); Bất bình đẳng về chi tiêu ngoài ăn uống; Bất bình đẳng về chi tiêu y tế và chăm sóc sức khỏe; Bất bình đẳng về giá trị chỗ ở.
Phần 3: Thực trạng về sử dụng nguồn lực đất nông nghiệp (1992-2012). Đề tài tập trung tìm hiểu diện tích đất nông nghiệp của các hộ gia đình, tỉ lệ các hộ không đất sản xuất, xu hướng tập trung, tích tụ đất nông nghiệp và kết quả thu nhập trên diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình nông thôn.
Phần 4: Sử dụng nguồn lực đất nông nghiệp ở các nhóm hộ giàu nghèo. Đề tài đã tập trung tìm hiểu diện tích và kết quả thu nhập từ nguồn lực đất nông nghiệp ở các nhóm hộ giàu nghèo; Một số nhân tố tác động đến nghèo đói và giàu có, và nâng cao mức sống cho hộ gia đình nông thôn. Trong đó, nguồn lực đất nông nghiệp có mối liên hệ và ảnh hưởng đến mức sống, bất bình đẳng về mức sống như thế nào.
Phần 5: Kết luận và khuyến nghị.
Những phát hiện chính của đề tài có thể khái quát như sau:
(1) Quá trình bất bình đẳng tăng lên ở Việt Nam (cũng như khu vực nông thôn) đã thể hiện thành sự phân cực xã hội. Một cực là nhóm giàu có mức sống cao nhất, cực kia là các nhóm còn lại (trong đó nhóm nghèo là thấp nhất). Có thể nhận định rằng, sự bất bình đẳng hiện nay ở Việt Nam có xu hướng phân hóa thành hai cực (tương phản) giàu nghèo về mức sống (sự phân cực về mức sống).
(2) Tình trạng hộ gia đình không đất nông nghiệp có xu hướng gia tăng trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam. Trong đó, nông thôn các tỉnh Miền Nam có tỉ lệ hộ không đất nông nghiệp nhiều hơn các tỉnh Miền Bắc. Tỉ lệ các hộ gia đình không đất nông nghiệp có xu hướng tăng lên chứng tỏ đất nông nghiệp sẽ được tích tụ, tập trung vào những hộ gia đình khác. Như vậy, có một quá trình tích tụ đất nông nghiệp đang diễn ra chậm chạp ở nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đây là xu hướng tốt để phát triển sản xuất nông nghiệp (SXNN).
(3) Trong ba loại đất SXNN, đất lâm nghiệp và đất thủy sản thì nhóm hộ giàu quản lý và sử dụng nhiều hơn nguồn lực đất đai có khả năng sinh lời cao (đất SXNN và đất thủy sản), còn nhóm hộ nghèo quản lý và sử dụng nhiều hơn nguồn lực đất lâm nghiệp sinh lời thấp. Tức là, đất có khả năng sinh lời cao (đất SXNN và đất thủy sản) thường tập trung nhiều hơn vào hộ giàu, còn đất rừng ít có khả năng sinh lời thì lại tập trung ở hộ nghèo nhiều hơn. Như vậy, có sự phân bố khác nhau về nguồn lực đất nông nghiệp giữa hộ giàu (có nhiều đất SXNN) và hộ nghèo (có ít đất SXNN). Đồng thời, kết quả nghiên cứu của đề tài cũng cho thấy, nhóm hộ giàu đã sử dụng và khai thác đất SXNN đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, còn nhóm hộ nghèo là thấp nhất. Từ đây dẫn đến kết luận rằng, có sự quản lý và sử dụng khác nhau về nguồn lực đất nông nghiệp giữa hộ giàu và hộ nghèo. Kết quả này là đại diện cho nông thôn cả nước trong nhiều năm thời kỳ đổi mới.
(4) Nhìn theo cả giai đoạn 20 năm (1992-2012), nhân tố đất SXNN luôn có tác động làm giảm hộ nghèo và tăng hộ giàu, và nâng cao mức sống cho hộ gia đình nông thôn nhưng không nhiều so với các nhân tố ngoài đất nông nghiệp. Thu nhập từ đất SXNN chiếm tỉ lệ trung bình là 33,9% trong tổng thu nhập của hộ gia đình ở nông thôn (2004-2012) và tỉ lệ này ngày càng nhỏ dần trong tổng thu nhập của hộ gia đình từ năm 2004 đến 2012. Trong đó, thu nhập từ đất SXNN của nhóm hộ nghèo chiếm tỉ lệ 45,7% trên tổng thu nhập và nhóm hộ giàu với con số tương ứng là 25,5%. Trong khi đó, các nhân tố ngoài đất nông nghiệp thể hiện sự tác động nhiều hơn cả (so với tác động của đất SXNN).
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn cũng như có những đóng góp mới cho nghiên cứu về bất bình đẳng ở Việt Nam hiện nay./.
Nguyễn Thu Hà