Đề tài cấp Quốc gia “Bản sắc con người Tây Nam Bộ trong bối cảnh phát triển mới” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

17:00 26/04/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 27/04/2021, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài cấp Quốc gia “Bản sắc con người Tây Nam Bộ trong bối cảnh phát triển mới” do PGS.TS. Lã Thị Thu Thủy làm chủ nhiệm, Viện Tâm lý học là cơ quan chủ trì, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.

Bản sắc con người Tây Nam Bộ dưới tác động của bối cảnh phát triển mới được tìm hiểu là những nét đăc trưng tâm lý - văn hóa chung của cộng đồng người dân nơi đây, thể hiện quan hệ giá trị, chuẩn mực, lối sống, tính cách, cách ứng xử của họ trong môi trường tự nhiên, trong lao động, trong mối quan hệ xã hội và trong quan hệ với bản thân, hướng tới tăng trưởng kinh tế một cách bền vững trước những thách thức của bối cảnh mới…

PGS.TS. Lã Thị Thu Thủy trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội đồng

Phát biểu tại buổi nghiệm thu PGS.TS. Lã Thị Thu Thủy cho biết: Về mặt lý luận và thực tiễn đề tài đã nhận diện được bản sắc con người Tây Nam Bộ dưới góc nhìn của người miền Tây; bản sắc con người Tây Nam Bộ trong quan hệ với quốc gia - dân tộc Việt Nam; bản sắc con người Tây Nam Bộ trong quan hệ tôn giáo; bản sắc con người kinh tế của cư dân Tây Nam Bộ; bản sắc con người môi trường của cư dân Tây Nam Bộ; bản sắc con người Tây Nam Bộ trong đời sống cá nhân; tính thống nhất và đa dạng trong bản bản sắc con người Tây Nam Bộ.

Thông qua 9 nội dung được nghiên cứu bao gồm: (1). Khung phân tích lý luận về bản sắc con người trong phát triển bền vững dưới tác động của bối cảnh mới; (2). Kinh nghiệm của một số nước về phát huy bản sắc con người trong phát triển bền vững và những bài học; (3). Thực trạng bản sắc con người Tây Nam Bộ trong giai đoạn hiện nay; (4). Thể hiện bản sắc con người ở các nhóm với đặc trưng văn hóa - xã hội khác nhau; (5). Vai trò của các yếu tố địa lý, văn hóa, xã hội và kinh tế trong sự hình thành và thay đổi bản sắc con người Tây Nam Bộ; (6). Tác động của bản sắc con người Tây Nam Bộ đến phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2011 đến nay; (7). Sự đa dạng và thống nhất của bản sắc con người Tây Nam Bộ trong bối cảnh phát triển mới; (8). Phát huy bản sắc con người Tây Nam Bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng theo hướng bền vững trong bối cảnh mới; (9). Đề xuất các giải pháp phát huy vai trò tích cực của bản sắc con người Tây Nam Bộ trong phát triển bền vững vùng. Đề tài đã làm rõ được những nội dung nghiên cứu có giá trị lý luận và thực tiễn cao, đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của khu vực Tây Nam Bộ cả về góc độ lý luận, kinh tế và xã hội.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, đặc biệt là tính mới của công trình nghiên cứu. Tổng quan được một số công trình nghiên cứu có liên quan đến bản sắc con người, bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc nói chung và của người dân Tây Nam Bộ nói riêng. Xem xét được các kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan và Malaysia trong việc phát huy bản sắc con người, bản sắc văn hóa và bản sắc dân tộc. Đặc biệt là làm rõ được khung lý luận nghiên cứu bao gồm các tổng luận lý thuyết nghiên cứu, luận bàn về bản sắc, hình thành được khái niệm về bản sắc con người Tây Nam Bộ và xác định được một số yếu tố góp phần hình thành bản sắc con người Tây Nam Bộ, nêu rõ được quan được quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững.

PGS. TS. Lã Thị Thu Thủy (thứ 6 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng nghiệm thu và đại biểu tham dự

Thông qua các vấn đề nghiên cứu liên quan đề tài đã nêu ra được các nhóm giải pháp nhằm phát huy vai trò tích cực của bản sắc con người Tây Nam Bộ bao gồm: Nhóm giải pháp nhằm tích cực hóa mối quan hệ xã hội của người dân Tây Nam Bộ hướng đến phát triển bền vững; Nhóm giải pháp phát huy bản sắc con người kinh tế, con người môi trường và con người trong đời sống cá nhân của người dân Tây Nam Bộ hướng đến phát triển bền vững..

Đây là cơ sở để khẳng định, kết quả nghiên cứu của Đề tài đã góp phần gợi mở các hướng phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ theo hướng tăng cường kết nối và hội nhập kinh tế quốc tế. Trở thành tài liệu tham khảo hữu ích để các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang và Cà Mau có thể áp dụng khi xây dựng các chính sách phát triển kinh tế địa phương dựa trên bản sắc con người...

Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.  

Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác