TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu chào mừng Hội thảo
Sáng ngày 23/04/2025, tại Hội trường 3C, trụ sở 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Âu và Châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam long trọng tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “50 năm quan hệ Việt Nam – Mexico: Thực trạng và triển vọng”. Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mexico (1975-2025) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối điểm cầu với Mexico trên nền tảng Webinar.
Ngài Fernando Gonzalez Saiffe – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Mexico phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương gửi lời chào nồng nhiệt tới toàn thể đại biểu tham dự Hội thảo từ Mexico
Hội thảo diễn ra đã thu hút sự quan tâm tham dự của nhiều đại biểu, khách quý đến từ các cơ quan ngoại giao của các quốc gia trong khu vực Châu Mỹ Latinh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, du lịch, thương mại; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm; giảng viên, sinh viên một số trường đại học và sự tham dự của các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thủ đô Hà Nội dự và đưa tin về Hội thảo.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của toàn thể đại biểu tham dự hội thảo và cho rằng: Qua chặng đường 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 19/5/1975, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mexico đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trên nền tảng tình hữu nghị chân thành, ủng hộ lẫn nhau, hai quốc gia đã không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao tới kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục; chú trọng trao đổi các đoàn cấp cao, các hoạt động giao lưu nhân dân, góp phần xây dựng và củng cố tình hữu nghị giữa hai nước đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận nổi bật như: hoàn tất Bản ghi nhớ Hợp tác nhằm trao đổi một số kinh nghiệm về tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia, tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, cứu hộ - cứu nạn, phòng chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; cam kết thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, du lịch, giáo dục, giao lưu nhân dân. Hai nước cũng luôn ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); Hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPPP)…
Ngài Alejandro Negrín Muñoz – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Mexico tại Việt Nam giới thiệu về nước Cộng hòa Mexico tại Hội thảo
Cùng với quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Chính phủ hai nước, thời gian qua, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán và một số đối tác Mexico thực hiện nhiều chương trình hợp tác, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, trao đổi khoa học rất có ý nghĩa. Gần đây nhất, từ năm 2015 và 2021, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, nay là Viện Nghiên cứu Châu Âu và Châu Mỹ đã phối hợp với đại sứ quán 04 nước Colombia, Chile, Mexico và Peru tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Liên minh Thái Bình Dương: Hợp tác và Phát triển”. Chỉ tính riêng trong năm 2024 Viện nghiên cứu Châu Mỹ đã tổ chức 02 hội thảo trực tuyến với Đại học UNAM Mexico. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Viện Nghiên cứu Châu Âu và Châu Mỹ đang là một trong những hạt nhân quan trọng góp phần thúc đẩy các quan hệ hợp tác chính thức với nhiều cơ sở đào tạo, trường đại học, các cơ quan, tổ chức hữu quan của Mexico trên nhiều lĩnh vực, nhất là thúc đẩy các hoạt động trao đổi học thuật và tìm kiếm các tiềm năng, tiềm lực phát triển các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và hợp tác quốc tế.
Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Văn Hải phát biểu chúc mừng Hội thảo từ Mexico
Phát biểu chào mừng, Chủ tịch Viện Hàn lâm nhận định: Hội thảo là sự kiện quan trọng để hai bên cùng nhìn lại mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước thời gian qua, đồng thời là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà hoạch định chiến lược, chính sách; các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn của hai nước cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hợp tác, góp phần phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các mặt, lĩnh vực đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa, hướng tới nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mexico lên quan hệ Đối tác Toàn diện, vì sự thịnh vượng, ổn định và sự phát triển chung của hai quốc gia.
Để Hội thảo đạt kết quả theo đúng mục đích, yêu cầu đặt ra, Chủ tịch Phan Chí Hiếu đề nghị: Các báo cáo chuyên đề, tham luận cần ngắn gọn, trình bày có trọng tâm, trọng điểm, tập trung làm rõ những kết quả, thành tựu, nhận diện rõ các hạn chế và nguyên nhân trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mexico; phân tích những cơ hội và thách thức đặt ra đối với hai quốc gia trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động; chia sẻ các kinh nghiệm của Mexico, các quốc gia đối với Việt Nam trong tiến trình phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; đề xuất các giải pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới; Ban Tổ chức Hội thảo ghi chép đầy đủ diễn biến, nội dung, trong đó nhấn mạnh các đề xuất, kiến nghị. Kết quả của Hội thảo sẽ được tổng hợp, chắt lọc trong Báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền của hai nước, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn trong khai thác tiềm năng, dư địa hợp tác mới giữa Việt Nam và Mexico.
PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu và Châu Mỹ phát biểu khai mạc Hội thảo
Chào mừng Hội thảo từ Mexico, Ngài Fernando Gonzalez Saiffe – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Mexico, phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã gửi lời chào nồng nhiệt tới toàn thể đại biểu; khẳng định Hội thảo là sự kiện quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học và những người quan tâm khác cùng nhìn lại thành tựu 50 năm hợp tác. Thông qua việc tái khẳng định tầm nhìn chung của cả Mexico và Việt Nam hướng tới tương lai, Ngài Fernando Gonzalez Saiffe cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tinh thần đoàn kết và nỗ lực giành độc lập của Việt Nam và cho rằng đây là nền tảng quan trọng cho mối quan hệ bền vững giữa hai dân tộc. Trong giai đoạn hiện tại, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Mexico tại Đông Nam Á với việc duy trì kênh đối thoại chính trị cởi mở, tin cậy, hai bên đã cùng nhau có nhiều hoạt động thiết thực hướng tới việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, học thuật, văn hóa và giao lưu nhân dân.
Để phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa Mexico và Việt Nam trong tương lai, Thứ trưởng Fernando Gonzalez Saiffe cũng bày tỏ mong muốn, hai bên sẽ cùng nhau chủ động thu hẹp khoảng cách hơn nữa bằng sự hiện diện của các doanh nghiệp Mexico tại Việt Nam; Chú trọng vào việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế cân bằng mang lại lợi ích cho cả hai bên ở một số lĩnh vực then chốt như: nông nghiệp, năng lượng tái tạo; chuyển đổi năng lượng, số hóa, sản xuất dựa trên những kỹ thuật tiên tiến, đổi mới, công nghệ và du lịch… Đồng thời bày tỏ mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của Việt Nam trong việc đưa hàng triệu người thoát nghèo và thúc đẩy cân bằng xã hội…
Toàn cảnh Hội thảo
Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Văn Hải cho biết, kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước đã phát triển ấn tượng. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 đạt khoảng 15 tỷ USD, tăng 27,5% so với năm trước. Điều này phản ánh rõ tính chất bổ sung giữa hai nền kinh tế và vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico trong vai trò làm cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thị trường, tăng cường tiếp xúc, thúc đẩy đầu tư song phương, hướng tới mục tiêu nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu và Châu Mỹ cho biết: Việt Nam và Mexico tuy cách xa nhau nửa vòng trái đất, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng về lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, tinh thần tự cường, cũng như khát vọng phát triển hòa bình và thịnh vượng.
Trải qua 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975. Đến nay, hai nước đã không ngừng củng cố và phát triển quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, cho đến văn hóa - giáo dục và hợp tác đa phương.
Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, quan hệ giữa Việt Nam và Mexico tiếp tục được củng cố vững chắc, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng hướng tới lợi ích chung. Hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao qua nhiều hình thức: trực tiếp, trực tuyến và bên lề các hội nghị quốc tế đa phương. Đặc biệt, hai nước đều là thành viên năng động của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo điều kiện để hai bên thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trên nhiều lĩnh vực.
Quan hệ kinh tế – thương mại là điểm sáng trong hợp tác song phương. Sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2023, tổng giá trị thương mại hai chiều đã vượt mốc 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mexico trên thế giới. Mexico không chỉ là một thị trường tiêu thụ lớn, mà còn là cánh cửa chiến lược để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sang Châu Mỹ. Vì vậy, Hội thảo là dịp để hai bên cùng nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua, chia sẻ những góc nhìn học thuật, thực tiễn và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.
PGS.TS. Cù Chí Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Châu Mỹ ngày nay trình bày tham luận tại Hội thảo
Trao đổi về thực trạng mối quan hệ Việt Nam - Mexico trong thời gian gần đây PGS.TS. Cù Chí Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Châu Mỹ ngày nay cho biết: Việt Nam - Mexico là hai nền kinh tế năng động với nhiều điểm tương đồng. Để phát triển bền vững, hai nước cần củng cố đối thoại chính trị có cấu trúc chặt chẽ, xây dựng khuôn khổ pháp lý song phương ổn định và thúc đẩy đàm phán các hiệp định đang trong tiến trình...; Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mexico đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhất là sau khi hai nước gia nhập Hiệp định Đối tác Toan diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2018; Tốc độ tăng trưởng thương mại hai chiều của Việt Nam và Mexico giai đoạn 2018-2023 đạt khoảng 14,6%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico giai đoạn 2018-2023 đạt 19,9%/năm.
Theo đó, Việt Nam và Mexico có rất nhiều tiềm năng và triển vọng hợp tác. Hiệp định CPTPP là điều kiện, mở ra nhiều cơ hội để hai bên có thể thúc đẩy hợp tác kinh tế, mở rộng thị trường; Các lĩnh vực đầu tư tiềm năng cần được chú trọng hợp tác đầu tư bao gồm: năng lượng tái tạo, CNTT, sản xuất, chế biến thực phẩm, du lịch…; Nhiều triển vọng hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là lĩnh vực xây dựng và nâng cấp các cảng biển, sân bay và đường cao tốc; Gia tăng các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng như các chương trình huấn luyện, đào tạo quân sự, trao đổi thông tin và hợp tác trong các vấn đề an ninh và hợp tác khu vực; Mở rộng hoạt động giao lưu, thúc đẩy triển lãm, lễ hội, hội thảo và các chương trình giao lưu nghệ thuật nhằm tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị nhân dân giữa hai quốc gia; Mở rộng quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam và Mexico trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, công tác cộng đồng, môi trường... nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa hai nước về giáo dục; Hướng tới việc nâng cấp mối quan hệ lên “Đối tác Toàn diện” và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực…
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Giới thiệu về nước Cộng hòa Mexico, Ngài Alejandro Negrín Muñoz – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Mexico tại Việt Nam cho biết: Mexico là nền kinh tế lớn thứ hai ở Mỹ Latinh, được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới (Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF). Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Mexico là giảm đói nghèo và bất bình đẳng. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2018-2024, đã có 9,5 triệu người ở Mexico thoát đói nghèo và đây cũng là một trong những mục tiêu chính của Kế hoạch “Plan Mexico” của Tổng thống Claudia Sheinbaum. Mục tiêu của Mexico trong thời gian sắp tới Mexico sẽ nằm trong top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới; là 1 trong 5 quốc gia được ghé thăm nhiều nhất thế giới; Đạt 100% giáo dục kép ở trình độ giáo dục kỹ thuật; Phát triển 100 khu công nghiệp mới trong 6 tháng tới; Đạt được tỷ lệ nội địa hóa từ 37% đến 50% trong các sản phẩm hoàn thiện; Là quốc gia nắm trong tay sự quan trọng của chất bán dẫn; Tăng tỷ lệ nhà cung cấp nội địa lên 95% phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; Trở thành 1 trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới về giá trị sản xuất hàng không vũ trụ; Dẫn đầu sứ mệnh 100 người Latinh đầu tiên vào không gian.
Chia sẻ về những cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế giữa Việt Nam và Mexico, ông Nguyễn Tường Lân, Giám đốc công ty Du lịch ITA cho biết: Hiệp định CPTPP đã tạo tiền đề quan trọng mở rộng hợp tác kinh tế cho Việt Nam và Mexico. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là điện thoại, dệt may, giày dép; còn Mexico xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như sắt thép, thức ăn chăn nuôi, thiết bị điện tử. Tuy nhiên, so với tiềm năng, con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân một phần đến từ các rào cản trong quá trình hội nhập.
Một trong những thách thức lớn là sự khác biệt về thể chế, chính sách và hệ thống pháp luật. Doanh nghiệp hai bên còn gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu và tuân thủ các quy định pháp lý, nhất là trong lĩnh vực đầu tư và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, khoảng cách địa lý xa khiến chi phí logistics cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Bên cạnh đó, rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa kinh doanh cũng làm giảm hiệu quả trong giao tiếp, hợp tác giữa các doanh nghiệp.
Cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt cũng là một yếu tố đáng lưu ý. Cả Việt Nam và Mexico đều đang vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng trong một số lĩnh vực, hai bên lại đóng vai trò cạnh tranh thay vì bổ trợ. Điều này đòi hỏi hai quốc gia cần xác định rõ thế mạnh, từ đó tìm ra hướng hợp tác phù hợp để không dẫm chân lên nhau.
Để vượt qua các thách thức trên, Việt Nam và Mexico cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng các kênh trao đổi thông tin, kết nối doanh nghiệp. Chính phủ hai nước nên phối hợp để tháo gỡ các rào cản pháp lý, đồng thời đầu tư vào các lĩnh vực có tính bổ trợ cao như công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh. Các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục cũng sẽ giúp doanh nghiệp hiểu nhau hơn, từ đó thúc đẩy hợp tác lâu dài.
Tổng kết hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng và Đại sứ Alejandro Negrín Muñoz đã nhiệt liệt cảm ơn những tham luận và góp ý trao đổi tại Hội thảo và cho rằng Việt Nam và Mexico có nhiều tiềm năng bổ sung lẫn nhau – không chỉ về kinh tế, mà còn về văn hóa, con người và tầm nhìn phát triển. Việc phát triển quan hệ song phương toàn diện, sâu sắc và bền vững, hướng tới nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục, mà còn đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ Latinh.
Góp phần vào thành công chung của Hội thảo, các doanh nghiệp tham dự đã tạo các gian hàng giới thiệu các sản phẩm xuất khẩu OCOP đặc trưng vùng miền của Việt Nam nhằm quảng bá rộng rãi hơn các thương hiệu đạt chất lượng xuất khẩu của Việt Nam. Hoạt động này cũng góp phần làm phong phú thêm mô hình tổ chức Hội thảo. Qua đó giúp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận hơn tới các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực tư vấn chính sách, đối ngoại và hợp tác quốc tế; Góp thêm tiếng nói, làm tiền đề cho việc phát triển kinh tế, thương mại và giao thương không chỉ trong khu vực nhóm kinh tế tư nhân trong nước mà còn tới đông đảo bạn bè quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập mạnh mẽ với thế giới hiện nay./.
Sau đây là một số hình ảnh được ghi lại bên lề Hội thảo
Chủ tịch Viện Hàn lâm, TS. Phan Chí Hiếu và Ngài Alejandro Negrín Muñoz – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Mexico tại Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Chủ tịch Phan Chí Hiếu chào mừng các vị khách quý tại Hội thảo
Chủ tịch Viện Hàn lâm, TS. Phan Chí Hiếu và Đại sứ Alejandro Negrín Muñoz tiếp xúc với doanh nghiệp tại các gian hàng bên lề Hội thảo
Chủ tịch Viện Hàn lâm cùng ảnh lưu niệm cùng Đại sứ Alejandro Negrín Muñoz, PTS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Ban Tổ chức và đại diện các Doanh nghiệp tham dự Hội thảo
Sản phẩm dệt may từ lụa tơ tằm được giới thiệu tại gian hàng trưng bày của Hội thảo
Gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP
Sản phẩm bia lên men từ các nguyên liệu như hoa Tam giác mạch, rau má, mật ong, hương hoa chanh, quả chúc, mắc khén, hạt dổi... mang đậm văn hóa Việt Nam được giới thiệu tại Hội thảo