Hội thảo khoa học “Nghiên cứu của thanh niên về quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc – ASEAN trong bối cảnh đại dịch Covid và gợi mở chính sách đối với Việt Nam”

17:00 09/11/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sáng ngày 10/11/2022, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, ĐoànTNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Đoàn Viện Hàn lâm) tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu của thanh niên về quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc – ASEAN trong bối cảnh đại dịch Covid và gợi mở chính sách đối với Việt Nam”

 

Phó Bí thư: TS. Trần Đình Hưng và TS. Đoàn Thị Thu Hương chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Ban chấp hành Đoàn Viện Hàn lâm có các Phó Bí thư: TS. Trần Đình Hưng và TS. Đoàn Thị Thu Hương; Về phía đại diện Chi ủy và Lãnh đạo các đơn vị có TS. Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; Về phía khách mời có đồng chí Hoàng Trần Phương, Phó Bí thư Đoàn Bộ Công thương, TS. Trần Thu Minh, Trường Đại học Ngoại thương cùng toàn thể đại diện đoàn viên thanh niên các viện nghiên cứu khối quốc tế Viện Hàn lâm.

 

TS. Đoàn Thị Thu Hương, Phó Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm

 phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đoàn Thị Thu Hương, Phó Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, quan hệ Ấn Độ - ASEAN – Trung Quốc đã trải qua những thăng trầm nhất định nhưng hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhất hiện nay. Mặc dù sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua đã và đang gây nên sự suy giảm tăng trưởng, gián đoạn hoạt động du lịch, đứt gãy các chuỗi cung ứng cho các quốc gia… đã đặt ra nhiều thách thức trong đó có quan hệ đối ngoại, xong ngay trong khi dịch bệnh đang hoành hành thì hoạt động động đối ngoại Ấn Độ - ASEAN – Trung Quốc vẫn diễn ra một cách mạnh mẽ và liên tục, điều này càng khẳng định tính bền vững và chiều sâu của mốt quan hệ hợp tác này. Tuy nhiên, để hợp tác Ấn Độ - ASEAN – Trung Quốc đi vào thực chất hơn nữa, vượt qua được những chướng ngại và vật cản do bối cảnh quốc tế và do nội bộ ba đối tác mang lại, TS. Đoàn Thị Thu Hương khẳng định, cần có sự phân tích thấu đáo để đưa ra những đề xuất phù hợp cho quá trình hoạch định chính sách của mỗi nước. Là một trong những quốc gia phát triển năng động nhất của ASEAN, đồng thời là cửa ngõ ra vào khu vực Đông Nam Á, Việt Nam không thể không đón đầu những cơ hội và thách thức ấy.

Để có những đánh giá và phân tích sâu về mối quan hệ này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 từ đó đề xuất những gợi mở chính sách cho Việt Nam, TS. Đoàn Thị Thu Hương mong muốn Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về một số vấn đề chính sau: (i) Sự triển khai chính sách đối ngoại của Ấn Độ và Trung Quốc với ASEAN trước và sau đại dịch có điểm gì khác biệt và ảnh hưởng của của các chính sách này tới quan hệ của ASEAN với hai đối tác này; (ii) Cơ hội và thách thức đặt ra cho quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc – ASEAN trong bối cảnh hậu đại dịch và đâu là cơ hội và thách thức của Việt Nam trong tam giác quan hệ này; (iii) Có hay không sự cạnh tranh Ấn – Trung trong tranh giành ảnh hưởng với ASEAN.

TS. Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu Ấn Độ

và Tây Nam Á phát biểu tại Hội thảo

 Tiếp lời TS. Đoàn Thị Thu Hương, TS. Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đanh giá, chủ đề Hội thảo này rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay bởi lẽ quan hệ Trung Quốc và ASEAN là quan hệ đối tác chiến lược; sự trỗi dậy của Trung Quốc tác động đến ASEAN và thế giới; năm 2022 là kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại Ấn Độ - ASEAN và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược… Đây là cơ hội trải nghiệm tốt cho các đoàn viên thanh niên tham gia nghiên cứu, thảo luận, là nơi để các cán bộ nghiên cứu trẻ học hỏi kinh nghiệm từ những diễn giả có kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng thuyết trình để từ đó tạo nền tảng vững chắc cho những nghiên cứu tiếp theo.

PGS.TS. Dương Văn Huy trình bày tham luận tại Hội thảo

Hội thảo diễn ra theo 2 phiên với 5 bài tham luận được trình bày với các nội dung sau: “Nhìn lại quan hệ ASEAN – Trung Quốc thời kỳ đại dịch Covid-19 và xu hướng trong thời gian tới” do PGS.TS. Dương Văn Huy, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á trình bày; “Một số tác động từ chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đối với Việt Nam” do TS. Trần Thu Minh, Trường Đại học Ngoại thương trình bày; “Những xu hướng chính trong quan hệ Ấn Độ - ASEAN – Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 và hàm ý chính sách cho Việt Nam” do ThS. Phạm Hồng Tiến, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới trình bày; “Kinh nghiệm phát triền thị trường trái phiếu xanh tại Ấn Độ và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam” do ThS. Cao Thị Thanh Nga, Viện Địa lý nhân văn trình bày; “Hợp tác Ấn Độ - ASEAN trong đại dịch Covid-19 và cơ hội hợp tác Việt Nam - Ấn Độ” do ThS. Trần Ngọc Diễm và ThS. Nguyễn Thu Trang, viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á trình bày.

 

ThS. Phạm Hồng Tiến trình bày tham luận tại Hội thảo

Qua các báo cáo cho thấy, Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng nhất của ASEAN, là cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực cả về chính trị, chiến lược và kinh tế, chính vì ảnh hưởng của khu vực ngày càng tăng và chiếm ưu thế của Trung Quốc nên ASEAN đã phải thận trọng trong việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc.

Trong bối cảnh cả thế giới chịu tác động của thảm họa từ đại dịch song điều này không thể làm gián đoạn sự phát triển trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, chính phủ Trung Quốc luôn kiên trì chính sách Zero-Covid, bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực thì chính sách này đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc giảm thiểu số lượng người bị mắc và tử vong vì Covid. Một số tác động  của chính sách này đối với Việt Nam được thể hiện rõ nhất trong trong lĩnh vực kinh tế, du lịch, giao lưu nhân dân và chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây sẽ là những cơ sở thực tế để các bộ ngành liên quan của Việt Nam từng bước đưa ra các đối sách phù hợp, nhằm giảm thiểu tác động của những chính sách nội bộ của nước láng giềng đối với sự vận hành hiệu quả của các lĩnh vực tương ứng tại Việt Nam.

Cũng trong buổi Hội thảo này, các đại biểu hiểu rõ hơn về trái phiếu xanh. Việc phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng toàn cầu với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)… được xem là kênh huy động vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng bền vững. Với Ấn Độ, đây là công cụ huy động vốn quan trọng cho các dự án liên quan đến môi trường tại, đồng thời là 1 trong 10 quốc gia phát hành trái phiếu xanh lớn nhất thế giới, trong khi đó Việt Nam còn khá chậm trong việc thúc đẩy phát hành trái phiếu này. Do đó Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ Ấn Độ về phát hành trái phiếu xanh đối với các dự án về môi trường và phát triển bền vững…

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Sau khi nghe các diễn giả trình bày, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, tập trung vào một số vấn đề: (i) Ảnh hưởng của cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc tới quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ và tác động tới Việt Nam; (ii) Ứng xử của Việt Nam và những vấn đề cần lưu ý trước việc Trung Quốc kêu gọi xây dựng cộng đồng chung vận mệnh toàn nhân loại; (iii) Lộ trình Zero Covid sau đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc; (iv) Chính sách Zero Covid của Trung Quốc và việc đứt gãy chuỗi cung ứng với các đối tác khu vực và thế giới;

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, TS. Trần Đình Hưng, Phó Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm cảm ơn các diễn giả và các đại biểu đã có những đóng góp và chia sẻ quan điểm rất sôi nổi về mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ và ASEAN, trong đó tập trung vào vài trò của Trung Quốc cũng như những ảnh hưởng của các mối quan hệ này tới thế giới và hàm ý chính sách cho Việt Nam. TS. Trần Đình Hưng hy vọng trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu, các diễn giả và đặc biệt là của lãnh đạo các đơn vị dành cho các hoạt động của Đoàn Viện Hàn lâm./.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Nguyễn Minh Hồng

 

In trang Chia sẻ

Tin khác