Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015: “Nghiên cứu khoa học phát triển văn hóa, con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” mã số KX.03/11-15

17:00 29/04/2016
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Chiều ngày 29 tháng 4 năm 2016, tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước và Chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KX.03/11-15 đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015: “Nghiên cứu khoa học phát triển văn hóa, con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” mã số KX.03/11-15.

 

PGS.TS. Mai Quỳnh Nam, Chủ nhiệm Chương trình KX.03/11-15 <br>phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các đại biểu, các nhà khoa học đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đại học Quốc gia Hà Nội và các đơn vị chủ trì thưc hiện đề tài thuộc Chương trình KX.03/11-15.

Phát biểu tổng kết Chương trình KX.03/11-15, PGS.TS. Mai Quỳnh Nam, Chủ nhiệm Chương trình đã khái quát lại 4 mục tiêu mà Chương trình thực hiện, đó là:

1) Cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn về quan hệ giữa văn hóa và phát triển; Sự biến đổi văn hóa từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại; Quyền con người vì mục tiêu phát triển con người và văn hóa. Có 5 đề tài, đó là các đề tài KX.03.04/11-15 “Tác động của tiếp biến và hội nhập văn hóa đến phát triển ở Việt Nam hiện nay”; đề tài KX.03.05/11-15 “Bảo đảm quyền văn hóa trong điều kiện phát huy đa dạng văn hóa ở Việt Nam hiện nay”; đề tài KX.03.06/11-15 “Mối quan hệ giữa trung tâm và ngoại vi về phương diện văn hóa trong quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam”; đề tài KX.03.08/11-15 “Phát triển bền vững con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”; đề tài KX.03.17/11-15 “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về  quyền tiếp cận thông tin ở nước ta hiện nay”.

2) Định hướng xây dựng văn hóa quản lý, văn hóa lãnh đạo, các giá trị văn hóa trong các hoạt động xã hội của con người ở cộng đồng, trước sự phát triển xã hội và hội nhập quốc tế; Định hướng xây dựng đạo đức, lối sống, tác phong của con người trong các hoạt động xã hội cơ bản vì mục tiêu phát triển đất nước. Có 7 đề tài, đó là các đề tài KX.03.01/11-15 “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng gia đình Việt Nam đến năm 2020”; đề tài KX.03.02/11-15 “Đổi mới thông tin đối ngoại trong thời kỳ hội nhập quốc tế ở Việt Nam”; đề tài KX.03.03/11-15 “Định hướng phát triển công nghiệp văn hóa dưới góc nhìn văn hóa và tác động của nó đến thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế”; đề tài KX.03.11/11-15 “Phát huy giá trị của tôn giáo nhằm xây dựng và nâng cao đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay”; đề tài KX.03.12/11-15 “An ninh văn hóa trong điều kiện hiện nay”; đề tài KX.03.13/11-15 “Văn hóa công vụ ở Việt Nam hiện nay”; đề tài KX.03./11-15 “Văn hóa truyền thông đại chúng ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và toàn cầu hóa”.

3) Đánh giá thực trạng con người, nguồn nhân lực theo ngành, trên cơ sở đó dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cho từng ngành đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Có 5 đề tài, đó là các đề tài KX.03.07/11-15 “Phát huy nguồn nhân lực nữ trí thức trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế”; đề tài KX.03.09/11-15 “Vai trò của vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; đề tài KX.03.10/11-15 “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở nước ta hiện nay”; đề tài KX.03.14/11-15 “Đảm bảo an ninh con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”; đề tài KX.03.19/11-15 “Phát triển nguồn nhân lực vùng Nam Bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

     

Toàn cảnh  Hội nghị tổng kết  Chương trình KX.03/11-15

 

4) Cung cấp cơ sở khoa học cho xây dựng các chính sách nhằm thực hiện mục tiêu  chiến lược phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực. Gồm 3 đề tài, đó là: KX.03.15/11-15 “Lối sống công nhân Việt Nam trong điều kiện công nghiệp hóa”; đề tài KX.03.16/11-15 “Dư luận xã hội về sự biến đổi xã hội trong công cuộc đổi mới”; đề tài KX.03.20/11-15 “Phát triển con người vùng duyên hải Nam Trung bộ hiện nay”.

Chương trình có 7 nội dung nghiên cứu: (1) Đánh giá thực trạng văn hóa, con người và nguồn nhân lực Việt Nam; (2) Nghiên cứu sự chuyển đổi hệ giá trị văn hóa từ xã hội truyền thống sang xã hội công nghiệp và nền kinh tế tri thức; (3) Nghiên cứu, xây dựng hành vi chuẩn mực của cá nhân và nhóm xã hội trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu quyền con người và các điều kiện thực thi quyền con người vì mục tiêu phát triển; (4) Nghiên cứu khả năng thích ứng văn hóa của các tầng lớp dân cư nước ta hiện nay với cơ chế thị trường, với sự hội nhập quốc tế. Nghiên cứu vai trò và sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý và phát triển văn hóa; (5) Nghiên cứu tác động của hội nhập và tiếp biến văn hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nhân cách con người mới giai đoạn 2011-2020; (6) Nghiên cứu các vấn đề mới về quan điểm, nhu cầu, hệ tiêu chuẩn của nguồn nhân lực chất lượng cao, phương hướng, giải pháp phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; (7) Nghiên cứu các tác động xã hội đối với phát triển con người giai đoạn 2015-2020.

TS. Đào Minh Hương, chủ nhiệm đề tài KX.03.08/11-15 <br>phát biểu tại Hội nghị

Có thể nói, 20 đề tài thuộc Chương trình đã thực hiện phủ kín cả 7 nội dung và 4 mục tiêu của khung Chương trình. Hiện nay, hệ thống các đề tài thuộc Chương trình đã kết thúc việc thực hiện nghiên cứu. Một số đề tài đã được công nhận kết quả nghiên cứu, một số đề tài đã nghiệm thu cấp Nhà nước, số còn lại sẽ nghiệm thu cấp Nhà nước trong tháng tới.

Nhìn chung các đề tài đã bám sát kế hoạch tiến độ và đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu, đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đạt yêu cầu, 20/20 đề tài đã nghiệm thu cấp cơ sở và 9/20 đề tài đã nghiệm thu cấp Nhà nước đều hoàn thành những nội dung và chỉ tiêu như thuyết minh đề tài và hợp đồng đã ký kết. 100% các đề tài có đủ và vượt các sản phẩm chuyên đề, kỷ yếu hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học, các bài đăng tạp chí, sách chuyên khảo, tham gia đào tạo sau đại học... đã cam kết trong Hợp đồng.

Các đề tài thuộc Chương trình trải đều cân đối ở cả ba lĩnh vực:

1) Lĩnh vực nghiên cứu văn hóa: Chủ đề nghiên cứu văn hóa thuộc Chương trình KX03 trong thời gian vừa qua, đã đặt vấn đề văn hóa trong mối quan hệ của cấu trúc khu vực giữa trung tâm và ngoại vi, gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Các phân tích chỉ ra rằng để tránh xu hướng áp đặt bá quyền của một nền văn hóa nào đó và để tránh xung đột giữa các nền văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, vẫn cần tôn trọng bản sắc của mỗi nền văn hóa, trong đó có nền văn hóa ngoại vi, đa dạng văn hóa là một sự tồn tại tất yếu bên cạnh toàn cầu hóa văn hóa.

Việc nghiên cứu giá trị của các cộng đồng dân cư trong đó có các cộng đồng tôn giáo nhằm xây dựng và nâng cao đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay cho thấy giá trị của tôn giáo cũng có những tương đồng với các giá trị văn hóa và có ảnh hưởng sâu sắc đến đạo đức, lối sống của các cộng đồng tôn giáo.

Việc nghiên cứu định hướng phát triển công nghiệp văn hóa và tác động của nó đến thế hệ trẻ Việt Nam đã bước đầu làm rõ thực trạng chính sách quản lý phát triển công nghiệp văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta.

2) Lĩnh vực nghiên cứu con người: Phát triển bền vững con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là chủ đề cơ bản và bao trùm của Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp nhà nước KX03/11-15. Phát triển bền vững con người được đặc trưng bởi các chiều cạnh chính: bình đẳng cơ hội tiếp cận các nguồn lực xã hội để phát triển năng lực, công bằng trong chia sẻ thành quả phát triển, con người được trao quyền tự do tham gia theo năng lực vào tiến trình phát triển, sự phát triển hiện tại không làm mất cơ hội của thế hệ tương lai, đảm bảo an ninh con người.

Vấn đề nghiên cứu con người cũng được đặt ra trong nhận thức về lý luận và thực tiễn gia đình Việt Nam. Sự thay đổi quy mô gia đình từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại với các giá trị và chuẩn mực mới đang tạo nên những biến đổi cơ bản trong gia đình Việt Nam.

Vấn đề quyền con người là một hướng nghiên cứu mới của Chương trình KX03/11-15. Nghiên cứu về quyền văn hóa đã xác định các vấn đề cơ bản của quyền con người đối với việc bảo tồn, tiếp thu, sáng tạo văn hóa. Kết quả nghiên cứu bước đầu cũng cho thấy chính sự phát triển con người lại chưa nhấn mạnh đến việc đảm bảo thực thi quyền con người, chưa quan tâm đầy đủ đến năng lực của các nhóm người. Điều này đòi hỏi phải có một hệ lý luận thống nhất về phát triển bền vững con người làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược và chính sách phát triển quốc gia.

3) Lĩnh vực nghiên cứu nguồn nhân lực: Những vấn đề nghiên cứu về nguồn nhân lực được thực hiện một cách tương đối đồng bộ trong sự liên hệ với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở nước ta, với vai trò của vốn xã hội, với lực lượng nữ trí thức.

Các tác động tích cực và cả những hạn chế từ vốn xã hội đối với nguồn nhân lực trẻ là cơ sở cho các đề xuất nhằm nâng cao chất lượng học tập của sinh viên, chất lượng đào tạo nghề, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài.

Vai trò của nữ trí thức được nghiên cứu trên cơ sở của hệ thống lý thuyết cơ cấu xã hội, được đặc trưng bởi tính chất lao động xã hội và vai trò giới. Các kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy hệ thống chính sách đối với nữ trí thức và việc khắc phục các xung đột vai trò là những yếu tố quan trọng để phát huy năng lực xã hội của nữ trí thức.

So với các Chương trình được thực hiện ở các giai đoạn trước, Chương trình KX.03 giai đoạn 2011-2015 đã triển khai được một hệ thống đề tài cân đối ở cả ba lĩnh vực: nghiên cứu văn hóa, con người và nguồn nhân lực. Trong đó, các hướng nghiên cứu như phát triển con người, quyền con người, an ninh con người, được Chương trình coi trọng và được thực hiện trong các đề tài nghiên cứu. Hướng nghiên cứu nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao được đặt ra gắn với việc thay đổi mô hình tăng trưởng-một vấn đề rất quan trọng trong phát triển được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Chương trình đã có 13 kiến nghị về định hướng nghiên cứu các vấn đề con người, văn hóa và nguồn lực ở Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. 

Sau khi nghe Chủ nhiệm Chương trình báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Chương trình, Hội nghị được nghe GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, chủ nhiệm đề tài KX.03.17/11-15 “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền tiếp cận thông tin ở nước ta hiện nay”, PGS.TS. Hoàng Văn Nghĩa, chủ nhiệm đề tài KX.03.05/11-15 “Bảo đảm quyền văn hóa trong điều kiện phát huy đa dạng văn hóa ở Việt Nam hiện nay”, TS. Đào Minh Hương, chủ nhiệm đề tài KX.03.08/11-15 “Phát triển bền vững con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, TS. Lưu Đức Hải, chủ nhiệm đề tài KX.03.10/11-15 “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở nước ta hiện nay”, và PGS.TS. Nguyễn Hồi Loan, chủ nhiệm đề tài  KX.03.09/11-15 “Vai trò của vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” phát biểu về những thuận lợi, khó khăn và kết quả đã đạt được của nhóm nghiên cứu khi thực hiện đề tài.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các chủ nhiệm đề tài, các nhà khoa học và các đại biểu tham dự./.

Nguyễn Thu Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác