Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, năm 2020”, nghiệm thu đạt loại xuất sắc

17:00 14/01/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Chiều ngày 14/01/2021, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, năm 2020” do PGS.TS. Bùi Minh Trí làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Kinh Thành là cơ quan chủ trì, đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.
PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Dự án phát biểu PGS.TS. Bùi Minh Trí báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu

Dự án Chỉnh lý năm 2020 được triển khai đồng bộ trong cùng bối cảnh thực hiện Đề án Nghiên cứu, khai quật khảo cổ học Văn hóa Óc Eo Nam Bộ. Với mục tiêu tổng quát của Dự án, năm 2020 tập trung giải quyết các nội dung cơ bản sau: (1) Duy trì tốt công tác bảo vệ, bảo quản di vật đang lưu giữ tại các kho trong khu Thành cổ Hà Nội; (2) Tổ chức thực hiện tổng thể, đồng bộ trong nghiên cứu, phân loại di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội trên 4 lĩnh vực chính. Đó là Vật liệu kiến trúc, Đồ gốm sứ, Đồ sành và Đồ kim loại, nhuyễn thể theo kế hoạch, theo phương pháp và qui trình phân loại các loại hình di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long nhằm phân định loại hình học theo nguồn gốc, niên đại và lựa chọn di vật mẫu; Hệ thống hóa tư liệu loại hình học, lập bảng thống kê số lượng hiện vật, làm hồ sơ tư liệu về di vật mẫu (ghi chép, đo vẽ, chụp ảnh, lập phiếu di vật)... để phục vụ tốt cho công tác lập hồ sơ khoa học về di vật; (3) Biên soạn và xuất bản Thông báo khoa học Kinh thành cổ Việt Nam công bố về kết quả khai quật, nghiên cứu so sánh thực hiện trong năm 2019. (4) Tổ chức bàn giao toàn bộ di vật và hệ thống hồ sơ khoa học về di vật đã thực hiện và hoàn thành công tác phân loại chỉnh lý trong năm 2015 - 2019 cho Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội quản lý và phát huy giá trị nếu Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận.

Nhiệm vụ trọng tâm của Dự án là nghiên cứu đánh giá giá trị các loại hình di tích, di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu (khu ABCD) và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội (khu E) để tiến tới lập hồ sơ tư liệu và hồ sơ khoa học về các loại hình di tích, di vật được khai quật từ những năm 2002-2004 và năm 2008-2009.

Trong năm 2020, Dự án đã tập trung nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học về đồ gốm sứ Việt Nam thời Lý, thời Trần, đồ sành thời Lý, các loại ngói lợp diềm mái thời Tiền Thăng Long và thời Lê. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu so sánh của Dự án về gốm Trung Quốc thời Tống đã làm rõ được đặc trưng và giá trị của những sưu tập đồ gốm sứ thời Lý dùng trong Hoàng cung Thăng Long, mở ra nhiều vấn đề nghiên cứu mới về gốm cổ Việt Nam.

Dự án đã tiến hành: (1). Tổ chức bảo vệ, bảo quản di vật tại các kho trong Thành cổ Hà Nội; (2). Tổ chức thực hiện công tác chỉnh lý, nghiên cứu di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại khu Thành cổ Hà Nội, bao gồm: (a) Phân loại, chỉnh lý di vật vật liệu kiến trúc; (b) Phân loại, chỉnh lý đồ gốm sứ; (c) Phân loại, chỉnh lý đồ sành; (d) Tổ chức nghiên cứu bảo quản đồ kim loại, đồ gỗ và động vật; (3). Tổ chức lập hồ sơ tư liệu, hệ thống hóa tư liệu di vật khu di tích Hoàng thành Thăng Long và làm hồ sơ tư liệu; (4). Tổ chức biên soạn, xuất bản thông báo khoa học Kinh thành cổ Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu khoa học của Dự án năm 2020; và (5). Tổ chức bàn giao toàn bộ di vật đã phân loại.

Quang cảnh buổi lễ nghiệm thu Dự án

Song hành với quá trình nghiên cứu, phân loại chỉnh lý, Dự án tiếp tục nghiên cứu so sánh, nhận diện rõ hơn đặc trưng và phân tách niên đại giữa đồ gốm thời Lý và đồ gốm thời Trần ở tất cả các dòng gốm và loại hình. Đồng thời, để đảm bảo tính khoa học trong việc phân loại và thống kê, Dự án cũng tiếp tục rà soát đồ sứ Trung Quốc thời Tống và đồ sứ Việt Nam thời Lý, nhằm xác định lại một cách chắc chắn về đồ sứ Việt Nam và đồ sứ Trung Quốc. Đây là công việc vô cùng khó, nhất là đối với dòng gốm men trắng. Nếu không có đủ kinh nghiệm và không đủ cơ sở dữ liệu thì khó có thể nhận biết được, bởi sứ thời Tống và sứ thời Lý có nhiều nét tương đồng cả về hình dáng, màu men, kỹ thuật và nghệ thuật trang trí hoa văn.

Qua quá trình nghiên cứu so sánh, Dự án đã phát hiện thêm nhiều vấn đề khoa học mới, làm rõ hơn tính chất, niên đại và chức năng của các loại đồ dùng, vật dụng trong Hoàng cung Thăng Long xưa, đưa lại nhiều nhận thức mới có giá trị cao về Hoàng thành Thăng Long. Đồng thời, thông qua nghiên cứu so sánh, Dự án đã từng bước làm sáng rõ hơn diện mạo và hình thái bộ mái của kiến trúc thời Tiền Thăng Long và thời Lê.

Dự án được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về mặt lý luận và ý nghĩa thực tiễn, đạt loại xuất sắc. Dự kiến cuốn sách “Kinh thành cổ Việt Nam” tiếp theo sẽ được in và ra mắt bạn đọc trong thời gian sớm nhất./.

PV.

In trang Chia sẻ

Tin khác