Đề tài cấp Bộ “Khảo sát, sưu tầm, tuyển dịch và bước đầu nghiên cứu đánh giá giá trị di sản mộc bản tại địa bàn Hà Nam, Nam Định và một số điểm bổ sung ở Hà Nội”, nghiệm thu đạt loại xuất sắc

17:00 22/01/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Chiều ngày 22/01/2021, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Khảo sát, sưu tầm, tuyển dịch và bước đầu nghiên cứu đánh giá giá trị di sản mộc bản tại địa bàn Hà Nam, Nam Định và một số điểm bổ sung ở Hà Nội” do PGS.TS. Nguyễn Công Việt làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm là cơ quan chủ trì, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.
GS.TS. Hồ Sĩ Quý, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài phát biểu <br> PGS.TS. Nguyễn Công Việt trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu

Mộc bản là tư liệu hiện vật mang nét đặc thù, đó là các ván khắc âm bản là công cụ tạo tác in ấn ra loại hình tư liệu thư tịch sách in từ Kinh điển Phật- Đạo đến chính sử và văn hóa dân gian. Nó chứa đựng nhiều giá trị quý khiến cho công tác sưu tầm và bước đầu nghiên cứu cần có cách tiếp cận đa chiều.

Sự phát triển văn hóa ở Việt Nam đã để lại rất nhiều di sản văn hiến- văn vật quý giá. Trong đó, phải kể đến các kho mộc bản Hán Nôm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, văn hóa Nho giáo, văn hóa Phật giáo, văn hóa Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian. v.v…

Các kho ván có giá trị tại Hà Nam, Nam Định và Hà Nội hiện đang được tàng trữ tại một số cơ sở tàng bản như chùa Tế Xuyên, Hà Nam, đền Hướng Thiện, chùa Cốc tại Nam Định và một số di tích tại Hà Nội…Đây là các trung tâm văn hóa của đồng bằng Bắc bộ xưa vừa giữ chức năng là nơi đào tạo tri thức văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán vừa là những nhà xuất bản, tàng trữ thư tịch và ván khắc, phục vụ cho việc truyền bá giảng dạy văn hóa và lịch sử truyền thống của người Việt.

Nội dung của các mộc bản Hán Nôm ở các tàng bản tại Hà Nam, Nam Định khá đa dạng. Bên cạnh các bộ sách lớn và tiêu biểu của Phật giáo, Đạo giáo, văn hóa dân gian, các kho ván này còn bảo tồn khá nhiều các ván khắc có liên quan đến các hiên vật đặc trưng của văn hóa truyền thống Việt Nam như bộ ván lục thù hải hội, tranh thập vật, tranh xã hội…. Với những giá trị nổi bật, các kho lưu trữ mộc bản tại Hà Nam, Nam Định và một số điểm tại Hà Nội là những kho tàng văn hóa truyền thống rất cần được tập trung nghiên cứu và bảo tồn.

Trong những năm qua, đã có một số nhà nghiên cứu quan tâm khảo sát, viết bài giới thiệu. Tuy nhiên, để có được một sự hiểu biết tổng hợp hơn, nhiều chiều hơn, đa ngành hơn, chúng ta cần có những xem xét cơ bản và tổng thể đối với các kho di sản mộc bản trên địa bàn Hà Nam, Nam Định và còn một số điểm tại Hà Nội, đây là vấn đề cấp thiết đang được đặt ra đối với giới khoa học.

Các cơ sở lưu trữ (tàng bản) mộc bản Hán Nôm có vai trò, chức năng quan trọng trong đời sống và trong văn hóa truyền thống của người Việt. Nơi đây là xưởng chế tạo ra hiện vật (mộc bản), là nơi biên soạn, in ấn, lưu trữ hiện vật giống như các bảo tàng, và cũng là nơi lưu trữ thư tịch (bản in) của mộc bản. Đây cũng là không gian văn hóa, không gian sinh hoạt tín ngưỡng, mang tính tâm linh, là không gian diễn xướng văn hóa cổ truyền của người Việt,… Các kho mộc bản cổ như vậy có nhiều chức năng, và đó là những nơi lưu trữ của văn hóa truyền thống Việt Nam.

Vì vậy, có thể thấy đề tài: “Khảo sát, sưu tầm, tuyển dịch và bước đầu đánh giá giá trị di sản mộc bản Hán Nôm tại địa bàn tỉnh Hà Nam, Nam Định và một số điểm bổ sung ở Hà Nội” có tính cấp thiết, có ý nghĩa cả về phương diện khoa học lẫn thực tiễn. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở hai chương:

Chương 1: Hiện trạng mộc bản tại các kho lưu trữ. Trong chương này, các tác giả đã khái quát chung về mộc bản trong di tích lịch sử ở Nam Định và Hà Nam cũng như mộc bản ở một số di tích bổ sung ở Hà Nội; Hiện trạng mộc bản tại các cơ sở lưu trữ như kho lưu trữ tại chùa Tế Xuyên (Bảo Khám tự), kho lưu trữ tại đền Hướng Thiện và kho lưu trữ mộc bản tại bảo tàng Hà Nội; Định hướng bảo tồn, khai thác phát huy giá trị mộc bản…

Chương 2: Đánh giá giá trị mộc bản. Chương này các tác giả tập trung vào việc tìm hiểu, đánh giá mộc bản trong di tích lịch sử ở các tỉnh, thành.

Đối với mộc bản trong di tích lịch sử ở Nam Định có đánh giá về tín ngưỡng dân gian trong di tích chùa, tín ngưỡng dân gian trong di tích phủ và tín ngưỡng dân gian trong di tích đền.

Đối với di tích lịch sử ở Hà Nam có xem xét đánh giá với mộc bản Phật giáo ở Bảo Khám tự, mộc bản chùa Bảo Khám và kết quả in dập, xem xét một số bản in mộc bản ở chùa Bảo Khám và sách in hiện còn. Từ các kết quả thu được, bản in mộc bản cho thông tin về các vị sư tổ tại chùa Bảo Khám và Phật giáo Hà Nam.

Đối với mộc bản ở một số di tích tại Hà Nội, nhóm tác giả cũng tiến hành đánh giá mộc bản Phật giáo ở chùa Quán Sứ và mộc bản hiện tàng trữ ở Bảo tàng Hà Nội.

Qua phân tích, các tác giả nhận thấy, từ đạo giáo đến tín ngưỡng dân gian- thiện đàn mộc bản Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, có dấu tích đạo giáo qua các đạo quán, đền khu vực Hà Nội, Nam Định, Hà Nam. Cơ sở tàng bản mộc bản khu vực Hà Nội, Nam Định, Hà Nam và vùng phụ cận phản ánh tín ngưỡng dân gian với sự phát triển của Hội thiện đàn. Tín ngưỡng dân gian thiện đàn với một số đặc điểm, giá trị của sách in mộc bản…

Quang cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài

Số lượng thác bản mộc bản được in rập từ các di tích ở Nam Định, Hà Nam và điểm bổ sung ở Hà Nội đã làm tăng thêm cho kho lưu trữ thác bản văn khắc lên nhiều. Trên cơ sở đó trong tương lai có thể chọn lọc và đóng thành sách để tăng cường bổ sung cho kho tài liệu thư tịch Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nội dung của bản in mộc bản khá phong phú về Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Thiện đàn. Nó sẽ góp phần bổ sung thêm mảng sách in của kho bảo quản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong đó có những sách, văn bản in mới, những bản trùng san, tục biên cung cấp dị bản trong đối chiếu nghiên cứu sau này. Giá trị nội dung bản in mộc bản bên cạnh các bộ kinh điển Phật- Đạo là sự thể hiện giá trị về tín ngưỡng dân gian Việt Nam nói chung và Thiện đàn nói riêng. Thiện đàn cũng là tín ngưỡng dân gian của tộc Việt mang tính đa thần, nó không chỉ biểu hiện ở số lượng lớn là các vị thần mà điều quan trọng là các vị thần ấy cùng đồng hành trong tâm thức của người Việt. Thiện đàn bên cạnh mục đích giáo dục về tư tưởng, đạo đức cho con người sống thiện, hành thiện, nó còn thể hiện tinh thần dân tộc, yêu nước thương nòi, chấn hưng văn hóa...

Khai thác giá trị di sản tư liệu hiện vật mộc bản cũng như giá trị nội dung của loại hình mộc bản trên nhiều lĩnh vực, thể hiện được mặt ứng dụng của loại hình mộc bản trong đời sống văn hóa xã hội đương đại như: Giới thiệu rộng rãi cho quảng đại quần chúng về ý nghĩa và giá trị nội dung tốt đẹp của loại hình này trong giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, tôn vinh gương anh hung, sống theo nguyên lý Chân- Thiện của Phật- Đạo, tu dưỡng đạo đức, duy trì đao đức xã hội; Xây dựng mô hình triển lãm, trưng bày di sản mộc bản dưới nhiều hình thức văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng dân gian, áp dụng trong các di tích lịch sử, cơ quan bảo tàng văn hóa nghệ thuật, góp phần đáp ứng nhu cầu về tham quan, du lịch, lễ hội truyền thống ở các địa phương; Xây dựng thiết kế chế tác sản phẩm văn hóa nghệ thuật từ mộc bản với các chất liệu khác nhau, nội dung thể hiện khác nhau dạng cát ngữ, tranh dân gian, đồ lưu niệm, logo biểu trưng; Xây dựng kịch bản, đạo diễn phim tư liệu, truyền hình về chủ đề này…

Đề tài cũng đã có những đóng góp mới về nội dung khoa học và giá trị thực tiễn, góp phần trong nghiên cứu khai thác dưới góc độ văn khắc Hán Nôm Việt Nam, mỹ thuật khắc gỗ âm bản Việt Nam thời Trung đại; nghiên cứu mảng văn hóa phi vật thể với lễ hội truyền thống, nghi thức hành lễ, diễn xướng, ca vũ nhạc dân gian cổ truyền. Các kết quả nghiên cứu của đề tài có thể ứng dụng trong thực tiễn khác như tư vấn chính sách, áp dụng cho giảng dạy... Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.  

PV.

In trang Chia sẻ

Tin khác