Trong các cấu phần làm nên hệ thống ngôn ngữ, ngữ pháp bao giờ cũng chiếm vai trò trung tâm, bởi lẽ ngôn ngữ là công cụ quan trọng nhất để giao tiếp và biểu đạt tư duy, và cái đơn vị cơ sở, đơn vị hạt nhân để thực thiện chức năng giao tiếp và biểu đạt tư duy ấy chính là câu nói. Theo cách hiểu giản dị nhất, cú pháp của một ngôn ngữ là phép dùng từ để tạo nên các đơn vị lớn hơn thực hiện chức năng giao tiếp, đó là các cụm từ và câu. Tuy nhiên, do đặc điểm loại hình của tiếng Việt, các từ loại chỉ bộc lộ đặc điểm ngữ pháp chủ yếu qua khả năng kết hợp, vì thế phần cụm từ có thể được xem xét trong khuôn khổ từ pháp học.
Quang cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài
Trên cơ sở những vấn đề mà ngữ pháp tiếng Việt đặt ra cũng như những bất cập trong các sách ngữ pháp tiếng Việt hiện nay, đề tài “Xác lập cơ sở lý thuyết cho việc biên soạn cú pháp tiếng Việt” được thực hiện, nhằm hướng đến xác lập cơ sở lí thuyết phù hợp cho việc miêu tả ngữ pháp tiếng Việt, tập trung vào phần cú pháp của một ngôn ngữ đơn lập, không biến đổi hình thái điển hình. Cơ sở lý thuyết này sẽ là nền tảng để biên soạn một cuốn Cú pháp tiếng Việt mới, phù hợp với đặc điểm loại hình tiếng Việt và phản ảnh những thành tựu lí luận hiện đại về ngữ pháp nói chung và cú pháp nói riêng. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở năm chương như sau:
Chương 1: Những đặc điểm loại hình của tiếng Việt chi phối đến cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt, chương này trình bày một cách cơ bản đặc điểm ngữ pháp và ngữ nghĩa của TIẾNG với tư cách là hình vị hay đơn vị ngữ pháp nhỏ nhất của tiếng Việt. Có thể nói, đặc điểm cơ bản của TIẾNG đã quyết định toàn bộ cơ cấu ngữ pháp của tiếng Việt.
Chương 2: Những vấn đề lí luận của lịch sử nghiên cứu cú pháp tiếng Việt. Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, mà trọng tâm là cú pháp tiếng Việt, đã có một lịch sử lâu dài. Nếu nhìn lại lịch sử nghiên cứu cú pháp tiếng Việt gắn với các vấn đề lí thuyết, có thể nói hầu như tất cả những lí thuyết cú pháp quan trọng của thế giới, thông qua những con đường khác nhau, đều đã có ảnh hưởng đến việc nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt ở một mức độ nào đó. Đối với tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập, phân tích tính điển hình, càng ngày nhà nghiên cứu càng thiên về đường hướng miêu tả cú pháp tiếng Việt theo hướng chức năng và ngữ nghĩa, tức không quá thiên về hình thức trong các giải pháp của mình. Trong khoảng mươi năm gần đây, đã có thêm những cố gắng miêu tả cú pháp tiếng Việt theo con đường ngôn ngữ học tri nhận.
Chương 3: Vấn đề trật tự từ trong câu tiếng Việt, nhìn từ quan điểm truyền thống và quan điểm của ngữ pháp chức năng và ngôn ngữ học tri nhận. Trong Chương 3, bên cạnh sự quan tâm của ngữ pháp truyền thống đối với trật tự từ trong tiếng Việt, đề tài đã trình bày một số khía cạnh của trật tự từ theo ngữ pháp chức năng hệ thống (trật tự tự như phương thức biểu đạt tình thái và ngữ pháp hóa) và ngôn ngữ học tri nhận (trật tự từ và các quá trình ý niệm hóa), khẳng định góc nhìn mới mẻ mà hai lí thuyết này đóng góp vào việc nghiên cứu trật tự từ trong tiếng Việt.
Chương 4: Vấn đề vai trò hư từ trong câu tiếng Việt, nhìn từ quan điểm truyền thống, quan điểm của ngữ pháp chức năng và ngôn ngữ học tri nhận.
Hư từ là một hệ thống kín, có số lượng không nhiều (nếu so với thực từ) nhưng có nhiều loại, chức năng hết sức đa dạng. Tiếng Việt được coi là một ngôn ngữ mang tính phân tích rất cao, vì thế hư từ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong cơ cấu của ngữ pháp tiếng Việt. Ngữ pháp chức năng và ngôn ngữ học tri nhận, trong định hướng vươn đến thỏa đáng giải thích, đã cung cấp cái nhìn bổ sung rất mới mẻ, để nhà nghiên cứu có thể phân tích và miêu tả sự đóng góp của hư từ vào ngữ nghĩa của câu.
Chương 5: Vấn đề về các bình diện nghiên cứu của câu tiếng Việt, nhìn từ quan điểm truyền thống, quan điểm của ngữ pháp chức năng và ngôn ngữ học tri nhận.
Ngữ pháp truyền thống quan tâm trước hết đến bình diện cấu trúc (hình thức) của câu. Theo quan niệm của ngữ pháp truyền thống, tổ chức của câu được miêu tả thông qua hệ thống thành phần câu, gồm có những nhãn hiệu rất quen thuộc như chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ, trạng ngữ... các thành phần này trước hết được nhận diện bởi các dấu hiệu hình thức.
Chức năng ngữ nghĩa được gán cho các tham thể tham gia vào sự tình của câu, đó là những chức năng như tác thể, bị thể, tiếp thể, nghiệm thể, thời gian... Chức năng cú pháp giúp xác định các phối cảnh biểu đạt của câu, quan trọng nhất là gán định vai Chủ ngữ và Bổ ngữ, như có thể thấy qua sự khác biệt về hình thức giữa câu chủ động và câu bị động tương ứng.
Ngữ pháp tri nhận cho rằng câu là một đơn vị biểu trưng mang tính có lí do hay tính phỏng hình, theo đó không chỉ các từ ngữ được dùng trong câu mang lại ngữ cho câu, mà bản thân cấu trúc của câu cũng mang nghĩa. Ngôn ngữ học tri nhận đã xây dựng một hệ thống khái niệm để lí giải cấu trúc cú pháp của câu nhìn từ góc độ cấu trúc ý niệm.
Để lí giải nòng cốt câu từ góc độ cấu trúc ý niệm, ngữ pháp tri nhận cho rằng mỗi tình huống đều có một cấu trúc ý niệm. Có những thực thể ý niệm đảm nhận những vai cụ thể trong cấu trúc ý niệm này, đó là các vai nghĩa. Với khái niệm “neo kết”, ngữ pháp tri nhận lí giải trạng ngữ, định ngữ câu, tình thái ngữ như là các HÌNH, được neo vào chu cảnh, tình thái (nhận thức và đạo nghĩa) và mục đích phát ngôn.
Ở Việt Nam, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt luôn được Đảng và Nhà nước coi là vấn đề quan trọng trong chính sách văn hóa-giáo dục. Tuy nhiên, để tránh thái độ cực đoan, nhân danh giữ gìn sự trong sáng mà khước từ mọi thay đổi, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cần được đặt song song với sự phát triển của tiếng Việt. Tiếng Việt, cũng như mọi ngôn ngữ khác, phải phát triển như một tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu diễn đạt ngày càng phong phú của xã hội không ngừng phát triển, gắn với nhận thức của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ không ngừng phát triển. Ngữ pháp chức năng sẽ giúp làm rõ hơn các bình diện nghiên cứu của câu, khai thác sâu và lí giải thuyết phục bình diện nghĩa liên nhân, trong đó có những vấn đề về tình thái. Ngôn ngữ học tri nhận sẽ cung cấp bộ khái niệm để giúp nhìn thấy cấu trúc ý niệm đàng sau cấu trúc cú pháp của câu, xử lí nhiều vấn đề về trật tự từ và hư từ.
Đề tài “Xác lập cơ sở lý thuyết cho việc biên soạn cú pháp tiếng Việt” là chủ đề nghiên cứu có ý nghĩa. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về mặt lý luận, thực tiễn. Qua đó có thể làm tài liệu tham khảo, cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và giảng dạy. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.
PV.