PGS.TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Sử học phát biểu tại Tọa đàm
Tham dự buổi Tọa đàm, về phía Lãnh đạo Viện Sử học có sự hiện diện của PGS. TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng; TS. Lê Quang Chắn, Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng; đồng chí Hoàng Thị Thanh Nga, Chi ủy viên. Về phía Đoàn Viện Hàn lâm có đồng chí Nguyễn Thanh Bình và đồng chí Lại Thị Tố Quyên, đại diện Ban Thường vụ Đoàn; đồng chí Hoàng Minh Quân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ Viện Hàn lâm. Tọa đàm còn có sự hiện diện của đông đảo đoàn viên, thanh niên đến từ Chi đoàn Viện Sử học, Chi đoàn Viện Nhà nước & Pháp luật và Chi đoàn Cục Đổi mới & Sáng tạo (Bộ Khoa học & Công nghệ).
TS. Ngô Hoàng Nam, Viện Sử học, trình bày tham luận tại Tọa đàm
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được lắng nghe hai báo cáo khoa học giàu giá trị lý luận và thực hiễn: Trong báo cáo đầu tiên - "Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng" do TS. Ngô Hoàng Nam (Viện Sử học) trình bày. Tham luận đã khắc họa sâu sắc tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc. Từ việc khoảng 25 lần gửi thư thăm hỏi, trong đó Người khẳng định “Máu đào của các liệt sỹ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói…” đến lời căn dặn bất hủ “Thương binh tàn nhưng không phế”, cùng với những hành động cụ thể như ký ban hành Sắc lệnh 20/SL, đề xuất Ngày 27/7 làm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, và những lời dặn trong Di chúc thiêng liêng- tất cả đều là minh chứng sống động cho tư tưởng nhân văn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
ThS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện Nhà nước và Pháp luật, trình bày tham luận tại Tọa đàm
Báo cáo thứ hai - "Tư tưởng Hồ Chí Minh và chính sách pháp luật về người có công với cách mạng" do ThS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện Nhà nước và Pháp luật) trình bày. Tham luận phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" là nền tảng cho việc hình thành, hoàn thiện chính sách pháp luật. Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi, bổ sung nhiều lần, gần nhất là 2020), quy định 12 diện đối tượng và các chế độ ưu đãi cụ thể, là sự thể chế hóa sâu sắc tư tưởng đó.
Các tham luận và phần thảo luận sôi nổi tại Tọa đàm đã cung cấp nhiều tư liệu, quan điểm, kinh nghiệm quý báu cho đoàn viên thanh niên cũng như thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tìm hiểu, học tập tư tưởng của Bác, lan tỏa hành động thiết thực về công tác ”Đền ơn đáp nghĩa”.
Tọa đàm khoa học này là hoạt động ý nghĩa, thể hiện tinh thần phối hợp hiệu quả giữa Liên chi đoàn ba đơn vị trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố lý tưởng cách mạng và hun đúc ý chí phấn đấu vươn lên của thanh niên trong thời đại mới. Đây không chỉ là dịp để đoàn viên thanh niên được trang bị thêm kiến thức lý luận về tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn là cơ hội để thế hệ trẻ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ đi trước, những người đã hy sinh vì độc lập và tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Thay mặt đơn vị đăng cai, Ban Chấp hành Chi đoàn Viện Sử học trân trọng gửi lời cảm ơn tới Chi ủy, Lãnh đạo ba đơn vị và Đoàn Viện Hàn lâm đã quan tâm, chỉ đạo sát sao; cảm ơn các báo cáo viên TS. Ngô Hoàng Nam, ThS. Nguyễn Thanh Tùng đã mang đến những nội dung khoa học giá trị và đồng hành nhiệt tình của các quý vị đại biểu, các đoàn viên thanh niên.
Khép lại buổi Tọa đàm, những giá tri tư tưởng sâu sắc cùng tinh thần nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa được lan tỏa, khơi dậy trong mỗi đoàn viên niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm của tuổi trẻ. Đoàn Viện Hàn lâm hy vọng sẽ tiếp tục duy trì và tổ chức nhiều hoạt động "hướng về cơ sở", mang tính giáo dục chính trị - tư tưởng sâu sắc, góp phần bồi dưỡng thế hệ trẻ vững vàng về nhận thức, hành động theo gương Bác Hồ vĩ đại, xứng đáng với truyền thống của dân tộc Việt Nam./.
Các đại biểu khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng các đoàn viên thanh niên tham dự Tọa đàm