Toàn cảnh buổi Nghiệm thu
|
Đề tài nghiên cứu sâu một số vấn đề cơ bản có tính thời sự hiện nay trong từ vựng – ngữ nghĩa học tiếng Việt cần phải được nhận thức lại trên cơ sở quan điểm tiếp cận của lí thuyết ngôn ngữ học hiện đại, phương pháp giải quyết mới, để từ đó có thể vận dụng vào giải quyết các vấn đề ngôn ngữ học đang đặt ra trong thực tế nước ta hiện nay.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được trình bày trong 12 chương với những nội dung chính như sau:
Chương 1 - Mấy vấn đề lí luận về nhận thức và bản thể trong nghiên cứu khoa học. Chương này làm rõ các khái niệm: "nhận thức" và "bản thể", chỉ ra sự cần thiết phải phân biệt rạch ròi hai bình diện nhận thức và bản thể trong nghiên cứu khoa học, phân tích những sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng do lẫn lộn hai bình diện này qua sự phân tích đánh giá một số vấn đề tiêu biểu trong nghiên cứu ngôn ngữ học, như: nguyên lí tính võ đoán của tín hiệu ngôn ngữ, mối quan hệ giữa tính hình tuyến và tính chất tâm lí của tín hiệu ngôn ngữ, cấu trúc nghĩa của từ, vấn đề chuẩn và chuẩn hóa ngôn ngữ, v.v... từ đó vận dụng vào giải quyết một số vấn đề từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt.
Chương 2 - Lí thuyết ngôn ngữ học tri nhận và Lí thuyết điển mẫu. Đề tài trình bày một số vấn đề cơ bản của ngôn ngữ học tri nhận nói chung, trong đó có lí thuyết điển mẫu nói riêng, để làm cơ sở lí luận giải quyết một số vấn đề từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt.
Chương 3 - Ngôn ngữ học tâm lí với vấn đề nghĩa của từ. Nghĩa của từ là một hiện tượng tâm lí. Do vậy ngôn ngữ học tâm lí đã rất quan tâm nghiên cứu hiện tượng nghĩa của từ. Vấn đề ngữ nghĩa giữ một vị trí quan trọng trong các công trình nghiên cứu ngôn ngữ học tâm lí hiện đại. Nghĩa của từ đã được coi là thông tin mà từ truyền đạt trong lời nói thông qua cái biểu hiện bằng âm thanh hay chữ viết của từ. Trong ngôn ngữ học tâm lí, các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra những con đường và phương pháp nghiên cứu thực nghiệm ngữ nghĩa nói chung, nghĩa của từ nói riêng để giải quyết vấn đề về khái niệm và cấu trúc nghĩa của từ. Đặc biệt là Đề tài lần đầu tiên đề xuất phương pháp tính mức độ gần gũi và hệ số tương quan về tư duy ngôn ngữ giữa các dân tộc.
Chương 4 - Về đơn vị được gọi là "từ" trong tiếng Việt hiện đại, xem xét khái niệm thường được gọi là “từ” trong tiếng Việt và đặc điểm của nó; Vấn đề cấu tạo từ trong tiếng Việt; Các kiểu đơn vị từ vựng với tư cách là những đơn vị bản thể trong tiếng Việt.
Chương 5 - Về "nghĩa" của từ, đề cập tới lịch sử nghiên cứu vấn đề "nghĩa" của từ trong Việt ngữ học; Vấn đề nhận thức và bản thể trong nghiên cứu nghĩa của từ; Quan niệm mới của Đề tài về nghĩa của từ tiếng Việt; Mối quan hệ giữa âm và nghĩa của từ và vấn đề nguồn gốc của ngôn ngữ loài người nói chung; Đặc trưng văn hóa - dân tộc của nghĩa từ tiếng Việt.
GS.TS. Nguyễn Đức Tồn, chủ nhiệm đề tài báo cáo
kết quả nghiên cứu tại Hội đồng Nghiệm thu |
|
Chương 6 - Cấu trúc nghĩa của từ. Chương này giải quyết hai nội dung: Quan niệm truyền thống trong Việt ngữ học và nước ngoài về cấu trúc nghĩa của từ; Quan niệm mới của Đề tài về cấu trúc nghĩa của từ.
Chương 7 - Phương pháp phân tích và xác định cấu trúc nghĩa của từ trong tiếng Việt - Phương pháp phân tích ý nghĩa của từ thành các nghĩa vị hay nét khu biệt; Mối quan hệ giữa các nghĩa vị trong cấu trúc ý nghĩa từ; Cấu trúc nghĩa của các từ trong quan hệ với cấu trúc nghĩa trường từ vựng của chúng; Mô hình cấu trúc nghĩa của từ và của các trường từ vựng-ngữ nghĩa nói chung.
Chương 8 - Quan niệm mới về từ đồng nghĩa trong tíếng Việt và phương pháp xác định hai từ đồng nghĩa. Trên cơ sở phân tích, đánh giá một số quan niệm, định nghĩa tiêu biểu của các nhà Việt ngữ học về từ đồng nghĩa trong tiếng Việt, công trình đề xuất quan niệm, định nghĩa mới về từ đồng nghĩa và thủ pháp để nhận diện từ đồng nghĩa trong tiếng Việt.
Chương 9 - Phương pháp xác lập dãy đồng nghĩa và phân biệt ý nghĩa các từ đồng nghĩa trong tiếng Việt. Chương này giải quyết một số vấn đề về phương diện lí thuyết và thực tiễn biên soạn từ điển từ đồng nghĩa, nhưng chưa từng được đặt ra trong bất cứ công trình từ vựng – ngữ nghĩa nào.
Chương 10 - Phân biệt từ đa nghĩa và từ đồng âm trong tiếng Việt. Đây là hai hiện tượng có liên quan mật thiết với nhau, thậm chí rất khó phân biệt rạch ròi vì cả hai cùng có một vỏ ngữ âm như nhau nhưng mang các ý nghĩa khác nhau. Chưa có công trình nghiên cứu nào đưa ra các thủ pháp hữu hiệu, tiện lợi để phân biệt được rõ ràng và có cơ sở khoa học hai hiện tượng này.
Chương 11 - Quan niệm mới về ẩn dụ và hoán dụ. Trong số các vấn đề cơ bản có tính thời sự hiện nay của từ vựng – ngữ nghĩa nói chung, từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt nói riêng, nổi lên vấn đề ẩn dụ và hoán dụ. Chúng là những biện pháp tu từ hay phương thức phát triển nghĩa từ vựng, hay đây là phương thức tư duy? Trả lời câu hỏi này liên quan đến quan niệm khác nhau về ẩn dụ và hoán dụ. Đề tài trình bày một quan niệm mới về ẩn dụ và hoán dụ trong quan hệ với phương thức tư duy.
Chương 12 - Thành ngữ tiếng Việt từ lí thuyết ngôn ngữ học tri nhận, trình bày một số vấn đề cơ bản, như: Tổng quan về lịch sử nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt; Khái niệm về thành ngữ; Phân biệt thành ngữ đồng nghĩa và biến thể thành ngữ trên cơ sở lí thuyết điển mẫu; Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ lí thuyết ẩn dụ tri nhận; Bản sắc văn hóa của ngôn ngữ và cách tư duy ở người Việt được thể hiện qua thành ngữ tiếng Việt.
Các kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao ở chỗ có tính mới và hiện thực, hữu ích, đóng góp thực sự cho nghiên cứu từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt hiện nay./.
Nguyễn Vũ