Người xưa từng có câu “Phúc điền có tám thứ, trong đó việc xây cầu là quan trọng nhất”. Bia Hưng tạo Thiên Đông kiều bi ký, dựng năm Đoan Thái 3 (1587) nhà Mạc đã ghi: “Cầu có quan hệ đến vương chính. Mất cầu mà có người làm thay, có âm công tất được dương báo rõ rệt”. Bia Trùng tu Quỹ kiều bi ký, tạo năm Hoằng Định 17 (1617) cũng ghi: “Từng nghe rằng, cầu rường là một mối của vương chính, mở đầu mối tốt lành, làm việc chính sự tốt lành, nếu chẳng phải người tốt lành có sức lực thì chẳng thể làm được vậy”. Bia Bồng Lai xã thạch trụ kiều bi ký dựng năm Vĩnh Thịnh 15 (1719) cũng viết: “Thường thấy nói Vương chính không gì to bằng việc làm cầu, thiền giáo Tam thừa, cần trước nhất là việc tế độ…”
Những bia đá ghi việc dựng cầu và nêu ý nghĩa quan trọng của xây dựng cầu như thế này hiện còn ở nhiều điạ phương từ Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa trở ra đến các tỉnh miền bắc Việt Nam.
Tại kho thác bản văn khắc của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện đang lưu giữ gần 70.000 ký hiệu thác bản văn khắc Hán Nôm, trong đó có hơn 600 kí hiệu thác bản văn bia ghi về những cây cầu truyền thống cũng như các bến đò của người Việt. Số bia này đặt ở nhiều vùng miền của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, nhưng chủ yếu từ Quảng Nam – Đà Nẵng trở ra Bắc. Đây là nguồn tư liệu rất quý đề cập đến các công trình giao thông của người Việt xưa khi đối diện với sông ngòi, ao hồ, kênh rạch. Nguồn tư liệu này có độ xác tín cao, cho thấy người Việt thời Trung Cận đại đã phải thích nghi với thiên nhiên, với địa hình sông nước như thế nào để vừa tạo điều kiện cho người dân đi lại sinh hoạt thuận tiện nhất, lại vừa sống ôn hòa với cảnh quan môi trường.
Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa từng có những kết quả thống kê, khảo cứu chuyên biệt văn bia Hán Nôm phản ánh về cầu và bến đò, mới chỉ là công bố rải rác một số bản dịch trong các tuyển tập văn bia, hoặc chỉ là một mục khảo cứu trong chuyên luận cũng như giới thiệu tóm tắt một số văn bia tiêu biểu trong Tuyển tập lược thuật văn khắc Hán Nôm nên chưa có thông tin bao quát, tổng thể. Những tri thức về xây dựng cầu, cống, bến đò của các thế hệ người Việt trong lịch sử dường như chưa được quan tâm nghiên cứu. Khi tư liệu chữ Hán Nôm chưa được giải mã, khảo cứu thì thế hệ đương đại khó có thể tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của tổ tiên.
Hiện nay vẫn còn tồn tại một số cây cầu cổ có niên đại khoảng ba bốn trăm năm ở vùng đồng bằng Bắc bộ và hai tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Văn bia ghi lại quá trình xây dựng các cầu này gần như vẫn còn thác bản. Nếu tiến hành khảo cứu văn bản kết hợp với khảo sát thực địa sẽ chỉ ra những điều liên quan giữa văn bản và thực tế; cũng như có thể liên hệ với cách dựng cầu dân sinh ở các địa phương hiện nay và việc bảo tồn có hiệu quả những cây cầu cổ, vì đó chính là một phần bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trước những vấn đề nêu trên, đề tài “Nghiên cứu văn bia Hán Nôm phản ánh về cầu và bến đò Việt trong lịch sử” được thực hiện sẽ đáp ứng được nhu cầu của giới khoa học cũng như xã hội muốn tìm hiểu về cầu và bến đò của người Việt. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở hai chương:
Chương 1: Khái quát văn bia phản ánh về cầu và bến đò Việt trong lịch sử. Trong chương này, các tác giả đã khảo cứu nguồn tư liệu văn bia phản ánh về cầu và bến đò theo các thời kỳ lịch sử, từ Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn.
Thống kê của đề tài chỉ ra kho thác bản văn khắc Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 647 ký hiệu thác bản văn bia phản ánh về cầu và bến đò Việt. Nguồn tư liệu này là kết quả của hai đợt sưu tầm do Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tại Hà Nội tiến hành những thập kỷ đầu của thế kỷ XX và Viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiến hành từ cuối thế kỷ XX đến thập kỷ đầu thế kỷ XX. Trong số đó có 335 ký hiệu của đợt sưu tầm lần thứ nhất và 312 ký hiệu sưu tầm lần thứ hai.
Số văn bia cầu đò được phân bố tại 20 tỉnh thành trong cả nước, trong đó tỉnh có nhiều văn bia về cầu đò nhất là tỉnh Hải Dương, tiếp theo là tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam…đều là những địa phương có địa hình nhiều sông nước, đầm hồ. Về thời gian, văn bia sớm nhất là bia Thiện sỹ kiều bi ký niên đại Hồng Đức 2 (1471), văn bia muộn nhất có niên đại năm 1946. Văn bia tập trung nhất vào thời kỳ Lê trung hưng và thời Nguyễn, đây cũng là thời kỳ xã hội Việt Nam tương đối ổn định nên đời sống làng xã được phát triển với nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh như đường xá, cầu chợ, bến đò.
Khảo cứu văn bia thời Lê sơ và thời Mạc phản ánh về cầu và bến đò Việt cho thấy, đây là số văn bia có niên đại sớm trong số bia cầu đò, sớm nhất là văn bia niên đại Hồng Đức 2 (1471) và bản khắc trên hai lá đồng niên đại Hồng Đức 3 (1472). Văn bia Lê sơ tuy chỉ còn lại ít nhưng đã đề cập đến nhiều loại hình cầu đò, từ cầu gỗ tên là Cầu Không là cầu kiểu thượng gia hạ kiều, được vua Lê Thánh Tông ban cho gỗ lim tốt lấy từ Hoan Châu về sửa sang lại cầu và đền thờ Thần trên cầu, đến cầu Đôn Thư ở Hải Dương dài 94 gian. Từ cầu đá đến bến đò đều có đại diện trong văn bia thời Lê sơ. Văn bia thời Mạc ghi về cầu đò cho biết hầu hết các cầu thời Mạc đều được xây dựng lại từ các cây cầu cổ của triều đại trước, do đó cầu là chuyện của nhiều triều đại, còn sông nước thì còn cầu đò.
Khảo cứu văn bia thời kỳ Lê trung hưng và Tây Sơn phản ánh về cầu và bến đò, cho thấy, đây cũng là thời kỳ lưu lại nhiều thác bản văn bia nhất, gần 300 ký hiệu. Từ sự thống kê các cây cầu được ghi lại trong văn bia cho thấy có 157 cây cầu được phản ánh, đó là cầu gỗ, cầu đá, cấu có mái che, cầu không có mái che. So sánh với các cầu được ghi lại trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì không có cây cầu nào trùng lặp, tức là cầu được sử gia đương thời ghi lại những không còn văn bia, còn văn bia ghi lại các cầu trong làng xã từ Thăng Long vào đến Quảng Nam lại hầu như không có trong sưu tập của Lê Quý Đôn. Đây sẽ là vấn đề cần tìm hiểu thêm.
Khảo cứu văn bia triều Nguyễn phản ánh về cầu và bến đò cho thấy, Nhà Nguyễn đã có chính sách đối với việc tu bổ và xây dựng cầu đò tại các địa phương. Điều này cũng được phản ánh trong văn bia. Bia cầu đò triều Nguyễn chiếm tỷ lệ thứ 2 sau bia Lê trung hưng với hơn 250 ký hiệu thác bản văn bia, tập trung nhiều vào triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Văn bia triều Nguyễn đã phản ánh về tầm quan trọng của việc xây dựng cầu, lợi ích của cầu trong đời sống cộng đồng và có bia ghi giá cả của từng loại nguyên liệu xây dựng, công thợ…
Chương 2: Cầu và bến đò Việt truyền thống được phản ánh qua văn bia. Chương này các tác giả tập trung vào việc tìm hiểu, khai thác nội dung văn bia về quy mô kiến trúc cầu, về vật liệu xây dựng cầu, về nguồn kinh phí đống góp, về các cây cầu đá, về cầu cổ ở Thăng Long và các vùng phụ cận, về bến đò và bến đò Tam bảo.
Qua tìm hiểu, các tác giả nhận thấy trong số 260 văn bia ghi về lịch sử của những cây cầu bằng đá được bắc trên các sông, khe suối, đầm hồ từ vùng dân tộc thiểu số tới vùng đồng bằng trung du Bắc bộ qua các thời đại, chỉ có 225 văn bia có ghi niên đại cụ thể, còn 38 văn bia không có niên đại. Trong số 225 văn bia ghi về cầu đá được phân bố ở 5 triều đại gồm: Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Tây Sơn và nhà Nguyễn, Lê sơ 3 bia ; Mạc có 7 bia, đó là: Lê Trung hưng có 78 bia, Tây Sơn có 3 bia, nhà Nguyễn có 136 văn bia. Cầu đá hiện được ghi lại trong văn bia sớm nhất là năm 1500, muộn nhất là năm 1946, thời Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Thuộc phạm vi nội đô Thăng Long xưa chỉ có một cầu duy nhất là cầu Thê Húc bắc trên hồ Hoàn Kiếm, các cây cầu khác bắc trên sông Tô hoặc sông Kim Ngưu, sông Lư, sông Nhuệ nằm ở vùng phụ cận của Thăng Long là hai huyện Từ Liêm và Thanh Trì. Ngày nay Hà Nôi mở rộng diện tích nên số văn bia cầu có số lượng lớn, 78 văn bia, chiếm 1/8 toàn bộ số bia cầu đò, đa phần đều tập trung từ tỉnh Hà Tây cũ. Có 4 cầu cổ được chọn ra giới thiệu là cầu sông Tô (cầu Giấy), cầu Quang Bình (cầu Bằng), cầu Dịch Lư (cầu Lừ), cầu Đơ với bốn văn bia đặc sắc của thế kỷ XVII và XVIII. Cho thấy Thăng Long – Hà Nội là trung tâm của đất nước nằm bên trong sông Hồng, địa hình bằng phảng nên ít có cầu quy mô lớn...
Các kết quả nghiên cứu của đề tài có thể làm tài liệu tham khảo, cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và giảng dạy. Đây là chuyên luận đầu tiên về bia cầu đò, kết hợp công bố các bài văn bia tiêu biểu để giới thiệu với độc giả. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.
PV.